Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thiên sứ ảnh hưởng thế nào đến loài người?

Thiên sứ ảnh hưởng thế nào đến loài người?

Thiên sứ ảnh hưởng thế nào đến loài người?

“Sau điều đó, tôi thấy một vị thiên-sứ khác ở trên trời xuống, người có quyền lớn. . . Người kêu lớn tiếng rằng: Ba-by-lôn lớn đã đổ rồi, đã đổ rồi!”—KHẢI-HUYỀN 18:1, 2.

1, 2. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va dùng thiên sứ để thực hiện ý muốn Ngài?

KHI đang sống lưu đày ở đảo Bát-mô, sứ đồ lão thành Giăng được ban cho một sự hiện thấy có tính cách tiên tri. Khi “được Đức Thánh-Linh cảm-hóa”, ông thấy những sự kiện khích lệ vào “ngày của Chúa”. Ngày ấy bắt đầu vào năm 1914 khi Chúa Giê-su Christ lên ngôi và sẽ kéo dài đến cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của ngài.—Khải-huyền 1:10.

2 Giê-hô-va Đức Chúa Trời không trực tiếp ban cho Giăng sự hiện thấy này. Ngài dùng một phương tiện như Khải-huyền 1:1 cho biết: “Sự mặc-thị của Đức Chúa Jêsus-Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi-tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên-sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi-tớ Ngài”. Qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã dùng một thiên sứ để tiết lộ cho Giăng biết những điều tuyệt diệu về “ngày của Chúa”. Đang khi nhận sự hiện thấy này, Giăng cũng thấy “một vị thiên-sứ khác ở trên trời xuống, người có quyền lớn”. Thiên sứ này có nhiệm vụ gì? “Người kêu lớn tiếng rằng: Ba-by-lôn lớn đã đổ rồi, đã đổ rồi!” (Khải-huyền 18:1, 2) Thiên sứ mạnh mẽ này có đặc ân là thông báo về sự sụp đổ của Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm trên thế giới. Như vậy, chúng ta không phải nghi ngờ nữa. Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ để thực hiện ý muốn Ngài và họ giữ một vai trò quan trọng. Trước khi xem xét kỹ vai trò của thiên sứ trong ý định của Đức Chúa Trời và ảnh hưởng của họ đối với chúng ta, hãy tìm hiểu nguồn gốc của các tạo vật thần linh này.

Nguồn gốc của thiên sứ

3. Nhiều người hiểu sai như thế nào về thiên sứ?

3 Ngày nay hàng triệu người tin là có thiên sứ. Tuy nhiên, nhiều người hiểu sai về thiên sứ cũng như nguồn gốc của họ. Chẳng hạn, một số người sùng đạo tin rằng khi người thân qua đời, người ấy được gọi về với Đức Chúa Trời và trở thành thiên sứ. Lời Đức Chúa Trời có dạy như thế không về nguồn gốc, sự hiện hữu và mục đích của thiên sứ?

4. Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về nguồn gốc của thiên sứ?

4 Vị thiên sứ quyền lực nhất là thiên sứ trưởng Mi-chen. (Giu-đe 9) Ngài không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16) Cách đây hằng hà sa số thiên kỷ, khi Đức Giê-hô-va bắt đầu làm Đấng Tạo Hóa, tạo vật đầu tiên là người Con thần linh này. (Khải-huyền 3:14) Sau đó, qua Con đầu lòng, Đức Giê-hô-va tạo ra tất cả các tạo vật thần linh khác. (Cô-lô-se 1:15-17) Gọi những tạo vật này là con trai, Đức Giê-hô-va hỏi tộc trưởng Gióp: “Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông-sáng, hãy tỏ-bày đi. . . Ai có trồng hòn đá góc của nó? Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng”. (Gióp 38:4, 6, 7) Rõ ràng, thiên sứ là do Đức Chúa Trời tạo ra, và hiện hữu rất lâu trước khi có loài người.

5. Các thiên sứ được tổ chức như thế nào?

5 Nơi 1 Cô-rinh-tô 14:33 nói: “Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa sự loạn-lạc, bèn là Chúa sự hòa-bình”. Vì thế, Đức Giê-hô-va tổ chức các con trai thần linh thành ba nhóm: (1) sê-ra-phim, phục vụ bên ngôi của Đức Chúa Trời, rao truyền sự thánh khiết của Ngài và giữ cho dân Ngài trong sạch về thiêng liêng; (2) chê-ru-bim, tôn cao sự oai nghiêm của Đức Giê-hô-va; và (3) các thiên sứ khác thi hành ý muốn Ngài. (Thi-thiên 103:20; Ê-sai 6:1-3; Ê-xê-chi-ên 10:3-5; Đa-ni-ên 7:10) Các tạo vật thần linh này ảnh hưởng đến loài người qua những cách nào?—Khải-huyền 5:11.

Thiên sứ có vai trò nào?

6. Liên quan đến vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã dùng các chê-ru-bim như thế nào?

6 Lần đầu tiên Kinh Thánh nói đến các thần linh này là nơi Sáng-thế Ký 3:24: “[Đức Giê-hô-va] đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói-lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống”. Các chê-ru-bim canh giữ để A-đam và Ê-va không thể trở về vườn Ê-đen. Đó là lúc khởi đầu của lịch sử nhân loại. Từ lúc ấy đến nay, các thiên sứ có vai trò gì?

7. Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “thiên-sứ” chỉ về một vai trò nào của tạo vật thần linh này?

7 Trong nguyên ngữ, thiên sứ được nhắc đến gần 400 lần. Trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp, từ được dịch là “thiên-sứ” cũng có thể được dịch là “sứ-giả”. Như vậy, thiên sứ là phương tiện liên lạc giữa Đức Chúa Trời và loài người. Như đã được đề cập trong hai đoạn đầu của bài này, Đức Giê-hô-va đã dùng một thiên sứ để truyền thông điệp của Ngài cho sứ đồ Giăng.

8, 9. (a) Sự hiện đến của thiên sứ đã tác động thế nào đến Ma-nô-a và vợ ông? (b) Các bậc cha mẹ có thể học được gì qua việc Ma-nô-a tiếp cận với thiên sứ của Đức Chúa Trời?

8 Thiên sứ cũng được dùng để hỗ trợ và khích lệ các tôi tớ của Đức Chúa Trời ở trên đất. Chẳng hạn, vào thời các Quan Xét của Y-sơ-ra-ên, ông Ma-nô-a và người vợ son sẻ mong muốn có một đứa con. Đức Giê-hô-va sai thiên sứ báo cho vợ Ma-nô-a biết rằng bà sẽ có một con trai. Theo lời tường thuật, thiên sứ nói: “Ngươi sẽ có nghén và sanh một con trai. Dao cạo sẽ không đưa qua đầu nó, bởi vì đứa trẻ từ trong lòng mẹ sẽ làm người Na-xi-rê cho Đức Chúa Trời; về sau nó sẽ giải-cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Phi-li-tin”.—Các Quan Xét 13:1-5.

9 Sau đó, vợ của Ma-nô-a sinh ra con trai là Sam-sôn, một người nổi tiếng trong lịch sử Kinh Thánh. (Các Quan Xét 13:24) Trước khi đứa trẻ sinh ra, Ma-nô-a cầu xin Đức Chúa Trời cho thiên sứ trở lại để chỉ họ điều phải làm hầu nuôi dạy con trẻ. Ma-nô-a hỏi: “Đứa trẻ phải giữ theo lệ nào, và phải làm làm sao?” Thiên sứ của Đức Giê-hô-va lặp lại lời chỉ dẫn trước đây cho vợ Ma-nô-a. (Các Quan Xét 13:6-14) Ma-nô-a hẳn được khích lệ biết bao! Ngày nay thiên sứ không hiện đến với từng cá nhân, nhưng như Ma-nô-a, các bậc cha mẹ có thể tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong việc dạy dỗ con cái.—Ê-phê-sô 6:4.

10, 11. (a) Ê-li-sê và tôi tớ của ông phản ứng thế nào khi thấy quân Sy-ri sắp tấn công? (b) Chúng ta được lợi ích nào khi suy ngẫm về sự kiện này?

10 Vào thời nhà tiên tri Ê-li-sê, có một sự kiện nổi bật về sự hỗ trợ của thiên sứ. Ông đang ở Đô-than, một thành phố của Y-sơ-ra-ên. Một buổi sáng kia, khi tôi tớ của Ê-li-sê thức dậy sớm và nhìn ra ngoài thì thấy một đạo binh gồm ngựa và xe bao vây thành. Vua Sy-ri đã sai một đội quân hùng mạnh đến bắt Ê-li-sê. Tôi tớ của Ê-li-sê đã phản ứng thế nào? Sợ hãi, có lẽ kinh hoảng, ông kêu lên: “Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao?” Đối với ông, tình huống dường như tuyệt vọng. Tuy nhiên, Ê-li-sê đáp rằng: “Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó”. Ông có ý nói gì?—2 Các Vua 6:11-16.

11 Ê-li-sê nhận biết có một đạo quân thiên sứ hiện diện để bảo vệ ông. Thế nhưng tôi tớ của ông thì chẳng thấy gì. Vì thế “Ê-li-sê cầu-nguyện mà rằng: Đức Giê-hô-va ôi, xin mở mắt kẻ tôi-tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê-hô-va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở xung-quanh Ê-li-sê”. (2 Các Vua 6:17) Bấy giờ tôi tớ của Ê-li-sê thấy đạo quân thiên sứ. Với sự hiểu biết sâu sắc về thiêng liêng, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng thiên sứ, dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và Đấng Christ, đang nâng đỡ và che chở dân Ngài.

Sự hỗ trợ của thiên sứ vào thời Đấng Christ

12. Ma-ri nhận được sự hỗ trợ nào của thiên sứ Gáp-ri-ên?

12 Hãy suy nghĩ về sự hỗ trợ mà trinh nữ Do Thái tên Ma-ri đã nhận được khi nghe tin: “Ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus”. Trước khi thông báo thông điệp gây sửng sốt này, thiên sứ Gáp-ri-ên—do Đức Chúa Trời phái đến—nói với bà: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 1:26, 27, 30, 31) Ma-ri hẳn đã được khích lệ và vững lòng biết bao vì những lời này đảm bảo rằng bà được ơn của Đức Chúa Trời!

13. Thiên sứ đã hỗ trợ Chúa Giê-su như thế nào?

13 Trong một trường hợp khác, thiên sứ đã hỗ trợ sau khi Chúa Giê-su vượt qua ba cám dỗ của Sa-tan ở nơi đồng vắng. Lời tường thuật cho biết rằng sau cuộc thử thách, “Ma-quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên-sứ đến gần mà hầu việc Ngài”. (Ma-thi-ơ 4:1-11) Điều tương tự cũng xảy ra vào đêm trước khi Chúa Giê-su bị giết. Trong nỗi thống khổ, ngài quỳ xuống và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!. . . Có một thiên-sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài”. (Lu-ca 22:42, 43) Còn ngày nay thiên sứ hỗ trợ chúng ta như thế nào?

Sự hỗ trợ của thiên sứ trong thời hiện đại

14. Trong thời hiện đại, Nhân Chứng Giê-hô-va đã phải chịu đựng sự ngược đãi nào, và kết quả ra sao?

14 Khi xem xét công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va trong thời hiện đại, chẳng phải chúng ta thấy bằng chứng về sự hỗ trợ của thiên sứ hay sao? Chẳng hạn, dân của Đức Giê-hô-va đã có thể chịu đựng sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa quốc xã ở Đức và ở Tây Âu, trước và trong Thế Chiến II (1939-1945). Dưới chế độ Công Giáo ủng hộ Phát-xít ở Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, họ phải chịu đựng sự ngược đãi trong thời gian dài hơn. Tại Liên Bang Xô Viết cũ và ở các nước chư hầu, họ bị ngược đãi trong nhiều thập kỷ. Các Nhân Chứng cũng bị ngược đãi tại một số quốc gia ở Châu Phi. * Thời gian gần đây, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va chịu đựng sự ngược đãi tàn ác ở nước Georgia. Sa-tan đã làm đủ mọi cách nhằm chấm dứt hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù vậy, với tư cách một tổ chức, họ vẫn tồn tại trước sự chống đối như thế và ngày càng phát triển. Một phần cũng là nhờ sự che chở của thiên sứ.—Thi-thiên 34:7; Đa-ni-ên 3:28; 6:22.

15, 16. Khi thi hành thánh chức trên khắp đất, Nhân Chứng Giê-hô-va nhận được sự hỗ trợ nào của thiên sứ?

15 Nhân Chứng Giê-hô-va xem trọng nhiệm vụ rao truyền tin mừng về Nước Trời trên khắp đất. Họ cũng nghiêm túc thi hành nhiệm vụ đào tạo môn đồ qua việc dạy lẽ thật của Kinh Thánh cho những người chú ý. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Tuy nhiên, họ cũng ý thức rõ là nếu không có sự hỗ trợ của thiên sứ, họ không thể hoàn thành hai nhiệm vụ này. Bởi thế, những lời nơi Khải-huyền 14:6, 7 luôn là điều khích lệ cho họ. Câu Kinh Thánh này nói: “Tôi [sứ đồ Giăng] thấy một vị thiên-sứ khác bay giữa trời, có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc. Người cất tiếng lớn nói rằng: Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến; hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước”.

16 Những lời này cho thấy rõ công việc rao giảng vĩ đại của Nhân Chứng Giê-hô-va có sự hỗ trợ và hướng dẫn của thiên sứ. Đức Giê-hô-va đang dùng thiên sứ để hướng dẫn những người thành thật đến với Nhân Chứng. Các thiên sứ cũng hướng dẫn Nhân Chứng đến với những người xứng đáng. Điều này giải thích tại sao có rất nhiều lần—quá nhiều lần nên không thể xem là sự trùng hợp ngẫu nhiên—Nhân Chứng Giê-hô-va đến gặp một người vào đúng thời điểm người ấy đang gặp khủng hoảng và cần sự giúp đỡ về thiêng liêng.

Vai trò nổi bật của thiên sứ trong tương lai gần đây

17. Chuyện gì xảy ra cho quân A-si-ri khi chỉ một thiên sứ ra tay?

17 Ngoài nhiệm vụ làm sứ giả và tiếp sức cho những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, thiên sứ còn đáp ứng một mục đích khác nữa. Trong quá khứ, thiên sứ thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn vào thế kỷ thứ tám TCN, thành Giê-ru-sa-lem bị đe dọa bởi một lực lượng hùng hậu người A-si-ri. Đức Giê-hô-va đã phản ứng thế nào? Ngài phán: “Vì tại cớ ta và Đa-vít, kẻ tôi-tớ ta, ta sẽ binh-vực thành nầy đặng cứu nó”. Lời tường thuật của Kinh Thánh cho chúng ta biết điều gì đã xảy ra: “Trong đêm đó, có một thiên-sứ của Đức Giê-hô-va đi đến trong dinh A-si-ri, và giết một trăm tám mươi lăm ngàn người tại đó. Sáng ngày mai, người ta thức dậy, bèn thấy quân ấy, kìa, chỉ là thây đó thôi”. (2 Các Vua 19:34, 35) Quân đội của loài người quả yếu ớt so với sức mạnh của chỉ một thiên sứ!

18, 19. Thiên sứ sẽ có vai trò nổi bật nào trong tương lai gần đây, và vai trò ấy ảnh hưởng thế nào đến loài người?

18 Trong tương lai gần đây, các thiên sứ sẽ là lực lượng hành quyết của Đức Chúa Trời. Không bao lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ đến “với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng”. Mục tiêu của họ là “báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8) Hành động này sẽ mang lại một hệ quả nghiêm trọng cho nhân loại! Những người không hưởng ứng tin mừng đang được rao truyền về Nước Trời thì sẽ bị hủy diệt. Chỉ những người tìm kiếm Đức Giê-hô-va, tìm kiếm sự công bình và sự nhu mì thì mới “được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va” và được bình yên vô sự.—Sô-phô-ni 2:3.

19 Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va vì Ngài dùng các thiên sứ mạnh mẽ để hỗ trợ và làm vững mạnh những người thờ phượng Ngài trên đất. Hiểu rõ vai trò của thiên sứ trong ý định của Đức Chúa Trời đặc biệt khích lệ chúng ta, vì có những thiên sứ đã phản lại Đức Giê-hô-va và ở dưới quyền lãnh đạo của Sa-tan. Bài kế tiếp sẽ bàn về những bước giúp tín đồ Đấng Christ chân chính tự bảo vệ khỏi ảnh hưởng mạnh mẽ của Sa-tan và các quỉ.

[Chú thích]

^ đ. 14 Muốn biết thêm chi tiết về những làn sóng ngược đãi này, xin xem Yearbook of Jehovah’s Witnesses năm 1983 (Angola), 1994 (Ba Lan), 1983 (Bồ Đào Nha), 2000 (Cộng Hòa Czech), 1972 (Czechoslovakia), 1974 và 1999 (Đức), 1992 (Ethiopia), 1999 (Malawi), 2004 (Moldova), 1996 (Mozambique), 1978 (Tây Ban Nha), 2002 (Ukraine), 1982 (Ý) và 2006 (Zambia).

Bạn học được gì?

• Thiên sứ có nguồn gốc nào?

• Vào thời Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã dùng thiên sứ như thế nào?

Khải-huyền 14:6, 7 cho biết gì về hoạt động của các thiên sứ ngày nay?

• Thiên sứ sẽ có vai trò nổi bật nào trong tương lai gần đây?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 22]

Vợ chồng ông Ma-nô-a được thiên sứ khích lệ

[Hình nơi trang 23]

“Những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó”