Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho mơ ước làm giáo sỉ của tôi

Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho mơ ước làm giáo sỉ của tôi

Tự Truyện

Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho mơ ước làm giáo sỉ của tôi

Do Sheila Winfield da Conceição kể lại

Hồi ấy, một chị làm giáo sĩ ở Phi Châu đến thăm hội thánh chúng tôi và kể rằng ở đó, mọi người đều mời chị vào nhà và chăm chú lắng nghe tin mừng về Nước Trời. Tôi thầm nghĩ: ‘Ước gì mình được rao giảng ở một khu vực như thế!’ Cuộc trò chuyện ấy đã gieo vào lòng tôi, một bé gái mới 13 tuổi, ước muốn làm giáo sĩ.

GIA ĐÌNH chúng tôi đã biết về Đức Giê-hô-va trước đó rất lâu. Vào một buổi sáng năm 1939, hai thanh niên ăn mặc lịch sự đến gõ cửa nhà chúng tôi ở Hemel Hempstead, thuộc ngoại ô Luân Đôn, nước Anh. Họ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi chỉ mới chào đời một năm trước đó nên không biết gì về cuộc viếng thăm này. Lúc ấy để đuổi khéo, mẹ tôi bảo họ rằng có thể cha sẽ quan tâm đến những điều họ nói, nhưng sớm nhất cũng phải 9 giờ tối ông mới về. Mẹ vô cùng ngạc nhiên khi thấy họ trở lại ngay tối hôm ấy! Sau khi biết chắc về lập trường chính trị của họ, cha tôi, Henry Winfield, mời họ vào nhà và đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Cha tiến bộ rất nhanh và làm báp têm. Vài năm sau, mẹ tôi, Kathleen, cũng bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và làm báp têm vào năm 1946.

Năm 1948, tôi bắt đầu tham gia đều đặn công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời. Để báo cáo chính xác số giờ rao giảng, tôi nghĩ mình cần có một đồng hồ đeo tay. Hồi ấy, nếu ngoan ngoãn thì mỗi Thứ Bảy ba chị em chúng tôi sẽ được thưởng một đồng tiền 6 xu. Tôi phải để dành gần hai năm mới đủ tiền mua cái đồng hồ rẻ nhất thời đó. Ray, em trai út của tôi luôn đòi cha phải cho hai đồng 3 xu, chứ không chịu nhận một đồng 6 xu. Một hôm, vì nó cứ khăng khăng đòi thế nên cha nổi giận. Ray vừa khóc vừa phân trần nó cần hai đồng 3 xu vì có một bí mật với Đức Giê-hô-va. Cuối cùng, anh chàng cho biết: “Một đồng 3 xu con bỏ vào hộp đóng góp, còn đồng kia con để dành”. Mẹ mừng đến rơi lệ, còn cha thì lập tức đi đổi tiền. Về phần mình, tôi học được tầm quan trọng của việc ủng hộ tài chánh cho công việc Nước Trời.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, cha thu xếp để gia đình dọn đến nơi cần nhiều người rao giảng hơn. Năm 1949, cha bán nông trại cùng mỏ cát và đá balat, rồi bắt đầu tham gia công việc tiên phong, tức làm người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngày 24-9-1950, tôi làm báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Từ đó trở đi, mỗi kỳ nghỉ hè tôi đều đăng ký làm công việc tiên phong (nay là tiên phong phụ trợ), dành 100 giờ mỗi tháng cho thánh chức. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Không lâu sau, tôi có ước muốn mãnh liệt là cống hiến nhiều hơn nữa để đẩy mạnh sự thờ phương thật.

Mơ ước làm giáo sĩ

Năm 1951, cha được bổ nhiệm đến Bideford, Bắc Devon. Một thời gian ngắn sau khi chúng tôi đến đấy, chị giáo sĩ ở Phi Châu đến thăm hội thánh chúng tôi, như được nói ở đầu bài. Từ đấy, ước muốn làm giáo sĩ bắt đầu chi phối mọi quyết định của tôi. Khi biết điều này, thầy cô ở trường tìm mọi cách làm tôi thoái chí, với hy vọng là tôi sẽ theo đuổi một sự nghiệp bình thường như bao người. Tuy nhiên vào ngày tốt nghiệp, khi tôi đến phòng giáo viên để cám ơn và từ biệt thầy cô, một giáo viên đã nói: “Chúc mừng em! Em là học sinh duy nhất thật sự có mục tiêu trong đời sống. Chúng tôi mong em sẽ đạt được mục tiêu ấy”.

Không lãng phí thì giờ, tôi lập tức tìm một việc làm bán thời gian và bắt đầu làm người tiên phong đều đều vào ngày 1-12-1955. Sau đó, mẹ và hai em trai tôi cũng tham gia. Thế là trong nhiều năm, cả gia đình cùng làm công việc tiên phong.

Đến Ireland

Một năm sau, tôi nhận được thư mời đến phụng sự tại nước Ireland. Đây là một bước tiến lớn giúp tôi đến gần hơn mục tiêu trở thành giáo sĩ. Tháng 2 năm 1957, tôi cùng với hai chị tiên phong trẻ khác là June Napier và Beryl Barker, đến Cork, miền nam Ireland.

Việc rao giảng ở Ireland rất khó khăn vì gặp phải sự chống đối kịch liệt của người Công Giáo. Khi đi rao giảng tại chung cư hay cư xá, chúng tôi phải tập thói quen liệu trước lối thoát để phòng trường hợp cần nhanh chóng rút lui. Chúng tôi thường giấu xe đạp cách nơi rao giảng một khoảng xa, thế mà nhiều khi vẫn có người tìm được để cắt hoặc xì bánh xe.

Lần nọ, trong khi chị Beryl và tôi đang rao giảng ở một khu cư xá lớn, đám trẻ con bắt đầu chửi bới và ném đá chúng tôi. Vì thế, chúng tôi tấp vào một nhà có mở tiệm bán sữa. Đám đông tụ tập bên ngoài. Chị Beryl rất thích sữa nên cứ chậm rãi uống hai, ba ly với hy vọng từ từ họ sẽ giải tán. Nhưng họ vẫn ở đấy. Thế rồi có một linh mục trẻ bước vào tiệm. Tưởng chúng tôi là khách du lịch, ông đề nghị đưa chúng tôi đi tham quan thành phố. Tuy nhiên, trước hết ông dẫn chúng tôi vào một phòng khác trong nhà, ở đấy chúng tôi yên lặng ngồi xem ông làm phép xức dầu cho một cụ già đang hấp hối. Sau đó chúng tôi rời khỏi tiệm với vị linh mục. Thấy chúng tôi trò chuyện với ông, đám đông giải tán.

Đến Trường Ga-la-át

Năm 1958, Đại Hội Quốc Tế với chủ đề “Ý muốn của Đức Chúa Trời” được tổ chức tại New York. Cha sẽ đi dự, và tôi cũng muốn đi nữa nhưng không có tiền. Thế rồi, bà nội tôi đột ngột qua đời, để lại cho tôi 100 bảng Anh (tương đương 280 Mỹ kim). Vé khứ hồi cho chuyến đi là 96 bảng, thế là tôi lập tức đặt vé.

Không bao lâu sau, một đại diện của văn phòng chi nhánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở Anh đến thăm, và mời tất cả người tiên phong đặc biệt sắp đi dự đại hội hãy nộp đơn tham dự khóa huấn luyện giáo sĩ tại Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Tôi không tin được ở tai mình! Anh phát đơn cho mọi người, ngoại trừ tôi. Lý do là vì tôi còn quá trẻ. Tôi đến gặp anh và giải thích rằng trên thực tế tôi đã rời quê hương và hầu như đã làm công việc của một giáo sĩ. Nhận thấy quyết tâm của tôi, anh đưa đơn. Tôi đã cầu nguyện thiết tha biết bao để được trường chấp nhận! Và câu trả lời đã đến thật nhanh: Tôi được mời đến Trường Ga-la-át.

Thật vui sướng khi được tham dự khóa 33 của Trường Ga-la-át cùng với 81 anh chị tiên phong khác đến từ 14 xứ. Khóa học 5 tháng trôi qua nhanh làm sao! Gần cuối khóa, chúng tôi được nghe một bài giảng rất khích lệ kéo dài bốn tiếng do anh Nathan H. Knorr trình bày. Anh khuyến khích những ai có thể tiếp tục sống độc thân hãy làm thế. (1 Cô-rinh-tô 7:37, 38) Còn những người sau này muốn kết hôn, anh khuyên nên ghi ra những tiêu chuẩn riêng cho người hôn phối tương lai. Như vậy, khi một “ứng viên” xuất hiện, chúng ta có thể xem xét người ấy dựa trên các tiêu chuẩn đã đề ra.

Tiêu chuẩn của tôi gồm: Người đó phải là một giáo sĩ yêu mến Đức Giê-hô-va, phải biết Kinh Thánh nhiều hơn tôi, phải sẵn lòng hoãn việc có con cho đến sau ngày Ha-ma-ghê-đôn để tiếp tục phụng sự trọn thời gian, phải nói tiếng Anh lưu loát, và phải lớn tuổi hơn tôi. Danh sách này đã giúp nhiều cho tôi, một cô gái 20 tuổi sắp nhận nhiệm sở ở một nơi xa xôi.

Đến Brazil

Chủ Nhật ngày 2-8-1959, chúng tôi dự lễ tốt nghiệp và nhận nhiệm sở. Tôi và các anh chị Vehanouch Yazedjian, Sarah Greco, Ray và Inger Hatfield, Sonia Springate, Doreen Hines được bổ nhiệm đến Brazil. Chúng tôi rất hồi hộp. Trong tâm trí tôi, Brazil là những khu rừng rậm với rắn rết, cây cao su và thổ dân da đỏ. Thế nhưng khi đến nơi, thật ngạc nhiên làm sao! Thay vì rừng rậm Amazon là thành phố Rio de Janeiro hiện đại chan hòa ánh nắng, thủ đô của Brazil lúc bấy giờ.

Thử thách trước mắt chúng tôi là việc học tiếng Bồ Đào Nha. Chúng tôi học 11 giờ mỗi ngày trong tháng đầu tiên. Sau một thời gian rao giảng và sống tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Rio, tôi được gửi đến nhà giáo sĩ ở Piracicaba, bang São Paulo, rồi tiếp đến là nhà giáo sĩ ở Porto Alegre, bang Rio Grande do Sul.

Đến đầu năm 1963, tôi được mời làm việc với Ban Dịch Thuật tại văn phòng chi nhánh. Anh Floriano Ignez da Conceição, người đã dạy tiếng Bồ Đào Nha khi chúng tôi mới đến, chính là người phụ trách Ban Dịch Thuật. Anh học biết lẽ thật từ năm 1944, khi ở Brazil chỉ có khoảng 300 Nhân Chứng, và đã tham dự khóa 22 của Trường Ga-la-át. Sau vài tháng tôi làm việc trong Ban Dịch Thuật, một hôm anh Conceição cho biết muốn nói chuyện với tôi và hỏi tôi có thể nán lại ít phút trước giờ ăn trưa hay không. Thoạt tiên tôi rất lo lắng, không hiểu mình có làm điều gì sai không. Cuối cùng, khi tiếng chuông báo giờ ăn trưa vang lên, tôi đến gặp anh và hỏi anh muốn nói với tôi điều gì. Anh trả lời: “Em có đồng ý kết hôn với anh không?” Tôi không nói được lời nào vì quá bất ngờ. Tôi xin anh một thời gian để suy nghĩ, rồi chạy ào xuống phòng ăn.

Anh Floriano không phải là người đầu tiên bày tỏ tình cảm với tôi, nhưng cho đến lúc ấy, chưa ai hội đủ mọi tiêu chuẩn mà tôi đề ra cho người hôn phối tương lai. Tôi tin là những tiêu chuẩn này đã giúp tôi tránh mắc phải quyết định sai lầm. Nhưng lần này thì khác. Anh Floriano hội đủ mọi điều kiện! Thế là chúng tôi kết hôn vào ngày 15-5-1965.

Đương đầu với bệnh tật

Chúng tôi rất hạnh phúc dù phải đương đầu với nhiều thử thách. Một trong những thử thách đó là vấn đề sức khỏe của anh Floriano. Ít lâu trước khi kết hôn, sức khỏe của anh bắt đầu có dấu hiệu sa sút. Vài năm trước, phổi trái của anh bị xẹp và giờ đây nó kéo theo những vấn đề khác, khiến anh đau đớn nhiều. Vì thế, chúng tôi phải rời nhà Bê-tên và được bổ nhiệm làm công việc tiên phong đặc biệt ở thành phố Teresópolis, miền cao nguyên bang Rio de Janeiro. Chúng tôi hy vọng khí hậu ở đấy sẽ giúp anh bình phục.

Thêm vào đó, vào tháng 12 năm 1965, tôi nhận được tin mẹ bị ung thư nặng. Tôi và mẹ thường xuyên viết thư cho nhau, nhưng đã bảy năm rồi chưa được gặp mặt. Do đó, mẹ mua vé cho chúng tôi trở về Anh. Mặc dù mẹ đã được phẫu thuật nhưng bác sĩ không thể loại bỏ mầm ung thư. Tuy bệnh rất nặng và phải nằm một chỗ, mẹ vẫn mong muốn tiếp tục rao giảng. Mẹ có một máy chữ trong phòng để đọc thư cho người khác đánh máy hộ. Ngoài ra, mẹ cũng làm chứng đôi chút với những người đến thăm. Bà qua đời ngày 27-11-1966. Tháng đó, mẹ báo cáo mười giờ rao giảng! Cha tiếp tục làm công việc tiên phong cho đến cuối đời. Ông mất năm 1979.

Sau khi mẹ mất, vợ chồng tôi trở về Brazil, và tiếp tục phụng sự tại bang Rio de Janeiro cho đến nay. Lúc đầu chúng tôi được giao công việc giám thị vòng quanh ở thủ đô, nhưng niềm vui này kéo dài không bao lâu vì anh Floriano lại trở bệnh nặng. Chúng tôi trở về thành phố Teresópolis và làm tiên phong đặc biệt.

Sau nhiều năm điều trị đau đớn, cuối cùng anh Floriano phải chịu phẫu thuật cắt bỏ phổi trái vào năm 1974. Lúc ấy, anh phải ngưng làm giám thị chủ tọa của hội thánh và công việc tiên phong đặc biệt, nhưng vẫn có thể điều khiển học hỏi Kinh Thánh vào những giờ được thăm bệnh. Một trong những học viên của anh là Bob, một người Mỹ về hưu. Họ học Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Ông Bob chấp nhận lẽ thật và sau đó đã làm báp têm. Anh Floriano dần dần bình phục và làm công việc tiên phong đều đều cho đến nay.

Những ân phước nhận được trong thánh chức

Trong suốt những năm tháng ấy, tôi vẫn tiếp tục làm công việc tiên phong đặc biệt và được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào. Ở thành phố Teresópolis, tôi có đặc ân tuyệt diệu là giúp hơn 60 người dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Trong số những người ấy có chị Jupira, một người được tôi dạy đọc. Với thời gian, trong số các người con đã trưởng thành của chị, tôi cũng giúp được tám người học Kinh Thánh. Chị Jupira và hơn 20 người trong gia đình cùng bà con hiện đang sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời, trong đó có một trưởng lão, ba tôi tớ thánh chức và hai người tiên phong.

Tôi học được một điều là phải giữ thái độ lạc quan, xem mỗi người đều có triển vọng chấp nhận lẽ thật. Có lần trong khi tôi đang giúp một phụ nữ trẻ tên Alzemira học Kinh Thánh, thì Antônio, chồng chị, dọa sẽ xua hai con chó lớn ra cắn nếu tôi không rời nhà họ ngay lập tức. Trong bảy năm sau đó, tôi chỉ thỉnh thoảng gặp Alzemira cho đến khi thuyết phục được Antônio cho phép chị ấy học trở lại. Dù vậy, anh ta vẫn không thích tôi nói với anh về Kinh Thánh. Nhưng vào một ngày mưa gió, tôi mời Antônio tham dự buổi học với vợ, thì mới khám phá ra vấn đề là anh không biết đọc. Từ đó trở đi, anh Floriano và vài người khác giúp Antônio vừa học Kinh Thánh vừa học chữ. Bây giờ cả Alzemira và Antônio đều đã báp têm. Anh giúp đỡ cho hội thánh rất nhiều, và cùng đi rao giảng với những người trẻ.

Trên đây chỉ là vài kinh nghiệm mà chúng tôi có được trong hơn 20 năm phụng sự ở thành phố Teresópolis. Đầu năm 1988, chúng tôi được bổ nhiệm đến thành phố Niterói. Sau 5 năm ở đó, chúng tôi chuyển đến Santo Aleixo, rồi đến hội thánh Japuíba ở trung tâm bang Rio de Janeiro. Tại đây, chúng tôi có đặc ân thành lập hội thánh Ribeira.

Một đời sống giản dị nhưng đầy ân phước

Theo năm tháng, vợ chồng tôi có đặc ân giúp hơn 300 người dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Trong số này có những người hiện đang phục vụ tại văn phòng chi nhánh, làm tiên phong, trưởng lão hay tôi tớ thánh chức. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì qua thánh linh, Ngài đã dùng chúng tôi để giúp nhiều người!—Mác 10:29, 30.

Đúng là anh Floriano đã phải chống chọi với bệnh tật. Nhưng dù sức khỏe kém, anh vẫn giữ vững lòng trung kiên, tinh thần vui vẻ và niềm tin nơi Đức Giê-hô-va. Anh thường nói: “Ngày nay, hạnh phúc không phải là một đời sống không có vấn đề. Chúng ta hạnh phúc nhờ sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để đối phó với vấn đề”.—Thi-thiên 34:19.

Vào năm 2003, tôi bị ung thư mắt trái, phải giải phẫu bỏ mắt thật và ghép mắt nhân tạo. Mắt giả cần được làm vệ sinh nhiều lần trong ngày, dù vậy nhờ Đức Giê-hô-va thêm sức, tôi tiếp tục làm tiên phong đặc biệt để phụng sự Ngài.

Tôi sống rất giản dị về phương diện vật chất, nhưng bù lại, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho công việc của tôi và cho tôi một đời sống tinh thần phong phú. Lời miêu tả của chị giáo sĩ ngày xưa về công việc rao giảng ở Châu Phi cũng đúng với công việc của chúng tôi ở Brazil. Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào cho mơ ước làm giáo sĩ của tôi!

[Hình nơi trang 9]

Với gia đình tôi, năm 1953

[Hình nơi trang 9]

Làm chứng ở Ireland, năm 1957

[Hình nơi trang 10]

Với các chị giáo sĩ ở Brazil, năm 1959. Từ trái sang phải: Tôi, chị Inger Hatfield, chị Doreen Hines và chị Sonia Springate

[Hình nơi trang 10]

Với chồng tôi