Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va

Ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va

Chương 20

Ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va

1. Bạn cảm thấy thế nào khi lần đầu tiên biết sắp được giải thoát khỏi những đau buồn của hệ thống cũ này?

QUA việc học Kinh Thánh, một trong những điều đầu tiên bạn biết là Đức Giê-hô-va có ý định làm cho toàn thể trái đất trở thành địa đàng. Trong thế giới mới ấy, chiến tranh, tội ác, nghèo khó, bệnh tật, đau khổ và sự chết không còn nữa. Ngay cả người chết cũng sẽ sống lại. Thật là một triển vọng tuyệt diệu! Chúng ta biết những điều đó gần đến vì được nhấn mạnh qua bằng chứng Đấng Christ hiện diện vô hình với tư cách là Vua bắt đầu cai trị kể từ năm 1914, và từ đấy chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của thế gian hung ác này. Vào lúc chấm dứt những ngày cuối cùng này, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt hệ thống mọi sự hiện nay và mở ra thế giới mới đã hứa!

2. ‘Ngày của Đức Giê-hô-va’ là gì?

2 Kinh Thánh gọi ngày hủy diệt sắp đến là ‘ngày của Đức Giê-hô-va’. (2 Phi-e-rơ 3:10) Đó là “ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” chống lại toàn thể thế gian của Sa-tan. (Sô-phô-ni 2:3) Ngày đó lên đến cao điểm trong “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng... theo tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn”, trong ngày ấy “các vua trên khắp thế-gian” đều bị diệt. (Khải-huyền 16:14, 16) Lối sống của bạn có cho thấy bạn tin chắc “ngày của Đức Giê-hô-va” gần đến không?—Sô-phô-ni 1:14-18; Giê-rê-mi 25:33.

3. (a) Khi nào ngày của Đức Giê-hô-va đến? (b) Việc Đức Giê-hô-va không tiết lộ “ngày và giờ” chứng tỏ có lợi thế nào?

3 Kinh Thánh không cho chúng ta biết chính xác ngày tháng Chúa Giê-su Christ sẽ đến với tư cách là Đấng Hành Quyết của Đức Giê-hô-va chống lại hệ thống mọi sự của Sa-tan. Chúa Giê-su phán: “Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên-sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ Cha mà thôi”. (Mác 13:32) Nếu ai không thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ có khuynh hướng coi ngày ấy không quan trọng và hướng về việc theo đuổi những mục tiêu thế tục. Nhưng những người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ hết lòng phụng sự Ngài, bất kể khi nào hệ thống gian ác này kết liễu.—Thi-thiên 37:4; 1 Giăng 5:3.

4. Chúa Giê-su đã cảnh giác chúng ta điều gì?

4 Để cảnh giác những người yêu mến Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su phán: “Hãy giữ mình, tỉnh-thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào”. (Mác 13:33-37) Ngài khuyên chúng ta chớ bận tâm quá đáng vào việc ăn uống hay “sự lo-lắng đời này” đến nỗi quên mất tính chất nghiêm trọng của thời kỳ chúng ta đang sống.—Lu-ca 21:34-36; Ma-thi-ơ 24:37-42.

5. Như sứ đồ Phi-e-rơ giải thích, ngày của Đức Giê-hô-va sẽ mang lại điều gì?

5 Tương tự, Phi-e-rơ khuyên chúng ta hãy ghi nhớ trong trí “ngày Đức Chúa Trời... là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu-tán, các thể-chất sẽ bị thiêu mà tan-chảy đi!” Tất cả các chính phủ loài người—“các từng trời”—sẽ bị hủy diệt, xã hội người ác nói chung—“đất”—và các “thể-chất” của nó, tức những tư tưởng và hoạt động của thế gian hung ác này, như thái độ độc lập tách khỏi Đức Chúa Trời và lối sống vô luân, duy vật cũng sẽ bị diệt. Tất cả sẽ được thay thế bằng “trời mới [Nước trên trời của Đức Chúa Trời] và đất mới [xã hội mới trên đất], là nơi sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:10-13) Những biến cố làm đảo lộn toàn thế giới này sẽ bắt đầu thình lình và vào thời điểm không ngờ.—Ma-thi-ơ 24:44.

Cảnh giác lưu ý đến điềm

6. (a) Lời đáp của Chúa Giê-su cho câu hỏi của các môn đồ được áp dụng tới mức độ nào trên sự kết liễu của hệ thống Do thái? (b) Phần nào trong câu trả lời của ngài tập trung sự chú ý vào các biến cố và thái độ kể từ năm 1914 trở về sau?

6 Vì cớ thời kỳ chúng ta đang sống, chúng ta nên biết rõ những chi tiết của điềm tổng hợp đánh dấu những ngày sau rốt—“sự kết liễu của hệ thống mọi sự”. Hãy ghi nhớ khi Chúa Giê-su trả lời câu hỏi của các môn đồ nơi Ma-thi-ơ 24:3 (NW), một số những điều ngài nói suốt từ câu 4 đến 22 ứng nghiệm trong phạm vi nhỏ hẹp trên hệ thống Do thái từ năm 33 đến 70 CN. Nhưng lời tiên tri ứng nghiệm rộng lớn hơn kể từ năm 1914, thời kỳ Đấng Christ ‘hiện diện và sự kết liễu của hệ thống mọi sự’. Ma-thi-ơ 24:23-28 cho biết điều gì xảy ra từ năm 70 CN đến thời kỳ Đấng Christ hiện diện. Các diễn biến được miêu tả nơi Ma-thi-ơ 24:29–25:46 xảy ra trong thời kỳ cuối cùng.

7. (a) Tại sao cá nhân chúng ta nên lưu ý đến tình trạng hiện nay ứng nghiệm điềm như thế nào? (b) Trả lời những câu hỏi cuối đoạn này, cho biết điềm đã được ứng nghiệm thế nào kể từ năm 1914.

7 Cá nhân chúng ta phải quan sát kỹ các biến cố và thái độ làm ứng nghiệm điềm. Việc liên kết các biến cố với lời tiên tri trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta ghi trong trí ngày của Đức Giê-hô-va. Điều ấy cũng giúp chúng ta nói có sức thuyết phục hơn khi cảnh báo người khác về ngày của Đức Giê-hô-va gần đến. (Ê-sai 61:1, 2) Ghi nhớ những mục tiêu này, chúng ta hãy ôn lại các câu hỏi nhấn mạnh đến các phần của điềm sau đây, theo tường thuật nơi Ma-thi-ơ 24:7 và Lu-ca 21:10, 11.

Lời tiên tri ‘dân nầy dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia’ ứng nghiệm một cách lạ thường bắt đầu vào năm 1914 như thế nào? Nói về chiến tranh, kể từ đó đến nay đã xảy ra những gì?

Năm 1918, bệnh dịch nào đã cướp mất nhiều sinh mạng hơn cả Thế Chiến I? Bất kể sự hiểu biết về y học, những dịch lệ nào vẫn còn giết hàng triệu người?

Bất kể những tiến bộ khoa học trong thế kỷ trước, tình trạng thiếu lương thực ảnh hưởng trái đất trên quy mô nào?

Điều gì thuyết phục bạn tin rằng tình trạng nơi 2 Ti-mô-thê 3:1-5, 13 mô tả, đời sống không như trước nhưng ngày càng tệ hơn khi chúng ta tiến gần đến giai đoạn cuối của những ngày sau rốt?

Chia người này với kẻ kia ra

8. (a) Chúa Giê-su liên kết biến cố nào khác, mô tả nơi Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43, với sự kết thúc của hệ thống mọi sự? (b) Minh họa của Chúa Giê-su có nghĩa gì?

8 Ngoài ra, Chúa Giê-su còn cho biết những diễn biến quan trọng khác liên kết với sự kết thúc của hệ thống mọi sự. Một trong những diễn biến này là việc chia “con-cái nước thiên-đàng” ra khỏi “con-cái quỉ dữ”. Điều này được Chúa Giê-su nói đến trong dụ ngôn về cánh đồng lúa mì bị kẻ thù gieo cỏ lùng vào. “Lúa mì” trong minh họa tượng trưng các tín đồ thật được xức dầu của Đấng Christ. “Cỏ lùng” là những kẻ xưng theo Đấng Christ nhưng họ lại tỏ ra là “con-cái quỉ-dữ” vì bám sát thế gian do Sa-tan cai trị. Những kẻ này bị tách khỏi “con-cái nước thiên-đàng” và bị ghi dấu dành cho sự hủy diệt. (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43) Điều này có thật sự xảy ra không?

9. (a) Sau Thế Chiến I, có sự phân chia quan trọng nào giữa những người xưng là tín đồ Đấng Christ? (b) Những tín đồ được xức dầu của Đấng Christ cho thấy họ là tôi tớ thật của Nước Trời như thế nào?

9 Sau Thế Chiến I, tất cả những người xưng là tín đồ Đấng Christ được phân chia thành hai hạng: (1) Hàng giáo phẩm của khối đạo xưng theo Đấng Christ và giáo dân, tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Hội Quốc Liên (nay là Liên Hiệp Quốc) trong khi vẫn triệt để trung thành với tổ quốc, và (2) tín đồ thật của Đấng Christ thời hậu chiến, hoàn toàn ủng hộ Nước Trời của Đấng Mê-si, không ủng hộ các nước thế gian này. (Giăng 17:16) Họ chứng tỏ là tôi tớ thật của Nước Trời bằng cách nhận nhiệm vụ rao giảng “tin-lành này về nước Đức Chúa Trời” trên khắp đất. (Ma-thi-ơ 24:14) Kết quả là gì?

10. Hoạt động rao giảng về Nước Trời mang lại kết quả đầu tiên nào?

10 Trước tiên, thánh linh Đức Chúa Trời nhóm hiệp những người được xức dầu còn sót lại. những người thuộc thành phần Nước Trời có hy vọng ở cùng Đấng Christ. Dù sống rải rác giữa các nước, họ được hợp nhất trong một tổ chức. Việc đóng ấn những người này gần hoàn tất.—Khải-huyền 7:3, 4.

11. (a) Công việc thu nhóm nào đang tiếp tục, và phù hợp với lời tiên tri nào? (b) Sự ứng nghiệm lời tiên tri này có nghĩa gì?

11 Tiếp đến, dưới sự chỉ đạo của Đấng Christ, việc thu nhóm “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra” được bắt đầu. Những người này hợp thành nhóm “chiên khác”, là những người sẽ sống sót “ra khỏi cơn đại-nạn” để được vào thế giới mới của Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 7:9, 14; Giăng 10:16) Công việc rao truyền Nước Đức Chúa Trời trước khi sự cuối cùng đến vẫn tiếp tục cho đến nay. Đám đông các chiên khác, giờ đây lên đến hàng triệu, trung thành giúp những người còn sót lại công khai thông báo thông điệp trọng yếu về Nước Trời. Mọi dân đều nghe thông điệp này.

Điều gì sắp xảy ra

12. Còn phải rao giảng nhiều đến chừng nào trước khi ngày của Đức Giê-hô-va đến?

12 Tất cả những điều kể trên có nghĩa là chúng ta đang ở gần sự cuối cùng của những ngày sau rốt và ngày của Đức Giê-hô-va gần kề. Nhưng có lời tiên tri nào khác còn phải được ứng nghiệm trước khi ngày lớn và kinh khiếp bắt đầu không? Có. Một là, công việc phân chia người này với kẻ khác chưa kết thúc. Tại một số khu vực, trong nhiều năm qua có sự chống đối mãnh liệt, nay số môn đồ mới gia tăng. Ngay cả nơi người ta từ chối tin mừng, lòng thương xót của Đức Giê-hô-va được biểu thị qua công việc rao giảng của chúng ta. Vậy, hãy tiếp tục công việc này! Chúa Giê-su cam đoan với chúng ta rằng khi công việc này chấm dứt, sự cuối cùng sẽ đến.

13. Như được ghi nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3, biến cố đáng chú ý nào còn phải xảy ra, và điều đó sẽ có nghĩa gì cho chúng ta?

13 Một lời tiên tri khác thật quan trọng của Kinh Thánh báo trước: “Khi người ta sẽ nói rằng: Bình-hòa và yên-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho người đàn-bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3) Phải chờ đợi mới biết được lời hô hào “bình-hòa và yên-ổn” sẽ diễn ra dưới hình thức nào. Nhưng chắc chắn lời hô hào ấy không có nghĩa là các lãnh tụ thế giới thật sự giải quyết được những vấn đề của loài người. Những ai ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va sẽ không để lời hô hào ấy đánh lừa. Họ biết rằng, liền sau đó, sự hủy diệt thình lình vụt đến.

14. Những biến cố nào sẽ xảy ra trong hoạn nạn lớn, và theo thứ tự nào?

14 Khởi đầu hoạn nạn lớn, các nhà cầm quyền sẽ quay sang nghịch cùng Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm, và sẽ tiêu diệt nó. (Ma-thi-ơ 24:21; Khải-huyền 17:15, 16) Sau đó, các nước sẽ quay lại chống những người ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va, chọc cơn thịnh nộ của Ngài giáng xuống các chính quyền và những kẻ ủng hộ họ, để rồi sau cùng chúng bị hủy diệt hoàn toàn. Đó sẽ là cao điểm Ha-ma-ghê-đôn của hoạn nạn lớn. Tiếp đến, Sa-tan và các quỉ sứ nó sẽ bị giam dưới vực sâu, không còn có thể gây ảnh hưởng trên loài người nữa. Biến cố này sẽ kết thúc ngày của Đức Giê-hô-va khi danh Ngài được tôn cao.—Ê-xê-chi-ên 38:18, 22, 23; Khải-huyền 19:11–20:3.

15. Tại sao lý luận rằng ngày của Đức Giê-hô-va hãy còn xa là thiếu khôn ngoan?

15 Sự cuối cùng của hệ thống này sẽ đến đúng kỳ hạn, theo lịch trình của Đức Chúa Trời. Ngày đó sẽ không chậm trễ. (Ha-ba-cúc 2:3) Hãy nhớ lại sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem năm 70 CN đến nhanh chóng, lúc người Do thái không ngờ tới, khi họ nghĩ rằng sự nguy hiểm đã qua. Và nói gì về xứ Ba-by-lôn xưa? Xứ đó hùng mạnh, tự tin, và kiên cố với những tường thành đồ sộ. Nhưng nó sụp đổ chỉ trong một đêm. Thế nên, cũng như vậy, sự hủy diệt thình lình sẽ giáng xuống hệ thống gian ác hiện nay. Khi điều đó xảy ra, mong sao chúng ta đang hợp nhất trong sự thờ phượng thật vì ghi nhớ trong trí ngày của Đức Giê-hô-va.

Thảo luận để ôn lại

• Tại sao ghi nhớ ngày của Đức Giê-hô-va là điều trọng yếu? Chúng ta có thể làm điều đó như thế nào?

• Việc chia người này với kẻ kia đang diễn ra ảnh hưởng thế nào đến cá nhân chúng ta?

• Trước khi ngày của Đức Giê-hô-va bắt đầu, điều gì phải xảy ra? Vậy, cá nhân chúng ta nên làm gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 180, 181]

Chẳng bao lâu nữa những ngày cuối cùng sẽ kết thúc với sự hủy diệt hệ thống của Sa-tan