Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời!

Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời!

Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời!

“Hỡi kẻ rất yêu-dấu,... hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời,... cho được sự sống đời đời”.—GIU-ĐE 20, 21.

1, 2. Làm thế nào bạn có thể sống mãi trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA yêu thương loài người đến độ ban Con một của Ngài, để những ai thực hành đức tin nơi Con ấy có thể được sống đời đời. (Giăng 3:16) Cảm nhận được tình yêu thương đó thật tuyệt vời biết bao! Nếu là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chắc chắn bạn muốn mãi mãi được Ngài yêu thương.

2 Môn đồ Giu-đe cho bạn biết làm cách nào để sống mãi trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ông viết: “Hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình, và nhân Đức Thánh-Linh mà cầu-nguyện, hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời, và trông-đợi sự thương-xót của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta cho được sự sống đời đời”. (Giu-đe 20, 21) Qua việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời và rao giảng tin mừng, bạn có thể xây dựng cuộc sống trên nền “đức-tin rất thánh”, tức các dạy dỗ của đạo Đấng Christ . Để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, bạn phải cầu nguyện ‘nhân Thánh-Linh’, nghĩa là để thánh linh tác động. Muốn được ban sự sống đời đời, bạn cũng phải thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ.—1 Giăng 4:10.

3. Tại sao một số người không còn là Nhân Chứng Giê-hô-va?

3 Một số người từng có đức tin nhưng không giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Vì chọn theo lối sống tội lỗi, họ không còn là Nhân Chứng Giê-hô-va. Làm thế nào bạn có thể tránh rơi vào trường hợp đó? Suy ngẫm về những điểm sau đây có thể giúp bạn tránh phạm tội và giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Hãy chứng tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời

4. Việc vâng lời Đức Chúa Trời quan trọng như thế nào?

4 Hãy chứng tỏ bạn yêu thương Đức Chúa Trời bằng cách vâng lời Ngài. (Ma-thi-ơ 22:37) Sứ đồ Giăng viết: “Vì nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Khi có thói quen vâng lời Đức Chúa Trời, bạn có được sức mạnh để cưỡng lại cám dỗ đồng thời cũng có được niềm vui. Người viết Thi-thiên nói: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ,... song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 1:1, 2.

5. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy chúng ta làm gì?

5 Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy bạn tránh phạm tội nặng làm ô danh Ngài . Ông A-gu-rơ cầu xin: “Chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang; hãy nuôi tôi đủ vật-thực cần-dùng, e khi no đủ, tôi từ-chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo-khổ, ăn trộm-cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng”. (Châm-ngôn 30:1, 8, 9) Hãy quyết tâm không “làm ô danh của Đức Chúa Trời” bằng cách tránh làm Ngài bị chê cười. Thay vì thế, hãy luôn cố gắng làm điều ngay thẳng để tôn vinh Ngài.—Thi-thiên 86:12.

6. Nếu cố ý phạm tội, điều gì có thể xảy ra?

6 Hãy thường xuyên cầu nguyện với Cha yêu thương trên trời, xin Ngài giúp bạn cưỡng lại những cám dỗ tội lỗi. (Ma-thi-ơ 6:13; Rô-ma 12:12) Hãy tiếp tục làm theo lời khuyên của Đức Chúa Trời, hầu cho lời cầu nguyện của bạn không bị ngăn trở. (1 Phi-e-rơ 3:7) Nếu bạn cố ý phạm tội thì hậu quả có thể sẽ bi thảm, vì Đức Giê-hô-va ngăn những người phản nghịch đến gần, như thể Ngài dùng một đám mây cản những lời cầu nguyện của họ, không cho thấu đến Ngài. (Ca-thương 3:42-44) Vậy, hãy khiêm nhường và cầu xin Ngài giúp bạn tránh phạm những điều làm mất đặc ân đến gần Ngài qua lời cầu nguyện.—2 Cô-rinh-tô 13:7.

Hãy biểu lộ tình yêu thương đối với Con Đức Chúa Trời

7, 8. Làm thế nào việc giữ theo lời khuyên của Chúa Giê-su giúp một người tránh những thực hành tội lỗi?

7 Hãy biểu lộ tình yêu thương đối với Chúa Giê-su Christ bằng cách vâng theo điều răn ngài, vì điều này sẽ giúp bạn tránh những thực hành tội lỗi. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta, cũng như chính ta đã vâng-giữ các điều-răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu-thương Ngài”. (Giăng 15:10) Áp dụng lời này của Chúa Giê-su sẽ giúp bạn giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Để ý đến lời của Chúa Giê-su có thể giúp bạn giữ vững nguyên tắc đạo đức. Luật Pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên có ghi: “Ngươi chớ phạm tội tà-dâm”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14) Nhưng Chúa Giê-su cho biết nguyên tắc của điều răn này: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Ma-thi-ơ 5:27, 28) Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng một số người trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất có ‘cặp mắt đầy sự gian-dâm’ và họ “dỗ-dành những người không vững lòng”. (2 Phi-e-rơ 2:14) Tuy nhiên, không như họ, bạn có thể tránh những tội vô luân nếu bạn yêu mến và vâng lời Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, đồng thời quyết tâm gìn giữ mối quan hệ với hai Đấng ấy.

Hãy để thánh linh Đức Giê-hô-va dẫn dắt

9. Liên quan đến thánh linh, điều gì có thể xảy ra nếu một người cứ tiếp tục phạm tội?

9 Hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh và để thánh linh hướng dẫn bạn. (Lu-ca 11:13; Ga-la-ti 5:19-25) Nếu bạn cứ tiếp tục phạm tội, Đức Chúa Trời có thể rút lại thánh linh Ngài. Sau khi phạm tội với Bát-Sê-ba, Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời: “Xin chớ từ-bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh-Linh Chúa”. (Thi-thiên 51:11) Vì phạm tội mà không chịu ăn năn, Vua Sau-lơ đã bị mất thánh linh của Đức Chúa Trời. Sau-lơ phạm tội vì đã dâng của-lễ thiêu cũng như không diệt hết đàn thú vật và vua của dân A-ma-léc. Kể từ đó, Đức Giê-hô-va rút thánh linh Ngài khỏi Sau-lơ.—1 Sa-mu-ên 13:1-14; 15:1-35; 16:14-23.

10. Tại sao bạn nên loại bỏ ngay cả ý tưởng muốn làm điều sai trái?

10 Hãy loại bỏ ngay cả ý tưởng muốn làm điều sai trái. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố-ý phạm tội, thì không còn có tế-lễ chuộc tội nữa”. (Hê-bơ-rơ 10:26-31) Thật là điều thảm hại nếu bạn cố ý thực hành tội lỗi đến độ đó!

Hãy biểu lộ tình yêu thương chân thật với người khác

11, 12. Làm thế nào tình yêu thương và lòng tôn trọng giúp một người tránh những hành vi không đứng đắn?

11 Nếu yêu thương người đồng loại, bạn sẽ tránh những hành vi không đứng đắn. (Ma-thi-ơ 22:39) Tình yêu thương đó sẽ thúc đẩy bạn gìn giữ lòng mình, để nó không xúi giục bạn chiếm đoạt tình cảm của vợ hay chồng người khác. Điều này có thể đưa đến tội ngoại tình. (Châm-ngôn 4:23; Giê-rê-mi 4:14; 17:9, 10) Hãy noi gương Gióp, một người ngay thẳng. Ông đã không cho phép mình để ý đến một phụ nữ khác ngoài vợ ông.—Gióp 31:1.

12 Nếu xem trọng tính chất thiêng liêng của hôn nhân, bạn có thể tránh được tội trọng. Đức Chúa Trời quy định rằng hôn nhân đáng trọng và quan hệ tính dục là sự sắp đặt để sinh sản. (Sáng-thế Ký 1:26-28) Hãy nhớ rằng cơ quan sinh dục có liên quan đến sự sống, và sự sống được xem là thiêng liêng. Những người tà dâm và ngoại tình không vâng lời Đức Chúa Trời. Họ làm cho hoạt động tình dục trở nên đê hèn, xem thường tính chất thiêng liêng của hôn nhân và phạm đến chính thân thể mình. (1 Cô-rinh-tô 6:18) Nhưng nếu yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận, và nếu vâng lời Ngài, một người sẽ tránh những hành vi khiến mình có thể bị khai trừ khỏi hội thánh.

13. Khi phạm tội vô luân, một người “phá-tan của-cải mình” như thế nào?

13 Chúng ta cần phải loại bỏ tư tưởng tội lỗi để tránh gây đau khổ cho những người thân yêu. Châm-ngôn 29:3 có nói: “Kẻ kết bạn với người kỵ-nữ phá-tan của-cải mình”. Người phạm tội ngoại tình mà không ăn năn sẽ hủy hoại “của-cải”, tức những điều quý giá mình có, như mối quan hệ với Đức Chúa Trời và mối quan hệ trong gia đình. Và người vợ có lý do để ly dị. (Ma-thi-ơ 19:9) Dù người phạm tội là chồng hay vợ, hôn nhân đổ vỡ có thể gây rất nhiều đau khổ cho người hôn phối, con cái và những người khác. Chẳng lẽ bạn không đồng ý rằng nhìn thấy trước được hậu quả tai hại của hành vi vô luân là động lực thúc đẩy chúng ta cưỡng lại cám dỗ đưa đến chỗ phạm tội?

14. Qua câu Châm-ngôn 6:30-35, chúng ta có thể học được điều gì về tội lỗi?

14 Vì không có cách nào đền bù cho tội ngoại tình, một người cần phải tránh hành vi vô cùng ích kỷ này. Châm-ngôn 6:30-35 cho thấy rằng người ta có thể thông cảm với một tên trộm đã ăn cắp vì đói khát, nhưng họ khinh bỉ kẻ ngoại tình vì người ấy có động cơ xấu. Người đó “khiến cho linh-hồn [tức sự sống] mình bị hư-mất”. Dưới Luật Pháp Môi-se, người đó phải bị xử tử. (Lê-vi Ký 20:10) Người phạm tội ngoại tình làm người khác đau khổ chỉ vì muốn thỏa mãn nhục dục, và người nào phạm tội mà không ăn năn sẽ không còn được ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Người đó còn bị khai trừ khỏi hội thánh thanh sạch của đạo Đấng Christ.

Giữ lương tâm trong sạch

15. Thế nào là lương tâm chai lì?

15 Muốn sống mãi trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể để cho lương tâm trở nên chai lì, không còn nhạy bén trước tội lỗi. Hiển nhiên, chúng ta không chấp nhận tiêu chuẩn đạo đức suy đồi của thế gian, và cần thận trọng trong những vấn đề như chọn bạn, chọn sách báo để đọc và chọn các môn giải trí. Phao-lô cảnh báo: “Trong đời sau-rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ, bị lầm-lạc bởi sự giả-hình của giáo-sư dối, là kẻ có lương-tâm đã lì”. (1 Ti-mô-thê 4:1, 2) Một lương tâm chai lì thì không còn cảm giác. Lương tâm như thế không còn báo động để chúng ta tránh xa kẻ bội đạo cũng như các tình huống có thể làm chúng ta mất đức tin.

16. Tại sao phải có một lương tâm trong sạch?

16 Sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào việc có một lương tâm trong sạch. (1 Phi-e-rơ 3:21) Qua đức tin nơi huyết Chúa Giê-su đã đổ ra, lương tâm chúng ta được tẩy sạch khỏi công việc chết “đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống”. (Hê-bơ-rơ 9:13, 14) Nếu cố ý phạm tội, lương tâm chúng ta sẽ trở nên ô uế và chúng ta sẽ không còn xứng đáng là một dân tộc thanh sạch để làm công việc Đức Chúa Trời. (Tít 1:15) Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể có được lương tâm trong sạch.

Những cách khác để tránh hành vi sai trái

17. Nếu “theo Đức Giê-hô-va cách trung-tín trọn-vẹn”, bạn được những lợi ích nào?

17 Hãy “theo Đức Giê-hô-va cách trung-tín trọn-vẹn” như Ca-lép của xứ Y-sơ-ra-ên xưa. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:34-36) Hãy làm những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi bạn, và đừng bao giờ nghĩ đến việc “dự tiệc của các quỉ”. (1 Cô-rinh-tô 10:21) Hãy bác bỏ sự bội đạo. Với lòng biết ơn, hãy hấp thu những thức ăn thiêng liêng chỉ có tại bàn tiệc của Đức Giê-hô-va, và bạn sẽ không bị lừa dối bởi các giáo sư giả hoặc ác thần. (Ê-phê-sô 6:12; Giu-đe 3, 4) Hãy tập trung vào những điều thiêng liêng như học Kinh Thánh, dự nhóm họp và tham gia rao giảng. Bạn chắc chắn được hạnh phúc nếu theo Đức Giê-hô-va cách trọn vẹn và làm công việc Chúa cách dư dật.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

18. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va ảnh hưởng đến lối sống của bạn như thế nào?

18 Hãy quyết tâm “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài”. (Hê-bơ-rơ 12:28) Lòng kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy bạn tránh bất cứ lối sống phóng túng nào. Điều đó giúp bạn sống phù hợp với lời Phi-e-rơ khuyên những anh em được xức dầu: “Nếu anh em xưng Đấng không tây-vị ai, xét-đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính-sợ mà ăn-ở trong thời-kỳ ở trọ đời nầy”.—1 Phi-e-rơ 1:17.

19. Tại sao bạn nên luôn luôn thực hành những gì học được từ Lời Đức Chúa Trời?

19 Hãy luôn luôn thực hành những điều học được từ Lời Đức Chúa Trời. Nhờ đó, bạn sẽ tránh được tội trọng vì đã chứng tỏ là người “hay dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”. (Hê-bơ-rơ 5:14) Thay vì ăn nói và cư xử thiếu thận trọng, hãy sống như một người khôn ngoan, biết “lợi-dụng thì-giờ” trong những ngày xấu này. Hãy luôn cố gắng để “hiểu rõ ý-muốn của Chúa” và làm theo ý muốn đó.—Ê-phê-sô 5:15-17; 2 Phi-e-rơ 3:17.

20. Tại sao chúng ta phải tránh tham lam?

20 Hãy tránh tham lam—thèm muốn những gì thuộc về người khác. Một trong Mười Điều Răn quy định: “Ngươi chớ tham nhà kẻ lân-cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân-cận ngươi”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17) Luật này bảo vệ quyền sở hữu của một người về nhà cửa, vợ, đầy tớ, thú vật và những điều khác. Nhưng điều quan trọng nhất là Chúa Giê-su nói tính tham lam khiến người ta trở nên ô uế.—Mác 7:20-23.

21, 22. Tín đồ Đấng Christ có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa nào để tránh phạm tội?

21 Hãy áp dụng biện pháp phòng ngừa, không để cho tư dục dẫn đưa mình vào tội lỗi. Môn đồ Gia-cơ viết: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết”. (Gia-cơ 1:14, 15) Thí dụ, nếu một người trước kia nghiện rượu, anh có thể quyết định không chứa rượu trong nhà. Để tránh cám dỗ liên hệ với người khác phái, một tín đồ Đấng Christ có thể phải đổi chỗ để không làm gần người đó, hoặc tìm việc khác.—Châm-ngôn 6:23-28.

22 Hãy tránh ngay cả bước đầu dẫn đến việc phạm tội. Tán tỉnh và ấp ủ những ý tưởng vô luân có thể đưa đến việc phạm tội tà dâm hoặc ngoại tình. Nói khoác lác những chuyện nhỏ có thể dần dần khiến một người không ngại nói dối những chuyện có hại, và điều này có thể trở thành tật nói dối. Ăn cắp vặt có thể làm chai lì lương tâm đến độ người đó trở thành kẻ cắp ở mức quy mô. Dung dưỡng một ý tưởng bội đạo dù nhỏ có thể dần dần khiến một người thành kẻ bội đạo.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3; Khải-huyền 21:8.

Nếu bạn đã phạm tội?

23, 24. Câu Kinh Thánh 2 Sử-ký 6:29, 30 và Châm-ngôn 28:13 mang lại sự an ủi nào?

23 Tất cả chúng ta đều bất toàn. (Truyền-đạo 7:20) Nhưng nếu đã phạm tội trọng, bạn có thể được an ủi qua lời cầu nguyện của Vua Sa-lô-môn tại buổi lễ khánh thành đền thờ Đức Giê-hô-va. Sa-lô-môn đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Ví bằng có một người, hoặc cả dân Y-sơ-ra-ên của Chúa đã nhận-biết tai-vạ và sự đau-đớn của mình, mà giơ tay ra hướng về nhà nầy, cầu-nguyện và khẩn-xin vô-luận điều gì, thì xin Chúa từ trên trời, là nơi ngự của Chúa, hãy dủ nghe, tha-thứ cho, và báo lại cho mỗi người tùy theo công-việc họ, vì Chúa thông-biết lòng của họ (thật chỉ một mình Chúa biết được lòng của con-cái loài người)”.—2 Sử-ký 6:29, 30.

24 Đúng vậy, Đức Chúa Trời đọc được lòng người và Ngài hay tha thứ cho họ. Châm-ngôn 28:13 nói: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”. Một người ăn năn xưng tội và từ bỏ tội đó thì có thể được Đức Chúa Trời thương xót. Nhưng nếu bạn bị yếu về thiêng liêng, thì có điều gì khác có thể giúp bạn giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

Bạn trả lời thế nào?

• Làm sao chúng ta có thể giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

• Làm thế nào tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và Đấng Christ giúp chúng ta tránh hành vi tội lỗi?

• Tại sao chân thành yêu thương người khác giúp chúng ta tránh những hành vi không đứng đắn?

• Có những cách nào để tránh hành vi sai trái?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Giu-đe cho chúng ta biết cách để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 23]

Hôn nhân đổ vỡ có thể gây nhiều đau khổ cho người hôn phối và con cái

[Hình nơi trang 24]

Bạn có quyết tâm “theo Đức Giê-hô-va cách trung-tín trọn-vẹn” như Ca-lép không?

[Hình nơi trang 25]

Hãy thường xuyên cầu xin sự giúp đỡ để cưỡng lại cám dỗ