Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đem niềm an ủi đến những người đau khổ

Đem niềm an ủi đến những người đau khổ

Đem niềm an ủi đến những người đau khổ

“Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta... đặng yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”.—Ê-SAI 61:1, 2.

1, 2. Chúng ta nên đem niềm an ủi đến những ai, và tại sao?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, Đức Chúa Trời của mọi sự an ủi thật, dạy chúng ta tỏ sự quan tâm đến những người hoạn nạn. Ngài dạy chúng ta “yên-ủi những kẻ ngã lòng” và mọi kẻ buồn rầu. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Khi anh em đồng đạo có nhu cầu đó, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ. Chúng ta cũng biểu lộ tình yêu thương với những người ngoài hội thánh, với cả những người trước đó có thể đã không có cảm tình với chúng ta.—Ma-thi-ơ 5:43-48; Ga-la-ti 6:10.

2 Chúa Giê-su Christ đã đọc và áp dụng cho chính ngài sứ mệnh được tiên tri này: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin-lành cho kẻ khiêm-nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng,... đặng yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”. (Ê-sai 61:1, 2; Lu-ca 4:16-19) Từ lâu, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu vào thời hiện đại đã nhận ra rằng đây cũng là sứ mệnh của họ, và lớp “chiên khác” vui mừng cùng tham gia công việc đó với họ.—Giăng 10:16.

3. Khi người ta hỏi: “Tại sao Đức Chúa Trời để cho hoạn nạn xảy ra?”, chúng ta có thể giúp họ thế nào?

3 Khi thảm họa ập đến, khiến nhiều người đau khổ, người ta thường hỏi: “Tại sao Đức Chúa Trời để cho hoạn nạn xảy ra?” Kinh Thánh có lời giải đáp rất rõ ràng. Tuy nhiên, một người chưa học Kinh Thánh cần có thời gian mới hiểu hết câu trả lời đó. Các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va có thể giúp họ. * Thế nhưng, lúc đầu chỉ cần xem một câu Kinh Thánh như Ê-sai 61:1, 2, một số người cũng cảm thấy được an ủi, vì câu này cho biết Đức Chúa Trời mong muốn nhân loại được an ủi.

4. Một nữ sinh buồn nản đã được một Nhân Chứng ở Ba Lan giúp như thế nào, và kinh nghiệm đó hữu ích với bạn ra sao trong việc giúp đỡ người khác?

4 Người trẻ cũng như người già đều cần sự an ủi. Một em gái ở tuổi thiếu niên sống ở Ba Lan bị buồn nản xin một người quen cho lời khuyên. Khi dịu dàng hỏi thăm thêm, người bạn, vốn là Nhân Chứng Giê-hô-va, hiểu được rằng tâm trí em luôn đầy những thắc mắc và nghi ngờ như: “Tại sao có nhiều sự gian ác đến thế? Tại sao người ta đau khổ? Tại sao người em gái bị liệt của em phải chịu đau khổ? Tại sao em không có một trái tim khỏe mạnh? Nhà thờ giải thích rằng Thiên Chúa muốn thế. Nhưng nếu đúng là vậy, em sẽ không tin cậy nơi Ngài nữa!” Chị Nhân Chứng cầu nguyện thầm với Đức Giê-hô-va, rồi đáp: “Chị rất mừng là em đã hỏi chị điều này. Chị sẽ cố gắng giúp em”. Chị kể hồi nhỏ chị cũng có những nghi ngờ và Nhân Chứng Giê-hô-va đã giúp chị. Chị giải thích: “Chị đã học được rằng Đức Chúa Trời không làm người ta đau khổ. Ngài yêu thương họ, muốn điều tốt nhất cho họ, và chẳng bao lâu nữa sẽ mang lại những thay đổi lớn trên đất. Bệnh tật, các vấn đề của tuổi già và sự chết sẽ không còn, và những người biết vâng lời sẽ được sống mãi mãi—ngay trên hành tinh này”. Chị cho em xem Khải-huyền 21:3, 4; Gióp 33:25; Ê-sai 35:5-7 và 65:21-25. Sau một cuộc thảo luận dài, em nhẹ nhõm thấy rõ và nói: “Bây giờ em đã biết mục đích đời sống mình là gì. Bữa nào em tới chị chơi nữa được không?” Một cuộc học hỏi Kinh Thánh đã được sắp đặt với em một tuần hai lần.

Bằng sự an ủi từ Đức Chúa Trời

5. Khi bày tỏ sự đồng cảm, điều gì sẽ thật sự mang lại niềm an ủi?

5 Bày tỏ sự đồng cảm khi tìm cách an ủi người khác chắc chắn là điều thích hợp. Qua lời nói và giọng nói, chúng ta cố gắng cho người đang đau khổ thấy rằng chúng ta quan tâm sâu xa đến hoàn cảnh của họ. Những lời sáo rỗng không thể nào làm được điều đó. Kinh Thánh nói rằng “bởi sự nhịn-nhục và yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. (Rô-ma 15:4, chúng tôi viết nghiêng). Cân nhắc điều này, vào lúc thích hợp chúng ta có thể giải thích Nước Đức Chúa Trời là gì, và dùng Kinh Thánh để cho thấy Nước đó sẽ giải quyết các vấn đề hiện tại như thế nào. Sau đó chúng ta có thể lý luận tiếp tại sao đó là một niềm hy vọng đáng tin cậy. Bằng cách này, chúng ta sẽ mang lại niềm an ủi.

6. Chúng ta nên giúp người ta hiểu những điều nào để họ được lợi ích trọn vẹn từ sự an ủi của Kinh Thánh?

6 Để được lợi ích trọn vẹn từ sự an ủi đó, người ta cần biết Đức Chúa Trời thật, cá tính của Ngài, và tính đáng tin cậy của các lời hứa Ngài. Khi tìm cách giúp một người chưa thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta nên giải thích những điểm sau đây. (1) Sự an ủi trong Kinh Thánh đến từ Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thật. (2) Đức Giê-hô-va là Đấng Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa của trời và đất. Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương và giàu lòng yêu thương nhân từ và chân thật. (3) Chúng ta có thể được thêm sức để đối phó với hoàn cảnh nếu đến gần Đức Chúa Trời nhờ tiếp thu sự hiểu biết chính xác từ Lời Ngài. (4) Kinh Thánh chứa đựng những đoạn liên quan đến những thử thách khó khăn riêng biệt mà những người khác nhau đã gặp phải.

7. (a) Chúng ta có thể đạt được điều gì khi nhấn mạnh rằng sự an ủi của Đức Chúa Trời ‘chứa-chan bởi Đấng Christ’? (b) Làm thế nào bạn có thể mang lại niềm an ủi cho một người ý thức được hạnh kiểm xấu của họ trước kia?

7 Một số người đã dùng 2 Cô-rinh-tô 1:3-7 để khích lệ tinh thần những người đau khổ đã biết Kinh Thánh. Khi làm thế, họ nhấn mạnh câu “sự yên-ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa-chan”. Câu Kinh Thánh này có thể giúp một người nhận ra rằng Kinh Thánh là một nguồn an ủi mà họ nên xem xét thêm. Đó cũng là cơ sở để thảo luận thêm, có lẽ vào một dịp khác. Nếu một người cảm thấy những khó khăn họ gặp phải là do những việc làm sai trái của họ gây ra, chúng ta có thể nói bằng giọng không đoán xét rằng họ sẽ được an ủi khi biết được những gì ghi nơi 1 Giăng 2:1, 2 và Thi-thiên 103:11-14. Qua những cách này, chúng ta thật sự an ủi người khác bằng sự an ủi từ Đức Chúa Trời.

Khi cuộc sống đầy dẫy sự hung bạo hoặc khó khăn kinh tế

8, 9. Sự an ủi nào là thích hợp cho những nạn nhân của sự hung bạo?

8 Đời sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự hung bạo—do tội ác hung bạo ở cộng đồng hoặc do chiến tranh. Làm thế nào chúng ta an ủi họ?

9 Tín đồ thật của Đấng Christ thận trọng trong cả lời nói lẫn hành động để không đứng về bất kỳ phía nào trong các cuộc xung đột trên thế giới. (Giăng 17:16) Nhưng họ dùng Kinh Thánh một cách thích hợp để cho thấy tình trạng khắc nghiệt hiện tại sẽ không kéo dài mãi mãi. Họ có thể đọc Thi-thiên 11:5 để cho thấy cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va về những người ưa sự hung bạo, hoặc Thi-thiên 37:1-4 để nêu bật lời của Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta chớ nên tự trả thù, nhưng tin cậy nơi Ngài. Những lời nơi Thi-thiên 72:12-14 cho thấy cảm nghĩ của Sa-lô-môn Lớn, tức Chúa Giê-su Christ hiện đang làm Vua trên trời, đối với những người vô tội bị đối xử hung bạo.

10. Nếu từng sống qua những năm chiến tranh, bạn được an ủi thế nào bởi những câu Kinh Thánh được nêu?

10 Một số người sống qua hết cuộc xung đột này đến cuộc xung đột khác khi các phe phái đối lập tranh giành quyền lực. Dần dà họ xem chiến tranh và hậu quả của nó như một phần của cuộc sống. Hy vọng duy nhất mà họ nhìn thấy, đó là đời sống có thể tốt hơn nếu họ trốn sang nước khác. Nhưng phần đông không bao giờ thành công, và một số người đã mất mạng khi cố gắng làm thế. Còn những người đến được nước khác thì thường nhận ra rằng họ thoát khỏi những vấn đề này nhưng lại gặp phải những vấn đề khác. Có thể dùng Thi-thiên 146:3-6 để giúp những người như thế đặt hy vọng nơi một điều đáng tin cậy hơn là việc di cư. Lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:3, 7, 14 hay 2 Ti-mô-thê 3:1-5 có thể giúp họ có cái nhìn bao quát hơn và hiểu ý nghĩa của những tình trạng mà họ đang chịu, đó là do chúng ta đang sống trong kỳ cuối cùng của hệ thống cũ này. Những câu như Thi-thiên 46:1-3, 8, 9 và Ê-sai 2:2-4 có thể giúp họ nhận ra rằng hy vọng về một tương lai hòa bình là có thật.

11. Những câu Kinh Thánh nào đã an ủi một phụ nữ ở Tây Phi, và tại sao?

11 Trong giai đoạn chiến tranh tiếp diễn ở Tây Phi, một phụ nữ đã chạy trốn khỏi nhà dưới làn đạn. Cuộc đời cô đầy sự sợ hãi, buồn rầu và thất vọng não nề. Sau đó, trong khi gia đình đang sống ở nước khác, chồng cô lại quyết định đốt hôn thú, xua đuổi người vợ đang mang thai và đứa con trai mới mười tuổi, rồi đi tu. Nhưng cuối cùng cô đã tìm được niềm an ủi và mục đích đời sống, khi có người chia sẻ với cô câu Phi-líp 4:6, 7, Thi-thiên 55:22, cùng những bài giải thích Kinh Thánh trong Tháp Canh Tỉnh Thức!

12. (a) Kinh Thánh mang lại sự an ủi nào cho những người ngặt nghèo về kinh tế? (b) Một Nhân Chứng ở Á Châu đã giúp một khách hàng ra sao?

12 Sự suy sụp kinh tế khiến đời sống của hàng triệu người trở nên vô cùng khốn đốn. Đôi khi điều này cũng là do chiến tranh và hậu quả chiến tranh gây ra. Cũng có khi những chính sách thiếu khôn ngoan của nhà nước, sự tham lam cùng sự bất lương của những người nắm quyền đã vét sạch túi dân chúng và buộc họ phải bỏ tài sản. Và cũng có người chưa bao giờ có của cải. Tất cả những người đó có thể được an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời cam đoan sẽ trợ giúp những ai tin cậy nơi Ngài, và bảo đảm sẽ lập một thế giới công bình trong đó mọi người đều được hưởng công việc tay mình làm. (Thi-thiên 146:6, 7; Ê-sai 65:17, 21-23; 2 Phi-e-rơ 3:13) Khi một Nhân Chứng ở một xứ Á Châu nghe người khách hàng tỏ ý lo lắng về tình hình kinh tế ở đó, chị giải thích rằng những điều đang xảy ra là một phần trong một chuỗi những sự kiện đang diễn ra trên toàn thế giới. Một cuộc thảo luận về Ma-thi-ơ 24:3-14 và Thi-thiên 37:9-11 đã dẫn tới việc học hỏi Kinh Thánh đều đặn.

13. (a) Khi người ta bị thất vọng bởi những lời hứa hão, chúng ta có thể dùng Kinh Thánh giúp họ như thế nào? (b) Nếu người ta cảm thấy tình trạng xấu xa chứng tỏ không có Thượng Đế, bạn có thể cố gắng lý luận với họ ra sao?

13 Khi phải chịu đau khổ lâu năm hoặc đã nhiều lần bị thất vọng bởi những lời hứa suông, người ta có thể trở nên như dân Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập, “vì bị sầu-não” nên không lắng nghe. (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:9) Trong những trường hợp như thế, có lẽ sẽ hữu ích nếu nêu bật những cách Kinh Thánh có thể giúp họ đối phó thành công với các vấn đề hiện tại, và tránh các cạm bẫy đã khiến đời sống của nhiều người bị hủy hoại vô ích. (1 Ti-mô-thê 4:8b) Một số người có thể nghĩ tình trạng xấu xa mà họ phải chịu đựng chứng tỏ không có Thượng Đế hoặc Ngài không quan tâm đến họ. Bạn có thể dùng những câu Kinh Thánh thích hợp để lý luận cho họ nhận thấy rằng Đức Chúa Trời đã ban sự giúp đỡ, nhưng nhiều người đã không chấp nhận sự giúp đỡ đó.—Ê-sai 48:17, 18.

Khi phải đương đầu với bão tố hoặc động đất

14, 15. Khi một thảm họa khiến nhiều người rơi vào tình trạng khủng hoảng, Nhân Chứng Giê-hô-va đã bày tỏ sự quan tâm như thế nào?

14 Những thảm họa như bão tố, động đất, hỏa hoạn hay một vụ nổ có thể ập đến khiến nhiều người đau khổ. Có thể làm gì để an ủi những người sống sót?

15 Người ta cần biết rằng có người quan tâm đến họ. Sau một cuộc khủng bố xảy ra ở một nước, nhiều người đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều người mất người thân, người trụ cột trong gia đình, bạn bè, công ăn việc làm, hay một cảm giác an toàn nào đó mà họ nghĩ đã có trước đó. Nhân Chứng Giê-hô-va đã nỗ lực đến với những người trong cộng đồng, ngỏ lời chia buồn về sự mất mát to lớn của họ và an ủi họ bằng những lời trong Kinh Thánh. Nhiều người rất biết ơn sự quan tâm đó.

16. Khi thảm họa xảy ra trong một vùng ở El Salvador, tại sao thánh chức rao giảng của các Nhân Chứng địa phương thu được nhiều kết quả?

16 Ở El Salvador, theo sau một trận động đất lớn trong năm 2001 là một trận lũ bùn khiến nhiều người bị thiệt mạng. Một anh 25 tuổi, con của một chị Nhân Chứng, đã bị thiệt mạng cùng với hai em gái của vị hôn thê của anh. Mẹ cùng với hôn thê của anh trẻ này đã nhanh chóng bận rộn trong thánh chức. Nhiều người nói với họ rằng những người quá cố đã được Đức Chúa Trời đem đi, hoặc đó là ý Ngài. Hai Nhân Chứng này trích Châm-ngôn 10:22 để cho thấy Đức Chúa Trời không muốn chúng ta đau khổ. Họ đọc Rô-ma 5:12 để cho thấy sự chết là do tội lỗi của con người, chứ không phải do ý muốn Đức Chúa Trời. Họ cũng nêu thông điệp an ủi trong Thi-thiên 34:18, Thi-thiên 37:29, Ê-sai 25:8 và Khải-huyền 21:3, 4. Nhiều người đã sẵn sàng lắng nghe, đặc biệt vì chính hai phụ nữ này cũng bị mất người thân trong vụ thảm họa, và nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh đã bắt đầu.

17. Khi có thảm họa, chúng ta có thể mang lại sự giúp đỡ nào?

17 Khi thảm họa xảy ra, bạn có thể sẽ gặp những người cần sự giúp đỡ tức khắc về thể chất. Sự giúp đỡ có thể bao gồm việc gọi bác sĩ, đưa họ đến bệnh viện, hay làm bất cứ điều gì có thể được để cung cấp thực phẩm và nơi trú ngụ cho họ. Năm 1998, khi một thảm họa xảy ra ở Ý, một phóng viên đã nhận xét rằng Nhân Chứng Giê-hô-va “hoạt động rất thiết thực, sẵn sàng tiếp tay những người bị nạn bất kể họ thuộc tôn giáo nào”. Ở một số nơi, những biến cố được tiên tri về ngày cuối cùng đã gây ra nhiều đau khổ. Tại những nơi đó, Nhân Chứng Giê-hô-va cho người ta biết những lời tiên tri trong Kinh Thánh, và an ủi họ bằng sự bảo đảm của Kinh Thánh rằng Nước Đức Chúa Trời sẽ mang lại an ổn thật sự cho nhân loại.—Châm-ngôn 1:33; Mi-chê 4:4.

Khi một người thân trong gia đình qua đời

18-20. Khi một gia đình có người thân qua đời, bạn có thể nói hay làm gì để đem đến niềm an ủi?

18 Mỗi ngày có hàng triệu người đau buồn vì người thân yêu qua đời. Bạn có thể gặp những người đau buồn này khi đi rao giảng hoặc trong đời sống hàng ngày. Bạn có thể nói gì hay làm gì để an ủi họ?

19 Người đó có đang bị xáo động nội tâm không? Trong nhà có đông người thân đang đau buồn không? Có lẽ bạn có nhiều điều muốn nói, nhưng điều quan trọng là phải tế nhị. (Truyền-đạo 3:1, 7) Có lẽ điều thích hợp nhất là ngỏ lời chia buồn, để lại một ấn phẩm Kinh Thánh thích hợp (sách mỏng, tạp chí hoặc giấy nhỏ), và rồi vài ngày sau đến thăm lại xem có thể giúp gì thêm. Khi có dịp thích hợp, hãy xin phép chia sẻ vài ý tưởng khích lệ trong Kinh Thánh. Điều đó có thể có tác dụng xoa dịu và chữa lành vết thương. (Châm-ngôn 16:24; 25:11) Bạn không thể làm người chết sống lại như Chúa Giê-su đã làm. Tuy nhiên, bạn có thể chia sẻ những gì Kinh Thánh nói về tình trạng người chết, dù có lẽ đây chưa phải là lúc để bẻ bác những quan điểm sai lầm. (Thi-thiên 146:4; Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4) Bạn có thể cùng đọc với người đó những lời hứa trong Kinh Thánh về sự sống lại. (Giăng 5:28, 29; Công-vụ 24:15) Bạn có thể thảo luận ý nghĩa của những lời hứa này, có lẽ bằng cách dùng một lời tường thuật của Kinh Thánh về sự sống lại. (Lu-ca 8:49-56; Giăng 11:39-44) Cũng hãy lưu ý người đó đến các đức tính của Đức Chúa Trời đầy yêu thương, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng như thế. (Gióp 14:14, 15; Giăng 3:16) Hãy giải thích những sự dạy dỗ đó đã mang lại lợi ích cho bạn thế nào, và tại sao bạn tin tưởng vào những điều đó.

20 Mời người đau buồn đến Phòng Nước Trời có thể giúp họ làm quen với những người thật sự yêu thương người lân cận, và biết cách xây dựng lẫn nhau. Một phụ nữ ở Thụy Điển đã nhận ra rằng đây là điều suốt đời bà đã tìm kiếm.—Giăng 13:35; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11.

21, 22. (a) Muốn mang lại sự an ủi, chúng ta phải làm gì? (b) Làm thế nào chúng ta có thể an ủi một người đã biết rõ Kinh Thánh?

21 Khi biết có người đang đau buồn, dù ở trong hay ngoài hội thánh tín đồ Đấng Christ, đôi khi bạn có cảm thấy lúng túng, không biết phải nói hay làm gì không? Từ Hy Lạp thường được dịch là “yên-ủi” trong Kinh Thánh có nghĩa đen là “gọi đến cạnh mình”. Điều đó có nghĩa là muốn là người an ủi thật sự, bạn luôn sẵn sàng khi những người đau buồn cần đến bạn.—Châm-ngôn 17:17.

22 Nếu người mà bạn muốn an ủi đã biết những gì Kinh Thánh nói về sự chết, giá chuộc và sự sống lại thì sao? Chỉ sự hiện diện của một người bạn cùng đức tin có thể đã là một sự an ủi. Nếu người đó muốn nói chuyện, hãy biết lắng nghe. Đừng nghĩ rằng bạn phải nói một bài diễn thuyết. Nếu có đọc Kinh Thánh, hãy xem những điều đó là những lời của Đức Chúa Trời để làm vững lòng cho cả hai người. Hãy nói lên lòng tin tưởng mạnh mẽ của cả hai người về sự chắc chắn của những lời hứa trong Kinh Thánh. Bằng cách phản ánh sự thương xót của Đức Chúa Trời và chia sẻ những lẽ thật quý giá trong Lời Ngài, bạn cũng có thể giúp những người đang đau buồn tìm được sự an ủi và thêm sức từ “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”, Đức Giê-hô-va.—2 Cô-rinh-tô 1:3.

[Chú thích]

^ đ. 3 Xem các sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, chương 8; Dùng Kinh Thánh để lý luận (Anh ngữ), trang 393-400, 427-431; Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, chương 10; và sách mỏng Thượng Đế có thật sự quan tâm đến chúng ta không?

Bạn bình luận ra sao?

• Nhiều người đổ lỗi cho ai khi có hoạn nạn, và làm sao chúng ta có thể giúp họ?

• Chúng ta có thể làm gì để giúp người khác hưởng lợi ích trọn vẹn từ sự an ủi mà Kinh Thánh mang lại?

• Những vấn đề nào đang gây đau khổ cho nhiều người trong vùng bạn, và làm sao bạn có thể an ủi họ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 23]

Chia sẻ một thông điệp an ủi thật sự trong thời kỳ gian truân

[Nguồn tư liệu]

Trại tị nạn: UN PHOTO 186811/J. Isaac

[Hình nơi trang 24]

Chỉ sự hiện diện của một người bạn có thể đã là một sự an ủi