Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những của-lễ hy sinh đẹp lòng Đức Chúa Trời

Những của-lễ hy sinh đẹp lòng Đức Chúa Trời

Những của-lễ hy sinh đẹp lòng Đức Chúa Trời

“Thầy tế-lễ thượng-phẩm đã được lập lên là để dâng lễ-vật và hi-sinh”.—HÊ-BƠ-RƠ 8:3.

1. Tại sao người ta cảm thấy cần đến với Đức Chúa Trời?

SỬ GIA về Kinh Thánh Alfred Edersheim viết: “Dâng của-lễ hy sinh dường như là ‘tự nhiên’ đối với con người cũng như cầu nguyện vậy. Của-lễ hy sinh cho biết chúng ta cảm thấy gì về chính mình, và cầu nguyện cho biết mình cảm thấy gì về Đức Chúa Trời. Từ khi tội lỗi vào thế gian, nó khiến người ta có cảm giác đau đớn khi phạm tội, xa cách với Đức Chúa Trời và bất lực. Người ta cần được thoát khỏi những cảm giác này. Điều dễ hiểu là khi người ta thấy mình trong tình trạng tuyệt vọng thì họ cảm thấy cần đến xin Đức Chúa Trời giúp đỡ.—Rô-ma 5:12.

2. Chúng ta thấy Kinh Thánh ghi lại những của-lễ nào lúc ban đầu được dâng lên cho Đức Chúa Trời?

2 Lần đầu tiên Kinh Thánh ghi về của-lễ dâng cho Đức Chúa Trời là khi nói về Ca-in và A-bên. Chúng ta đọc: “Cách ít lâu, Ca-in dùng thổ-sản làm của-lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó”. (Sáng-thế Ký 4:3, 4) Kế đến chúng ta thấy Nô-ê, được Đức Chúa Trời gìn giữ mạng sống qua khỏi trận Nước Lụt tiêu hủy thế hệ gian ác thời ông, đã “bày của-lễ thiêu dâng lên bàn-thờ” cho Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 8:20) Nhiều lần, Áp-ra-ham, một tôi tớ trung thành đồng thời là bạn Đức Chúa Trời, cảm kích trước những lời hứa và ân phước của Đức Chúa Trời nên đã ‘lập một bàn-thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu-khẩn danh Ngài’. (Sáng-thế Ký 12:8; 13:3, 4, 18) Sau đó, Áp-ra-ham gặp thử thách lớn nhất về đức tin khi Đức Giê-hô-va bảo ông dâng con trai Y-sác làm của-lễ thiêu. (Sáng-thế Ký 22:1-14) Dù vắn tắt, những lời tường thuật này giúp chúng ta hiểu nhiều thêm về đề tài của-lễ hy sinh, như chúng ta sẽ thấy.

3. Những của-lễ hy sinh đóng vai trò gì trong sự thờ phượng?

3 Qua những lời tường thuật ở đây và những nơi khác trong Kinh Thánh thì rõ ràng là dâng của-lễ hy sinh nào đó là một phần căn bản của sự thờ phượng từ lâu trước khi Đức Giê-hô-va cho luật pháp rõ rệt về điều này. Phù hợp với sự kiện đó, một sách định nghĩa “của-lễ hy sinh” là “một nghi lễ tôn giáo trong đó một vật được dâng cho thần thánh cốt để thiết lập, duy trì, hoặc phục hồi mối quan hệ hòa thuận giữa người và cái mà họ cho là thần thánh”. Nhưng điều này đưa ra vài câu hỏi quan trọng đáng cho chúng ta xem xét kỹ lưỡng, chẳng hạn như: Tại sao cần của-lễ trong sự thờ phượng? Những loại của-lễ nào được Đức Chúa Trời chấp nhận? Và những của-lễ ngày xưa có ý nghĩa gì cho chúng ta ngày nay?

Tại sao cần của-lễ?

4. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, hậu quả là gì?

4 A-đam đã cố tình phạm tội. Việc ông lấy trái của cây biết điều thiện và điều ác để ăn là một hành động cố tình không vâng lời. Hình phạt cho hành động không vâng lời đó là sự chết, như Đức Chúa Trời đã nói rõ: “Một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:17) A-đam và Ê-va cuối cùng gánh hậu quả của tội lỗi—họ phải chết.—Sáng-thế Ký 3:19; 5:3-5.

5. Tại sao Đức Giê-hô-va đã chủ động giúp con cháu A-đam, và Ngài làm gì cho họ?

5 Về phần con cháu A-đam thì sao? Vì tội lỗi và sự bất toàn do A-đam di truyền, họ mang mặc cảm xa cách với Đức Chúa Trời, tuyệt vọng và chết cũng như cặp vợ chồng đầu tiên vậy. (Rô-ma 5:14) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời không những công bằng và đầy quyền lực mà còn yêu thương nữa, thật vậy, yêu thương là đức tính chính của Ngài. (1 Giăng 4:8, 16) Vì vậy, Ngài chủ động hàn gắn lại hố ngăn cách. Sau khi nói rằng “tiền công của tội-lỗi là sự chết”, Kinh Thánh tiếp “nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”.—Rô-ma 6:23.

6. Ý muốn của Đức Giê-hô-va là gì về thiệt hại gây ra do tội lỗi A-đam?

6 Giê-hô-va Đức Chúa Trời cuối cùng bảo đảm sự ban cho đó bằng cách cung cấp một điều mà sẽ xóa đi hậu quả của việc A-đam phạm tội. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ ka·pharʹ mới đầu có lẽ có nghĩa là “che đi” hoặc có lẽ “xóa bỏ”, và cũng được dịch là “chuộc tội”. * Nói cách khác, Đức Giê-hô-va cung cấp phương tiện thích hợp để chuộc tội di truyền của A-đam và xóa hết sự thiệt hại hầu cho những người hội đủ điều kiện nhận sự ban cho đó có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết.—Rô-ma 8:21.

7. (a) Khi tuyên án Sa-tan, Đức Chúa Trời cho chúng ta hy vọng nào? (b) Phải trả giá nào để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết?

7 Hy vọng được giải thoát khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết được nói đến ngay sau khi cặp vợ chồng đầu tiên phạm tội. Khi tuyên án Sa-tan, được tượng trưng bởi con rắn, Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. (Sáng-thế Ký 3:15) Lời phán tiên tri này đem một tia hy vọng cho tất cả những người sẽ đặt đức tin vào lời hứa đó. Tuy nhiên, phải trả một giá cho sự giải thoát đó. Dòng dõi đã hứa không chỉ đến để tiêu diệt Sa-tan; nhưng còn phải bị cắn gót chân, tức là phải chịu chết, dù không chết vĩnh viễn.

8. (a) Ca-in đã không đẹp lòng Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Tại sao của-lễ hy sinh của A-bên được Đức Chúa Trời chấp nhận?

8 Chắc chắn A-đam và Ê-va nghĩ nhiều đến việc ai là Dòng Dõi đã hứa. Khi Ê-va sinh con đầu lòng là Ca-in, bà nói: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp-đỡ, tôi mới sanh được một người”. (Sáng-thế Ký 4:1) Có phải bà nghĩ có lẽ con trai mình sẽ trở thành Dòng Dõi không? Dù bà nghĩ vậy hay không, Ca-in, cũng như của-lễ ông, đã không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Trái lại, em Ca-in là A-bên biểu lộ đức tin nơi lời hứa Đức Chúa Trời và đã dâng những con đầu lòng của bầy súc vật để làm của-lễ hy sinh cho Đức Giê-hô-va. Chúng ta đọc: “Bởi đức-tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế-lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công-bình”.—Hê-bơ-rơ 11:4.

9. (a) A-bên đặt đức tin vào điều gì, và ông biểu lộ như thế nào? (b) Của-lễ của A-bên thực hiện được điều gì?

9 A-bên không phải chỉ tin là có một Đức Chúa Trời, vì Ca-in hẳn là cũng tin như vậy. A-bên có đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về Dòng Dõi mà sẽ đem lại sự cứu rỗi cho những người trung thành. A-bên không được cho biết điều đó sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng lời hứa của Đức Chúa Trời làm cho A-bên ý thức rằng một người nào đó phải bị cắn gót chân. Đúng vậy, ông hẳn đã kết luận rằng phải đổ huyết—đây chính là khái niệm về của-lễ hy sinh. A-bên dâng món quà quan hệ đến sự sống và huyết cho Nguồn sự sống, cũng như là dấu hiệu cho thấy lòng tha thiết mong mỏi và đợi chờ lời hứa Đức Giê-hô-va được thành sự thật. Sự biểu lộ đức tin này làm cho Đức Giê-hô-va hài lòng với của-lễ hy sinh của A-bên, và trong một cách giới hạn, nó biểu lộ thực chất của của-lễ hy sinh—một phương tiện nhờ đó con người tội lỗi có thể đến gần Đức Chúa Trời để được ân huệ của Ngài.—Sáng-thế Ký 4:4; Hê-bơ-rơ 11:1, 6.

10. Việc Đức Giê-hô-va phán bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác nêu rõ ý nghĩa của của-lễ hy sinh như thế nào?

10 Ý nghĩa sâu sắc của của-lễ hy sinh được thể hiện sống động khi Đức Giê-hô-va phán bảo Áp-ra-ham dâng con Y-sác để làm của-lễ thiêu. Mặc dù sự hy sinh đó không được thực hiện theo nghĩa đen, nó tượng trưng cho điều mà chính Đức Giê-hô-va cuối cùng sẽ làm—ban Con độc sanh Ngài làm của-lễ hy sinh lớn nhất xưa nay hầu hoàn thành ý muốn Ngài đối với nhân loại. (Giăng 3:16) Qua những hy sinh và của-lễ trong Luật Pháp Môi-se, Đức Giê-hô-va đã đặt những mẫu mực tiên tri để dạy dân được chọn của Ngài những điều họ phải làm để nhận được sự tha tội và củng cố hy vọng cứu rỗi của họ. Chúng ta rút tỉa được gì qua những điều này?

Những của-lễ được Đức Giê-hô-va chấp nhận

11. Thầy tế lễ thượng phẩm Y-sơ-ra-ên dâng hai loại của-lễ nào, và mục đích để làm gì?

11 Sứ đồ Phao-lô nói: “Thầy tế-lễ thượng-phẩm đã được lập lên là để dâng lễ-vật và hi-sinh”. (Hê-bơ-rơ 8:3) Hãy chú ý rằng Phao-lô chia của-lễ dâng bởi thầy tế lễ thượng phẩm Y-sơ-ra-ên xưa ra làm hai loại, tức là “lễ-vật” và “hi-sinh”, hoặc “hi-sinh vì tội-lỗi”. (Hê-bơ-rơ 5:1) Người ta thường cho lễ vật hay tặng quà để tỏ lòng trìu mến và biết ơn, cũng như vun trồng tình bạn, ân huệ, hoặc sự chấp nhận. (Sáng-thế Ký 32:20; Châm-ngôn 18:16) Tương tự như thế, nhiều sự dâng hiến mà Luật Pháp quy định có thể được xem là “lễ-vật” dâng cho Đức Chúa Trời để cầu Ngài chấp nhận và ban ân huệ. * Việc phạm Luật Pháp đòi hỏi sự bồi thường, và để làm hòa, người ta phải dâng những “hi-sinh vì tội-lỗi”. Ngũ Thư, đặc biệt những sách Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, và Dân-số Ký, cho chúng ta biết nhiều về những loại hy sinh và của-lễ khác nhau. Dù chúng ta có thể thấy thật khó hấp thụ và nhớ mọi chi tiết, các loại hy sinh khác nhau đó có một số điểm chính rất đáng cho chúng ta chú ý.

12. Chúng ta có thể tìm đâu trong Kinh Thánh tóm tắt về các của-lễ?

12 Chúng ta có thể chú ý rằng trong Lê-vi Ký chương 1 đến 7 nói đến năm loại của-lễ chính: của-lễ thiêu, của-lễ chay, của-lễ thù ân, của-lễ chuộc tội và của-lễ chuộc sự mắc lỗi. Mỗi của-lễ được miêu tả riêng, dù một vài của-lễ thật sự được dâng chung với nhau. Chúng ta cũng chú ý là những của-lễ này được miêu tả hai lần trong những chương này, với những mục tiêu khác nhau: một lần, nơi Lê-vi Ký 1:2 đến 6:7, nói chi tiết về những gì được dâng lên bàn thờ, và lần thứ hai, nơi Lê-vi Ký 6:8 đến 7:36, cho biết phần dành riêng cho các thầy tế lễ và phần dành cho người dâng. Rồi trong Dân-số Ký chương 28 và 29, chúng ta thấy cái có thể được xem là thời khóa biểu chi tiết, cho biết những của-lễ nào được dâng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, và tại các lễ hàng năm.

13. Hãy miêu tả những của-lễ tự ý dâng hiến như lễ vật cho Đức Chúa Trời.

13 Trong vòng những của-lễ tự ý dâng hiến như lễ vật hoặc để đến gần Đức Chúa Trời hầu được Ngài ban ân huệ là của-lễ thiêu, của-lễ chay và của-lễ thù ân. Một số học giả nghĩ rằng từ “của-lễ thiêu” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “của-lễ bốc lên”. Điều này thích hợp vì khi dâng của-lễ thiêu, con vật bị giết đem thiêu trên bàn thờ và mùi thơm bốc lên trên trời tới Đức Chúa Trời. Đặc điểm nổi bật của của-lễ thiêu là sau khi vẩy huyết nó xung quanh bàn thờ, cả con vật được dâng trọn cho Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ “đem hết mọi phần xông nơi bàn-thờ; ấy là của-lễ thiêu, tức một của-lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va”.—Lê-vi Ký 1:3, 4, 9; Sáng-thế Ký 8:21.

14. Của-lễ chay được dâng như thế nào?

14 Của-lễ chay được miêu tả trong Lê-vi Ký chương 2. Đây là một của-lễ tự ý gồm có bột mịn, thường thấm với dầu, có cho thêm nhũ hương. “Thầy tế-lễ sẽ lấy một nắm bột lọc chế dầu và hết thảy nhũ-hương, đem xông làm kỷ-niệm trên bàn-thờ; ấy là một của-lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va”. (Lê-vi Ký 2:2) Nhũ hương là một thành phần trong các hương liệu thánh được xông trên bàn thờ trong đền tạm và đền thờ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:34-36) Vua Đa-vít chắc hẳn đã nghĩ đến điều này khi nói: “Nguyện lời cầu-nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương, nguyện sự giơ tay tôi lên được giống như của-lễ buổi chiều!”—Thi-thiên 141:2.

15. Của-lễ thù ân có mục đích nào?

15 Một của-lễ tự ý khác là của-lễ thù ân được miêu tả trong Lê-vi Ký chương 3. Từ này cũng có thể được dịch là “một của-lễ hòa bình”. Trong tiếng Hê-bơ-rơ chữ “hòa bình” không phải chỉ có nghĩa là khỏi chiến tranh hoặc xáo trộn. “Trong Kinh Thánh, chữ này có nghĩa như thế, và nó cũng nói đến tình trạng hoặc mối quan hệ hòa bình với Đức Chúa Trời, sự thịnh vượng, vui mừng và hạnh phúc”, theo sách Studies in the Mosaic Institutions. Vì vậy, của-lễ thù ân được dâng lên, không phải để có hòa bình với Đức Chúa Trời, như thể là để làm vừa lòng Ngài, nhưng để nói lên lòng biết ơn hoặc để ăn mừng tình trạng hòa bình với Đức Chúa Trời mà những người được Ngài chấp nhận được hưởng. Thầy tế lễ và người dâng đều ăn của-lễ sau khi huyết và mỡ được dâng lên cho Đức Giê-hô-va. (Lê-vi Ký 3:17; 7:16-21; 19:5-8) Nói cách tượng trưng, người dâng, thầy tế lễ và Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng ăn chung một bữa, tiêu biểu cho mối quan hệ hòa bình mà họ có.

16. (a) Mục đích của của-lễ chuộc tội và của-lễ chuộc sự mắc lỗi là gì? (b) Những của-lễ đó khác với của-lễ thiêu như thế nào?

16 Những của-lễ hy sinh được dâng để tìm kiếm sự tha thứ tội lỗi hoặc chuộc những tội phạm nghịch lại Luật Pháp gồm có của-lễ chuộc tội và của-lễ chuộc sự mắc lỗi. Mặc dầu những của-lễ này cũng liên hệ đến việc thiêu trên bàn thờ, nhưng lại khác với của-lễ thiêu qua cách là không dâng hết cả con vật cho Đức Chúa Trời, chỉ có mỡ và một phần nào đó. Phần còn lại của con vật phải phế thải ngoài trại quân hoặc là trong vài trường hợp các thầy tế lễ sẽ ăn. Sự phân biệt này có ý nghĩa. Của-lễ thiêu được dâng như là lễ vật cho Đức Chúa Trời để được đến gần Ngài, vì vậy nó được dâng trọn cho Đức Chúa Trời. Điều đáng chú ý là của-lễ chuộc tội hoặc của-lễ chuộc sự mắc lỗi được dâng trước của-lễ thiêu, điều này cho thấy rằng để Đức Chúa Trời chấp nhận lễ vật của người phạm tội thì cần phải có sự tha thứ tội lỗi.—Lê-vi Ký 8:14, 18; 9:2, 3; 16:3, 5.

17, 18. Của-lễ chuộc tội và của-lễ chuộc sự mắc lỗi có mục đích gì?

17 Của-lễ chuộc tội chỉ được chấp nhận khi một người vô tình phạm tội nghịch cùng Luật Pháp, tội lỗi đã phạm bởi vì sự yếu đuối thể xác. “Khi nào ai lầm-lỡ mà phạm một trong các điều-răn của Đức Giê-hô-va, và làm điều chẳng nên làm”, thì người phạm tội phải dâng của-lễ chuộc tội tùy theo địa vị của mình trong cộng đồng. (Lê-vi Ký 4:2, 3, 22, 27) Mặt khác, người phạm tội không ăn năn sẽ bị xử tử; không có của-lễ nào có thể giúp họ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12-15; Lê-vi Ký 17:10; 20:2, 6, 10; Dân-số Ký 15:30; Hê-bơ-rơ 2:2.

18 Ý nghĩa và mục đích của của-lễ chuộc sự mắc lỗi được nói rõ trong Lê-vi Ký chương 5 và 6. Một người có thể vô tình phạm tội. Nhưng tội của người có thể phạm đến quyền của người đồng loại hoặc Giê-hô-va Đức Chúa Trời và điều sai trái đó phải được sửa lại hoặc chỉnh đốn. Nơi đây đề cập đến nhiều loại tội lỗi. Một số là những tội riêng (5:2-6), một số tội phạm đến “vật thánh của Đức Giê-hô-va” (5:14-16), còn một số, dù không phải hoàn toàn vô ý, là tội xuất phát từ những ham muốn sai trái hoặc nhược điểm của thể xác (6:1-3). Ngoài việc thú tội, người phạm tội còn phải đền bù thiệt hại và rồi phải dâng của-lễ chuộc sự mắc lỗi cho Đức Giê-hô-va.—Lê-vi Ký 6:4-7.

Điều tốt hơn sẽ đến

19. Dù có Luật Pháp và những của-lễ hy sinh, tại sao dân Y-sơ-ra-ên không làm hài lòng Đức Chúa Trời?

19 Luật Pháp Môi-se, với nhiều của-lễ hy sinh, đã được ban cho dân Y-sơ-ra-ên giúp họ có thể đến gần Đức Chúa Trời để làm vui lòng Ngài và giữ được ân phước của Ngài cho tới khi Dòng Dõi đã hứa sẽ đến. Sứ đồ Phao-lô, một người gốc Do Thái, đã nói như vầy: “Luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức-tin mà được xưng công-bình”. (Ga-la-ti 3:24) Điều đáng buồn là dân Y-sơ-ra-ên nói chung đã không đáp ứng lại sự dạy dỗ mà lạm dụng đặc ân đó. Hậu quả là những của-lễ hy sinh của họ trở thành gớm ghê đối với Đức Giê-hô-va. Ngài nói: “Ta đã chán-chê của-lễ thiêu bằng chiên đực và mỡ của bò con mập. Ta chẳng đẹp lòng về huyết của bò đực, chiên con và dê đực đâu”.—Ê-sai 1:11.

20. Vào năm 70 CN, điều gì xảy ra cho Luật Pháp và những của-lễ hy sinh?

20 Vào năm 70 CN, hệ thống mọi sự Do Thái, với đền thờ và chức tế lễ, bị kết liễu. Sau đó, những của-lễ hy sinh theo đòi hỏi của Luật Pháp đã không thể dâng được nữa. Phải chăng điều này có nghĩa là những của-lễ hy sinh, phần không thể thiếu của Luật Pháp, đã mất mọi ý nghĩa đối với các người thờ phượng Đức Chúa Trời ngày nay? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài tới.

[Chú thích]

^ đ. 6 Sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh) do Hội Tháp Canh xuất bản, giải thích: “Như được dùng trong Kinh Thánh, ‘chuộc tội’ có ý tưởng căn bản là ‘che đi’ hoặc ‘đánh đổi’ và điều mà được dùng để đổi, hoặc để ‘che’, phải giống y như cái trước... Muốn chuộc đầy đủ những gì A-đam đã đánh mất, thì phải cần có một mạng người hoàn toàn có giá trị tương đương để chuộc tội”.

^ đ. 11 Chữ Hê-bơ-rơ qor·banʹ thường được dịch ra là “của-lễ”. Khi viết về việc Chúa Giê-su lên án sự thực hành vô lương tâm của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, Mác giải thích “co-ban” nghĩa là “sự dâng cho Đức Chúa Trời”.—Mác 7:11.

Bạn có thể giải thích không?

• Điều gì thúc đẩy những người trung thành ngày xưa dâng của-lễ hy sinh cho Đức Giê-hô-va?

• Tại sao ngày xưa cần có của-lễ hy sinh?

• Dưới Luật Pháp, những loại của-lễ chính nào đã được dâng, và mục đích của chúng là gì?

• Theo Phao-lô, Luật Pháp và những của-lễ hy sinh có mục đích chính nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 14]

Của-lễ hy sinh của A-bên đã đẹp lòng Đức Giê-hô-va bởi vì nó cho thấy đức tin của ông nơi lời hứa Ngài

[Hình nơi trang 15]

Bạn có hiểu ý nghĩa của cảnh này không?