Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự can thiệp của Đức Chúa Trời—Chúng ta có thể mong đợi gì?

Sự can thiệp của Đức Chúa Trời—Chúng ta có thể mong đợi gì?

Sự can thiệp của Đức Chúa Trời—Chúng ta có thể mong đợi gì?

VÀO thế kỷ thứ tám TCN, Vua Ê-xê-chia của Giu-đa, lúc đó 39 tuổi, biết mình mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Vô cùng đau khổ trước tin này, trong lời cầu nguyện Ê-xê-chia van xin Đức Chúa Trời chữa cho ông khỏi bệnh. Đức Chúa Trời đáp lại qua nhà tiên tri của Ngài: “Ta đã nghe lời cầu-nguyện của ngươi, đã thấy nước mắt ngươi. Nầy, ta sẽ thêm cho ngươi mười lăm tuổi”.—Ê-sai 38:1-5.

Tại sao Đức Chúa Trời đã can thiệp trong trường hợp đặc biệt này? Nhiều thế kỷ trước đó, Đức Chúa Trời đã hứa với vua công bình là Đa-vít: “Nhà ngươi và nước ngươi được vững bền trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững-lập đến mãi mãi”. Đức Chúa Trời cũng tiết lộ là Đấng Mê-si sẽ sinh ra trong dòng tộc Đa-vít. (2 Sa-mu-ên 7:16; Thi-thiên 89:20, 26-29; Ê-sai 11:1) Khi lâm bệnh, Ê-xê-chia vẫn chưa có con để nối dõi. Do đó, hoàng tộc Đa-vít có nguy cơ bị tuyệt chủng. Sự can thiệp của Đức Chúa Trời trong trường hợp của Ê-xê-chia nhằm mục đích đặc biệt là bảo tồn dòng tộc dẫn đến Đấng Mê-si.

Để thực hiện lời hứa, Đức Giê-hô-va đã ra tay can thiệp vì lợi ích của dân Ngài trong nhiều dịp trước thời đạo Đấng Christ. Về sự giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập, Môi-se tuyên bố: “Ấy vì Đức Giê-hô-va thương-yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ-phụ các ngươi, nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:8.

Trong thế kỷ thứ nhất, sự can thiệp của Đức Chúa Trời cũng nhằm thực hiện mục đích của Ngài. Thí dụ, trên đường đến Đa-mách, qua phép lạ một người Do Thái tên là Sau-lơ nhận được một sự hiện thấy nhằm ngăn chặn ông trong việc bắt bớ các môn đồ của Đấng Christ. Sự cải đạo của người đàn ông này, người sau này trở thành sứ đồ Phao-lô, đã đóng vai trò trọng yếu trong việc truyền bá tin mừng giữa các nước.—Công-vụ 9:1-16; Rô-ma 11:13.

Sự can thiệp có phải là điều thông thường không?

Sự can thiệp của Đức Chúa Trời có phải là thông lệ hay ngoại lệ? Kinh Thánh rõ ràng cho thấy chắc chắn đó không phải là điều thường xảy ra. Dù Đức Chúa Trời đã giải cứu ba chàng trai trẻ Do Thái khỏi sự hành hình trong lò lửa hực và nhà tiên tri Đa-ni-ên khỏi hang sư tử, nhưng Ngài đã không hành động để cứu những nhà tiên tri khác thoát khỏi cái chết. (2 Sử-ký 24:20, 21; Đa-ni-ên 3:21-27; 6:16-22; Hê-bơ-rơ 11:37) Qua phép lạ, Phi-e-rơ đã được giải cứu khỏi ngục nơi Hê-rốt Ạc-ríp-ba I đã giam ông. Tuy vậy, chính ông vua này đã giết sứ đồ Gia-cơ, và Đức Chúa Trời đã không can thiệp để ngăn chặn tội ác này. (Công-vụ 12:1-11) Dù Đức Chúa Trời ban cho các sứ đồ quyền phép để chữa lành người bệnh và ngay cả làm người chết sống lại, nhưng Ngài đã không đồng ý cất đi “cái giằm xóc vào thịt” đã khiến cho sứ đồ Phao-lô khổ não, có thể đó là một bệnh về thể xác.—2 Cô-rinh-tô 12:7-9; Công-vụ 9:32-41; 1 Cô-rinh-tô 12:28.

Đức Chúa Trời đã không can thiệp để ngăn chặn làn sóng bắt bớ các môn đồ của Đấng Christ do Hoàng Đế La Mã Nero gây ra. Tín đồ Đấng Christ đã bị tra tấn, thiêu sống, và quăng cho thú dữ. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã không lấy làm ngạc nhiên về sự chống đối này, và điều ấy chắc chắn đã không làm suy yếu niềm tin của họ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Suy cho cùng, Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ rằng họ sẽ bị giải đến tòa án và họ nên sẵn sàng chịu khổ và thậm chí hy sinh vì đức tin của mình.—Ma-thi-ơ 10:17-22.

Như Ngài đã làm trong quá khứ, ngày nay chắc chắn Đức Chúa Trời có khả năng giải cứu các tôi tớ Ngài khỏi những tình thế nguy hiểm, và không ai nên chỉ trích những người nghĩ là họ đã được lợi ích nhờ sự che chở của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khó có thể mà nói một cách quả quyết là Đức Chúa Trời đã can thiệp hay không trong những trường hợp như thế. Nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã bị thương trong vụ nổ ở Toulouse, và hàng ngàn tín đồ Đấng Christ trung thành đã chết ở các trại tập trung hoặc dưới những hoàn cảnh bi thảm khác mà Đức Chúa Trời đã không ra tay ngăn chặn. Tại sao Đức Chúa Trời không kiên định trong việc can thiệp vì lợi ích của tất cả những người được Ngài chấp nhận?—Đa-ni-ên 3:17, 18.

“Thời thế và sự bất trắc”

Khi tai họa ập xuống, ai ai cũng có thể bị ảnh hưởng, và lòng trung thành với Đức Chúa Trời không nhất thiết là một yếu tố để được che chở. Trong vụ nổ ở Toulouse mà Alain và Liliane đã thoát nạn, có 30 người chết và hàng trăm người đã bị thương, mặc dù đây không phải là lỗi tại họ. Trên bình diện rộng lớn hơn, hàng chục ngàn người là nạn nhân của tội ác, việc lái xe cẩu thả, hoặc chiến tranh, nhưng không thể đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những bất hạnh của họ. Kinh Thánh nhắc chúng ta rằng “thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”.—Truyền-đạo 9:11, NW.

Hơn nữa, con người phải chịu bệnh tật, già nua, và sự chết. Ngay cả những người nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã dùng phép lạ cứu mạng họ hoặc cho rằng Ngài đã giúp họ khỏi bệnh một cách bất ngờ, nhưng cuối cùng cũng phải đối diện với cái chết. Việc xóa đi bệnh tật, sự chết và “lau ráo hết nước mắt” khỏi mắt nhân loại còn là chuyện trong tương lai.—Khải-huyền 21:1-4.

Để điều đó xảy ra, cần phải có một sự thay đổi tận gốc rễ và toàn vẹn thay vì Đức Chúa Trời chỉ thỉnh thoảng can thiệp. Kinh Thánh nói đến một biến cố được gọi là “ngày lớn của Đức Giê-hô-va”. (Sô-phô-ni 1:14) Trong cuộc can thiệp qui mô này, Đức Chúa Trời sẽ loại trừ mọi điều ác. Nhân loại sẽ được ban cho cơ hội sống đời đời trong hoàn cảnh tuyệt hảo, nơi mà “những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa”. (Ê-sai 65:17) Ngay cả người chết sẽ được sống lại, nhờ đó đảo ngược nỗi đau thương lớn nhất của nhân loại. (Giăng 5:28, 29) Vì lòng tốt lành và tình yêu thương vô biên, lúc đó Đức Chúa Trời sẽ giải quyết dứt khoát tất cả các vấn đề của nhân loại.

Cách Đức Chúa Trời can thiệp ngày nay

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trong thời gian này Đức Chúa Trời chỉ lạnh lùng quan sát trong khi các tạo vật rên siết. Ngày nay, Đức Chúa Trời mở ra cho tất cả mọi người, bất kể chủng tộc hay địa vị xã hội, cơ hội để hiểu biết về Ngài và phát triển mối quan hệ cá nhân với Ngài. (1 Ti-mô-thê 2:3, 4) Chúa Giê-su miêu tả quá trình này bằng những lời sau: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Qua thông điệp Nước Trời do các tôi tớ Ngài công bố trên khắp đất, Đức Chúa Trời thu hút những người có lòng ngay thẳng đến với Ngài.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời trực tiếp tác động đến đời sống của những người sẵn sàng theo sự hướng dẫn của Ngài. Qua thánh linh, Đức Chúa Trời đang ‘mở lòng họ’ để hiểu biết ý muốn Ngài và thực hành những gì Ngài đòi hỏi. (Công-vụ 16:14) Đúng vậy, bằng cách cung cấp cơ hội để biết về Ngài, Lời và ý định Ngài, Đức Chúa Trời chứng tỏ là Ngài yêu thương quan tâm đến mỗi người chúng ta.—Giăng 17:3.

Cuối cùng, Đức Chúa Trời giúp các tôi tớ Ngài ngày nay, không phải bằng cách dùng phép lạ để giải cứu họ, nhưng bằng cách ban cho họ thánh linh và “sức lực vượt quá mức bình thường” để đối phó với bất cứ hoàn cảnh nào mà họ có thể gặp phải. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.

Do đó, chúng ta có mọi lý do để biết ơn Đức Chúa Trời mỗi ngày về sự sống và niềm hy vọng mà Ngài ban cho chúng ta để có cơ hội sống đời đời trong một thế giới không còn mọi sự đau khổ. Người viết Thi-thiên hỏi: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ cầm cái chén cứu-rỗi, mà cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 116:12, 13) Thường xuyên đọc tạp chí này sẽ giúp bạn hiểu những gì Đức Chúa Trời đã làm, đang làm và sẽ làm để mang lại hạnh phúc cho bạn bây giờ và một hy vọng vững chắc trong tương lai.—1 Ti-mô-thê 4:8.

[Câu nổi bật nơi trang 6]

“Những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa”.​—Ê-sai 65:17

[Các hình nơi trang 5]

Trong thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đã không ngăn chặn việc ném đá Xa-cha-ri...

hay việc Hê-rốt tàn sát những người vô tội

[Hình nơi trang 7]

Sắp đến lúc khi không còn sự đau khổ nữa; ngay cả người chết sẽ được sống lại