Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai đang dẫn đầu dân Đức Chúa Trời ngày nay?

Ai đang dẫn đầu dân Đức Chúa Trời ngày nay?

“Hãy nhớ những người dẫn đầu trong vòng anh em”.—HÊ 13:7.

BÀI HÁT: 125, 43

1, 2. Sau khi Chúa Giê-su lên trời, có thể các sứ đồ thắc mắc điều gì?

Các sứ đồ của Chúa Giê-su đứng trên núi Ô-liu, chăm chú nhìn lên trời. Họ vừa thấy ngài, là chủ và bạn mình, được cất lên rồi một đám mây che khuất ngài (Công 1:9, 10). Trong khoảng hai năm, Chúa Giê-su dạy dỗ, khích lệ và dẫn dắt họ. Giờ đây ngài đã lên trời. Họ sẽ làm gì?

2 Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ sứ mạng sau: “Anh em sẽ làm chứng về tôi tại thành Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đa, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Làm sao họ có thể hoàn thành nhiệm vụ đó? Đúng là Chúa Giê-su đảm bảo rằng họ sẽ sớm nhận được thần khí (Công 1:5). Nhưng một chiến dịch rao giảng toàn cầu đòi hỏi phải có sự chỉ dẫn và tổ chức. Để chỉ dẫn và tổ chức dân ngài vào thời xưa, Đức Giê-hô-va đã dùng những người đại diện hữu hình. Do đó, có thể các sứ đồ thắc mắc: “Giờ đây, liệu Đức Giê-hô-va sẽ bổ nhiệm một vị lãnh đạo mới không?”.

3. (a) Sau khi Chúa Giê-su lên trời, các sứ đồ trung thành đã đưa ra quyết định quan trọng nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Chưa đầy hai tuần sau, các môn đồ của Chúa Giê-su đã xem xét Kinh Thánh, cầu xin sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời và chọn Ma-thia thay Giu-đa Ích-ca-ri-ốt làm sứ đồ thứ 12 (Công 1:15-26). Tại sao sự lựa chọn này rất quan trọng với họ và với Đức Giê-hô-va? Ma-thia đáp ứng một nhu cầu trọng yếu về mặt tổ chức. * Chúa Giê-su chọn các sứ đồ không chỉ để có bạn đồng hành trong thánh chức, ngài còn chọn họ để đóng vai trò then chốt trong vòng dân của Đức Chúa Trời. Vai trò đó là gì, và qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã trang bị cho họ ra sao để thực hiện vai trò ấy? Có sự sắp đặt nào tương tự trong vòng dân Đức Chúa Trời ngày nay? Bằng cách nào chúng ta có thể “nhớ những người dẫn đầu” trong vòng chúng ta, đặc biệt là những người hợp thành “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”?—Hê 13:7; Mat 24:45.

MỘT HỘI ĐỒNG HỮU HÌNH DƯỚI QUYỀN VỊ LÃNH ĐẠO VÔ HÌNH

4. Các sứ đồ và một số trưởng lão khác ở Giê-ru-sa-lem đóng vai trò nào vào thế kỷ thứ nhất?

4 Tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các sứ đồ khởi sự dẫn đầu hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Vào dịp đó, “Phi-e-rơ cùng mười một sứ đồ đứng dậy” và chia sẻ những sự thật cứu mạng với một đám đông gồm những người Do Thái và người nhập đạo Do Thái (Công 2:14, 15). Nhiều người trong số ấy đã trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Sau đó, những tín đồ mới này “chuyên tâm học hỏi nơi các sứ đồ” (Công 2:42). Các sứ đồ quản lý nguồn tài chính của hội thánh (Công 4:34, 35). Họ chăm lo về nhu cầu thiêng liêng cho dân Đức Chúa Trời. Họ nói: “Chúng tôi sẽ tập trung vào việc cầu nguyện và chức vụ giảng dạy lời Đức Chúa Trời” (Công 6:4). Ngoài ra, họ bổ nhiệm những tín đồ có kinh nghiệm để đẩy mạnh công việc truyền giáo trong các khu vực mới (Công 8:14, 15). Với thời gian, một số trưởng lão được xức dầu khác đã cùng các sứ đồ quản lý công việc của các hội thánh. Là một hội đồng lãnh đạo, họ đưa ra chỉ dẫn cho mọi hội thánh.—Công 15:2.

5, 6. (a) Thần khí đã hỗ trợ hội đồng lãnh đạo như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Các thiên sứ đã giúp đỡ hội đồng lãnh đạo ra sao? (c) Lời Đức Chúa Trời đã hướng dẫn hội đồng lãnh đạo như thế nào?

5 Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất nhận biết rằng hội đồng lãnh đạo được Giê-hô-va Đức Chúa Trời hướng dẫn qua Vị Lãnh Đạo của họ là Chúa Giê-su. Tại sao họ có thể tin chắc điều này? Thứ nhất, thần khí hỗ trợ hội đồng lãnh đạo (Giăng 16:13). Thần khí đã đổ trên mọi tín đồ được xức dầu, nhưng đặc biệt thần khí giúp các sứ đồ và những trưởng lão khác ở Giê-ru-sa-lem đảm nhiệm vai trò giám thị. Chẳng hạn vào năm 49 CN, thần khí hướng dẫn hội đồng lãnh đạo đưa ra một quyết định liên quan đến vấn đề cắt bì. Các hội thánh đã vâng theo chỉ dẫn của họ, nhờ thế “tiếp tục vững mạnh về đức tin và số người tin đạo ngày càng gia tăng” (Công 16:4, 5). Lá thư về quyết định đó cũng cho thấy rằng hội đồng lãnh đạo đã thể hiện các khía cạnh của bông trái thần khí, trong đó có tình yêu thương và đức tin.—Công 15:11, 25-29; Ga 5:22, 23.

6 Thứ hai, các thiên sứ giúp đỡ hội đồng lãnh đạo. Trước khi Cọt-nây làm báp-têm với tư cách là tín đồ đầu tiên thuộc dân ngoại không cắt bì, một thiên sứ đã hướng dẫn ông phái người đi mời sứ đồ Phi-e-rơ đến. Sau khi Phi-e-rơ rao giảng cho Cọt-nây và người nhà của ông, thần khí đổ trên họ dù trong đó có những người nam chưa cắt bì. Sự kiện này đã thúc đẩy các sứ đồ cùng những anh khác vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời, và tiếp nhận những người thuộc dân ngoại không cắt bì vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Công 11:13-18). Hơn nữa, các thiên sứ đã tích cực đẩy mạnh công việc rao giảng mà hội đồng lãnh đạo đang giám sát (Công 5:19, 20). Thứ ba, Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn hội đồng lãnh đạo. Dù giải quyết các vấn đề về giáo lý hoặc đưa ra chỉ dẫn về mặt tổ chức, các trưởng lão được xức dầu ấy luôn để Kinh Thánh hướng dẫn.—Công 1:20-22; 15:15-20.

7. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Chúa Giê-su dẫn dắt các tín đồ thời ban đầu?

7 Dù hội đồng lãnh đạo có uy quyền trong hội thánh thời ban đầu, nhưng họ nhận biết rằng Vị Lãnh Đạo của họ là Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ngài [Đấng Ki-tô] ban cho một số người làm sứ đồ... Chúng ta hãy vì tình yêu thương mà trưởng thành về mọi phương diện, để phù hợp với đấng làm đầu là Đấng Ki-tô” (Ê-phê 4:11, 15). Thay vì đặt tên tổ chức mới này theo tên của một sứ đồ nổi bật, “các môn đồ được gọi là tín đồ Đấng Ki-tô, theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Công 11:26). Đúng là Phao-lô đã nhận biết tầm quan trọng của việc ‘theo sát những điều được truyền’, tức những sự dạy dỗ và thực hành dựa trên Kinh Thánh, đến từ các sứ đồ và những người dẫn đầu khác. Dù vậy, Phao-lô nói thêm: “Tuy nhiên, tôi muốn anh em biết rằng Đấng Ki-tô là đầu của mỗi người nam [kể cả mỗi thành viên của hội đồng lãnh đạo]... và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Ki-tô” (1 Cô 11:2, 3). Thật vậy, là đấng vô hình và vinh hiển, Chúa Giê-su vâng phục Đầu của mình là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và dẫn dắt hội thánh.

“ĐÂY KHÔNG PHẢI CÔNG VIỆC CỦA CON NGƯỜI”

8, 9. Từ cuối thế kỷ 19, anh Russell đóng vai trò quan trọng nào?

8 Vào cuối thế kỷ 19, anh Charles Taze Russell và một số cộng sự đã nỗ lực tái lập sự thờ phượng thật của đạo Đấng Ki-tô. Để giúp phổ biến sự thật Kinh Thánh trong các ngôn ngữ khác nhau, Hội Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower Tract Society) được hợp pháp hóa vào năm 1884, do anh Russell làm chủ tịch. * Anh là một người nghiên cứu Kinh Thánh sâu sắc. Anh đã can đảm vạch trần các giáo lý sai lầm như Chúa Ba Ngôi và linh hồn bất tử. Anh nhận ra rằng Đấng Ki-tô sẽ trở lại một cách vô hình và “thời kỳ của dân ngoại” sẽ chấm dứt vào năm 1914 (Lu 21:24). Anh Russell tích cực dùng thời gian, năng lực và tiền bạc để chia sẻ những sự thật đó với người khác. Rõ ràng, vào giai đoạn then chốt ấy, anh Russell đã được Đức Giê-hô-va và đầu của hội thánh tin dùng.

9 Anh Russell không tìm kiếm sự vinh hiển từ con người. Vào năm 1896, anh viết: “Chúng tôi không muốn người ta tôn kính, sùng kính mình hoặc bài viết của mình; chúng tôi cũng không mong được gọi là Đức Cha hoặc Ráp-bi. Chúng tôi không mong bất cứ ai được gọi theo tên của chúng tôi”. Sau này anh nói: “Đây không phải công việc của con người”.

10. (a) Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” khi nào? (b) Hãy cho biết cách Hội đồng Lãnh đạo dần dần được tách khỏi Hội Tháp Canh.

10 Vào năm 1919, ba năm sau khi anh Russell qua đời, Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”. Với mục tiêu nào? Đó là để cung cấp “thức ăn đúng giờ” cho các đầy tớ ngài (Mat 24:45). Ngay cả trong những năm tháng ban đầu ấy, một nhóm nhỏ các anh được xức dầu phục vụ tại trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York đã chuẩn bị và phân phát thức ăn thiêng liêng cho các môn đồ của Chúa Giê-su. Cụm từ “hội đồng lãnh đạo” bắt đầu xuất hiện trong các ấn phẩm của chúng ta vào thập niên 1940. Khi đó, chúng ta nghĩ hội đồng lãnh đạo là các anh giám đốc của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society). Tuy nhiên vào năm 1971, Hội đồng Lãnh đạo đã tách khỏi Hội Tháp Canh, vốn là một công cụ pháp lý chứ không phải một thực thể dựa trên Kinh Thánh, cũng như tách khỏi các giám đốc của Hội. Kể từ đó, Hội đồng Lãnh đạo bao gồm các anh được xức dầu không phải là giám đốc của Hội. Trong những năm gần đây, các anh có trách nhiệm thuộc “chiên khác” đã làm giám đốc của Hội mang tính pháp lý này cũng như các hiệp hội khác được dân Đức Chúa Trời dùng. Điều này giúp Hội đồng Lãnh đạo tập trung vào việc cung cấp sự dạy dỗ và chỉ dẫn về thiêng liêng (Giăng 10:16; Công 6:4). Số Tháp Canh ngày 15-7-2013 giải thích rằng “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” là một nhóm nhỏ các anh được xức dầu hợp thành Hội đồng Lãnh đạo.

Hội đồng lãnh đạo, trong thập niên 1950

11. Hội đồng Lãnh đạo hoạt động như thế nào?

11 Hội đồng Lãnh đạo đưa ra những quyết định quan trọng với tư cách tập thể. Như thế nào? Các thành viên Hội đồng Lãnh đạo họp hằng tuần, điều này đẩy mạnh sự hợp nhất và mối giao tiếp gần gũi (Châm 20:18). Mỗi năm, họ luân phiên làm chủ tọa tại các buổi họp ấy, vì không thành viên nào của Hội đồng Lãnh đạo xem mình quan trọng hơn các thành viên khác (1 Phi 5:1). Mỗi ủy ban trong sáu ủy ban thuộc Hội đồng Lãnh đạo đều làm theo cách tương tự. Hơn nữa, mỗi thành viên Hội đồng Lãnh đạo không xem mình là người lãnh đạo anh em mà là một trong “các đầy tớ” được đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp thức ăn, đồng thời vâng theo sự giám sát của đầy tớ trung tín.

Kể từ khi được bổ nhiệm vào năm 1919, đầy tớ trung tín đã chuẩn bị thức ăn thiêng liêng cho dân Đức Chúa Trời (Xem đoạn 10, 11)

“AI THẬT SỰ LÀ ĐẦY TỚ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN?”

12. Vì Hội đồng Lãnh đạo không được soi dẫn và không hoàn hảo, câu hỏi nào được nêu lên?

12 Hội đồng Lãnh đạo không được soi dẫn và không hoàn hảo. Do đó, Hội đồng Lãnh đạo có thể bị sai sót trong các vấn đề giáo lý hoặc trong các chỉ dẫn về mặt tổ chức. Thư mục ấn phẩm Hội Tháp Canh (Anh ngữ) có mục “Sự hiểu biết mới”; mục này liệt kê những điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh kể từ năm 1870. * Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không nói rằng đầy tớ trung tín của ngài sẽ cung cấp thức ăn thiêng liêng hoàn hảo. Vậy làm thế nào chúng ta có thể trả lời câu hỏi của Chúa Giê-su: “Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan?” (Mat 24:45-47). Có bằng chứng nào cho thấy Hội đồng Lãnh đạo đang đảm nhiệm vai trò ấy? Hãy xem xét ba yếu tố đã từng hướng dẫn hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất.

13. Thần khí đã hỗ trợ Hội đồng Lãnh đạo như thế nào?

13 Bằng chứng về sự hỗ trợ của thần khí. Thần khí đã giúp Hội đồng Lãnh đạo hiểu được những sự thật Kinh Thánh mà trước đó người ta không hiểu. Chẳng hạn, hãy suy ngẫm về danh sách sự hiểu biết mới được đề cập trong đoạn trước. Chắc chắn, không người phàm nào có thể tự khám phá và giải thích “những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời”! (Đọc 1 Cô-rinh-tô 2:10). Hội đồng Lãnh đạo có cùng quan điểm với sứ đồ Phao-lô, người viết: “Chúng ta cũng nói về những điều ấy, không phải bởi lời lẽ học được từ sự khôn ngoan của loài người nhưng từ thần khí” (1 Cô 2:13). Sau nhiều thế kỷ của sự bội đạo và tăm tối về thiêng liêng, sự hiểu biết về thiêng liêng gia tăng nhanh chóng kể từ năm 1919. Liệu có bất cứ điều gì khác ngoài thần khí thực hiện được điều đó?

14. Theo Khải huyền 14:6, 7, các thiên sứ giúp đỡ dân Đức Chúa Trời ngày nay ra sao?

14 Bằng chứng về sự giúp đỡ của thiên sứ. Hội đồng Lãnh đạo ngày nay có nhiệm vụ to lớn là giám sát công việc rao giảng toàn cầu với sự tham gia của hơn tám triệu người truyền giáo. Tại sao công việc ấy rất thành công? Một lý do là có sự giúp đỡ của thiên sứ. (Đọc Khải huyền 14:6, 7). Có nhiều trường hợp người công bố đến thăm một người vừa cầu nguyện xin được giúp đỡ! * Tương tự thế, sự phát triển về công việc rao giảng và đào tạo môn đồ bất chấp sự chống đối dữ dội tại một số nước chỉ có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của thiên sứ.

15. Có sự tương phản nào giữa Hội đồng Lãnh đạo và những nhà lãnh đạo của khối Ki-tô giáo? Hãy cho ví dụ.

15 Nương cậy Lời Đức Chúa Trời. (Đọc Giăng 17:17). Hãy xem xét một sự kiện xảy ra năm 1973. Số Tháp Canh ngày 1-6-1973 đặt ra câu hỏi này: “Những người không cai thuốc lá có hội đủ điều kiện làm báp-têm không?”. Câu trả lời là: “Bằng chứng trong Kinh Thánh dẫn đến kết luận là họ không hội đủ điều kiện”. Sau khi viện dẫn một số câu Kinh Thánh có liên quan, Tháp Canh giải thích tại sao một người không chịu bỏ thuốc lá cần bị khai trừ (1 Cô 5:7; 2 Cô 7:1). Tháp Canh nói: “Đây không phải là hành động độc đoán. Thật ra, sự nghiêm ngặt ấy đến từ Đức Chúa Trời, đấng bày tỏ quan điểm qua Lời ngài”. Đã có tổ chức tôn giáo nào khác sẵn sàng nương cậy hoàn toàn nơi Lời Đức Chúa Trời, ngay cả khi làm thế sẽ gây ra thử thách cho một số thành viên của mình chưa? Gần đây, một sách về tôn giáo ở Hoa Kỳ nhận xét: “Các nhà lãnh đạo thuộc Ki-tô giáo thường xuyên sửa lại sự dạy dỗ của họ để hòa hợp với những niềm tin và quan điểm được giáo dân và xã hội ủng hộ”. Nếu thành viên Hội đồng Lãnh đạo để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn thay vì quan điểm phổ biến, thì ai thật sự đang dẫn dắt dân Đức Chúa Trời ngày nay?

“HÃY NHỚ NHỮNG NGƯỜI DẪN ĐẦU”

16. Một cách để nhớ đến Hội đồng Lãnh đạo là gì?

16 Đọc Hê-bơ-rơ 13:7. Từ được dịch là “nhớ” cũng có thể dịch là “nhắc đến”. Do đó, một cách chúng ta “nhớ những người dẫn đầu” là nhắc đến Hội đồng Lãnh đạo trong lời cầu nguyện (Ê-phê 6:18). Hãy suy ngẫm về trách nhiệm của họ trong việc cung cấp thức ăn thiêng liêng, giám sát công việc rao giảng toàn cầu và quản lý tiền đóng góp. Chắc chắn họ cần chúng ta kiên trì cầu nguyện cho họ!

17, 18. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình hợp tác với Hội đồng Lãnh đạo? (b) Công việc rao giảng của chúng ta hỗ trợ đầy tớ trung tín và Chúa Giê-su ra sao?

17 Dĩ nhiên, chúng ta nhớ đến Hội đồng Lãnh đạo không chỉ qua lời nói mà còn qua việc hợp tác với họ khi làm theo sự chỉ dẫn của họ. Hội đồng Lãnh đạo cung cấp sự chỉ dẫn qua các ấn phẩm, buổi nhóm họp và hội nghị. Ngoài ra, Hội đồng Lãnh đạo bổ nhiệm các giám thị vòng quanh, và giám thị vòng quanh bổ nhiệm các trưởng lão trong hội thánh. Giám thị vòng quanh và trưởng lão nhớ đến Hội đồng Lãnh đạo qua việc theo sát những sự chỉ dẫn mà mình nhận được. Tất cả chúng ta biểu lộ lòng tôn trọng đối với Vị Lãnh Đạo của mình, là Chúa Giê-su, bằng cách vâng lời và phục tùng những anh mà ngài đang dùng để hướng dẫn chúng ta.—Hê 13:17.

18 Chúng ta nhớ đến Hội đồng Lãnh đạo qua một cách khác là nỗ lực trong công việc rao giảng. Suy cho cùng, Phao-lô khuyến giục các tín đồ đạo Đấng Ki-tô noi theo đức tin của những người dẫn đầu trong vòng họ. Đầy tớ trung tín đã thể hiện đức tin nổi bật khi sốt sắng đẩy mạnh và rao truyền tin mừng về Nước Trời. Anh chị có phải là người thuộc chiên khác đang hỗ trợ những người được xức dầu trong công việc trọng yếu này không? Anh chị sẽ hạnh phúc biết bao khi Vị Lãnh Đạo của mình là Chúa Giê-su nói: “Mỗi khi các ngươi làm điều ấy cho một trong những người anh em nhỏ nhất của ta tức là đã làm cho ta”.—Mat 25:34-40.

19. Tại sao anh chị quyết tâm đi theo Vị Lãnh Đạo của chúng ta là Chúa Giê-su?

19 Khi trở về trời, Chúa Giê-su không bỏ rơi các môn đồ (Mat 28:20). Chính Chúa Giê-su biết rõ thần khí, các thiên sứ và Lời Đức Chúa Trời đã giúp đỡ ngài rất nhiều trong việc dẫn đầu khi ngài ở trên đất. Do đó, ngài đã cung cấp sự trợ giúp tương tự cho đầy tớ trung tín vào thời nay. Là tín đồ được xức dầu, các thành viên thuộc đầy tớ ấy “luôn theo Chiên Con bất cứ nơi nào ngài đi” (Khải 14:4). Thế nên, khi vâng theo sự chỉ dẫn của họ, chúng ta đang đi theo Vị Lãnh Đạo của mình là Chúa Giê-su. Không lâu nữa, ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu (Khải 7:14-17). Không một nhà lãnh đạo nào của loài người có thể hứa điều đó!

^ đ. 3 Hẳn là Đức Giê-hô-va có ý định chọn 12 sứ đồ để tạo thành “mười hai nền đá” của Giê-ru-sa-lem Mới trong tương lai (Khải 21:14). Do đó, không cần phải thay thế bất cứ sứ đồ trung thành nào khi họ kết thúc đời sống trên đất.

^ đ. 8 Từ năm 1955, hiệp hội ấy đã được đổi tên thành Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania.

^ đ. 12 Cũng xem mục “Sự hiểu biết mới” trong Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va.