Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hợp nhất trong sự thờ phượng thời nay—Điều đó có nghĩa gì?

Hợp nhất trong sự thờ phượng thời nay—Điều đó có nghĩa gì?

Chương 1

Hợp nhất trong sự thờ phượng thời nay—Điều đó có nghĩa gì?

1, 2. (a) Phong trào hào hứng nào đang diễn ra trong thời chúng ta? (b) Người có lòng thành thật đang nuôi hy vọng tuyệt diệu nào?

TRÊN khắp đất hiện có một phong trào hào hứng hướng tới sự thờ phượng hợp nhất, kết hợp hàng triệu người thuộc mọi quốc gia, mọi chi phái và mọi ngôn ngữ. Mỗi năm có nhiều người hơn nhóm lại. Kinh Thánh nhận diện những người này là “kẻ làm chứng” cho Đức Giê-hô-va và gọi họ là đám đông “vô-số người”. Họ “ngày đêm hầu việc” Đức Chúa Trời. (Ê-sai 43:10-12; Khải-huyền 7:9-15). Tại sao họ làm điều này? Bởi vì họ biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một và thật. Sự hiểu biết này thúc đẩy họ sẵn sàng sống phù hợp với những đường lối công bình của Ngài. Họ cũng học biết rằng chúng ta đang sống trong những “ngày sau-rốt” của thế gian hung ác này, và chẳng bao lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt và thay thế bằng thế giới mới của Ngài giống như địa đàng trước đây.—2 Ti-mô-thê 3:1-5, 13; 2 Phi-e-rơ 3:10-13.

2 Lời Đức Chúa Trời hứa: “Một chút nữa kẻ ác không còn... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. (Thi-thiên 37:10, 11) “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. (Thi-thiên 37:29) “[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa. Vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Khải-huyền 21:4.

3. Làm thế nào đạt được sự hợp nhất thật trong sự thờ phượng?

3 Những người hiện đang hợp nhất trong sự thờ phượng thật cấu thành cư dân đầu tiên của thế giới mới đó. Họ học biết ý định của Đức Chúa Trời là gì và đang làm theo với hết khả năng của họ. Để chỉ rõ tầm quan trọng của việc này, Chúa Giê-su nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Sứ đồ Giăng viết: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 Giăng 2:17.

Điều đó thật sự có nghĩa gì?

4. (a) Việc nhiều người được thu nhóm trong sự thờ phượng hợp nhất vào thời chúng ta thật sự có ý nghĩa gì? (b) Kinh Thánh miêu tả sự thu nhóm này như thế nào?

4 Việc thu nhóm nhiều người như thế trong sự thờ phượng hợp nhất vào thời chúng ta thật sự có ý nghĩa gì? Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự kết liễu của thế gian hung ác này đã gần kề, nhường chỗ cho thế giới mới của Đức Chúa Trời bắt đầu ngay sau đó. Chúng ta tận mắt chứng kiến việc ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh báo trước về sự thu nhóm quan trọng này. Một trong những lời tiên tri đó nói: “Xảy ra trong những ngày sau-rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va [sự thờ phượng thật cao quý] sẽ lập lên trên chót các núi [cao hơn bất cứ sự thờ phượng nào khác]... Các dân sẽ chảy về đó; và nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giê-hô-va, nơi nhà của Đức Chúa Trời Gia-cốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài”.—Mi-chê 4:1, 2; Thi-thiên 37:34.

5, 6. (a) Làm thế nào có thể nói rằng các nước đang quay về với Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta nên tự đặt những câu hỏi nào?

5 Dù toàn bộ các nước không đến trình diện tại nhà thờ phượng thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, nhưng hàng triệu người từ các nước đang làm như thế. Khi họ học biết ý định đầy yêu thương và cá tính hấp dẫn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, lòng họ cảm kích sâu đậm. Họ khiêm nhường tìm kiếm những gì mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi họ. Họ cầu nguyện giống như người viết Thi-thiên đã nói: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi”.—Thi-thiên 143:10.

6 Bạn có thấy mình ở giữa đám đông những người được Đức Giê-hô-va tập hợp lại trong sự thờ phượng hợp nhất không? Thái độ của bạn đối với Lời Ngài có chứng tỏ bạn thật sự hiểu Ngài là Nguồn dạy dỗ mà bạn nhận được không? Bạn đang “đi trong các nẻo Ngài” tới mức nào?

Đạt đến sự hợp nhất như thế nào?

7. (a) Sau cùng sự thờ phượng hợp nhất sẽ được thực hiện tới mức độ nào? (b) Tại sao bây giờ cần cấp bách trở nên một người thờ phượng Đức Giê-hô-va, và chúng ta có thể làm gì để giúp người khác cũng làm như thế?

7 Ý định của Đức Giê-hô-va là tất cả những tạo vật thông minh được hợp nhất trong sự thờ phượng thật. Chúng ta mong mỏi biết bao ngày mà tất cả những người đang sống sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật! (Thi-thiên 103:19-22) Nhưng trước khi việc đó có thể xảy ra, Đức Giê-hô-va phải loại trừ tất cả những kẻ từ chối làm theo ý muốn công bình của Ngài. Với lòng thương xót, Ngài báo trước điều Ngài sẽ làm và nhờ thế khắp nơi người ta có cơ hội để thay đổi lối sống. (Ê-sai 55:6, 7) Vì vậy, ngày nay lời kêu gọi cấp bách này đang được loan ra trong “mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến, hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước”. (Khải-huyền 14:6, 7) Bạn đã nhận lời mời này chưa? Nếu có, bây giờ bạn có đặc ân mời người khác tìm hiểu và thờ phượng Đức Chúa Trời thật.

8. Sau khi học biết những dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh, chúng ta nên nghiêm chỉnh cố gắng làm gì để tiến bộ hơn?

8 Đức Giê-hô-va không có ý định để những kẻ nói tin nơi Ngài nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi quyền lợi cá nhân thờ phượng Ngài. Ngài muốn người ta đạt đến “sự hiểu-biết [“chính xác”, NW] về ý-muốn của Ngài” và biểu lộ điều đó trong đời sống họ. (Cô-lô-se 1:9, 10) Vì vậy, những người có lòng biết ơn học biết những dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh muốn tiến tới sự thành thục của người tín đồ Đấng Christ. Họ muốn biết sâu xa hơn về Đức Giê-hô-va, mở rộng và đào sâu sự hiểu biết về Lời Ngài và áp dụng Kinh Thánh một cách trọn vẹn hơn trong đời sống. Họ tìm cách phản ánh những đức tính của Cha ở trên trời và suy xét những vấn đề giống như Ngài. Điều này thúc đẩy họ tìm kiếm những cách để tham gia vào công việc cứu người mà Ngài đang cho thực hiện trên đất ngày nay. Có phải đó cũng là ước muốn của bạn không?—Mác 13:10; Hê-bơ-rơ 5:12–6:3.

9. Sự hợp nhất thật có thể có được ngày nay bằng những cách nào?

9 Kinh Thánh cho thấy rằng những người phụng sự Đức Giê-hô-va phải là một dân hợp nhất. (Ê-phê-sô 4:1-3) Ngày nay chúng ta phải có sự hợp nhất này dù đang sống trong một thế gian chia rẽ và chúng ta còn phải phấn đấu với những bất toàn của chính mình. Chúa Giê-su đã chân thành cầu nguyện cho tất cả các môn đồ của ngài hiệp làm một, vui hưởng sự hợp nhất thật sự. Điều này có nghĩa gì? Trước tiên, họ phải có mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va và Con Ngài. Thứ nhì, họ phải hợp nhất với nhau. (Giăng 17:20, 21) Để đạt mục đích ấy, hội thánh tín đồ Đấng Christ là tổ chức qua đó Đức Giê-hô-va dùng để dạy dỗ dân của Ngài.

Những yếu tố nào góp phần vào sự hợp nhất?

10. (a) Chúng ta phát triển được những đức tính gì khi dùng Kinh Thánh để suy luận tìm lời giải cho những câu hỏi ảnh hưởng đến chúng ta? (b) Hãy phân tích những yếu tố góp phần vào sự hợp nhất giữa tín đồ Đấng Christ khi trả lời những câu hỏi nêu ra ở đoạn này.

10 Bảy yếu tố trọng yếu góp phần vào sự thờ phượng hợp nhất được ghi ra bên dưới. Khi trả lời những câu hỏi sau đây, bạn hãy suy nghĩ làm thế nào mỗi yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn với Đức Giê-hô-va và với anh em tín đồ Đấng Christ. Lý luận dựa trên những điểm này và tra những câu Kinh Thánh được dẫn chứng nhưng không trích dẫn sẽ giúp bạn phát triển sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời, khả năng suy luận và sự thông sáng—những đức tính mà tất cả chúng ta đều cần. (Châm-ngôn 5:1, 2; Phi-líp 1:9-11) Hãy lần lượt xem xét từng yếu tố.

(1) Chúng ta nhìn nhận Đức Giê-hô-va có quyền đặt những tiêu chuẩn về điều thiện và điều ác. “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Tại sao chúng ta nên tìm lời khuyên và sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va khi quyết định việc gì? (Thi-thiên 146:3-5; Ê-sai 48:17)

(2) Chúng ta có Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn. “Anh em tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành-động trong anh em có lòng tin”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

Có nguy hiểm nào khi chúng ta quyết định làm điều mà chúng ta chỉ “cảm thấy” là đúng? (Châm-ngôn 14:12; Giê-rê-mi 10:23, 24; 17:9)

Nếu trong một vấn đề nào đó chúng ta không biết Kinh Thánh cho lời khuyên nào, vậy nên làm gì? (Châm-ngôn 2:3-5; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17)

(3) Tất cả chúng ta đều được hưởng cùng một chương trình dinh dưỡng thiêng liêng. “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ”. (Ê-sai 54:13) “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành, chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày [hủy diệt] ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Những ai tận dụng đầy đủ các sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc cung cấp đồ ăn thiêng liêng nhận được lợi ích nào? (Ê-sai 65:13, 14)

(4) Chúa Giê-su Christ, chứ không phải một người nào, là Đấng Lãnh Đạo chúng ta. “Các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình, vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ, vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ”.—Ma-thi-ơ 23:8-10.

Có ai trong chúng ta nghĩ rằng mình cao trọng hơn người khác không? (Rô-ma 3:23, 24; 12:3)

(5) Chúng ta trông mong nơi chính phủ của Nước Đức Chúa Trời là hy vọng duy nhất cho nhân loại. “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”.—Ma-thi-ơ 6:9, 10, 33.

Làm thế nào việc “trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời” gìn giữ chúng ta trong sự hợp nhất? (Mi-chê 4:3; 1 Giăng 3:10-12)

(6) Thánh linh giúp những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có những đức tính trọng yếu cần cho sự hợp nhất của đạo Đấng Christ. “Trái của Thánh-Linh, ấy là lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”.—Ga-la-ti 5:22, 23.

Chúng ta phải làm gì để thánh linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta sinh ra bông trái? (Công-vụ 5:32)

Việc có bông trái của thánh linh ảnh hưởng thế nào đến mối liên hệ giữa chúng ta với anh em tín đồ Đấng Christ? (Giăng 13:35; 1 Giăng 4:8, 20, 21)

(7) Tất cả những người chân thật thờ phượng Đức Chúa Trời đều tham gia rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”.—Ma-thi-ơ 24:14.

Động lực nào nên thúc đẩy chúng ta muốn tham gia trọn vẹn trong hoạt động rao giảng này? (Ma-thi-ơ 22:37-39; Rô-ma 10:10)

11. Khi chúng ta áp dụng những lẽ thật Kinh Thánh trong đời sống, kết quả là gì?

11 Hợp nhất thờ phượng Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đến gần Ngài hơn và cho chúng ta hưởng sự kết hợp đầy khích lệ với những anh em cùng đức tin. Thi-thiên 133:1 nói: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” Thật khích lệ làm sao khi từ bỏ thế gian đầy ích kỷ, vô luân và bạo lực để kết hợp với những người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va và vâng giữ luật pháp của Ngài!

Hãy tránh những ảnh hưởng gây chia rẽ

12. Tại sao chúng ta cần phải tránh tinh thần độc lập?

12 Để không làm hại sự hợp nhất quý báu toàn cầu, chúng ta phải tránh những ảnh hưởng gây chia rẽ. Một trong những ảnh hưởng này là tinh thần độc lập, tách khỏi Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta tránh tinh thần này bằng cách lột mặt nạ kẻ khởi xướng, Sa-tan Ma-quỉ. (2 Cô-rinh-tô 4:4; Khải-huyền 12:9) Sa-tan là kẻ gây ảnh hưởng trên A-đam và Ê-va để họ lờ đi những điều Đức Chúa Trời phán dạy và quyết định chống lại ý muốn của Ngài. Hậu quả là tai họa cho họ và cho chúng ta. (Sáng-thế Ký 3:1-6, 17-19) Thế gian tràn đầy tinh thần độc lập tách khỏi Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài. Thế nên bản thân chúng ta cần phải kiểm soát tinh thần này.

13. Điều gì sẽ cho thấy chúng ta đang thành thật chuẩn bị để sống trong thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời?

13 Thí dụ, hãy xem xét lời hứa hào hứng của Đức Giê-hô-va về việc Ngài thay thế thế gian hung ác hiện tại bằng trời mới và đất mới, là “nơi sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:13) Chẳng lẽ điều đó không thúc đẩy chúng ta bắt đầu chuẩn bị để sống vào thời kỳ ấy, khi mà sự công bình sẽ thắng thế hay sao? Điều này nghĩa là hãy ghi nhớ và làm theo lời khuyên thẳng thắn của Kinh Thánh: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa. Nếu ai yêu thế-gian, thì sự kính-mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy”. (1 Giăng 2:15) Bởi vậy, chúng ta tránh xa tinh thần này của thế gian—thái độ độc lập, vị kỷ thái quá, vô luân và bạo lực. Chúng ta tập thói quen lắng nghe lời Đức Giê-hô-va và hết lòng vâng theo Ngài, mặc dù khuynh hướng xác thịt bất toàn muốn làm ngược lại. Toàn bộ nếp sống của chúng ta chứng tỏ rằng tư tưởng và động lực của chúng ta hướng tới việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 40:8.

14. (a) Tại sao ngay bây giờ nắm lấy cơ hội để học biết các đường lối của Đức Giê-hô-va và làm theo trong đời sống mình là quan trọng? (b) Những câu Kinh Thánh được dẫn chứng trong đoạn này có ý nghĩa gì đối với mỗi cá nhân chúng ta?

14 Khi tới thời kỳ ấn định, Đức Giê-hô-va không trì hoãn việc hủy diệt hệ thống ác này cùng tất cả những kẻ yêu chuộng đường lối nó. Ngài sẽ không dời việc đó lại hoặc thay đổi các tiêu chuẩn của Ngài cho hợp với những người vẫn còn cố bám víu vào thế gian này hoặc miễn cưỡng học biết và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Bây giờ là lúc để hành động! (Lu-ca 13:23, 24; 17:32; 21:34-36) Do đó, thật ấm lòng làm sao khi nhìn thấy đám đông đang nắm chặt cơ hội quý báu này, tha thiết tìm kiếm sự dạy dỗ mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua Lời Ngài và tổ chức của Ngài, hợp nhất bước đi trong đường lối của Ngài dẫn đến thế giới mới! Và càng học biết thêm về Đức Giê-hô-va, chúng ta càng yêu thương và muốn phụng sự Ngài nhiều hơn.

Thảo luận để ôn lại

• Ý định của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng là gì?

• Sau khi đã học biết những dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh, chúng ta nên dốc lòng tìm cách làm gì để tiến bộ hơn nữa?

• Cá nhân chúng ta có thể làm gì để hợp nhất với những người khác cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 4]

“Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”