Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy xem trọng những buổi họp thánh

Hãy xem trọng những buổi họp thánh

Hãy xem trọng những buổi họp thánh

“Ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui-mừng trong nhà cầu-nguyện ta”.—Ê-SAI 56:7.

1. Theo Kinh Thánh, chúng ta có lý do nào để xem trọng những buổi nhóm họp?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã thu nhóm dân Ngài, gồm những tín đồ Đấng Christ xức dầu và bạn đồng hành, để thờ phượng trên “núi thánh” Ngài. Ngài làm cho họ được vui mừng trong “nhà cầu-nguyện”, tức đền thờ thiêng liêng của Ngài, và cũng là “nhà cầu-nguyện của muôn dân”. (Ê-sai 56:7; Mác 11:17) Những diễn biến này cho thấy sự thờ phượng Đức Giê-hô-va là thánh khiết, trong sạch và được nâng cao. Bằng cách xem trọng những buổi họp để học hỏi và thờ phượng, chúng ta chứng tỏ rằng mình có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh.

2. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va xem nơi thờ phượng Ngài là thánh, và làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài có cùng quan điểm đó?

2 Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, nơi mà Đức Giê-hô-va chọn làm nơi thờ phượng thì phải được xem là thánh. Đền tạm cũng như đồ đạc trong đó phải được xức dầu và biệt riêng ra “hầu cho làm rất thánh”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:26-29) Hai gian của đền thánh được gọi là “nơi thánh” và “nơi rất thánh”. (Hê-bơ-rơ 9:2, 3) Đền tạm về sau được thay bằng đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Vì là trung tâm thờ phượng của Đức Giê-hô-va, nên thành Giê-ru-sa-lem được gọi là “thành thánh”. (Nê-hê-mi 11:1; Ma-thi-ơ 27:53) Trong lúc thi hành thánh chức trên đất, chính Chúa Giê-su đã tỏ lòng tôn trọng thích đáng đối với đền thờ. Ngài đã nổi giận với những người có thái độ bất kính vì đã dùng khu vực đền thờ để buôn bán và làm lối đi tắt.—Mác 11:15, 16.

3. Điều gì thể hiện tính chất thánh trong các cuộc nhóm hiệp của người Y-sơ-ra-ên?

3 Dân Y-sơ-ra-ên đều đặn nhóm lại để thờ phượng Đức Giê-hô-va và nghe đọc Luật Pháp Ngài. Trong số các dịp lễ hội này, có những ngày được gọi là sự nhóm hiệp thánh, hoặc ngày hội trọng thể. Điều đó nói lên tính chất thánh của những cuộc họp này. (Lê-vi Ký 23:2, 3, 36, 37) Tại một cuộc nhóm hiệp vào thời E-xơ-ra và Nê-hê-mi, những người Lê-vi “giải cho dân-sự hiểu luật-pháp”. Vì “cả dân-sự đều khóc khi nghe đọc các lời luật-pháp”, nên người Lê-vi “làm cho cả dân-sự đều được yên-ổn, mà rằng: Khá nín đi, vì ngày nay là thánh”. Sau đó, dân Y-sơ-ra-ên giữ Lễ Lều Tạm trong bảy ngày và “có sự rất vui-mừng”. Ngoài ra, “mỗi ngày, từ ngày đầu cho đến ngày chót, người đọc trong sách luật-pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ăn lễ bảy ngày; còn qua ngày thứ tám, có một lễ trọng-thể, tùy theo luật-lệ”. (Nê-hê-mi 8:7-11, 17, 18) Đó thật là những dịp thánh đòi hỏi người dự phải có thái độ tôn kính.

Những buổi họp của chúng ta là thánh

4, 5. Những đặc điểm nào của buổi họp cho thấy đây là cuộc họp thánh?

4 Ngày nay Đức Giê-hô-va không có thành thánh trên đất, với một đền thờ đặc biệt dành riêng dùng làm nơi thờ phượng Ngài. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng những buổi họp để thờ phượng Đức Giê-hô-va là những buổi họp thánh. Ba lần một tuần, chúng ta họp lại để đọc và học Kinh Thánh. Và tương tự thời Nê-hê-mi, Lời của Đức Giê-hô-va được “giải nghĩa”. (Nê-hê-mi 8:8) Tất cả những buổi họp của chúng ta đều bắt đầu và kết thúc bằng lời cầu nguyện, và tại đa số các buổi họp, chúng ta đều hát những bài ngợi khen Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 26:12) Những buổi họp của hội thánh quả là một phần của sự thờ phượng nên chúng ta cần phải có thái độ thành kính.

5 Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài khi họ nhóm lại để thờ phượng, học Lời Ngài và vui vẻ kết hợp với nhau. Trong các buổi nhóm họp, chúng ta có thể tin chắc rằng ‘tại đó Đức Giê-hô-va ban phước’. (Thi-thiên 133:1, 3) Chúng ta nhận được ân phước nếu hiện diện và chăm chú lắng nghe chương trình buổi họp. Ngoài ra, Chúa Giê-su nói: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ”. Trong văn cảnh, câu này áp dụng cho các trưởng lão khi họ nhóm lại nhằm giải quyết những vấn đề nghiêm trọng xảy ra giữa các cá nhân, nhưng theo nguyên tắc, câu này cũng áp dụng cho các buổi họp của chúng ta. (Ma-thi-ơ 18:20) Nếu Đấng Christ hiện diện qua thánh linh khi các tín đồ nhân danh ngài họp lại, chẳng phải những buổi họp như thế nên được xem là thánh hay sao?

6. Có thể nói gì về những nơi chúng ta nhóm lại, dù lớn hay nhỏ?

6 Đành rằng Đức Giê-hô-va không ngự tại đền thờ do con người xây dựng. Tuy nhiên, Phòng Nước Trời của chúng ta là trung tâm thờ phượng thật. (Công-vụ 7:48; 17:24) Chúng ta hội họp tại Phòng Nước Trời cũng như tại Phòng Hội Nghị để học Lời Đức Giê-hô-va, cầu nguyện và hát ca khen Ngài. Để tổ chức đại hội, chúng ta thuê những nơi lớn hơn như hội trường, phòng triển lãm, hoặc sân vận động thể thao. Những địa điểm này trở thành nơi thờ phượng trong lúc được dùng cho những cuộc họp thánh của chúng ta. Những dịp thờ phượng đó, dù lớn hay nhỏ, đáng cho chúng ta xem trọng, và điều đó nên phản ánh qua thái độ và tư cách của chúng ta.

Cách chúng ta xem trọng các buổi họp

7. Qua những cách cụ thể nào, chúng ta cho thấy mình xem trọng những buổi họp?

7 Có những cách cụ thể để cho thấy chúng ta xem trọng các buổi họp. Một cách là hiện diện để ca những bài hát Nước Trời. Nhiều bài được soạn như lời cầu nguyện, vì thế cần phải hát với lòng tôn kính. Trích lời nơi Thi-thiên chương 22, sứ đồ Phao-lô viết về Chúa Giê-su: “Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi, hát thi-ca ngợi-khen Chúa ở giữa hội”. (Hê-bơ-rơ 2:12, Ghi-đê-ôn) Vì thế, chúng ta nên cố gắng vào chỗ ngồi trước khi người chủ tọa giới thiệu bài hát, và rồi chú tâm vào ý nghĩa của lời mình hát. Mong rằng khi ca hát, chúng ta có cùng cảm xúc với người viết Thi-thiên: “Tôi sẽ hết lòng ngợi-khen Đức Giê-hô-va trong đám người ngay-thẳng và tại hội-chúng”. (Thi-thiên 111:1) Đúng vậy, hát khen Đức Giê-hô-va là một lý do chính đáng để chúng ta đến buổi họp sớm và ở lại cho đến khi chấm dứt.

8. Trường hợp nào trong Kinh Thánh cho thấy chúng ta cần phải lắng nghe lời cầu nguyện tại các buổi họp với lòng tôn kính?

8 Có một đặc điểm khác làm tăng giá trị thiêng liêng tất cả các buổi họp của chúng ta, đó là lời cầu nguyện chân thành vì lợi ích của mọi người tham dự. Vào thế kỷ thứ nhất, có lần các tín đồ tại Giê-ru-sa-lem nhóm lại và “một lòng cất tiếng lên cầu Đức Chúa Trời”. Kết quả là, dù bị ngược đãi, họ tiếp tục “giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ”. (Công-vụ 4:24-31) Chúng ta có thể nào tưởng tượng một người trong số họ suy nghĩ vẩn vơ trong lúc cầu nguyện không? Không, họ “một lòng” cầu nguyện. Lời cầu nguyện tại những buổi họp phản ánh cảm nghĩ của mọi người trong cử tọa. Những lời cầu nguyện đó đáng cho chúng ta lắng nghe với lòng tôn kính.

9. Làm thế nào chúng ta bày tỏ lòng tôn trọng các buổi họp thánh qua lối phục sức và tư cách của mình?

9 Ngoài ra, qua cách ăn mặc, chúng ta cho thấy mình xem trọng các buổi họp thánh đến mức nào. Ngoại diện của chúng ta qua áo quần và kiểu tóc có thể giúp làm buổi họp thêm phần trang trọng. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Ta muốn những người đàn-ông đều giơ tay thánh-sạch lên trời, mà cầu-nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận-dữ và cãi-cọ. Ta cũng muốn rằng những người đàn-bà ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình, không dùng những tóc-gióc, vàng, châu-ngọc và áo-quần quí-giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đương-nhiên của người đàn-bà tin-kính Chúa”. (1 Ti-mô-thê 2:8-10) Khi dự các đại hội lớn tổ chức ở những sân vận động ngoài trời, chúng ta có thể ăn mặc thích hợp với thời tiết mà vẫn giữ được tính trang trọng. Ngoài ra, vì xem trọng buổi họp, chúng ta sẽ tránh ăn vặt hoặc nhai kẹo cao-su trong lúc diễn ra các phiên nhóm. Qua lối phục sức và tư cách thích hợp tại các buổi họp, chúng ta làm vinh hiển Giê-hô-va Đức Chúa Trời và sự thờ phượng Ngài, đồng thời tỏ lòng trân trọng đối với các anh em đồng đạo.

Tư cách thích hợp với nhà của Đức Chúa Trời

10. Lời khuyên nào của sứ đồ Phao-lô hàm ý rằng cần phải có tư cách thích hợp tại buổi họp của tín đồ Đấng Christ?

10 Nơi 1 Cô-rinh-tô chương 14, sứ đồ Phao-lô cho lời khuyên khôn ngoan về cách tiến hành các buổi họp của đạo Đấng Christ. Ông kết luận như sau: “Mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ-tự”. (1 Cô-rinh-tô 14:40) Buổi họp là một sinh hoạt quan trọng của hội thánh tín đồ Đấng Christ, vì thế chúng ta cần phải có tư cách thích hợp với nhà của Đức Giê-hô-va.

11, 12. (a) Cần ghi khắc điều gì vào tâm trí của con trẻ đến dự buổi họp? (b) Tại buổi họp, các em nhỏ có thể biểu lộ đức tin bằng cách thích hợp nào?

11 Đặc biệt, trẻ con cần được dạy bảo để biết cách cư xử tại buổi họp. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ cần giải thích cho con cái biết rằng Phòng Nước Trời và nơi có Buổi Họp Cuốn Sách Hội Thánh không phải là chỗ để chơi đùa. Đó là những nơi chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va và học Lời Ngài. Vị Vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã viết: “Khi ngươi vào nhà Đức Chúa Trời, hãy giữ chừng chân mình... lại gần mà nghe”. (Truyền-đạo 5:1) Môi-se bảo dân Y-sơ-ra-ên phải nhóm nhau lại, cả người lớn và “con trẻ”. Ông nói: “Ngươi phải nhóm-hiệp dân-sự,... để chúng nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy. Những con-cái của dân-sự chưa biết việc ấy, sẽ nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12, 13.

12 Ngày nay cũng vậy, con trẻ theo cha mẹ đến buổi họp chủ yếu để lắng nghe và học tập. Khi có thể tập trung lắng nghe buổi họp và hiểu được ít nhất những lẽ thật căn bản, con trẻ cũng có thể “làm chứng” về đức tin của chúng bằng những lời bình luận ngắn. (Rô-ma 10:10) Một em nhỏ có thể bắt đầu bằng cách nói vài chữ để trả lời câu hỏi mà em hiểu. Lúc đầu, có lẽ em phải đọc câu trả lời, nhưng với thời gian, em sẽ tập phát biểu bằng lời riêng. Điều này có lợi và tạo sự hứng thú cho em, đồng thời người lớn trong cử tọa sẽ cảm thấy thích khi nghe những lời phát biểu tự nhiên như thế. Tất nhiên, cha mẹ nêu gương bằng cách chính họ cũng phát biểu. Nếu có thể, các em nhỏ cũng nên có riêng cuốn Kinh Thánh, sách hát và ấn phẩm dùng trong buổi họp. Các em cần tập quý trọng những ấn phẩm đó. Tất cả những điều này sẽ khắc ghi vào tâm trí các em rằng buổi họp là cuộc họp thánh.

13. Đối với những người lần đầu dự buổi họp hội thánh, chúng ta mong họ có cảm nghĩ gì?

13 Dĩ nhiên, chúng ta không muốn buổi họp của chúng ta giống như các buổi lễ của những đạo xưng theo Đấng Christ. Những buổi lễ đó có thể rất lạnh lùng vô cảm, mang vẻ thiêng liêng thần thánh, hoặc ồn ào như đại nhạc hội kích động. Chúng ta muốn buổi họp tại Phòng Nước Trời mang bầu không khí ấm cúng và thu hút, nhưng không đến độ giống như một câu lạc bộ. Chúng ta gặp nhau để thờ phượng Đức Giê-hô-va, vì thế những buổi họp của chúng ta phải luôn luôn trang trọng. Chúng ta mong rằng, sau khi nghe những điều được trình bày và thấy tư cách của chúng ta cũng như của con em chúng ta, những người lần đầu đến dự buổi họp sẽ nói: “Thật có Đức Chúa Trời ở giữa anh em”.—1 Cô-rinh-tô 14:25.

Đặc điểm không thể thiếu trong sự thờ phượng

14, 15. (a) Chúng ta làm thế nào để cho thấy mình không ‘bỏ bê đền của Đức Chúa Trời’? (b) Lời nơi Ê-sai 66:23 đã được ứng nghiệm như thế nào?

14 Như đề cập ở đầu bài, Đức Giê-hô-va đang thu nhóm dân Ngài và làm cho họ được vui vẻ trong “nhà cầu-nguyện”, đền thờ thiêng liêng của Ngài. (Ê-sai 56:7) Người trung thành Nê-hê-mi nói với đồng bào Do Thái rằng họ phải xem trọng đền thờ trên đất qua việc ủng hộ về vật chất. Ông nói: “Chúng tôi sẽ chẳng lìa-bỏ [“bỏ bê”, Bản Dịch Mới] đền của Đức Chúa Trời chúng tôi đâu”. (Nê-hê-mi 10:39) Ngoài ra, chúng ta không nên quên rằng Đức Giê-hô-va mời chúng ta đến thờ phượng tại “nhà cầu-nguyện” của Ngài.

15 Cho thấy chúng ta cần phải đều đặn họp lại để thờ phượng, Ê-sai tiên tri: “Đức Giê-hô-va phán: Từ ngày trăng mới nầy đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác-thịt sẽ đến thờ-lạy trước mặt ta”. (Ê-sai 66:23) Điều này đang diễn ra ngày nay. Đều đặn, mỗi tuần các tín đồ Đấng Christ cùng đến thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ làm thế qua những cách như dự những buổi họp đạo Đấng Christ và tham gia vào công việc rao giảng. Bạn có mặt trong số những người đều đặn ‘đến và thờ-lạy Đức Giê-hô-va’ hay không?

16. Tại sao chúng ta nên xem việc tham dự nhóm họp đều đặn là đặc điểm không thể thiếu trong đời sống hiện tại của chúng ta?

16 Câu Ê-sai 66:23 sẽ ứng nghiệm trọn vẹn trong cuộc sống nơi thế giới mới mà Đức Giê-hô-va đã hứa. Khi ấy, hàng tuần và hàng tháng “mọi xác-thịt sẽ đến thờ-lạy trước mặt” Đức Giê-hô-va cho đến mãi mãi. Việc nhóm nhau lại để thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ vĩnh viễn là một đặc điểm trong đời sống thiêng liêng của chúng ta trong thế giới mới. Vì thế chẳng phải chúng ta cũng nên xem việc đều đặn tham dự những cuộc họp thánh là đặc điểm không thể thiếu trong đời sống hiện tại hay sao?

17. Khi “thấy ngày ấy hầu gần”, tại sao chúng ta càng phải đi dự nhóm họp đều?

17 Trong khi sự cuối cùng ngày càng đến gần, chúng ta quyết tâm hơn bao giờ hết để tham dự các buổi thờ phượng của đạo Đấng Christ. Nếu xem trọng các buổi họp thánh, chúng ta không để mất cơ hội nhóm họp đều đặn với các anh em đồng đạo vì việc làm, bài tập trong trường hoặc lớp học chiều tối. Nhờ kết hợp với anh em, chúng ta có được sức mạnh cần thiết. Những buổi nhóm họp của hội thánh là dịp để chúng ta biết rõ nhau, khuyến khích, và khuyên giục nhau về “lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. Chúng ta càng phải làm như vậy khi “thấy ngày ấy hầu gần”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Vì vậy, mong sao chúng ta luôn luôn xem trọng những cuộc họp thánh của chúng ta bằng cách đều đặn tham dự, ăn mặc thích hợp và có tư cách đúng đắn. Như thế, chúng ta cho thấy mình có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về điều thánh.

Để ôn lại

• Điều gì cho thấy những buổi họp thờ phượng của dân Đức Giê-hô-va phải được xem là thánh?

• Những đặc điểm nào của buổi họp cho thấy đây là cuộc họp thánh?

• Bằng cách nào trẻ em có thể cho thấy mình xem trọng các buổi họp thánh?

• Tại sao nên xem việc đều đặn tham dự buổi họp là đặc điểm không thể thiếu trong đời sống chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 28]

Dù tổ chức nơi đâu, những buổi họp để thờ phượng Đức Giê-hô-va đều là những cuộc họp thánh

[Hình nơi trang 31]

Con em của chúng ta đến buổi họp để lắng nghe và học tập