Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Mác

Những điểm nổi bật trong sách Mác

Lời Đức Giê-hô-va là lời sống

Những điểm nổi bật trong sách Mác

Sách Phúc Âm của Mác là sách ngắn nhất trong bốn sách Phúc Âm. Giăng Mác viết sách này khoảng 30 năm sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại. Sách ghi lại nhiều lời tường thuật sống động về ba năm rưỡi Chúa Giê-su thi hành thánh chức.

Dường như sách này được viết cho dân ngoại, đặc biệt là người Rô-ma. Sách cho biết Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, đấng đã làm nhiều phép lạ và sốt sắng trong việc rao giảng. Sách này nhấn mạnh việc làm của Chúa Giê-su hơn là những gì ngài dạy dỗ. Khi chú ý đến những lời tường thuật trong sách Mác, đức tin của chúng ta nơi Đấng Mê-si sẽ được vững mạnh và điều này thôi thúc chúng ta sốt sắng rao giảng thông điệp của Đức Chúa Trời.—Hê 4:12.

CÔNG VIỆC RAO GIẢNG NỔI BẬT Ở GA-LI-LÊ

(Mác 1:1–9:51)

Sau khi ghi lại vỏn vẹn 14 câu về những hoạt động của Giăng Báp-tít và 40 ngày của Chúa Giê-su trong đồng vắng, Mác bắt đầu ghi lại lời tường thuật sinh động về công việc rao giảng của Chúa Giê-su ở Ga-li-lê. Cụm từ “vừa khi” hay “tức thì” thường được lặp lại cho thấy lời tường thuật trong sách này mang tính cấp bách.—Mác 1:10, 12.

Trong vòng chưa đầy ba năm, Chúa Giê-su đã hoàn tất ba chuyến rao giảng ở xứ Ga-li-lê. Phần lớn các lời tường thuật của sách Mác được ghi theo trình tự thời gian. Ông không ghi lại Bài giảng trên núi cũng như những bài giảng dài của Chúa Giê-su.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:15—“Kỳ” nào đã được trọn? Chúa Giê-su phán rằng đã đến kỳ ngài bắt đầu thi hành thánh chức. Vì ngài đã hiện diện với tư cách là vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm nên Nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Những người có lòng ngay thẳng có thể hưởng ứng thông điệp ngài rao giảng và hành động biểu lộ đức tin để được Đức Chúa Trời chấp nhận.

1:44; 3:12; 7:36—Tại sao Chúa Giê-su không muốn người ta đồn về các phép lạ của ngài? Thay vì để người ta kết luận dựa trên tin đồn hoặc tin phóng đại, Chúa Giê-su muốn chính họ phải xem xét bằng chứng cho thấy ngài là Đấng Christ và tự họ quyết định dựa trên bằng chứng ấy (Ê-sai 42:1-4; Mat 8:4; 9:30; 12:15-21; 16:20; Lu 5:14). Chỉ có một ngoại lệ là trường hợp người bị quỉ ám ở miền của người Giê-ra-sê. Chúa Giê-su bảo người ấy trở về và thuật lại cho người nhà về mọi việc đã xảy ra. Dân ở miền đó đã xin ngài đi khỏi địa phận mình nên Chúa Giê-su ít có, hoặc hầu như không có dịp tiếp xúc với dân vùng ấy. Sự hiện diện và lời xác nhận của người đàn ông được Chúa Giê-su chữa lành có thể làm cho những lời đồn đãi về việc bầy heo bị chết trở nên vô hiệu.—Mác 5:1-20; Lu 8:26-39.

2:28—Tại sao Chúa Giê-su được gọi là “chủ ngày Sa-bát”? Sứ đồ Phao-lô viết: “Luật-pháp chỉ là bóng của sự tốt-lành ngày sau” (Hê 10:1). Như Luật Pháp đã ghi, sau sáu ngày làm việc là ngày Sa-bát nhưng trong ngày ấy Chúa Giê-su đã chữa lành cho nhiều người. Điều này là hình bóng cho sự bình an và ân phước mà nhân loại sẽ cảm nghiệm được dưới Triều đại một ngàn năm của Đấng Christ, sau khi sự cai trị đầy áp bức của Sa-tan chấm dứt. Vì vậy, vua của nước ấy cũng là “Chúa ngày Sa-bát”.—Mat 12:8; Lu 6:5.

3:5; 7:34; 8:12—Làm thế nào Mác biết rõ cảm xúc của Chúa Giê-su? Mác không phải là một trong 12 sứ đồ và cũng không phải là người thân cận của Chúa Giê-su. Từ xưa, người ta tin rằng bạn thân của Mác là sứ đồ Phi-e-rơ đã cho Mác biết nhiều thông tin.—1 Phi 5:13.

6:51, 52—“Phép lạ về mấy cái bánh” có nghĩa gì mà các môn đồ không hiểu? Chỉ vài giờ trước đó, vỏn vẹn với năm ổ bánh và hai con cá, Chúa Giê-su đã ban thức ăn cho 5.000 người đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em. Lẽ ra các môn đồ phải hiểu ý nghĩa “phép lạ về mấy cái bánh” là Chúa Giê-su đã được Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban quyền phép để làm phép lạ (Mác 6:41-44). Nếu họ hiểu quyền phép lớn mà Chúa Giê-su nhận được, hẳn họ sẽ không kinh ngạc khi thấy ngài đi trên mặt nước.

8:22-26—Tại sao Chúa Giê-su phải thực hiện hai bước để chữa lành cho người mù? Có thể ngài làm thế vì quan tâm đến ông. Sau khi bị mất ánh sáng trong thời gian dài, thị lực của người đàn ông này cần được phục hồi dần dần để quen với ánh sáng chói lọi của mặt trời.

Bài học cho chúng ta:

2:18; 7:11; 12:18; 13:3. Mác giải thích những phong tục, từ ngữ, niềm tin và địa điểm có lẽ không quen thuộc với độc giả không phải là người Do Thái. Ông cho biết rõ: người Pha-ri-si “kiêng ăn”, từ co-ban có “nghĩa là sự dâng cho Đức Chúa Trời”, người Sa-đu-sê “nói rằng không có sự sống lại”, và đền thờ nằm “đối ngang” với “núi Ô-li-ve”. Vì chỉ có người Do Thái quan tâm đến gia phả của Đấng Mê-si nên Mác không đề cập đến điều này. Qua đó, ông nêu gương cho chúng ta. Vì thế, chúng ta nên xét đến gốc gác của người nghe khi nói bài giảng tại hội thánh hoặc khi tham gia thánh chức.

3:21. Họ hàng của Chúa Giê-su là những người không tin đạo. Vì vậy, Chúa Giê-su đồng cảm với những người vì đức tin mà bị các thành viên trong gia đình chống đối hoặc chế giễu.

3:31-35. Khi làm báp têm, Chúa Giê-su trở thành con thiêng liêng của Đức Chúa Trời, và “thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao” là mẹ của ngài (Ga 4:26). Kể từ đấy, các môn đồ của Chúa Giê-su trở nên thân thiết với ngài hơn là họ hàng sống trên đất. Điều này dạy chúng ta hãy đặt những điều thuộc về thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống.—Mat 12:46-50; Lu 8:19-21.

8:32-34. Chúng ta phải nhanh chóng nhận ra và từ chối bất cứ sự khích lệ nào không phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh. Tín đồ Đấng Christ phải sẵn sàng “liều mình”, có nghĩa là người ấy phải quên mình và nói “không” với những tham vọng cũng như ước muốn ích kỷ. Là tín đồ Đấng Christ, người đó phải sẵn lòng vác cây khổ hình, tức chịu khổ nếu buộc phải thế, hoặc chịu sỉ nhục hay bị ngược đãi, hoặc thậm chí chịu chết. Người đó phải luôn “theo” Chúa Giê-su, noi theo lối sống của ngài. Là môn đồ Đấng Christ, chúng ta phải vun trồng và giữ tinh thần bất vị kỷ giống như Chúa Giê-su.—Mat 16:21-25; Lu 9:22, 23.

9:24. Chúng ta không nên xấu hổ khi nói lên niềm tin hoặc cầu xin Đức Chúa Trời ban thêm đức tin.—Lu 17:5.

THÁNG CUỐI CÙNG

(Mác 10:1–16:8)

Gần cuối năm 32 CN, Chúa Giê-su “qua bờ-cõi xứ Giu-đê, bên kia sông Giô-đanh” và một đoàn dân đông lại đến với ngài (Mác 10:1). Sau khi rao giảng ở đó, ngài đi đến thành Giê-ru-sa-lem.

Vào ngày 8 tháng Ni-san, Chúa Giê-su ở làng Bê-tha-ni. Ngài đang dùng bữa thì một phụ nữ đến và đổ dầu thơm trên đầu ngài. Những sự kiện xảy ra từ khi Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem một cách vẻ vang cho đến khi ngài sống lại đã được miêu tả theo trình tự thời gian.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

10:17, 18—Tại sao Chúa Giê-su sửa lại quan điểm của người gọi ngài là “thầy nhân-lành”? Bằng cách từ chối nhận tước hiệu tâng bốc ấy, Chúa Giê-su quy sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va và cho thấy rằng Cha ngài là nguồn của mọi sự tốt lành. Hơn thế nữa, Chúa Giê-su hướng sự chú ý đến lẽ thật cơ bản là chỉ một mình Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều thiện và điều ác.—Mat 19:16, 17; Lu 18:18, 19.

14:25—Chúa Giê-su có ý gì khi nói với các sứ đồ trung thành: “Ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày ta sẽ uống trái nho mới trong nước Đức Chúa Trời”? Chúa Giê-su không có ý nói đến rượu nho ở trên trời theo nghĩa đen. Vì rượu đôi khi tượng trưng cho sự vui vẻ, nhưng Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến niềm vui khi kết hợp với những môn đồ xức dầu được sống lại trong Nước Trời.—Thi 104:15; Mat 26:29.

14:51, 52—Người trẻ tuổi “ở truồng chạy trốn” là ai? Chỉ có Mác đề cập đến sự kiện này, vì vậy chúng ta có thể đưa ra kết luận hợp lý rằng ông nói về chính mình.

15:34—Khi Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa-bỏ tôi?”, có phải điều đó cho thấy ngài thiếu đức tin không? Không. Dù chúng ta không biết chắc tại sao Chúa Giê-su nói như thế, nhưng lời đó cho thấy ngài biết Đức Giê-hô-va không còn che chở ngài nữa hầu cho lòng trung kiên của ngài có thể bị thử thách đến tận cùng. Cũng có thể là Chúa Giê-su thốt lên những lời ấy vì muốn làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Thi-thiên 22:1 nói về ngài.—Mat 27:46.

Bài học cho chúng ta:

10:6-9. Ý định của Đức Chúa Trời là vợ chồng phải gắn bó với nhau. Do đó, thay vì vội vã ly dị, vợ chồng nên cố gắng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh để vượt qua những khó khăn có thể nảy sinh trong cuộc sống lứa đôi.—Mat 19:4-6.

12:41-44. Gương của góa phụ nghèo giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta không nên ích kỷ trong việc ủng hộ sự thờ phượng thật.

[Hình nơi trang 29]

Tại sao Chúa Giê-su bảo người đàn ông này thuật lại cho họ hàng về mọi việc đã xảy ra với ông?