Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va soi xét để giúp chúng ta

Đức Giê-hô-va soi xét để giúp chúng ta

Đức Giê-hô-va soi xét để giúp chúng ta

“Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”.—2 SỬ 16:9.

1. Tại sao Đức Giê-hô-va dò xét chúng ta?

Đức Giê-hô-va là Người Cha hoàn hảo. Ngài hiểu chúng ta rõ đến độ Ngài nhận biết “các ý-tưởng” trong lòng chúng ta (1 Sử 28:9). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không dò xét chỉ nhằm mục đích tìm kiếm lỗi lầm (Thi 11:4; 130:3). Đúng hơn, Ngài yêu thương muốn bảo vệ chúng ta khỏi bất cứ điều gì làm tổn hại mối quan hệ của chúng ta với Ngài hoặc triển vọng sống đời đời của chúng ta.—Thi 25:8-10, 12, 13.

2. Đức Giê-hô-va dùng sức mạnh để giúp ai?

2 Đức Giê-hô-va có quyền lực vô song và nhìn thấy tất cả. Vì thế, Ngài có thể trợ giúp các tôi tớ trung thành mỗi khi họ kêu cầu và nâng đỡ họ trong lúc gặp thử thách. Câu 2 Sử-ký 16:9 nói: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. Hãy lưu ý Đức Giê-hô-va dùng sức mạnh để giúp những người phụng sự Ngài với lòng trọn thành, có động cơ trong sạch và thành thật. Ngài không tỏ lòng quan tâm như thế với những người dối trá hay giả hình.—Giô-suê 7:1, 20, 21, 25; Châm 1:23-33.

Đồng đi cùng Đức Chúa Trời

3, 4. “Đồng đi cùng Đức Chúa Trời” có nghĩa gì, và những gương nào trong Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu điều này?

3 Nhiều người thấy khó hiểu việc Đấng Tạo Hóa của vũ trụ bao la cho phép con người đồng đi với Ngài về mặt thiêng liêng. Nhưng đó chính là ý muốn của Ngài. Vào thời Kinh Thánh, Hê-nóc và Nô-ê đã “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng 5:24; 6:9). Ông Môi-se “đứng vững như thấy Đấng không thấy được” (Hê 11:27). Vua Đa-vít thấy mình khiêm nhường đi bên cạnh Cha trên trời. Ông nói: “Tôi chẳng hề bị rúng-động, vì [Đức Giê-hô-va] ở bên hữu tôi”.—Thi 16:8.

4 Dĩ nhiên, chúng ta không thể nắm tay và đồng đi với Đức Giê-hô-va theo nghĩa đen. Nhưng chúng ta có thể làm thế theo nghĩa bóng. Bằng cách nào? Người viết Thi-thiên là A-sáp viết: “Tôi cứ ở cùng Chúa luôn luôn: Chúa đã nắm lấy tay hữu tôi. Chúa sẽ dùng sự khuyên-dạy mà dẫn-dắt tôi” (Thi 73:23, 24). Nói một cách đơn giản, chúng ta đồng đi với Đức Giê-hô-va khi cẩn thận làm theo lời khuyên của Ngài, là những điều chúng ta nhận được chủ yếu qua Kinh Thánh và qua lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”.—Mat 24:45; 2 Ti 3:16.

5. Như một người cha, Đức Giê-hô-va trông nom những tôi tớ trung thành như thế nào, và chúng ta nên cảm thấy thế nào về Ngài?

5 Vì yêu mến những người đồng đi với Ngài, Đức Giê-hô-va trông nom họ như người cha, chăm sóc, bảo vệ và dạy dỗ họ. Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi” (Thi 32:8). Hãy tự hỏi: “Tôi có thấy mình nắm tay Đức Giê-hô-va để đồng đi với Ngài, lắng nghe sự khôn ngoan của Ngài và biết Ngài yêu thương trông chừng mình không? Việc nhận thức sự hiện diện của Ngài có tác động đến tư tưởng, lời nói và hành động của tôi không? Khi phạm lỗi, tôi có thấy Đức Giê-hô-va là Người Cha thương xót và trìu mến, muốn giúp người biết ăn năn trở về trong vòng tay ấm áp của Ngài, chứ không phải là một Đức Chúa Trời nghiêm khắc và xa cách không?”.—Thi 51:17.

6. So với các bậc cha mẹ trên đất, Đức Giê-hô-va có ưu thế nào?

6 Đôi khi Đức Giê-hô-va còn giúp đỡ trước khi chúng ta bước vào con đường sai trái. Chẳng hạn, Ngài có thể quan sát thấy tấm lòng có khuynh hướng dối trá của chúng ta bắt đầu ước muốn những điều không đúng (Giê 17:9). Trong trường hợp đó, Đức Giê-hô-va có thể còn hành động sớm hơn cha mẹ trên đất, vì “mắt” Ngài có khả năng nhìn thấu lòng để xem xét tâm tư chúng ta (Thi 11:4; 139:4; Giê 17:10). Hãy xem phản ứng của Đức Chúa Trời trước một tình huống nảy sinh trong cuộc đời ông Ba-rúc, bạn thân và thư ký riêng của nhà tiên tri Giê-rê-mi.

Như một người cha đối với Ba-rúc

7, 8. (a) Ba-rúc là ai, và ước muốn sai lầm nào có thể đã nảy sinh trong lòng ông? (b) Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng quan tâm như một người cha đối với Ba-rúc như thế nào?

7 Ba-rúc là một viên ký lục trung thành phụng sự bên cạnh Giê-rê-mi trong một nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn—công bố sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên nước Giu-đa (Giê 1:18, 19). Có một giai đoạn, Ba-rúc, có lẽ xuất thân từ một gia đình tiếng tăm, bắt đầu tìm kiếm “việc lớn” cho mình. Có lẽ ông bắt đầu nuôi dưỡng tham vọng cá nhân hoặc mong ước được giàu có thịnh vượng. Dù gì đi nữa, Đức Giê-hô-va đã nhìn thấy lối suy nghĩ nguy hiểm này đang phát triển trong lòng Ba-rúc. Qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va đã nhanh chóng lưu ý Ba-rúc về vấn đề này: “Ngươi đã nói: Khốn nạn cho ta, vì Đức Giê-hô-va thêm sự buồn-rầu cho sự đau-đớn ta; ta mệt-nhọc vì than-thở, chẳng được nghỉ-ngơi!”. Rồi Ngài nói tiếp: “Ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm-kiếm”.—Giê 45:1-5.

8 Dù nghiêm nghị với Ba-rúc, Đức Giê-hô-va không phản ứng một cách giận dữ nhưng tỏ ra thành thật quan tâm như một người cha. Hẳn Đức Chúa Trời thấy những ước muốn của ông không phản ánh tấm lòng gian ác hoặc xảo quyệt. Đức Giê-hô-va cũng biết thành Giê-ru-sa-lem và nước Giu-đa đang ở trong những ngày cuối cùng, và Ngài không muốn Ba-rúc vấp ngã trong thời điểm hệ trọng này. Vì thế, để kéo Ba-rúc trở về thực tại, Đức Chúa Trời nhắc ông nhớ rằng Ngài sắp “giáng tai-vạ cho mọi loài xác-thịt”, và cho biết thêm nếu ông hành động khôn ngoan thì sẽ được sống (Giê 45:5). Đức Chúa Trời như thể nói: “Hỡi Ba-rúc, hãy thực tế. Hãy nhớ những gì sắp xảy ra cho nước Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem tội lỗi này. Hãy giữ lòng trung thành và sống sót! Ta sẽ bảo vệ ngươi”. Lời Đức Giê-hô-va phán hẳn động đến lòng Ba-rúc, vì ông nghe lời và được sống sót khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt khoảng 17 năm sau đó.

9. Bạn trả lời những câu hỏi được nêu ra trong đoạn này thế nào?

9 Khi suy ngẫm lời tường thuật về Ba-rúc, hãy xem xét những câu hỏi và câu Kinh Thánh sau đây: Cách Đức Chúa Trời đối xử với Ba-rúc cho biết gì về Đức Giê-hô-va và cảm nghĩ của Ngài đối với tôi tớ Ngài? (Đọc Hê-bơ-rơ 12:9). Trong thời kỳ khó khăn hiện nay, chúng ta có thể học được gì qua lời Đức Chúa Trời khuyên Ba-rúc và qua phản ứng của ông? (Đọc Lu-ca 21:34-36). Noi gương Giê-rê-mi, làm thế nào các trưởng lão phản ánh lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ Ngài?—Đọc Ga-la-ti 6:1.

Chúa Giê-su phản ánh tình yêu thương của Cha

10. Chúa Giê-su được trang bị thế nào để thực thi vai trò Đấng làm đầu hội thánh đạo Đấng Christ?

10 Trước thời Đấng Christ, tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với dân Ngài được thể hiện qua các tiên tri và những tôi tớ trung thành khác. Ngày nay, tình yêu ấy cũng được thể hiện trên hết qua Đấng làm đầu hội thánh đạo Đấng Christ, Chúa Giê-su (Ê-phê 1:22, 23). Vì thế, trong sách Khải-huyền, Chúa Giê-su được miêu tả là chiên con có “bảy mắt, là bảy vì thần của Đức Chúa Trời sai xuống khắp thế-gian” (Khải 5:6). Thật vậy, được đầy dẫy thánh linh Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su có khả năng nhận thức hoàn hảo. Ngài cũng nhìn thấy con người bề trong của chúng ta, và không gì thoát khỏi tầm mắt ngài.

11. Chúa Giê-su có vai trò nào, và ngài phản ánh thái độ của Cha ngài thế nào trong cách đối xử với chúng ta?

11 Thế nhưng giống như Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su không phải là viên cảnh sát theo dõi chúng ta từ trời. Ngài dò xét chúng ta với đôi mắt yêu thương. Một trong những tước hiệu của Chúa Giê-su là “Cha Đời đời”, nhắc chúng ta về vai trò của ngài sau này trong việc ban sự sống vĩnh cửu cho những ai thể hiện đức tin nơi ngài (Ê-sai 9:5). Ngoài ra, với tư cách là Đầu hội thánh, Chúa Giê-su có thể thúc đẩy các tín đồ thành thục có lòng sẵn sàng, nhất là các trưởng lão, cung cấp sự an ủi hoặc lời khuyên cho những ai cần giúp đỡ.—1 Tê 5:14; 2 Ti 4:1, 2.

12. (a) Các lá thư gửi cho bảy hội thánh ở Tiểu Á cho thấy gì về Chúa Giê-su? (b) Làm thế nào các trưởng lão phản ánh thái độ của Đấng Christ đối với bầy của Đức Chúa Trời?

12 Lòng quan tâm sâu xa của Chúa Giê-su đối với bầy chiên được thể hiện qua những lá thư gửi cho các trưởng lão trong bảy hội thánh ở Tiểu Á (Khải 2:1–3:22). Trong các lá thư đó, Chúa Giê-su cho thấy ngài biết những gì đang xảy ra trong mỗi hội thánh và biểu lộ lòng quan tâm sâu xa đối với các môn đồ. Ngày nay cũng thế, thậm chí còn hơn nữa, vì sự hiện thấy trong sách Khải-huyền được ứng nghiệm trong “ngày của Chúa” * (Khải 1:10). Tình yêu của Chúa Giê-su thường được thể hiện qua các trưởng lão, những người chăn bầy trong hội thánh. Ngài có thể thúc đẩy các anh này đưa ra lời an ủi, động viên hay khuyên bảo khi cần thiết. (Ê-phê 4:8; Công 20:28; đọc Ê-sai 32:1, 2). Bạn có xem nỗ lực của họ là cách Đấng Christ thể hiện lòng quan tâm đến cá nhân bạn không?

Sự giúp đỡ đúng lúc

13-15. Đức Giê-hô-va có thể đáp lời cầu nguyện qua những cách nào? Xin cho thí dụ.

13 Bạn có bao giờ tha thiết cầu xin giúp đỡ và được nhậm lời qua cuộc viếng thăm đầy khích lệ của một tín đồ thành thục không? (Gia 5:14-16). Hay có lẽ sự trợ giúp đến từ một bài giảng tại buổi nhóm họp hoặc thông tin trong một ấn phẩm của tổ chức. Đức Giê-hô-va thường đáp lời cầu nguyện qua những cách như thế. Chẳng hạn, sau khi một anh trưởng lão nói xong bài giảng, một chị Nhân Chứng đã đến gặp anh. Vài tuần trước đó, chị là nạn nhân của một sự bất công trắng trợn. Nhưng chị không gặp anh để than thở vấn đề của mình, mà để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa về những điểm dựa trên Kinh Thánh trong bài giảng. Chúng áp dụng trong trường hợp của chị và an ủi chị rất nhiều. Chị thật vui mừng vì đã tham dự buổi nhóm họp đó!

14 Về việc được giúp đỡ qua lời cầu nguyện, hãy xem trường hợp của ba tù nhân biết lẽ thật và trở thành người công bố chưa báp têm. Vì một cuộc ẩu đả xảy ra nên mọi tù nhân bị tước đi một số quyền. Điều này đã khuấy động sự phản kháng. Các tù nhân quyết định sau buổi ăn sáng ngày hôm sau, họ sẽ tỏ thái độ chống đối bằng cách không trả lại đĩa đựng thức ăn. Ba người công bố chưa báp têm ấy đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tham gia làm loạn thì họ vi phạm lời răn của Đức Giê-hô-va nơi Rô-ma 13:1. Còn nếu không, họ có thể bị những tù nhân khác giận dữ trả thù.

15 Vì không thể liên lạc với nhau nên cả ba người cầu nguyện xin sự khôn ngoan. Sáng hôm sau, cả ba đều nhận ra là họ đã quyết định cùng một giải pháp—không ăn sáng. Khi lính canh tù trở lại lấy đĩa, ba anh này không có đĩa để trả. Họ vui mừng biết bao vì “Đấng nghe lời cầu-nguyện” ở gần họ!—Thi 65:2.

Nhìn về tương lai với lòng tin chắc

16. Công việc rao giảng cho thấy lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với những người giống như chiên như thế nào?

16 Công việc rao giảng toàn cầu là một bằng chứng khác cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người có lòng thành thật, dù họ sống ở nơi nào (Sáng 18:25). Đức Giê-hô-va thường dùng thiên sứ để hướng dẫn tôi tớ Ngài đến gặp những người có lòng như chiên—dù họ sống ở những nơi tin mừng chưa được giảng đến (Khải 14:6, 7). Chẳng hạn, qua một thiên sứ, Đức Chúa Trời hướng dẫn Phi-líp, một người truyền giáo trong thế kỷ thứ nhất, tìm gặp một viên quan người Ê-thi-ô-bi và giải nghĩa Kinh Thánh cho ông. Kết quả là gì? Viên quan ấy đã chấp nhận tin mừng và làm báp têm trở thành môn đồ của Chúa Giê-su *.—Giăng 10:14; Công 8:26-39.

17. Tại sao chúng ta không nên quá lo lắng về tương lai?

17 Trong khi hệ thống mọi sự này tiến đến sự cuối cùng, “sự tai-hại” đã được báo trước sẽ tiếp diễn (Mat 24:8). Thí dụ, giá lương thực có thể tăng đáng kể do nhu cầu gia tăng, thời tiết khắc nghiệt hoặc bất ổn kinh tế. Việc làm có thể khó tìm hơn, và công nhân có thể bị buộc làm nhiều giờ hơn. Dù chuyện gì xảy ra, tất cả những ai đặt điều thiêng liêng lên hàng đầu và giữ mắt “sáng-sủa”, tập trung vào một mục tiêu, sẽ không phải lo lắng thái quá. Họ biết Đức Chúa Trời yêu mến họ và sẽ chăm sóc họ (Mat 6:22-34). Chẳng hạn, hãy xem cách Đức Giê-hô-va cung cấp cho Giê-rê-mi trong giai đoạn cuối cùng đầy xáo động của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN.

18. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ tình yêu thương đối với Giê-rê-mi trong lúc thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây như thế nào?

18 Trong suốt giai đoạn cuối cùng khi quân Ba-by-lôn bao vây thành Giê-ru-sa-lem, Giê-rê-mi bị giam giữ ở hành lang lính canh. Làm sao ông có thức ăn? Nếu được tự do, ông có thể đi tìm thức ăn. Thế nhưng, ông hoàn toàn phụ thuộc vào những người chung quanh, hầu hết đều ghét ông! Song Giê-rê-mi không tin cậy nơi loài người mà tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng hứa chăm sóc ông. Đức Giê-hô-va có thực hiện lời hứa của Ngài không? Chắc chắn có! Ngài đã lo liệu để mỗi ngày Giê-rê-mi nhận được “một chiếc bánh. . . cho đến chừng bánh trong thành hết trơn” (Giê 37:21). Giê-rê-mi cũng như Ba-rúc, Ê-bết-Mê-lết và những người khác đã được sống sót qua giai đoạn đói kém, bệnh dịch và chết chóc đó.—Giê 38:2; 39:15-18.

19. Khi nhìn về tương lai, chúng ta nên cương quyết làm gì?

19 Đúng vậy, “mắt của Chúa đoái-trông người công-bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu-nguyện người” (1 Phi 3:12). Bạn có vui mừng vì được Cha trên trời soi xét không? Bạn có cảm thấy an toàn và an tâm khi biết Ngài quan sát để giúp đỡ bạn không? Vậy hãy quyết tâm tiếp tục đồng đi với Đức Chúa Trời, dù điều gì xảy ra trong tương lai. Chúng ta có thể chắc chắn rằng “mắt” Đức Giê-hô-va sẽ luôn chăm chú dõi theo những tôi tớ trung thành của Ngài như một người cha.—Thi 32:8; đọc Ê-sai 41:13.

[Chú thích]

^ đ. 12 Tuy những lá thư này áp dụng chủ yếu cho các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, nhưng trên nguyên tắc thì chúng áp dụng cho tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời.

^ đ. 16 Một thí dụ khác về sự hướng dẫn từ trời được ghi lại nơi Công-vụ 16:6-10. Đoạn này cho thấy ‘thánh linh đã cấm’ Phao-lô và các cộng sự của ông rao giảng tại A-si và Bi-thi-ni. Thay vì thế, họ được gọi đến xứ Ma-xê-đoan, nơi có nhiều người nhu mì hưởng ứng thông điệp họ rao truyền.

Bạn giải thích thế nào?

• Làm thế nào chúng ta cho thấy mình đang “đồng đi cùng Đức Chúa Trời”?

• Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương đối với Ba-rúc như thế nào?

• Là Đầu của hội thánh đạo Đấng Christ, Chúa Giê-su phản ánh đức tính của Cha ngài như thế nào?

• Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tin cậy nơi Đức Chúa Trời trong thời kỳ khó khăn này?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 9]

Như Giê-rê-mi đối với Ba-rúc, các trưởng lão đạo Đấng Christ thời nay phản ánh lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 10]

Đức Giê-hô-va có thể giúp đỡ đúng lúc như thế nào?