Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được giúp đỡ để khắc phục tính nhút nhát

Được giúp đỡ để khắc phục tính nhút nhát

Tự truyện

Được giúp đỡ để khắc phục tính nhút nhát

DO RUTH L. ULRICH KỂ LẠI

Tôi không kiềm chế được và bật khóc ngay trên ngưỡng cửa của ông mục sư. Ông vừa tuôn ra một tràng những lời xuyên tạc buộc tội Charles T. Russell, người đã phụng sự với tư cách chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh. Tôi xin giải thích làm thế nào một thiếu nữ hãy còn trẻ như tôi đến thăm viếng nhà người khác như thế.

TÔI sinh ra trong một gia đình rất mộ đạo trong một nông trại ở Nebraska, Hoa Kỳ, vào năm 1910. Gia đình chúng tôi đọc Kinh Thánh với nhau mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối sau bữa ăn. Cha là giám thị trường Chủ Nhật của nhà thờ Giám Lý Hội trong thị trấn nhỏ Winside, cách nông trại chúng tôi khoảng sáu kilômét. Chúng tôi có một xe ngựa có màn che cửa sổ, như thế chúng tôi có thể đi nhà thờ vào sáng Chủ Nhật dù thời tiết thế nào đi nữa.

Khi tôi khoảng tám tuổi, em trai út tôi bị bệnh bại liệt trẻ em, và mẹ đem em đến viện điều dưỡng ở Iowa để trị bệnh. Mặc dù mẹ hết lòng chăm sóc, em tôi chết ở đó. Tuy nhiên, trong thời gian ở Iowa đó, mẹ gặp một Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ. Mẹ và người phụ nữ đó nói chuyện nhiều lần với nhau, và mẹ cũng đi với bà đến vài buổi họp của Học Viên Kinh Thánh.

Khi trở về nhà, mẹ mang theo một số quyển của bộ Khảo Cứu Kinh Thánh (Anh ngữ), do Hội Tháp Canh xuất bản. Chẳng bao lâu, mẹ tin rằng Học Viên Kinh Thánh dạy lẽ thật, và giáo lý về linh hồn bất tử và về sự thống khổ đời đời của người ác là điều không có thực.—Sáng-thế Ký 2:7; Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4.

Tuy nhiên, cha rất tức giận, và cha chống lại việc mẹ cố gắng đi dự các buổi họp của Học Viên Kinh Thánh. Cha cứ dẫn tôi và anh tôi là Clarence đi nhà thờ với cha. Nhưng khi cha không có ở nhà thì mẹ dạy chúng tôi Kinh Thánh. Vì thế, chúng tôi có cơ hội tốt để so sánh các lời dạy của Học Viên Kinh Thánh với những lời dạy của nhà thờ chúng tôi.

Anh Clarence và tôi thường xuyên dự trường Chủ Nhật ở nhà thờ, và anh hỏi cô giáo những câu hỏi cô không trả lời được. Khi về nhà, chúng tôi kể lại cho mẹ, và việc này đưa đến những cuộc thảo luận lâu về những đề tài này. Cuối cùng tôi bỏ nhà thờ và bắt đầu đi dự các buổi họp của Học Viên Kinh Thánh với mẹ, và không lâu sau đó anh Clarence cũng làm thế.

Đối phó với tính nhút nhát

Vào tháng 9 năm 1922, mẹ và tôi đi dự hội nghị đáng ghi nhớ của Học Viên Kinh Thánh ở Cedar Point, Ohio. Tôi vẫn có thể hình dung được biểu ngữ to lớn đó được mở ra khi anh Joseph F. Rutherford, lúc bấy giờ là chủ tịch của Hội Tháp Canh, thôi thúc hơn 18.000 người trong cử tọa, bằng lời trên biểu ngữ: “Hãy loan báo về Vua và Nước Trời”. Tôi hết sức xúc động và cảm thấy sự khẩn trương phải cho người khác biết tin mừng về Nước Trời.—Ma-thi-ơ 6:9, 10; 24:14.

Tại các hội nghị tổ chức từ năm 1922 đến 1928, một loạt các nghị quyết được chấp nhận, và những thông điệp đó được in trong những tờ giấy nhỏ, và Học Viên Kinh Thánh phân phát hàng chục triệu tờ này trên khắp thế giới. Lúc đó tôi gầy và cao lêu nghêu—họ gọi tôi là chó săn—và tôi đi thật nhanh từ nhà này sang nhà kia phân phát những tờ thông điệp này. Tôi rất thích công việc này. Thế nhưng, đến nhà người ta nói chuyện, đích thân nói với người khác về Nước Đức Chúa Trời thì lại là chuyện khác.

Tôi nhút nhát đến độ rất sợ khi mẹ mời những nhóm bà con đến nhà mỗi năm. Tôi trốn vào phòng mình và ở luôn trong đó. Có lần, mẹ muốn cả gia đình chụp chung một tấm hình, và mẹ gọi tôi ra. Vì không muốn ra chụp hình, tôi la hét lên khi mẹ kéo tôi ra khỏi phòng.

Tuy nhiên, ngày đó đến khi tôi nhất quyết để vài ấn phẩm Kinh Thánh vào cặp. Nhiều lần tôi nói: “Tôi không thể làm được”, nhưng rồi lại tự nhủ: “Tôi phải làm”. Cuối cùng, tôi đi rao giảng. Sau đó, tôi thật vui mừng là mình đã thu hết can đảm để đi. Niềm vui lớn nhất của tôi là hoàn tất được việc này chứ không phải làm việc này. Khoảng thời gian đó tôi gặp ông mục sư đề cập ở trên và tôi vừa bỏ đi vừa khóc. Với thời gian, nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi có thể nói chuyện với người ta khi đến nhà họ, và niềm vui của tôi tăng lên. Rồi vào năm 1925, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách làm báp têm trong nước.

Bắt đầu làm thánh chức trọn thời gian

Khi lên 18, tôi mua một chiếc xe bằng tiền thừa hưởng được từ một bà dì, và bắt đầu làm tiên phong, từ dùng để gọi thánh chức trọn thời gian. Hai năm sau, vào năm 1930, tôi và người bạn cùng làm tiên phong nhận một nhiệm vụ rao giảng. Đến lúc đó anh Clarence cũng đã bắt đầu làm tiên phong. Chẳng bao lâu sau, anh nhận lời mời phụng sự tại nhà Bê-tên, trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York.

Khoảng thời gian đó, cha mẹ chúng tôi ly thân, nên mẹ và tôi làm một nhà xe moóc và bắt đầu làm tiên phong với nhau. Lúc đó có Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế ở Hoa Kỳ. Tiếp tục làm tiên phong là cả một thử thách, nhưng chúng tôi kiên quyết không bỏ công việc này. Chúng tôi đổi các ấn phẩm Kinh Thánh để lấy gà, trứng và rau trái, cùng những thứ như bình điện cũ và nhôm đã thải bỏ. Bình điện và nhôm thì chúng tôi bán lấy tiền để mua xăng cho xe và để trang trải các chi phí khác. Tôi cũng học cách tra dầu mỡ vào xe và thay nhớt để tiết kiệm tiền. Chúng tôi thấy Đức Giê-hô-va, giữ đúng lời Ngài hứa, mở đường giúp chúng tôi vượt qua các trở ngại.—Ma-thi-ơ 6:33.

Đi đến các nhiệm sở giáo sĩ

Năm 1946, tôi được mời dự lớp thứ bảy Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, tọa lạc gần South Lansing, New York. Lúc đó, mẹ và tôi đã làm tiên phong với nhau hơn 15 năm, nhưng mẹ không muốn cản trở cơ hội tôi có để được huấn luyện làm công việc giáo sĩ. Vì thế mẹ khuyến khích tôi nhận lấy đặc ân dự Trường Ga-la-át. Sau khi tốt nghiệp, Martha Hess, người xuất thân từ Peoria, Illionois, và tôi trở thành bạn cùng làm tiên phong. Chúng tôi, cùng với hai chị khác, được phái đi Cleveland, Ohio, một năm trong lúc chúng tôi chờ đợi công việc ở nước ngoài.

Tôi và Martha nhận được công việc đó vào năm 1947. Chúng tôi được phái đi Hawaii. Vì cũng dễ nhập cư những đảo này, mẹ đến ở gần chúng tôi trong thành phố Honolulu. Sức khỏe mẹ suy yếu, vì thế song song với những hoạt động giáo sĩ, tôi giúp đỡ mẹ. Tôi chăm sóc mẹ đến khi mẹ qua đời ở Hawaii vào năm 1956, năm mẹ 77 tuổi. Khi chúng tôi đến đó, có khoảng 130 Nhân Chứng ở Hawaii, nhưng đến lúc mẹ qua đời, có hơn một ngàn Nhân Chứng, và nơi đó không còn cần có giáo sĩ nữa.

Rồi tôi và Martha nhận được một lá thư của Hội Tháp Canh mời chúng tôi đến phục vụ ở Nhật. Điều chúng tôi quan tâm trước nhất là không biết ở tuổi này, chúng tôi có thể học được tiếng Nhật không. Lúc đó tôi 48 tuổi, còn Martha chỉ trẻ hơn tôi bốn tuổi. Nhưng chúng tôi phó vấn đề cho Đức Giê-hô-va và nhận nhiệm vụ đó.

Ngay sau hội nghị quốc tế năm 1958 tại Yankee Stadium và Polo Grounds ở New York City, chúng tôi lên tàu đi Tokyo. Chúng tôi chống chọi với bão khi đến gần cảng ở Yokihama, nơi mà Don và Mabel Haslett, Lloyd và Melba Barry, và các giáo sĩ khác ra đón chúng tôi. Lúc bấy giờ chỉ có 1.124 Nhân Chứng ở Nhật.

Ngay lập tức chúng tôi bắt đầu học tiếng Nhật và đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Dùng chữ cái tiếng Anh, chúng tôi viết ra những lời trình bày bằng tiếng Nhật, và chúng tôi đọc những lời đó. Chủ nhà thường trả lời: “Yoroshii desu” hoặc, “Kekko desu”, theo chúng tôi biết, có nghĩa: “Được” hoặc, “Tốt”. Nhưng đôi khi chúng tôi không biết chủ nhà có chú ý hay không, vì những lời đó cũng được dùng để khước từ. Ý nghĩa tùy thuộc vào giọng nói hoặc nét mặt. Dần dần chúng tôi hiểu được những điều này.

Những kinh nghiệm làm ấm lòng tôi

Vẫn có khó khăn với ngôn ngữ này, một ngày nọ tôi đến rao giảng tại nhà ở tập thể của Công Ty Mitsubishi và gặp một phụ nữ 20 tuổi. Cô tiến bộ rất khá trong sự hiểu biết Kinh Thánh và làm báp têm năm 1966. Một năm sau, chị này bắt đầu làm tiên phong và chẳng bao lâu sau được bổ nhiệm làm người tiên phong đặc biệt. Chị phụng sự như thế cho đến nay. Tôi luôn luôn cảm kích khi thấy cách chị dùng thì giờ và sinh lực từ khi còn trẻ cho thánh chức trọn thời gian.

Chọn một lập trường ủng hộ lẽ thật Kinh Thánh là một thử thách đặc biệt gay go đối với những người sống trong một xã hội không theo đạo Đấng Christ. Song, nhiều ngàn người đã vượt qua được thử thách này, kể cả một số người đã học hỏi Kinh Thánh với tôi. Họ đã đem bỏ những bàn thờ đắt tiền mà họ đã dùng để thờ Phật và Thần Đạo, là những thứ thường thấy trong nhà của người Nhật. Vì bà con đôi khi hiểu sai hành động như thế là bất kính đối với tổ tiên, nên những người mới phải can đảm mới làm được điều này. Hành động can đảm của họ làm chúng ta nhớ lại tín đồ Đấng Christ thời ban đầu là những người đã dẹp bỏ những thứ liên hệ đến sự thờ phượng sai lầm.—Công-vụ 19:18-20.

Tôi còn nhớ một người học Kinh Thánh là một người nội trợ dự tính dọn gia đình ra khỏi Tokyo. Chị muốn đến một nhà mới không có những thứ liên quan đến ngoại giáo. Vì thế chị cho chồng biết nguyện vọng mình, và ông sẵn lòng hợp tác. Chị vui mừng cho tôi biết điều đó nhưng rồi nhớ lại mình đã đóng thùng một bình lớn bằng cẩm thạch đắt tiền mà chị đã mua vì nghe nói nó bảo đảm hạnh phúc gia đình. Vì nghi ngờ nó liên quan đến sự thờ phượng sai lầm, chị dùng búa đập bể bình đó rồi vứt đi.

Thấy chị này và những người khác sẵn sàng vứt bỏ những đồ đắt tiền liên quan đến sự thờ phượng sai lầm và can đảm bắt đầu một cuộc sống mới phụng sự Đức Giê-hô-va là một kinh nghiệm đáng công, đầy thỏa mãn cho tôi. Tôi thường cám ơn Đức Giê-hô-va là tôi có thể phục vụ hơn 40 năm trong công việc giáo sĩ ở Nhật.

“Phép lạ” thời nay

Khi nhìn lại cuộc đời hơn 70 năm trong thánh chức trọn thời gian, tôi kinh ngạc trước điều đối với tôi dường như phép lạ thời nay. Là một thiếu nữ nhút nhát, tôi đã không bao giờ nghĩ rằng mình có thể dùng trọn cuộc đời để chủ động đến nói chuyện với người khác về một Nước mà phần đông không muốn nghe. Thế nhưng, không những tôi có thể làm việc đó mà còn thấy hàng trăm, nếu không muốn nói hàng ngàn, người khác cũng làm thế. Và họ làm thế một cách hữu hiệu đến độ chỉ già một ngàn Nhân Chứng ở Nhật khi tôi đến vào năm 1958, nay đã gia tăng hơn 222.000!

Khi mới đến Nhật, tôi và Martha được chỉ định sống tại trụ sở chi nhánh ở Tokyo. Năm 1963, một cơ sở chi nhánh mới sáu tầng được xây tại địa điểm đó, và suốt từ đó chúng tôi sống ở đây. Vào tháng 11 năm 1963, chúng tôi ở trong số 163 người hiện diện để nghe bài giảng hiến dâng của giám thị chi nhánh là anh Lloyd Barry. Lúc đó số Nhân Chứng đã lên đến 3.000 ở Nhật.

Thật là một niềm vui lớn được thấy công việc rao giảng Nước Trời phát triển rõ rệt, số Nhân Chứng lên đến hơn 14.000 vào năm 1972 khi một chi nhánh mới, lớn hơn được hoàn tất ở thành phố Numazu. Nhưng đến năm 1982 có hơn 68.000 người công bố Nước Trời ở Nhật, và một cơ sở chi nhánh lớn hơn nhiều được xây dựng ở thành phố Ebina, cách Tokyo khoảng 80 kilômét.

Trong lúc đó, tòa nhà chi nhánh trước đây tại trung tâm Tokyo được sửa chữa lại. Cuối cùng tòa nhà này được dùng làm nhà ở cho hơn 20 giáo sĩ đã phụng sự ở Nhật 40 hoặc 50 năm hoặc lâu hơn, trong đó có tôi và bạn lâu năm, Martha Hess. Một bác sĩ và vợ là y tá cũng sống trong nhà chúng tôi. Họ chăm nom chúng tôi, yêu thương chăm sóc nhu cầu sức khỏe của chúng tôi. Gần đây, chúng tôi có thêm một y tá khác, và các chị tín đồ Đấng Christ đến trợ giúp y tá vào ban ngày. Hai thành viên của gia đình Bê-tên ở Ebina luân phiên nhau đến nấu ăn và dọn dẹp nhà chúng tôi. Quả thật, Đức Giê-hô-va rất tốt với chúng tôi.—Thi-thiên 34:8, 10.

Một sự kiện nổi bật trong cuộc đời giáo sĩ của tôi xảy ra vào tháng 11 vừa qua, 36 năm sau ngày hiến dâng tòa nhà mà rất nhiều người giáo sĩ lâu năm chúng tôi hiện đang sống. Vào ngày 13-11-1999, tôi có mặt trong 4.486 người, kể cả hàng trăm Nhân Chứng lâu năm từ 37 nước, đã dự lễ hiến dâng cơ sở được nới rộng tại chi nhánh Nhật thuộc Hội Tháp Canh ở Ebina. Hiện nay có khoảng 650 người trong gia đình chi nhánh đó.

Trong gần 80 năm kể từ khi tôi rụt rè bắt đầu đi từ nhà này sang nhà kia rao giảng thông điệp Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va là Đấng đã giúp tôi vững mạnh. Ngài đã giúp tôi khắc phục tính nhút nhát. Tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể dùng bất cứ người nào đặt lòng tin nơi Ngài, ngay cả những người hết sức nhút nhát như tôi. Và tôi đã có được một đời sống thỏa mãn biết bao nhờ nói với người lạ về Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va!

[Hình nơi trang 21]

Với mẹ và anh Clarence, anh đến thăm chúng tôi từ nhà Bê-tên

[Hình nơi trang 23]

Các thành viên của lớp chúng tôi đang học trên bãi cỏ tại Trường Ga-la-át gần South Lansing, New York

[Hình nơi trang 23]

Bên trái: Tôi, Martha Hess và mẹ, ở Hawaii

[Hình nơi trang 24]

Bên phải: Các thành viên trong nhà giáo sĩ ở Tokyo

[Hình nơi trang 24]

Phía dưới: Với bạn lâu năm, Martha Hess

[Hình nơi trang 25]

Cơ sở chi nhánh được mở rộng ở Ebina đã được hiến dâng vào tháng 11 vừa qua