Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong quyển thứ nhất của sách Thi-thiên

Những điểm nổi bật trong quyển thứ nhất của sách Thi-thiên

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong quyển thứ nhất của sách Thi-thiên

NHAN ĐỀ nào mới thích hợp cho quyển sách có nội dung phần lớn là những lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời? Không có nhan đề nào phù hợp hơn Thi-thiên, hoặc Thánh Vịnh. Đây là sách dài nhất trong Kinh Thánh, bao gồm những bài hát hay, nói về các đức tính cao quý của Đức Chúa Trời, những việc làm đầy quyền năng của Ngài và vô số lời tiên tri. Nhiều bài nói lên tâm trạng của người sáng tác trong lúc đương đầu với những nghịch cảnh. Những bài hát này được sáng tác trong khoảng một ngàn năm—từ thời nhà tiên tri Môi-se đến thời sau khi dân Do Thái từ xứ lưu đày trở về. Những người sáng tác gồm có Môi-se, Vua Đa-vít và nhiều người khác. Người ta cho rằng thầy tế lễ E-xơ-ra là người đã sắp xếp các bài ca theo trật tự như hiện nay.

Từ xưa, sách Thi-thiên đã được chia làm bộ sưu tập hay năm quyển: (1) Bài 1-41, (2) Bài 42-72, (3) Bài 73-89, (4) Bài 90-106, và (5) Bài 107-150. Bài viết này sẽ trình bày về quyển thứ nhất. Người ta cho rằng Vua Đa-vít của dân Y-sơ-ra-ên xưa đã sáng tác tất cả các bài Thi-thiên trong quyển thứ nhất, ngoại trừ ba bài số 1, 10, và 33 không rõ ai sáng tác.

“ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ HÒN ĐÁ TÔI”

(Thi-thiên 1:1–24:10)

Bài Thi-thiên thứ nhất nói rằng những người yêu mến luật pháp của Đức Giê-hô-va thì được hạnh phúc. Bài thứ hai đề cập trực tiếp về Nước Trời. * Phần lớn các bài Thi-thiên từ 1 đến 24 là những lời cầu khẩn dâng lên Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, các bài số 3-5, 7, 12, 1317 là những lời nài xin giải thoát khỏi kẻ thù. Bài số 8 nêu bật mối tương phản giữa sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va và sự nhỏ bé thấp kém của con người.

Miêu tả Đức Giê-hô-va là Đấng Che Chở, Đa-vít cất giọng hát: “Đức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương-náu mình”. (Thi-thiên 18:2) Đức Giê-hô-va được tôn vinh là Đấng Tạo Hóa và Đấng Lập Luật trong bài Thi-thiên 19, Đấng Giải Cứu trong bài 20, và là Đấng Giải Cứu vị Vua Ngài đã xức dầu nơi bài 21. Nơi bài Thi-thiên 23, Đức Giê-hô-va được miêu tả là Đấng Chăn Giữ Vĩ Đại, còn nơi bài 24 thì Ngài được miêu tả là vị Vua vinh hiển.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:1, 2—Các dân tộc toan “mưu-chước hư-không” nào? “Mưu-chước hư-không” chính là những toan tính không dứt của các chính phủ loài người nhằm kéo dài mãi quyền lực của họ. Điều đó là hư không bởi vì ý định của họ chắc chắn sẽ thất bại. Làm sao các dân có thể hy vọng chiến thắng khi “nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài”?

2:7—“Mạng-lịnh” của Đức Giê-hô-va là gì? Đó là giao ước mà Đức Giê-hô-va hứa rằng Ngài sẽ ban Nước Trời cho Con yêu dấu của Ngài, Chúa Giê-su Christ.—Lu-ca 22:28, 29.

2:12—Các nhà cai trị thế gian có thể “hôn Con” bằng cách nào? Vào thời Kinh Thánh, hôn là một hành động biểu lộ tình bạn và lòng trung thành. Đây cũng là cách tiếp đón khách. Các vua thế gian được lệnh hãy hôn Con, điều này có nghĩa là họ phải nhận ngài là Vua Mê-si.

3:lời ghi chú ở đầu bài—Lời ghi chú ở đầu một số bài Thi-thiên dùng để làm gì? Những lời ghi chú đó đôi khi cho biết tên người sáng tác và/hoặc hoàn cảnh sáng tác của bài Thi-thiên đó, như bài số 3 chẳng hạn. Cũng có thể những lời ghi chú ấy cho biết mục đích hoặc khi nào sử dụng bài ca đó (như bài số 4 và 5), hay chỉ đạo về nhạc cụ (như bài số 6).

3:2“Sê-la” là gì? Có người nghĩ từ này dùng để chỉ sự tạm ngừng để suy ngẫm, áp dụng cho chỉ người hát hoặc cho cả người hát lẫn nhạc. (Thi-thiên 3:2, cước chú) Sự tạm ngừng này nhằm mục đích làm nổi bật ý tưởng hoặc xúc cảm. Khi đọc sách Thi-thiên trước công chúng, không cần phải đọc lớn tiếng từ này.

11:3—Các nền nào bị phá đổ? Đó là những nền tảng của xã hội—luật pháp, trật tự và công lý. Khi những nền tảng này lung lay thì xã hội rối ren và thiếu công lý. Trong những hoàn cảnh đó, “người công-bình” phải hoàn toàn nương cậy nơi Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 11:4-7.

21:3—“Mão triều bằng vàng ròng” có gì đáng chú ý? Kinh Thánh không cho biết mão triều đó là thật, hay chỉ tượng trưng cho sự vinh hiển do những thắng lợi của Đa-vít. Tuy nhiên, câu này tiên tri về mão triều mà Chúa Giê-su được Đức Giê-hô-va ban vào năm 1914. Hình ảnh mão triều bằng vàng hàm ý sự cai trị của ngài là tốt nhất.

22:1, 2—Tại sao Đa-vít có cảm giác Đức Giê-hô-va lìa bỏ ông? Đa-vít phải chịu những áp lực nặng nề từ kẻ thù, đến nỗi ‘trái tim ông khô như sáp, tan ra trong mình ông’. (Thi-thiên 22:14) Đối với ông, có lẽ điều đó như thể là Đức Giê-hô-va đã lìa bỏ ông. Khi bị đóng đinh trên cây khổ hình, Chúa Giê-su cũng có cảm giác như vậy. (Ma-thi-ơ 27:46) Lời của Đa-vít nói lên phản ứng bình thường của ông khi ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Tuy nhiên, lời cầu nguyện của ông nơi Thi-thiên 22:16-21 cho thấy Đa-vít không hề mất niềm tin nơi Đức Chúa Trời.

Bài học cho chúng ta:

1:1. Nên tránh giao du với những người không yêu mến Đức Giê-hô-va.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

1:2. Chúng ta chớ để một ngày trôi qua mà không suy ngẫm những điều thiêng liêng.—Ma-thi-ơ 4:4.

4:5. Chỉ khi những của-lễ của chúng ta về phương diện thiêng liêng xuất phát từ động lực đúng đắn và đi đôi với hạnh kiểm phù hợp tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, chúng ta mới có thể dâng “sự công-bình làm của-lễ”.

6:5. Có lý do nào chính đáng hơn để chúng ta gìn giữ sự sống mình?—Thi-thiên 115:17.

9:12. Đức Giê-hô-va báo thù huyết theo nghĩa Ngài trừng phạt những kẻ gây tội đổ máu, nhưng Ngài chẳng hề quên ‘tiếng kêu của kẻ khốn-cùng’.

15:2, 3; 24:3-5. Những người thờ phượng chân chính phải nói thật, tránh thề dối cũng như vu khống hoặc nói hành.

15:4. Miễn là những điều chúng ta hứa không trái với nguyên tắc trong Kinh Thánh, chúng ta nên hết sức thực hiện lời hứa ấy, cho dù rất khó làm.

15:5. Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta tránh lạm dụng tiền bạc.

17:14, 15. Mục tiêu của “người thế-gian” là phải có đời sống sung túc, lập gia đình và để lại tài sản cho con cháu. Trái lại, điều Đa-vít quan tâm nhất trong đời sống là tạo được danh tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời để “được thấy mặt Chúa”, hay được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Khi “tỉnh-thức”—theo nghĩa là nhận thức—về lời hứa và sự cam đoan của Đức Giê-hô-va, Đa-vít “thỏa-nguyện nhìn-xem hình-dạng của Chúa”, hoặc vui mừng vì Đức Giê-hô-va ở cùng ông. Như Đa-vít, chẳng phải chúng ta nên để lòng mình nơi gia sản thiêng liêng sao?

19:1-6. Nếu những tạo vật vô tri vô giác còn có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va, huống chi chúng ta—những tạo vật biết suy nghĩ, nói năng và thờ phượng—lại không ca ngợi Ngài?—Khải-huyền 4:11.

19:7-11. Luật pháp của Đức Chúa Trời giúp ích cho chúng ta nhiều biết bao!

19:12, 13. Sự “sai-lầm” và “cố ý phạm tội” là những điều phải tránh.

19:14. Chúng ta phải suy xét không chỉ hành động của mình mà ngay cả lời nói và suy nghĩ.

“VÌ SỰ THANH-LIÊM TÔI, CHÚA NÂNG-ĐỠ TÔI”

(Thi-thiên 25:1–41:13)

Qua hai bài Thi-thiên 25 và 26, Đa-vít cho thấy ông thành thật mong muốn và kiên quyết giữ sự thanh liêm biết bao! Ông hát: “Còn tôi, tôi sẽ bước đi trong sự thanh-liêm”. (Thi-thiên 26:11) Trong lời cầu xin Đức Giê-hô-va tha tội, ông thừa nhận: “Khi tôi nín-lặng, các xương-cốt tôi tiêu-tàn, và tôi rên-siết trọn ngày”. (Thi-thiên 32:3) Đa-vít đoan chắc cùng những người trung thành với Đức Giê-hô-va: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ”.—Thi-thiên 34:15.

Những lời khuyên nơi bài Thi-thiên 37 rất hữu ích cho cả dân Y-sơ-ra-ên xưa lẫn cho chúng ta, những người hiện đang sống trong “ngày sau-rốt” của hệ thống mọi sự này! (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Tiên tri về Chúa Giê-su Christ, Thi-thiên 40:7, 8 nói: “Nầy tôi đến; trong quyển sách đã có chép về tôi: Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi”. Bài cuối cùng của quyển thứ nhất là lời cầu nguyện của Đa-vít xin Đức Giê-hô-va trợ giúp ông trong những năm tháng gian truân, sau khi ông phạm tội với Bát-Sê-ba. Ông hát: “Nhân vì sự thanh-liêm tôi, Chúa nâng-đỡ tôi”.—Thi-thiên 41:12.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

26:6—Theo nghĩa bóng, làm sao chúng ta noi gương Đa-vít đi vòng xung quanh bàn thờ của Đức Giê-hô-va? Bàn thờ tượng trưng cho ý định của Đức Giê-hô-va trong việc chấp nhận của-lễ mà Chúa Giê-su dâng để chuộc tội nhân loại. (Hê-bơ-rơ 8:5; 10:5-10) Chúng ta đi vòng xung quanh bàn thờ bằng cách thực hành đức tin nơi sự hy sinh đó.

29:3-9—Khi so sánh tiếng của Đức Giê-hô-va với tiếng vang rền đáng kinh sợ của sấm sét, tác giả muốn nói lên điều gì? Đơn giản là: Quyền năng của Đức Giê-hô-va thật đáng kính sợ!

31:23—Người kiêu ngạo bị “báo cách nặng-nề” như thế nào? Sự báo trả được nói đến trong câu này là sự trừng phạt. Khi vô tình làm lỗi, người công bình phải chịu báo trả bằng sự sửa trị của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, người kiêu ngạo thì không chịu ăn năn và sửa đổi, do đó người ấy sẽ bị báo cách nặng nề hơn, tức bị trừng phạt nặng.—Châm-ngôn 11:31; 1 Phi-e-rơ 4:18.

33:6—“Hơi-thở” của miệng Đức Giê-hô-va là gì? Hơi thở là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, tức thánh linh. Ngài dùng lực này khi sáng tạo các tầng trời. (Sáng-thế Ký 1:1, 2) * Thánh linh được gọi là hơi thở của miệng Ngài vì, giống như một luồng khí mạnh, thánh linh được dùng để thực hiện công việc từ một khoảng cách xa.

35:19—Khi cầu xin Đức Giê-hô-va đừng để kẻ thù của ông nheo con mắt, Đa-vít muốn nói gì? Cái nheo mắt của kẻ thù cho thấy họ thích thú khi hại được Đa-vít bằng những âm mưu xảo quyệt. Ông cầu xin Đức Giê-hô-va đừng để điều này xảy ra.

Bài học cho chúng ta:

26:4. Chúng ta phải khôn ngoan tránh giao du với những người giấu danh tánh trên mạng Internet, bạn cùng trường hoặc cùng sở có ý đồ xấu khi giả vờ kết bạn với chúng ta, kẻ bội đạo ra vẻ chân thật, và những người có lối sống hai mặt.

26:7, 12; 35:18; 40:9. Chúng ta phải ngợi khen Đức Giê-hô-va trong các buổi họp của tín đồ Đấng Christ.

26:8; 27:4. Chúng ta có thích tham dự các buổi nhóm họp không?

26:11. Trong khi bày tỏ lòng cương quyết giữ sự thanh liêm, Đa-vít cũng cầu xin Đức Chúa Trời tha tội ông. Đúng vậy, dù là người bất toàn, chúng ta cũng có thể giữ sự thanh liêm.

29:10. Qua hình ảnh Ngài ngự trên “nước lụt”, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài hoàn toàn kiểm soát sức mạnh của Ngài.

30:5. Đức tính chính của Đức Giê-hô-va là yêu thương, không phải nóng giận.

32:9. Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta vâng phục Ngài một cách bắt buộc, như con la hoặc con lừa bị thúc bởi giây cương hoặc roi da. Thay vì thế, Đức Chúa Trời muốn chúng ta tự chọn vâng phục Ngài dựa trên sự hiểu biết về ý muốn Ngài.

33:17-19. Không thể chế nào của loài người, dù mạnh đến đâu đi nữa, có thể mang lại sự cứu rỗi. Vì thế, chúng ta phải đặt niềm tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và Nước Trời.

34:10. Đây quả là lời trấn an cho những người đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng ưu tiên!

39:1, 2. Khi kẻ ác tìm cách thu thập thông tin để hại anh em đồng đức tin, chúng ta khôn ngoan ‘khớp giữ miệng mình’ và không trả lời.

40:1, 2. Trông cậy nơi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vượt qua sự buồn nản như thể “lên khỏi hầm gớm-ghê, khỏi vũng-bùn lấm”.

40:5, 12. Dù chúng ta gặp tai họa hoặc có thiếu sót nhiều đến đâu đi nữa, nhưng những điều ấy sẽ không thể đè bẹp tinh thần chúng ta nếu chúng ta luôn nhớ rằng những phước lành mình nhận lãnh “lấy làm nhiều quá không đếm được”.

“Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời”

Toàn bộ 41 bài Thi-thiên trong quyển thứ nhất chứa đựng những lời lẽ đầy an ủi và khích lệ biết bao! Dù đang gặp thử thách hoặc bị lương tâm cắn rứt, chúng ta có thể tìm được nguồn trợ sức và sự khích lệ qua những bài Thi-thiên này, một phần trong Lời đầy quyền lực của Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 4:12) Những bài Thi-thiên này là nguồn hướng dẫn đáng tin cậy cho cuộc sống, và nhiều lần cam đoan rằng dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Quyển thứ nhất của sách Thi-thiên kết thúc với câu: “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, từ trước vô-cùng cho đến đời đời! A-men, A-men!” (Thi-thiên 41:13) Sau khi xem xét phần này, chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy muốn chúc tụng, hay ngợi khen Đức Giê-hô-va sao?

[Chú thích]

^ đ. 3 Bài Thi-thiên số 2 được ứng nghiệm lần đầu vào thời Đa-vít.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Những tạo vật vô tri vô giác còn ngợi khen Đức Giê-hô-va, huống chi là chúng ta!

[Hình nơi trang 17]

Đa-vít sáng tác hầu hết các bài Thi-thiên trong 41 bài của quyển thứ nhất

[Hình nơi trang 18]

Bạn có biết bài Thi-thiên nào miêu tả Đức Giê-hô-va như Đấng Chăn Giữ Vĩ Đại không?

[Hình nơi trang 20]

Chớ để một ngày trôi qua mà không suy ngẫm những điều thiêng liêng

[Nguồn tư liệu nơi trang 17]

Sao: Courtesy United States Naval Observatory

[Nguồn tư liệu nơi trang 19]

Sao, trang 18 và 19: Courtesy United States Naval Observatory

[Nguồn tư liệu nơi trang 20]

Sao: Courtesy United States Naval Observatory

[Chú thích]

^ đ. 11 Sáng-thế Ký 1:1, 2 trong Bản Diễn Ý nói như sau: “Ban đầu, Thượng Đế sáng tạo trời đất. Đất chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ rệt. Bóng tối che mặt vực thẳm và Thánh Linh Thượng Đế tác động trên mặt nước”.