Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Công-vụ

Những điểm nổi bật trong sách Công-vụ

Lời Đức Giê-hô-va là lời sống

Những điểm nổi bật trong sách Công-vụ

Sách Công-vụ tường thuật toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của hội thánh đạo Đấng Christ. Sách do y sĩ Lu-ca viết, kể lại các hoạt động sôi nổi của tín đồ Đấng Christ trong khoảng thời gian 28 năm—từ năm 33 đến 61 CN.

Phần đầu của sách Công-vụ chủ yếu nói về hoạt động của sứ đồ Phi-e-rơ, và phần sau nói về hoạt động của sứ đồ Phao-lô. Khi dùng đại từ “chúng ta”, Lu-ca cho thấy ông đã có mặt trong một số sự kiện. Khi chú ý đến lời tường thuật của sách Công-vụ, chúng ta càng quý trọng quyền lực của Lời Đức Chúa Trời và thánh linh Ngài (Hê 4:12). Việc này cũng sẽ thôi thúc chúng ta thể hiện tinh thần hy sinh và củng cố đức tin nơi hy vọng Nước Trời.

PHI-E-RƠ DÙNG “CHÌA-KHÓA NƯỚC THIÊN-ĐÀNG”

(Công-vụ 1:1–11:18)

Sau khi nhận được thánh linh, các sứ đồ đã làm chứng dạn dĩ. Rao giảng cho người Do Thái và người ngoại theo đạo Do Thái, sứ đồ Phi-e-rơ lần đầu tiên dùng “chìa-khóa nước thiên-đàng” * để mở mang sự hiểu biết và mở ra cơ hội vào Nước Trời cho những người tiếp nhận lời ông (Mat 16:19; Công 2:5, 41). Một làn sóng bắt bớ làm tan lạc các môn đồ, nhưng nhờ đó công việc rao giảng được nới rộng.

Khi nghe tin xứ Sa-ma-ri đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời, các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem phái Phi-e-rơ và Giăng đến đó. Lần thứ hai, sứ đồ Phi-e-rơ dùng chìa khóa là khi mở ra cơ hội cho người Sa-ma-ri được vào Nước Trời (Công 8:14-17). Có lẽ trong vòng một năm sau khi Chúa Giê-su được sống lại, có sự thay đổi lớn trong đời Sau-lơ người Tạt-sơ. Lần thứ ba, Phi-e-rơ dùng chìa khóa đó là vào năm 36 CN khi sự ban cho thánh linh đổ ra trên dân ngoại không cắt bì.—Công 10:45.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:44-47; 4:34, 35—Tại sao những người tin Chúa đã bán và phân phát gia tài mình? Nhiều người mới tin đạo đến từ những nơi xa xôi và không đủ sự cần dùng để ở lại Giê-ru-sa-lem lâu hơn. Tuy vậy, họ muốn ở lại để biết thêm về niềm tin mới và làm chứng cho người khác. Để giúp những người này, một số tín đồ đã bán điền sản và phân phát số tiền ấy cho những người túng thiếu.

4:13—Có phải Phi-e-rơ và Giăng là những người thất học không? Không. Họ bị xem là “dốt-nát không học” vì chưa từng theo học trường đào tạo các ra-bi.

5:34-39—Làm sao Lu-ca biết Ga-ma-li-ên nói gì trong cuộc họp kín của Tòa Công Luận? Ít nhất có ba khả năng: (1) Phao-lô, trước kia là học trò của Ga-ma-li-ên, đã cho Lu-ca biết; (2) Lu-ca hỏi ý kiến của một thành viên Tòa Công Luận có cảm tình với tín đồ Đấng Christ, như ông Ni-cô-đem chẳng hạn; (3) Lu-ca biết điều đó nhờ được Đức Chúa Trời soi dẫn.

7:59—Phải chăng Ê-tiên đã cầu nguyện với Chúa Giê-su? Không. Một người chỉ nên thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va, và vì thế người đó chỉ cầu nguyện với Ngài (Lu 4:8; 6:12). Thông thường, Ê-tiên hẳn đã kêu cầu Đức Giê-hô-va nhân danh Chúa Giê-su (Giăng 15:16). Tuy nhiên, trong trường hợp này, Ê-tiên có sự hiện thấy về “Con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công 7:56). Biết rõ Chúa Giê-su đã được ban cho quyền làm người chết sống lại, Ê-tiên nói trực tiếp với Chúa Giê-su, chứ không cầu nguyện với ngài, xin ngài nhớ đến ông khi làm cho người chết sống lại.—Giăng 5:27-29.

Bài học cho chúng ta:

1:8. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va không thể hoàn thành công việc làm chứng trên khắp thế giới nếu không có sự hỗ trợ của thánh linh.

4:36–5:11. Giô-sép người xứ Chíp-rơ được các sứ đồ gọi là Ba-na-ba, nghĩa là “con trai của sự yên-ủi”, có lẽ vì ông là người tử tế, nhân hậu và hay giúp đỡ người khác. Chúng ta nên noi gương ông, đừng giống như A-na-nia và Sa-phi-ra là những người không trung thực, giả hình và xảo quyệt.

9:23-25. Tránh né kẻ thù để tiếp tục công việc rao giảng không phải là hành động hèn nhát.

9:28-30. Nếu làm chứng ở một nơi hay cho một người nào có thể gây nguy hiểm cho chúng ta về thể chất, đạo đức hoặc thiêng liêng, chúng ta cần khôn ngoan và thận trọng chọn lựa thời gian cũng như địa điểm rao giảng.

9:31. Trong thời kỳ tương đối yên ổn, chúng ta nên nỗ lực củng cố đức tin qua việc học hỏi và suy ngẫm. Điều này sẽ giúp chúng ta bước đi trong đường kính sợ Đức Giê-hô-va bằng cách áp dụng những gì học được và sốt sắng trong thánh chức.

PHAO-LÔ SỐT SẮNG TRONG THÁNH CHỨC

(Công-vụ 11:19–28:31)

Năm 44 CN, A-ga-bút đến thành An-ti-ốt, nơi Ba-na-ba và Sau-lơ đã giảng dạy “trọn một năm”. A-ga-bút nói tiên tri về “sự đói-kém” sẽ xảy ra hai năm sau (Công 11:26-28). Sau khi “Ba-na-ba và Sau-lơ làm chức-vụ mình xong rồi”, họ từ Giê-ru-sa-lem trở về An-ti-ốt (Công 12:25). Vào năm 47 CN, khoảng 12 năm sau khi Sau-lơ cải đạo, Ba-na-ba và Sau-lơ được thánh linh sai đi truyền giáo (Công 13:1-4). Năm 48 CN, họ trở lại An-ti-ốt, nơi họ “được giao-phó cho ân-điển Đức Chúa Trời”.—Công 14:26.

Khoảng chín tháng sau, Phao-lô (còn gọi là Sau-lơ) chọn Si-la làm bạn đồng hành và bắt đầu chuyến hành trình truyền giáo thứ hai (Công 15:40). Trong chuyến hành trình đó, có lúc Ti-mô-thê và Lu-ca cũng đi cùng. Đến thành Phi-líp, Lu-ca ở lại đó, còn Phao-lô đi tiếp đến thành A-thên và sau đó đến thành Cô-rinh-tô, nơi ông gặp A-qui-la và Bê-rít-sin rồi ở lại đấy một năm sáu tháng (Công 18:11). Để Ti-mô-thê và Si-la ở lại thành Cô-rinh-tô, Phao-lô cùng với A-qui-la và Bê-rít-sin đi thuyền đến xứ Sy-ri vào khoảng đầu năm 52 CN (Công 18:18). Sau khi cùng đi với Phao-lô đến thành Ê-phê-sô, A-qui-la và Bê-rít-sin ở lại đó.

Sau khi ở An-ti-ốt xứ Sy-ri một thời gian, Phao-lô bắt đầu chuyến hành trình truyền giáo thứ ba vào năm 52 CN (Công 18:23). Tại thành Ê-phê-sô, “đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng” (Công 19:20). Phao-lô ở đấy khoảng ba năm (Công 20:31). Vào Lễ Ngũ Tuần năm 56 CN, Phao-lô ở thành Giê-ru-sa-lem. Sau khi bị bắt, ông dạn dĩ làm chứng trước các nhà cầm quyền. Ở Rô-ma, ông bị quản thúc hai năm tại một nhà trọ (khoảng năm 59-61 CN). Ở đấy, ông tìm được cách để rao giảng về Nước Trời và “dạy-dỗ về Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Công 28:30, 31.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

14:8-13—Tại sao dân thành Lít-trơ gọi “Ba-na-ba là thần Giu-bi-tê, còn Phao-lô là thần Mẹt-cu-rơ”? Theo thần thoại Hy Lạp, Giu-bi-tê là vị thần cai quản các thần, và con trai thần này là Mẹt-cu-rơ được người ta cho là có tài hùng biện. Vì Phao-lô là người đại diện phát biểu nên dân thành Lít-trơ gọi ông là thần Mẹt-cu-rơ, còn Ba-na-ba là thần Giu-bi-tê.

16:6, 7—Tại sao thánh linh cấm Phao-lô và các bạn đồng hành truyền giáo trong cõi A-si và xứ Bi-thi-ni? Vì lúc ấy có ít người truyền giáo nên thánh linh hướng dẫn họ đến những nơi có nhiều người hưởng ứng hơn.

18:12-17—Tại sao quan trấn thủ Ga-li-ôn không can thiệp khi đám đông đánh đòn Sốt-then? Có lẽ Ga-li-ôn nghĩ rằng hình như người này cầm đầu đám đông chống lại Phao-lô nên đáng bị như thế. Tuy nhiên, sự việc này dường như mang lại kết quả tốt là Sốt-then đã theo đạo Đấng Christ. Về sau, Phao-lô gọi Sốt-then là “anh em chúng ta”.—1 Cô 1:1.

18:18—Phao-lô đã có lời thề nguyện nào? Một số học giả nghĩ rằng Phao-lô đã có lời hứa nguyện Na-xi-rê (Dân 6:1-21). Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói rõ đó là lời hứa nguyện nào. Ngoài ra, Kinh Thánh cũng không cho biết ông thề nguyện trước hay sau khi cải đạo, cũng không nói ông bắt đầu hay chấm dứt lời thề nguyện. Dù trường hợp nào đi nữa, thề nguyện không có gì sai trái.

Bài học cho chúng ta:

12:5-11. Chúng ta có thể và nên cầu nguyện cho anh em mình.

12:21-23; 14:14-18. Vua Hê-rốt sẵn sàng chấp nhận sự tôn vinh lẽ ra chỉ dành cho Đức Chúa Trời. Thật khác hẳn với thái độ của Phao-lô và Ba-na-ba, họ đã lập tức từ chối một cách dứt khoát sự tôn vinh và lời ngợi khen quá đáng của người ta! Chúng ta không nên mong muốn được tôn vinh về bất cứ thành quả nào đạt được trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

14:5-7. Tính thận trọng có thể giúp chúng ta tiếp tục thi hành thánh chức.—Mat 10:23.

14:22. Tín đồ Đấng Christ biết rằng sẽ có khó khăn. Họ không tìm cách tránh những khó khăn ấy bằng cách thỏa hiệp đức tin.—2 Ti 3:12.

16:1, 2Những tín đồ trẻ nên cố gắng tiến bộ về thiêng liêng và tìm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để được tiếng tốt.

16:3. Trong phạm vi nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta nên làm hết sức để giúp người khác chấp nhận tin mừng.—1 Cô 9:19-23.

20:20, 21. Rao giảng từng nhà là khía cạnh rất quan trọng trong thánh chức.

20:24; 21:13. Giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời là điều quan trọng hơn việc giữ mạng sống.

21:21-26. Chúng ta nên sẵn lòng nghe theo lời khuyên hữu ích.

25:8-12. Tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể và nên tận dụng những điều khoản của luật pháp để “binh-vực và làm chứng” về tin mừng.—Phi-líp 1:7.

26:24, 25. Chúng ta nên rao truyền “những lời thật và phải lẽ” dù “người có tánh xác-thịt” cho đó là sự rồ dại.—1 Cô 2:14.

[Hình nơi trang 30]

Phi-e-rơ dùng “chìa-khóa nước thiên-đàng” khi nào?

[Hình nơi trang 31]

Công việc làm chứng trên khắp thế giới không thể hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ của thánh linh

[Chú thích]

^ đ. 3 Trong nguyên ngữ, từ “chìa-khóa” nơi Ma-thi-ơ 16:19 ở thể số nhiều, cho thấy Phi-e-rơ sẽ dùng “chìa-khóa” đó vào nhiều dịp.