Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tỏ thái độ chờ đợi!

Hãy tỏ thái độ chờ đợi!

Hãy tỏ thái độ chờ đợi!

“Ta sẽ... chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta; Đức Chúa Trời ta sẽ nghe ta”.—MI-CHÊ 7:7.

1, 2. (a) Trong đồng vắng, thái độ tiêu cực đã làm hại dân Y-sơ-ra-ên ra sao? (b) Điều gì có thể xảy ra cho một tín đồ Đấng Christ nếu không vun trồng thái độ đúng?

TÙY nơi thái độ của chúng ta, nhiều điều trong cuộc sống có thể được xem là tốt hay xấu. Khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng, họ được ban cho ma-na bằng phép lạ. Lẽ ra họ nên nhìn lại vùng đất khô cằn bao quanh và hết lòng biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã được ban cho đồ ăn. Đó hẳn đã là một thái độ tích cực. Nhưng thay vì thế, họ lại nhớ đến đủ thứ đồ ăn ở Ai Cập và than phiền là ma-na không ngon. Thật là một thái độ tiêu cực!—Dân-số Ký 11:4-6.

2 Tương tự như vậy, thái độ của một tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể khiến sự việc mang vẻ sáng sủa tốt đẹp hay u ám. Thiếu thái độ thích đáng, người tín đồ có thể dễ dàng đánh mất niềm vui của mình, và điều đó hẳn là nghiêm trọng vì như Nê-hê-mi nói: “Sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực của [chúng ta]”. (Nê-hê-mi 8:10) Thái độ vui mừng, tích cực giúp chúng ta duy trì tinh thần mạnh mẽ và cổ vũ sự hòa thuận, hợp nhất trong hội thánh.—Rô-ma 15:13; Phi-líp 1:25.

3. Trong thời kỳ khó khăn, Giê-rê-mi đã được giúp đỡ thế nào nhờ có thái độ đúng?

3 Giê-rê-mi đã tỏ thái độ tích cực mặc dù sống trong thời kỳ khó khăn. Dù phải chứng kiến những cảnh khủng khiếp khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ vào năm 607 TCN, ông vẫn nhìn sự việc dưới khía cạnh tích cực. Đức Giê-hô-va sẽ không quên Y-sơ-ra-ên, và dân tộc này sẽ còn tồn tại. Giê-rê-mi viết trong sách Ca-thương: “Ấy là nhờ sự nhân-từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương-xót của Ngài chẳng dứt; mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành-tín Ngài là lớn lắm”. (Ca-thương 3:22, 23) Trong suốt lịch sử, dù lâm vào những hoàn cảnh khó khăn nhất, các tôi tớ Đức Chúa Trời vẫn tìm cách duy trì được một thái độ tích cực, thậm chí vui mừng.—2 Cô-rinh-tô 7:4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6; Gia-cơ 1:2.

4. Chúa Giê-su đã duy trì thái độ nào và điều đó đã giúp ngài ra sao?

4 Sáu trăm năm sau Giê-rê-mi, Chúa Giê-su cũng đã có thể nhịn nhục chịu đựng nhờ có thái độ tích cực. Chúng ta đọc thấy: “Vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, [Chúa Giê-su] chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 12:2) Dù phải đương đầu với sự chống đối hoặc bắt bớ đến đâu chăng nữa—kể cả sự đau đớn trên cây khổ hình—Chúa Giê-su luôn nghĩ đến “sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình”. Niềm vui đó là đặc ân được biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và làm thánh danh Ngài, đồng thời đem lại nhiều ân phước lớn cho nhân loại biết vâng lời trong tương lai.

Vun trồng thái độ chờ đợi

5. Hoàn cảnh điển hình nào cho thấy thái độ chờ đợi sẽ giúp chúng ta giữ được quan điểm đúng?

5 Nếu vun trồng thái độ tâm thần như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ không mất đi niềm vui của Đức Giê-hô-va ngay cả khi mọi việc không luôn luôn xảy ra theo cách và vào thời điểm chúng ta mong đợi. Nhà tiên tri Mi-chê nói: “Nhưng ta, ta sẽ nhìn-xem Đức Giê-hô-va, chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta”. (Mi-chê 7:7; Ca-thương 3:21) Chúng ta cũng có thể tỏ một thái độ chờ đợi. Như thế nào? Bằng nhiều cách. Chẳng hạn, có lẽ chúng ta cảm thấy một anh có trách nhiệm nào đó đã hành động sai và cần được sửa sai ngay. Thái độ chờ đợi sẽ cho phép chúng ta suy xét: ‘Có đúng là anh ấy đã sai không, hay tôi đã lầm? Nếu quả thật anh ấy sai, có thể Đức Giê-hô-va cho phép sự việc xảy ra như thế chăng vì Ngài cảm thấy rằng anh ấy sẽ cải tiến và những biện pháp sửa sai nghiêm khắc sẽ không cần thiết?’

6. Thái độ chờ đợi có thể giúp một người đang phải đương đầu với các vấn đề cá nhân như thế nào?

6 Chúng ta có thể cần phải có thái độ chờ đợi khi gặp vấn đề cá nhân hoặc đang đấu tranh để khắc phục khuyết điểm. Giả sử chúng ta đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ nhưng vấn đề vẫn còn đó thì sao? Chúng ta phải tiếp tục làm tất cả những gì mình có thể làm được để giải quyết vấn đề và tin nơi những lời này của Chúa Giê-su: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. (Lu-ca 11:9, Tòa Tổng Giám Mục) Hãy tiếp tục cầu nguyện và chờ đợi Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của bạn vào thời điểm thích hợp và theo cách riêng của Ngài.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17.

7. Bằng cách nào thái độ chờ đợi giúp chúng ta có quan điểm đúng về việc sự hiểu biết Kinh Thánh được sáng tỏ dần dần?

7 Khi những lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm, sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh được sáng tỏ. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta có thể nghĩ một sự soi sáng nào đó đến chậm. Nếu nó không đến vào lúc chúng ta muốn, chúng ta có sẵn lòng chờ đợi không? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã thấy thích hợp là tiết lộ “lẽ mầu-nhiệm của Đấng Christ” dần dần trong một khoảng thời gian chừng 4.000 năm. (Ê-phê-sô 3:3-6) Vậy chúng ta có lý do gì để mất kiên nhẫn không? Chúng ta có nghi ngờ việc lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã được bổ nhiệm để cung cấp “đồ-ăn đúng giờ” không? (Ma-thi-ơ 24:45, chúng tôi viết nghiêng). Tại sao lại tự làm mất đi niềm vui chỉ vì chưa được hiểu hết mọi điều? Hãy nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va mới là Đấng quyết định những “sự kín-nhiệm” của Ngài nên được tiết lộ khi nào và như thế nào.—A-mốt 3:7.

8. Làm thế nào sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va đã đem lại lợi ích cho nhiều người?

8 Một số người có thể trở nên nản lòng vì cảm thấy rằng sau nhiều năm trung thành phụng sự, họ có thể không sống được đến “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va”. (Giô-ên 2:30, 31) Tuy nhiên, họ vẫn có thể được khích lệ nếu nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề. Phi-e-rơ khuyên: “Phải nhìn biết rằng sự nhịn-nhục [“kiên nhẫn”, NW] lâu-dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu-chuộc anh em”. (2 Phi-e-rơ 3:15) Sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va đã cho phép thêm hàng triệu người có lòng ngay thẳng học biết lẽ thật. Điều đó chẳng phải là tuyệt diệu sao? Hơn nữa, Đức Giê-hô-va càng kiên nhẫn chừng nào thì chúng ta càng có thêm thời gian để “lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình” chừng nấy.—Phi-líp 2:12; 2 Phi-e-rơ 3:11, 12.

9. Làm thế nào thái độ chờ đợi có thể giúp chúng ta nhịn nhục khi bị giới hạn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

9 Thái độ chờ đợi giúp chúng ta không trở nên nản lòng khi bị sự chống đối, bệnh tật, tuổi già hoặc những vấn đề khác cản trở chúng ta hầu việc Nước Trời. Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta hầu việc Ngài hết lòng. (Rô-ma 12:1) Tuy nhiên, Con Đức Chúa Trời, đấng “thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn”, không đòi hỏi quá sức chúng ta; và Đức Giê-hô-va cũng vậy. (Thi-thiên 72:13) Vì vậy, chúng ta được khuyến khích nên làm những gì khả năng mình cho phép, trong khi kiên nhẫn chờ đợi hoàn cảnh thay đổi—dù là trong hệ thống này hay hệ thống hầu đến. Hãy nhớ rằng: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.—Hê-bơ-rơ 6:10.

10. Một người có thái độ chờ đợi có thể tránh tính thiếu tin kính nào? Xin hãy giải thích.

10 Thái độ chờ đợi cũng giúp chúng ta tránh trở nên tự phụ. Một số người bội đạo đã không sẵn lòng chờ đợi. Có lẽ họ đã cảm thấy cần phải có sự điều chỉnh trong sự hiểu biết Kinh Thánh hoặc trong vấn đề tổ chức. Nhưng họ không nhận ra được rằng thánh linh Đức Giê-hô-va thúc đẩy lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan thực hiện những sự điều chỉnh vào đúng thời điểm của Ngài, chứ không phải vào lúc chúng ta cảm thấy cần thiết. Đồng thời, bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng phải hòa hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va, chứ không phải ý kiến riêng của chúng ta. Những người bội đạo đã để thái độ tự phụ bóp méo lối suy nghĩ của họ và khiến họ vấp ngã. Nếu họ vun trồng thái độ tâm thần của Đấng Christ, có lẽ họ đã giữ được niềm vui và tiếp tục ở trong vòng dân sự Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 2:5-8.

11. Làm sao chúng ta có thể sử dụng thời gian chờ đợi một cách hữu ích, theo gương mẫu của những ai?

11 Dĩ nhiên, duy trì thái độ chờ đợi không có nghĩa là làm biếng hoặc ở không. Chúng ta vẫn có việc để làm. Chẳng hạn, chúng ta cần bận rộn trong việc học Kinh Thánh cá nhân và sốt sắng chú tâm đến những điều thiêng liêng giống như sự sốt sắng mà các nhà tiên tri trung thành và cả các thiên sứ đã biểu lộ. Nói về sự chú tâm đó, Phi-e-rơ viết: “Về sự cứu-rỗi đó, các đấng tiên-tri đã tìm-tòi suy-xét... Các thiên-sứ cũng ước-ao xem thấu những sự đó”. (1 Phi-e-rơ 1:10-12) Không chỉ việc học hỏi cá nhân mà cả việc đều đặn tham gia các buổi họp và cầu nguyện cũng là điều thiết yếu. (Gia-cơ 4:8) Những người tỏ ra ý thức đến nhu cầu thiêng liêng bằng cách đều đặn tiếp nhận đồ ăn thiêng liêng và kết hợp với các anh em tín đồ Đấng Christ chứng tỏ rằng họ đã vun trồng thái độ tâm thần của Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 5:3NW.

Có quan điểm thực tế

12. (a) A-đam và Ê-va tìm kiếm sự độc lập nào? (b) Việc nhân loại đi theo đường lối của A-đam và Ê-va đã đem lại hậu quả nào?

12 Khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Chúa Trời giữ lại cho chính Ngài quyền đặt ra những tiêu chuẩn về điều phải trái. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) A-đam và Ê-va muốn được độc lập khỏi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và điều này đã đưa đến một thế giới như chúng ta thấy ngày nay. Sứ đồ Phao-lô nói: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”. (Rô-ma 5:12) Sáu ngàn năm lịch sử nhân loại kể từ thời A-đam đến nay đã chứng minh lời của Giê-rê-mi là đúng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Chúng ta không phải là những người có tinh thần thất bại khi thừa nhận những lời Giê-rê-mi nói là đúng. Đó là thực tế. Nó lý giải tại sao trong suốt những thế kỷ qua “người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. Đó là vì con người đã cai trị độc lập với Đức Chúa Trời.—Truyền-đạo 8:9.

13. Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm thực tế nào về những thành tựu mà con người có thể đạt được?

13 Xét về hoàn cảnh của nhân loại, Nhân Chứng Giê-hô-va hiểu rằng người ta chỉ có thể đạt được những thành tựu giới hạn trong hệ thống mọi sự này. Một thái độ tích cực có thể giúp gìn giữ niềm vui của chúng ta nhưng nó không thể giải quyết mọi vấn đề. Vào đầu thập niên 1950, một tu sĩ Mỹ đã cho xuất bản một cuốn sách bán chạy nhất có nhan đề The Power of Positive Thinking (Sức mạnh của cách suy nghĩ tích cực). Cuốn sách đó nói rằng người ta có thể vượt qua phần lớn các trở ngại nếu tiếp cận vấn đề với một thái độ tích cực. Cách suy nghĩ tích cực quả là đáng chuộng. Nhưng kinh nghiệm cho thấy sự hiểu biết, kỹ năng, phương tiện vật chất và vô vàn yếu tố khác hạn chế những gì chúng ta có thể đạt được trên bình diện cá nhân. Còn trên phạm vi thế giới, các vấn đề trở nên quá to lớn nên con người không thể nào giải quyết thành công được—cho dù cách suy nghĩ của họ có tích cực đến đâu!

14. Có phải Nhân Chứng Giê-hô-va có thái độ tiêu cực không? Xin hãy giải thích.

14 Vì có quan điểm thực tế về những vấn đề trên, đôi khi Nhân Chứng Giê-hô-va bị lên án là có thái độ tiêu cực. Ngược lại, họ sốt sắng nói cho mọi người biết về Đấng duy nhất có thể cải thiện vĩnh viễn số phận của nhân loại. Về phương diện này, họ cũng bắt chước thái độ tâm thần của Đấng Christ. (Rô-ma 15:2) Họ bận rộn giúp người ta có được một mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời. Họ biết rằng cuối cùng điều đó sẽ đem lại thành quả mỹ mãn nhất.—Ma-thi-ơ 28:19, 20; 1 Ti-mô-thê 4:16.

15. Công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va giúp cải thiện đời sống của nhiều người ra sao?

15 Nhân Chứng Giê-hô-va không làm ngơ trước những vấn đề xã hội xung quanh họ, đặc biệt là những thực hành nhơ bẩn trái với Kinh Thánh. Trước khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, một người chú ý đến Kinh Thánh phải thay đổi đời sống, thường là phải chế ngự những tật xấu không làm hài lòng Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11) Vậy Nhân Chứng Giê-hô-va đã giúp những người hưởng ứng vượt qua được những tật xấu như nghiện rượu, xì ke ma túy, vô luân và đam mê cờ bạc. Những người được cải hóa đã học biết chu cấp cho gia đình mình một cách lương thiện và có trách nhiệm. (1 Ti-mô-thê 5:8) Khi những cá nhân và gia đình được giúp đỡ như thế, các vấn đề trong cộng đồng được giảm bớt—số người nghiện ma túy, những trường hợp đánh đập trong gia đình, v.v..., giảm xuống. Bằng cách là những công dân tuân thủ luật pháp, và giúp người khác cải thiện đời sống, Nhân Chứng Giê-hô-va làm giảm đi gánh nặng cho các cơ quan có chức năng đương đầu với các vấn đề xã hội.

16. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia các phong trào cải cách của thế gian?

16 Vậy Nhân Chứng Giê-hô-va có thay đổi tình trạng đạo đức của thế giới không? Trong thập kỷ vừa qua, số Nhân Chứng hoạt động đã gia tăng từ gần 3.800.000 lên đến gần 6.000.000 người, tăng khoảng 2.200.000 người và nhiều người trong số này đã từ bỏ những thực hành xấu khi trở thành tín đồ Đấng Christ. Nhiều cuộc đời đã được cải thiện! Tuy nhiên, đây chỉ là một con số rất khiêm tốn khi so sánh với sự gia tăng dân số thế giới trong cùng thời kỳ này—875.000.000 người! Nhân Chứng Giê-hô-va cảm thấy vui mừng khi giúp đỡ những người hưởng ứng, dù họ biết rằng chỉ ít người trong vòng nhân loại sẽ chọn lấy con đường dẫn đến sự sống. (Ma-thi-ơ 7:13, 14) Trong khi chờ đợi thế giới được thay đổi tốt hơn, là điều mà chỉ một mình Đức Chúa Trời có thể làm được, các Nhân Chứng không tham gia các phong trào cải cách của thế gian, thường bắt đầu với dụng ý tốt nhưng lại kết thúc trong thất vọng, ngay cả bạo động.—2 Phi-e-rơ 3:13.

17. Chúa Giê-su đã làm gì để giúp đỡ những người quanh ngài, nhưng ngài đã không làm gì?

17 Khi hành động như vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va chứng tỏ họ đặt niềm tin nơi Đức Giê-hô-va như Chúa Giê-su đã làm khi còn ở trên đất. Vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ chữa bệnh. (Lu-ca 6:17-19) Ngài thậm chí còn làm người chết sống lại. (Lu-ca 7:11-15; 8:49-56) Nhưng ngài đã không loại bỏ bệnh tật hoặc chinh phục kẻ thù của loài người là sự chết vào lúc đó. Ngài biết rằng chưa đến kỳ định của Đức Chúa Trời để làm điều đó. Với khả năng siêu phàm của một người hoàn toàn, Chúa Giê-su hẳn đã có thể làm được nhiều điều để giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội nghiêm trọng thời bấy giờ. Dường như một số người đương thời đã muốn ngài nắm lấy quyền lực và hành động theo cách đó, nhưng Chúa Giê-su đã từ chối. Chúng ta đọc thấy: “Những người đó thấy phép lạ Đức Chúa Jêsus đã làm, thì nói rằng: Người nầy thật là đấng tiên-tri phải đến thế-gian. Bấy giờ Đức Chúa Jêsus biết chúng có ý đến ép Ngài để tôn làm vua, bèn lui ở một mình trên núi”.—Giăng 6:14, 15.

18. (a) Chúa Giê-su luôn tỏ thái độ chờ đợi như thế nào? (b) Hoạt động của Chúa Giê-su đã thay đổi thế nào kể từ năm 1914?

18 Chúa Giê-su từ chối tham gia vào chính trị hoặc công việc xã hội thuần túy vì ngài biết rằng thời điểm để ngài nhận lấy quyền cai trị và thực hiện công việc chữa lành cho mọi người trên đất chưa đến. Ngay cả sau khi đã lên trời trở thành một thần linh bất tử, ngài vẫn sẵn lòng chờ đợi cho đến kỳ Đức Giê-hô-va đã ấn định mới hành động. (Thi-thiên 110:1; Công-vụ 2:34, 35) Tuy nhiên, kể từ khi lên ngôi làm Vua Nước Trời vào năm 1914, ngài đang tiến lên “như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng”. (Khải-huyền 6:2; 12:10) Chúng ta vô cùng biết ơn vì được ở dưới sự cai trị của ngài, trong khi nhiều người khác dù tự xưng là tín đồ Đấng Christ nhưng lại không màng đến những sự dạy dỗ của Kinh Thánh về Nước Trời!

Chờ đợi—Nguồn vui mừng hay bực tức?

19. Khi nào sự chờ đợi “khiến lòng bị đau-đớn”, và khi nào thì đó là một nguồn vui?

19 Sa-lô-môn biết rằng chờ đợi có thể là một điều rất bực mình. Ông viết: “Sự trông-cậy trì-hoãn khiến lòng bị đau-đớn”. (Châm-ngôn 13:12) Dĩ nhiên, nếu một người có những trông đợi thiếu cơ sở, lòng người có thể đau đớn vì thất vọng. Tuy nhiên, chờ đợi những sự kiện vui mừng—chẳng hạn như một đám cưới, một đứa con sắp chào đời, hoặc được đoàn tụ với những người thân yêu—có thể khiến chúng ta vui mừng rất lâu trước khi những điều đó xảy ra. Sự vui mừng đó càng sâu sắc hơn nếu chúng ta biết sử dụng thời gian chờ đợi một cách khôn ngoan, sửa soạn cho sự kiện sắp xảy ra.

20. (a) Chúng ta tin chắc sẽ được nhìn thấy những sự kiện tuyệt diệu nào? (b) Làm sao chúng ta có thể tìm thấy sự vui mừng trong khi chờ đợi ý định của Đức Giê-hô-va được thành tựu?

20 Khi chúng ta hoàn toàn tin chắc rằng những điều mình trông đợi sẽ xảy ra—ngay dù chúng ta không biết là khi nào—thì thời gian chờ đợi sẽ không “khiến lòng bị đau-đớn”. Những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời biết rằng Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ sắp đến. Họ tin chắc rằng họ sẽ nhìn thấy sự chết và bệnh tật được chấm dứt. Với sự trông đợi háo hức, họ vui mừng chờ đợi đến lúc được chào đón hàng tỉ người từ cõi chết sống lại, kể cả những người thân yêu đã khuất. (Khải-huyền 20:1-3, 6; 21:3, 4) Trong thời đại khủng hoảng sinh thái này, họ vui mừng trước viễn cảnh chắc chắn được nhìn thấy Địa Đàng được thiết lập trên đất. (Ê-sai 35:1, 2, 7) Thật khôn ngoan biết bao khi sáng suốt dùng thời gian chờ đợi “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn”! (1 Cô-rinh-tô 15:58) Hãy tiếp tục tiếp nhận đồ ăn thiêng liêng. Hãy xây dựng một mối quan hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va. Hãy tìm kiếm những người có lòng khao khát phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy khuyến khích các anh em đồng đức tin. Hãy tận dụng tối đa bất kỳ thời gian nào Đức Giê-hô-va còn cho phép. Khi làm thế, chờ đợi Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ khiến ‘lòng bạn bị đau-đớn’. Thay vì thế, nó sẽ khiến lòng bạn tràn đầy vui mừng!

Bạn có thể giải thích không?

• Chúa Giê-su đã tỏ thái độ chờ đợi như thế nào?

• Tín đồ Đấng Christ cần có thái độ chờ đợi trong những hoàn cảnh nào?

• Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng chờ đợi Đức Giê-hô-va?

• Làm thế nào việc chờ đợi Đức Giê-hô-va có thể là một nguồn vui?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 12]

Chúa Giê-su nhịn nhục nhờ sự vui mừng đặt trước mặt ngài

[Hình nơi trang 13]

Ngay cả sau nhiều năm phụng sự, chúng ta vẫn có thể duy trì niềm vui của mình

[Các hình nơi trang 15]

Hàng triệu người đã cải thiện cuộc sống họ nhờ trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va