Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trung thành có nghĩa gì?

Trung thành có nghĩa gì?

Trung thành có nghĩa gì?

NHÓM người Do Thái Hasidim thuộc thế kỷ thứ hai TCN tự xem họ là những người trung thành thật sự. Danh của họ đến từ chữ cha·sidhʹ, nghĩa gốc Hê-bơ-rơ là “trung thành” và phát sinh từ danh từ cheʹsedh thường được dịch ra là “sự nhân từ đầy yêu thương”, “lòng yêu thương trung tín”, “nhân từ”, “hiền lành”, “thương xót”. Theo cuốn Theological Dictionary of the Old Testament, chữ cheʹsedh “là tích cực, thân thiện, bền đỗ, [và] không chỉ nói lên một thái độ, nhưng cũng bao hàm một hành động bắt nguồn từ thái độ này. Đây là một hành động để bảo tồn hay nâng cao sự sống, một sự can thiệp để cứu vớt người nào lâm nạn hoặc đau khổ. Đức tính này là sự thể hiện tình bạn”.

Hiển nhiên, trong nhiều ngôn ngữ, không có một từ duy nhất nào có thể diễn đạt đầy đủ ý nghĩa của từ Hê-bơ-rơ này mà Kinh Thánh dùng. Dù sao đi nữa, theo nghĩa của Kinh Thánh, sự trung thành bao hàm nhiều hơn là chỉ triệt để gắn bó với trách nhiệm. Nó bao hàm ý tưởng yêu thương quyến luyến kèm theo hành động tích cực vì lợi ích của người khác. Để hiểu sự trung thành thật sự có nghĩa gì, ta hãy xem xét cách Đức Giê-hô-va biểu lộ đức tính này với Áp-ra-ham, Môi-se, Đa-vít, dân Y-sơ-ra-ên và nhân loại nói chung.

Đức Giê-hô-va biểu lộ sự trung tín

Đức Giê-hô-va nói với bạn Ngài là Áp-ra-ham: “Ta đây là một cái thuẫn-đỡ cho ngươi”. (Sáng-thế Ký 15:1; Ê-sai 41:8) Đây không phải là những lời nói suông. Đức Giê-hô-va che chở và giải cứu Áp-ra-ham cùng gia quyến ông khỏi tay Pha-ra-ôn và Vua A-bi-mê-léc. Ngài giúp Áp-ra-ham giải cứu Lót khỏi lực lượng liên minh của bốn vua. Đức Giê-hô-va phục hồi chức năng sinh sản cho Áp-ra-ham vào lúc ông 100 tuổi và Sa-ra khi bà ở tuổi 90, hầu Dòng Dõi đã hứa có thể đến qua trung gian họ. Đức Giê-hô-va đều đặn thông tri với Áp-ra-ham qua những sự hiện thấy, những giấc mơ và các thiên sứ. Thật thế, Đức Giê-hô-va tỏ ra trung tín với Áp-ra-ham lúc ông còn sống và nhiều năm sau khi ông chết. Qua hàng bao thế kỷ, Đức Giê-hô-va giữ lời hứa của Ngài đối với hậu duệ Áp-ra-ham, tức nước Y-sơ-ra-ên bất kể họ cứng lòng. Mối quan hệ giữa Đức Giê-hô-va và Áp-ra-ham chứng tỏ sự trung tín thật—lòng yêu thương được thể hiện bằng hành động.—Sáng-thế Ký, chương 12 đến 25.

Kinh Thánh nói “Đức Giê-hô-va đối-diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn-hữu mình”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11, chúng tôi viết nghiêng). Đúng vậy, Môi-se có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va hơn bất cứ nhà tiên tri nào khác trước Chúa Giê-su Christ. Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng trung tín với Môi-se như thế nào?

Lúc 40 tuổi, khi có đầy quyền lực và khả năng, Môi-se tự quyền ra tay giải cứu dân mình. Nhưng giờ giải cứu chưa đến. Ông đã phải chạy thoát thân và an phận chăn chiên ở Ma-đi-an trong 40 năm. (Công-vụ 7:23-30) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không từ bỏ ông. Đến kỳ định, Môi-se được đưa về Ê-díp-tô để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi chốn đó.

Cũng thế, Đức Giê-hô-va tỏ ra trung tín với Đa-vít, vị vua nổi tiếng thứ hai của Y-sơ-ra-ên. Khi Đa-vít còn là trai trẻ, Đức Giê-hô-va nói với nhà tiên tri Sa-mu-ên: “Ấy là nó; hãy đứng dậy xức dầu cho nó”. Từ đó về sau, Đức Giê-hô-va trung tín che chở, hướng dẫn Đa-vít cho đến khi ông trưởng thành và làm vua cả nước Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va giải cứu ông “khỏi vấu sư-tử và khỏi cẳng gấu”, cùng khỏi tay người khổng lồ Phi-li-tin Gô-li-át. Ngài khiến Đa-vít chiến thắng hết trận này đến trận khác trên kẻ thù của Y-sơ-ra-ên, và Đức Giê-hô-va giải cứu Đa-vít khỏi lưỡi giáo của Sau-lơ ganh tị, đầy lòng ghen ghét.—1 Sa-mu-ên 16:12; 17:37; 18:11; 19:10.

Dĩ nhiên, Đa-vít không phải là người hoàn hảo. Thật thế, ông đã phạm trọng tội. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ, Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng yêu thương trung tín đối với Đa-vít khi ông vô cùng ăn năn. Trong suốt cuộc đời của Đa-vít, Đức Giê-hô-va liên tục hành động để bảo tồn sự sống của ông khi Ngài can thiệp để cứu ông trong hoạn nạn. Thật là lòng nhân từ đầy yêu thương!—2 Sa-mu-ên 11:1–12:25; 24:1-17.

Nước Y-sơ-ra-ên nói chung đã bước vào một mối quan hệ đặc biệt với tư cách là dân được hiến dâng cho Đức Giê-hô-va khi họ đồng ý với những điều khoản trong giao ước Luật Pháp Môi-se dưới chân Núi Si-na-i. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-8) Bởi vậy, dân Y-sơ-ra-ên được coi như ở trong một mối quan hệ hôn nhân với Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh nói về dân Y-sơ-ra-ên: “Đức Giê-hô-va đã gọi ngươi, như gọi vợ”. Và Đức Giê-hô-va nói với dân ấy: “Vì lòng nhân-từ vô-cùng, ta sẽ thương đến ngươi”. (Ê-sai 54:6, 8) Đức Giê-hô-va đã tỏ ra trung tín như thế nào trong mối quan hệ đặc biệt này?

Đức Giê-hô-va chủ động cung cấp cho nhu cầu của dân Y-sơ-ra-ên và củng cố mối liên lạc của họ với Ngài. Ngài giải cứu họ khỏi xứ Ai Cập, giúp họ lập quốc và dẫn họ vào “một xứ... đượm sữa và mật”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8) Ngài đều đặn dạy dỗ họ về thiêng liêng qua các thầy tế lễ, người Lê-vi và một chuỗi dài những nhà tiên tri và sứ giả. (2 Sử-ký 17:7-9; Nê-hê-mi 8:7-9; Giê-rê-mi 7:25) Khi dân sự quay sang thờ thần khác, Đức Giê-hô-va sửa trị họ. Khi họ ăn năn, Ngài tha thứ họ. Phải nhìn nhận là, với tư cách một người “vợ”, dân Y-sơ-ra-ên thật khó trị. Nhưng Đức Giê-hô-va không vội từ bỏ họ. Vì đã hứa với Áp-ra-ham, Ngài trung tín gắn bó với dân Y-sơ-ra-ên cho đến khi ý định của Ngài liên quan đến họ được thành tựu. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:7-9) Thật là một gương xuất sắc cho những cặp vợ chồng thời nay!

Đức Giê-hô-va cũng tỏ ra trung tín đối với nhân loại nói chung qua việc Ngài cung cấp những nhu yếu phẩm cho mọi người dù công bình hay không. (Ma-thi-ơ 5:45; Công-vụ 17:25) Hơn thế nữa, Ngài đã cung cấp Con Ngài làm giá chuộc để toàn thể nhân loại có thể có cơ hội được giải cứu khỏi gông cùm của tội lỗi, sự chết và vui hưởng những triển vọng vinh hiển của sự sống đời đời và hoàn toàn trong Địa Đàng. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16) Sự cung cấp giá chuộc là hành động tối hậu để bảo tồn và nâng cao sự sống. Thật thế, đó là “sự can thiệp để cứu vớt người nào lâm nạn hoặc đau khổ”.

Tỏ ra trung thành bằng hành động tích cực

Đồng nghĩa với sự nhân từ đầy yêu thương, sự trung thành cũng hàm ý một quan hệ hỗ tương mạnh mẽ. Nếu ai đó bày tỏ sự nhân từ đầy yêu thương đối với bạn, họ cũng có thể mong được đền đáp y như vậy. Sự trung thành được đáp lại bằng sự trung thành. Đa-vít cho thấy ông hiểu những ngụ ý liên hệ đến từ cheʹsedh qua những lời này: “Tôi sẽ thờ-lạy hướng về đền thánh của Chúa, cảm-tạ danh Chúa”. Tại sao? “Vì sự nhân-từ và sự chân thật của Chúa”. (Thi-thiên 138:2) Là người đã đón nhận sự nhân từ đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va, Đa-vít hiển nhiên được thúc đẩy để thờ phượng và ca ngợi Ngài. Bởi vậy, khi ngẫm nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va biểu lộ sự nhân từ đầy yêu thương của Ngài đối với chúng ta, chúng ta có được thúc đẩy để đền đáp lại không? Chẳng hạn, nếu danh Đức Giê-hô-va bị sỉ hổ, sự quan tâm đến danh tiếng của Ngài có thúc đẩy bạn lên tiếng bênh vực Ngài không?

Đó là điều đã xảy ra cho một tín đồ tương đối mới và vợ anh khi họ dự tang lễ một thân nhân đã chết vì tai nạn xe mô-tô. Tang lễ không được tổ chức theo nghi thức tôn giáo, và những người đi dự có thể phát biểu vài lời về người quá cố. Một người đứng lên đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về sự chết yểu của người trẻ kia bằng cách nói rằng ‘Thượng Đế muốn cậu ở trên trời nên Ngài đã đem cậu đó đi’. Anh tín đồ không thể giữ im lặng được. Anh lên bục nói dù không có Kinh Thánh hoặc giấy ghi chép gì cả. Anh hỏi: “Theo ý quý vị, một Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót, trắc ẩn và toàn năng lẽ nào chấp nhận những tình huống như thế này không?” Rồi anh nói bài giảng ứng khẩu 10 phút, trích các câu Kinh Thánh giải thích lý do tại sao chúng ta chết, những gì Đức Chúa Trời đã làm để giải cứu nhân loại khỏi sự chết và triển vọng huy hoàng về sự sống lại để sống đời đời trong Địa Đàng. Hơn 100 người hiện diện vỗ tay vang dội khi anh kết thúc. Sau đó anh ấy nhớ lại: “Tôi cảm nhận một niềm vui nội tâm mà chưa bao giờ có trước đó. Tôi tạ ơn Đức Giê-hô-va đã dạy dỗ tôi trong sự khôn ngoan và đã cho tôi cơ hội bênh vực danh thánh Ngài”.

Sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va cũng bao hàm trung thành đối với Lời Ngài là Kinh Thánh. Tại sao? Bởi vì qua Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta cách hướng dẫn đời sống của mình. Luật pháp và nguyên tắc ghi trong Kinh Thánh thật là những điều răn tốt nhất và lợi ích nhất cho đời sống. (Ê-sai 48:17) Chúng ta chớ nên để cho áp lực của người khác hoặc sự yếu đuối của chính mình khiến chúng ta lờ đi luật pháp của Đức Giê-hô-va. Hãy trung thành với Lời Đức Chúa Trời.

Trung thành với Đức Chúa Trời cũng bao hàm trung thành với tổ chức của Ngài. Qua nhiều năm tháng, tổ chức này đã phải sửa chữa và điều chỉnh sự hiểu biết về một số câu Kinh Thánh. Sự thật là không ai được nuôi dưỡng đầy đủ về thiêng liêng bằng chúng ta. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Không thể chối cãi được, Đức Giê-hô-va gắn bó với tổ chức thời nay của Ngài. Lẽ nào chúng ta không thể làm giống như vậy sao? Anh Alexander Macmillan đã có thái độ đó. Ít lâu trước khi chết, anh nói: “Tôi đã nhìn thấy tổ chức Đức Giê-hô-va phát triển ngay từ buổi sơ khai, khi tôi dâng mình cho Đức Chúa Trời lúc được 23 tuổi vào tháng 9 năm 1900, cho đến khi tổ chức này trở thành một hội khắp thế giới gồm những người hạnh phúc sốt sắng rao truyền lẽ thật của Ngài... Trong khi biết mình sắp kết thúc công việc phụng sự Đức Chúa Trời trên đất, tôi tin chắc hơn bao giờ hết rằng Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn dân Ngài và ban cho họ đúng lúc chính điều họ cần”. Anh Macmillan đã phụng sự trung thành gần 66 năm, cho đến lúc anh qua đời ngày 26-8-1966. Anh là một gương xuất sắc về sự trung thành với tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời.

Ngoài việc trung thành với tổ chức, chúng ta sẽ trung thành với nhau không? Khi đứng trước mối đe dọa của sự bắt bớ gay gắt, chúng ta sẽ trung thành với anh chị em của chúng ta không? Trong Thế Chiến II, anh em của chúng ta ở Hà Lan đã nêu gương mẫu xuất sắc về lòng trung thành. Một trưởng lão thuộc hội thánh Groningen, anh Klaas de Vries, bị mật thám Gestapo của Quốc Xã hỏi cung một cách tàn nhẫn và độc ác. Sau đó anh bị biệt giam 12 ngày và họ chỉ cho anh ăn bánh mì và uống nước trước khi bị hỏi cung lần nữa. Với khẩu súng chĩa vào anh và trước sự đe dọa bị giết, anh có hai phút để khai ra chỗ ở của những anh có trách nhiệm, cũng như tiết lộ những thông tin trọng yếu khác. Anh Klaas chỉ cho biết: “Tôi sẽ không nói một lời nào nữa... Tôi sẽ không là kẻ phản bội”. Ba lần họ lấy súng đe dọa anh. Cuối cùng mật thám Gestapo bỏ cuộc, và anh Klaas bị chuyển đi một trại giam khác. Anh đã không bao giờ phản bội anh em.

Liệu chúng ta sẽ trung thành hay chung thủy với người hôn phối của mình—người thân gần gũi nhất—không? Y như Đức Giê-hô-va đã giữ vẹn giao ước của Ngài với nước Y-sơ-ra-ên, chúng ta có trung thành với lời kết ước hôn nhân của mình không? Không những chung thủy với nhau, chúng ta còn phải tích cực trau dồi mối quan hệ khắng khít với người hôn phối. Hãy chủ động củng cố hôn nhân của bạn. Hãy dành thì giờ cho nhau, trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với nhau, ủng hộ và khuyến khích lẫn nhau, lắng nghe người kia nói, cười, khóc, chơi đùa và làm việc với nhau để đạt đến những mục tiêu chung, làm hài lòng nhau, làm bạn với nhau. Hãy đặc biệt cẩn trọng tránh vun trồng tình cảm lãng mạn với người khác phái. Dù làm quen với người khác và thậm chí có những người bạn thân ngoài vòng hôn nhân là chính đáng và thích hợp, nhưng chỉ nên dành tình yêu lãng mạn cho người hôn phối của mình. Chớ để cho người nào khác xen vào giữa bạn và người hôn phối của bạn.—Châm-ngôn 5:15-20.

Hãy trung thành với bạn bè và những người trong nhà có cùng đức tin. Dù năm tháng trôi qua, cũng đừng quên họ. Hãy liên lạc với họ qua thư từ hoặc đi thăm họ. Dù đời bạn có thay đổi thế nào đi nữa, chớ làm họ thất vọng. Hãy làm sao cho họ sung sướng nói lên rằng họ là người quen hoặc người thân của bạn. Sự trung thành đối với họ sẽ khiến bạn cương quyết làm điều đúng và sẽ là nguồn khích lệ cho bạn.—Ê-xơ-tê 4:6-16.

Đúng vậy, sự trung thành chân thật bao gồm những hành động tích cực để duy trì những mối quan hệ quý báu. Hãy hết sức cố gắng để đền đáp sự nhân từ đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va. Hãy noi gương trung tín của Ngài trong cách bạn đối xử với hội thánh Đấng Christ, người hôn phối, gia đình và bạn hữu. Hãy trung thành rao truyền những đức tính của Đức Giê-hô-va cho người lân cận. Người viết Thi-thiên nói chí lý: “Tôi sẽ hát-xướng về sự nhân-từ của Đức Giê-hô-va luôn luôn; từ đời nầy sang đời kia miệng tôi sẽ truyền ra sự thành-tín của Ngài”. (Thi-thiên 89:1) Chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy muốn đến gần một Đức Chúa Trời như thế hay sao? Thật vậy, “sự nhân-từ Ngài hằng có mãi mãi”.—Thi-thiên 100:5.

[Hình nơi trang 23]

A. H. Macmillan