Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giữ niềm “hy vọng cứu rỗi” sáng rực!

Giữ niềm “hy vọng cứu rỗi” sáng rực!

Giữ niềm “hy vọng cứu rỗi” sáng rực!

“Đội mão bằng hy vọng cứu rỗi”.—1 TÊ-SA-LÔ-NI-CA 5:8, BẢN DỊCH MỚI.

1. Làm sao “hy vọng cứu rỗi” giúp chúng ta chịu đựng?

HY VỌNG được cứu có thể giúp một người chịu đựng ngay cả những hoàn cảnh thảm khốc nhất. Một nạn nhân của chiếc thuyền đắm trôi nổi trên bè có thể chịu đựng được lâu hơn nhiều nếu biết rằng sắp có người đến cứu. Tương tự như vậy, qua hàng ngàn năm, niềm hy vọng nơi “sự giải-cứu Đức Giê-hô-va” đã giúp nhiều người có đức tin vượt qua những lúc khó khăn, và hy vọng này không bao giờ làm chúng ta thất vọng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13; Thi-thiên 3:8; Rô-ma 5:5, NW; 9:33, NW) Sứ đồ Phao-lô ví “hy vọng cứu rỗi” như “mão trụ” của bộ áo giáp thiêng liêng của người tín đồ Đấng Christ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8, Bản Dịch Mới; Ê-phê-sô 6:17) Đúng vậy, niềm tin về việc Đức Chúa Trời sẽ cứu chúng ta che chở khả năng suy nghĩ, giúp chúng ta tỉnh thức bất chấp nghịch cảnh, bắt bớ và cám dỗ.

2. Qua những cách nào “hy vọng cứu rỗi” là căn bản cho sự thờ phượng thật?

2 Cuốn The International Standard Bible Encyclopedia nói: “Hy vọng về tương lai không phải là đặc tính của thế gian ngoại giáo”, tức là thế gian xung quanh những tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất. (Ê-phê-sô 2:12; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13) Nhưng “hy vọng cứu rỗi” là yếu tố căn bản của sự thờ phượng thật. Nói như thế có nghĩa gì? Trước hết, sự cứu rỗi của tôi tớ Đức Giê-hô-va có liên hệ đến chính danh Ngài. Người viết Thi-thiên A-sáp cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi chúng tôi, vì vinh-hiển của danh Chúa, xin hãy giúp-đỡ chúng tôi... Xin hãy giải-cứu chúng tôi”. (Thi-thiên 79:9; Ê-xê-chi-ên 20:9) Hơn nữa, muốn có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va thì chúng ta phải tin tưởng nơi những ân phước mà Ngài đã hứa. Phao-lô nói về điều đó như sau: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Thêm vào đó, Phao-lô giải thích rằng lý do chủ yếu mà Chúa Giê-su đến trái đất là để cứu rỗi những người biết ăn năn. Ông tuyên bố: “Đức Chúa Jêsus-Christ đã đến trong thế-gian để cứu-vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc-chắn, đáng đem lòng tin trọn-vẹn mà nhận lấy”. (1 Ti-mô-thê 1:15) Và sứ đồ Phi-e-rơ nói sự cứu rỗi là ‘phần thưởng về đức-tin của chúng ta’. (1 Phi-e-rơ 1:9) Rõ ràng, nuôi hy vọng được cứu rỗi là điều đúng. Nhưng sự cứu rỗi thật sự là gì? Và cần có gì để được cứu rỗi?

Sự cứu rỗi là gì?

3. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va vào thời xưa được cứu khỏi điều gì?

3 Trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, “sự cứu rỗi” thường có nghĩa là được cứu thoát hoặc giải thoát khỏi sự đàn áp hoặc khỏi cái chết thảm khốc quá sớm. Để thí dụ, khi gọi Đức Giê-hô-va là “Đấng giải cứu”, Đa-vít nói: “Đức Chúa Trời tôi là hòn đá tôi... Nơi nương-dựa của tôi; hỡi Đấng che-chở tôi! Ấy Ngài giải-cứu tôi khỏi sự hung-bạo. Tôi sẽ kêu-cầu cùng Đức Giê-hô-va, là Đấng đáng khen-ngợi; thì tôi sẽ được giải-cứu khỏi các thù-nghịch tôi”. (2 Sa-mu-ên 22:2-4) Đa-vít biết rằng Đức Giê-hô-va lắng nghe khi tôi tớ trung thành kêu cầu Ngài giúp đỡ.—Thi-thiên 31:22, 23; 145:19.

4. Những tôi tớ của Đức Giê-hô-va trước thời Đấng Christ đã nuôi hy vọng nào về đời sống tương lai?

4 Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va trước thời Đấng Christ cũng nuôi hy vọng về một đời sống tương lai. (Gióp 14:13-15; Ê-sai 25:8; Đa-ni-ên 12:13) Thật vậy, nhiều lời hứa giải cứu trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ tiên tri về một sự cứu rỗi lớn hơn—sự cứu rỗi dẫn đến sự sống đời đời. (Ê-sai 49:6, 8; Công-vụ 13:47; 2 Cô-rinh-tô 6:2) Vào thời Chúa Giê-su, nhiều người Do Thái hy vọng nhận được sự sống đời đời, nhưng họ không chịu chấp nhận Chúa Giê-su có vai trò chính trong việc thực hiện hy vọng của họ. Chúa Giê-su nói với những người lãnh đạo tôn giáo thời đó: “Các ngươi dò-xem Kinh-thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh-thánh làm chứng về ta vậy”.—Giăng 5:39.

5. Cuối cùng, sự cứu rỗi có nghĩa là gì?

5 Qua Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời tiết lộ ý nghĩa bao quát của sự cứu rỗi. Nó bao hàm sự giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự ràng buộc với tôn giáo giả, khỏi thế gian dưới quyền kiểm soát của Sa-tan, khỏi sự sợ loài người, và thậm chí khỏi sự sợ chết. (Giăng 17:16; Rô-ma 8:2; Cô-lô-se 1:13; Khải-huyền 18:2, 4) Cuối cùng, cho những tôi tớ trung thành, được Đức Chúa Trời cứu rỗi không phải chỉ có nghĩa là được giải thoát khỏi áp bức và khốn khổ nhưng cũng là cơ hội để có sự sống đời đời. (Giăng 6:40; 17:3) Chúa Giê-su dạy rằng đối với “bầy nhỏ”, sự cứu rỗi có nghĩa là họ được sống lại để lên trời đồng cai trị với Đấng Christ trong Nước Trời. (Lu-ca 12:32) Cho những người khác, sự cứu rỗi có nghĩa là phục hồi đời sống hoàn toàn và mối quan hệ với Đức Chúa Trời mà A-đam và Ê-va đã được hưởng trong vườn Ê-đen trước khi họ phạm tội. (Công-vụ 3:21; Ê-phê-sô 1:10) Sự sống đời đời trong địa đàng là ý định ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. (Sáng-thế Ký 1:28; Mác 10:30) Thế thì làm sao có lại được đời sống trong địa đàng?

Căn bản cho sự cứu rỗi—Giá chuộc

6, 7. Chúa Giê-su có vai trò nào trong sự cứu rỗi của chúng ta?

6 Sự cứu rỗi đời đời chỉ có thể có được qua sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ. Tại sao? Kinh Thánh giải thích rằng khi phạm tội, A-đam đã “bán” chính mình và tất cả con cháu, kể cả chúng ta, cho tội lỗi—vì vậy, cần có giá chuộc nếu nhân loại muốn có được hy vọng vững chắc. (Rô-ma 5:14, 15; 7:14) Việc Đức Chúa Trời sẽ cung cấp giá chuộc cho mọi người được hình bóng bởi việc dâng thú vật làm của-lễ dưới Luật Pháp Môi-se. (Hê-bơ-rơ 10:1-10; 1 Giăng 2:2) Chúa Giê-su là người mà của-lễ hy sinh của ngài đã làm ứng nghiệm hình ảnh tiên tri đó. Trước khi Chúa Giê-su ra đời, thiên sứ của Đức Giê-hô-va loan báo: “Chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội”.—Ma-thi-ơ 1:21; Hê-bơ-rơ 2:10.

7 Nhờ phép lạ Chúa Giê-su được sinh ra bởi người nữ đồng trinh Ma-ri, và với tư cách là Con Đức Chúa Trời, ngài không gánh lấy sự chết do A-đam di truyền. Sự kiện này cùng với đường lối trung thành trọn vẹn đã cho mạng sống ngài một giá trị cần thiết để chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. (Giăng 8:36; 1 Cô-rinh-tô 15:22) Không như những người khác, Chúa Giê-su không chịu chết vì tội lỗi. Ngài đến trái đất với mục đích “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Khi làm xong điều đó, và giờ đây Chúa Giê-su phục sinh đã lên ngôi, ngài có quyền ban sự cứu rỗi cho tất cả những ai đáp ứng các điều Đức Chúa Trời đòi hỏi.—Khải-huyền 12:10.

Cần có gì để được cứu rỗi?

8, 9. (a) Chúa Giê-su trả lời thế nào khi vị quan trẻ hỏi về sự cứu rỗi? (b) Chúa Giê-su dùng cơ hội này để dạy các môn đồ như thế nào?

8 Có lần một vị quan trẻ Y-sơ-ra-ên hỏi Chúa Giê-su: “Tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?” (Mác 10:17) Câu hỏi ông có thể phản ảnh sự suy nghĩ của nhiều người Do Thái thời đó—rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi phải làm việc thiện nào đó và cho rằng bằng cách làm đủ những việc thiện đó, người ta có thể đáng được Đức Chúa Trời cứu rỗi. Nhưng sự sùng kính bề ngoài như thế có thể đến từ động lực ích kỷ. Những việc làm đó không đem lại hy vọng cứu rỗi vững chắc, vì không người bất toàn nào có thể thật sự đạt được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.

9 Để trả lời câu hỏi của ông, Chúa Giê-su chỉ nhắc ông nhớ là nên vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời. Vị quan trẻ liền khẳng định rằng ông đã giữ những điều đó từ khi còn trẻ tuổi. Lời ông nói đã khiến cho Chúa Giê-su cảm thương. Ngài phán với ông: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia-tài mình, đem thí cho kẻ nghèo-khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo ta”. Tuy nhiên, vị quan trẻ đó đi mà buồn bã “vì có nhiều của lắm”. Sau đó Chúa Giê-su nhấn mạnh với các môn đồ rằng vương vấn quá đáng với những vật chất của thế gian sẽ cản trở việc đạt đến sự cứu rỗi. Ngài thêm rằng không người nào có thể đạt đến sự cứu rỗi bằng nỗ lực riêng của mình. Nhưng rồi Chúa Giê-su trấn an họ: “Sự đó loài người không thể làm được, nhưng Đức Chúa Trời thì chẳng thế; vì Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả”. (Mác 10:18-27; Lu-ca 18:18-23) Sự cứu rỗi có thể đạt được như thế nào?

10. Chúng ta phải hội đủ những điều kiện nào để đạt được sự cứu rỗi?

10 Sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời, nhưng không phải tự nhiên mà được. (Rô-ma 6:23) Có những điều kiện căn bản mà mỗi người cần phải hội đủ để nhận được sự ban cho đó. Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Và sứ đồ Giăng nói thêm: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu”. (Giăng 3:16, 36) Rõ ràng là Đức Chúa Trời đòi hỏi mỗi người hy vọng đạt được sự cứu rỗi đời đời phải có đức tin và sự vâng lời. Mỗi người phải quyết định chấp nhận giá chuộc và theo dấu chân của Chúa Giê-su.

11. Làm sao một người bất toàn có thể được Đức Giê-hô-va chấp nhận?

11 Vì bất toàn, chúng ta không tự nhiên có khuynh hướng vâng lời và chúng ta không thể vâng lời một cách hoàn toàn. Vì lẽ đó, Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc để chuộc tội chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục cố gắng sống phù hợp với đường lối của Đức Chúa Trời. Như Chúa Giê-su nói với vị quan trẻ giàu có, chúng ta phải giữ điều răn của Đức Chúa Trời. Làm thế không những sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận mà còn có niềm vui lớn, vì “điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”, nhưng làm cho chúng ta cảm thấy “mát-mẻ”. (1 Giăng 5:3; Châm-ngôn 3:1, 8) Nhưng không dễ để bám lấy hy vọng cứu rỗi.

“Vì đạo mà tranh-chiến”

12. Hy vọng cứu rỗi củng cố người tín đồ Đấng Christ như thế nào để kháng cự những cám dỗ vô luân?

12 Môn đồ Giu-đe muốn viết cho tín đồ Đấng Christ thời ban đầu về “sự cứu-rỗi chung” của họ. Tuy nhiên, luân lý bại hoại lan tràn đã khiến ông phải khuyên anh em “vì đạo mà tranh-chiến”. Đúng vậy, để đạt đến sự cứu rỗi, không phải chỉ có đức tin, gắn bó với đạo thật của tín đồ Đấng Christ và vâng lời khi mọi sự đều êm xuôi là đủ, nhưng lòng trung thành của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va cần phải đủ mạnh để giúp mình kháng cự với những cám dỗ và ảnh hưởng vô luân. Thế nhưng, tình dục vô độ và đồi trụy, không tôn trọng quyền hành, sự chia rẽ và nghi ngờ làm bại hoại tinh thần của hội thánh vào thế kỷ thứ nhất. Để giúp họ chống lại những khuynh hướng đó, Giu-đe khuyên anh em tín đồ Đấng Christ phải nhớ rõ mục tiêu mình: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, về phần anh em, hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình, và nhân Đức Thánh-Linh mà cầu-nguyện, hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời, và trông-đợi sự thương-xót của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta cho được sự sống đời đời”. (Giu-đe 3, 4, 8, 19-21) Hy vọng đạt được sự cứu rỗi có thể củng cố họ để phấn đấu giữ mình trong sạch về luân lý.

13. Chúng ta cho thấy mình không nhận sự thương xót của Đức Chúa Trời một cách vô ích như thế nào?

13 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đòi hỏi những người mà Ngài sẽ ban sự cứu rỗi phải có đạo đức gương mẫu. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Tuy nhiên, giữ tiêu chuẩn luân lý của Đức Chúa Trời không có nghĩa là có thái độ phán đoán người khác. Chúng ta không phải là người quyết định vận mệnh tương lai đời đời của người đồng loại. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó, như Phao-lô nói với những người Hy Lạp ở A-thên: “Ngài đã chỉ-định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian, bởi Người Ngài đã lập”—Chúa Giê-su Christ. (Công-vụ 17:31; Giăng 5:22) Nếu sống bởi đức tin nơi giá chuộc của Chúa Giê-su, chúng ta không cần sợ ngày phán xét sắp đến. (Hê-bơ-rơ 10:38, 39) Điều quan trọng là chúng ta không bao giờ “chịu ơn Đức Chúa Trời [sự giảng hòa của chúng ta với Ngài nhờ giá chuộc] luống không” bằng cách để mình bị đưa vào lối suy nghĩ và hành động sai quấy. (2 Cô-rinh-tô 6:1) Hơn nữa, bằng cách giúp người khác đạt đến sự cứu rỗi, chúng ta cho thấy mình không nhận sự thương xót của Đức Chúa Trời một cách vô ích. Chúng ta có thể giúp họ như thế nào?

Chia sẻ niềm hy vọng cứu rỗi

14, 15. Chúa Giê-su giao cho ai công việc công bố tin mừng về sự cứu rỗi?

14 Trích lời tiên tri Giô-ên, Phao-lô viết: “Ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu”. Rồi ông nói thêm: “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao?” Vài câu sau đó, Phao-lô nêu ra rằng đức tin không tự nhiên mà có, nhưng “đến bởi sự người ta nghe”, tức là “lời của Đấng Christ”.—Rô-ma 10:13, 14, 17; Giô-ên 2:32.

15 Ai sẽ đem “lời của Đấng Christ” đến cho các dân? Chúa Giê-su giao công việc đó cho môn đồ ngài—những người đã được học “lời” đó rồi. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Giăng 17:20) Khi tham gia vào công việc rao giảng Nước Trời và đào tạo môn đồ, chúng ta làm đúng như những gì Phao-lô đã viết, lần này ông trích lời Ê-sai: “Những bàn chân kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!” Ngay cả nếu nhiều người không chấp nhận tin mừng chúng ta đem đến, chân của chúng ta vẫn “tốt-đẹp” đối với Đức Giê-hô-va.—Rô-ma 10:15; Ê-sai 52:7.

16, 17. Công việc rao giảng đạt được hai mục tiêu nào?

16 Làm tròn sứ mạng này đáp ứng hai mục đích quan trọng. Thứ nhất, tin mừng phải được rao giảng hầu cho Đức Chúa Trời được vang danh và những người muốn được cứu rỗi sẽ biết họ nên quay về đâu. Phao-lô hiểu khía cạnh này của sứ mạng. Ông nói: “Vì Chúa có phán dặn chúng ta như vầy: Ta lập ngươi lên đặng làm sự sáng cho các dân, hầu cho ngươi đem sự cứu-rỗi cho đến cùng cõi đất”. Vì vậy, là môn đồ Đấng Christ, mỗi người chúng ta phải dự phần vào việc đem thông điệp cứu rỗi đến cho muôn dân.—Công-vụ 13:47; Ê-sai 49:6.

17 Thứ hai, công việc rao giảng tin mừng lập nền cho sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời. Về sự phán xét đó, Chúa Giê-su nói: “Khi Con người ngự trong sự vinh-hiển mình mà đến với các thiên-sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh-hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra”. Dù sự phán xét và phân chia sẽ được thực hiện “khi Con người ngự trong sự vinh-hiển mình”, công việc rao giảng cho người ta cơ hội để nhận ra những anh em thiêng liêng của Đấng Christ và rồi ủng hộ những người đó để được cứu rỗi đời đời.—Ma-thi-ơ 25:31-46.

Giữ “lòng đầy-dẫy sự trông-cậy”

18. Làm sao chúng ta có thể giữ “hy vọng cứu rỗi” sáng rực?

18 Tham gia tích cực vào công việc rao giảng cũng là một cách để giúp chúng ta giữ niềm hy vọng sáng rực. Phao-lô viết: “Chúng ta mong rằng mỗi người trong anh em tỏ lòng sốt-sắng như vậy, đặng giữ lòng đầy-dẫy sự trông-cậy cho đến cuối-cùng”. (Hê-bơ-rơ 6:11) Thế thì mong rằng mỗi người chúng ta đội “mão bằng hy vọng cứu rỗi”, nhờ đó nhớ rằng “Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh-nộ, nhưng cho được sự giải-cứu bởi Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8, BDM; 5:9) Chúng ta cũng hãy ghi nhớ lời khuyên của Phi-e-rơ: “Anh em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết-độ, lấy sự trông-cậy trọn-vẹn đợi-chờ ơn sẽ ban cho mình”. (1 Phi-e-rơ 1:13) Tất cả những người làm thế sẽ thấy “hy vọng cứu rỗi” được thực hiện trọn vẹn!

19. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

19 Trong khi chờ đợi sự đó, chúng ta nên có quan điểm nào về thời gian còn lại cho hệ thống này? Làm sao chúng ta có thể dùng thời gian đó để đạt đến sự cứu rỗi cho chính mình và người khác? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này trong bài tới.

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao chúng ta phải giữ “hy vọng cứu rỗi” sáng rực?

• Sự cứu rỗi bao hàm điều gì?

• Chúng ta phải làm gì để nhận được sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho?

• Công việc rao giảng của chúng ta thực hiện được điều gì phù hợp với ý định Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 10]

Sự cứu rỗi không phải chỉ có nghĩa là được giải thoát khỏi sự hủy diệt