Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để “lời” Đức Giê-hô-va gìn giữ bạn

Hãy để “lời” Đức Giê-hô-va gìn giữ bạn

Hãy để “lời” Đức Giê-hô-va gìn giữ bạn

TRONG trận chiến lịch sử ở Marathon vào năm 490 TCN, có khoảng 10 đến 20 ngàn người A-thên phải đối đầu với đạo quân Ba Tư hùng mạnh rất nhiều. Một yếu tố quan trọng nhất trong chiến thuật của quân đội Hy Lạp là đội hình phalăng—một đạo binh hành quân sát cánh nhau. Những cái khiên họ cầm tạo thành một tường rào vũ khí hầu như không có chỗ hở, một bức tường tua tủa mũi nhọn của những ngọn giáo. Nhờ đội hình phalăng, người A-thên đã chiến thắng lẫy lừng trước đạo quân Ba Tư đông hơn họ gấp nhiều lần.

Tín đồ thật của Đấng Christ tham gia trận chiến về thiêng liêng. Họ đấu tranh chống lại những kẻ thù hùng mạnh—lực lượng vô hình đang cai trị hệ thống gian ác hiện tại mà Kinh Thánh miêu tả là “vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy... các thần dữ ở các miền trên trời”. (Ê-phê-sô 6:12; 1 Giăng 5:19) Dân Đức Chúa Trời luôn thắng cuộc, nhưng không phải nhờ sức riêng của họ. Mọi công trạng đều quy về Đức Giê-hô-va, Đấng gìn giữ và dạy dỗ họ, như nơi Thi-thiên 18:30 nói: “Lời của Đức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch; Ngài là cái khiên cho những kẻ nào nương-náu mình nơi Ngài”.

Quả thế, qua “lời” được luyện sạch chứa đựng trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va che chở những tôi tớ trung thành của Ngài khỏi mối nguy hại về thiêng liêng. (Thi-thiên 19:7-11; 119:93) Về sự khôn ngoan được thể hiện trong Kinh Thánh, Sa-lô-môn viết: “Đừng lìa-bỏ sự khôn-ngoan, ắt người sẽ gìn-giữ con; hãy yêu-mến người, thì người sẽ phù-hộ con”. (Châm-ngôn 4:6; Truyền-đạo 7:12) Sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời “phù-hộ”, hay che chở chúng ta khỏi mối nguy hại như thế nào? Hãy xem trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên xưa.

Một dân được che chở bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời

Luật Pháp của Đức Giê-hô-va bảo vệ và hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên trong mọi khía cạnh của đời sống họ. Chẳng hạn, những điều luật về chế độ ăn uống, phép vệ sinh và sự cách ly giúp họ tránh được nhiều căn bệnh thường hoành hành các dân khác. Chỉ sau khi phát hiện ra vi khuẩn vào thế kỷ 19, khoa học mới theo kịp tiêu chuẩn trong Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Những điều luật về quyền sở hữu đất đai, quyền chuộc sản nghiệp, xóa nợ và cho vay lấy lời mang lại lợi ích về mặt xã hội cho dân Y-sơ-ra-ên bằng cách làm phát triển một xã hội ổn định với nền kinh tế công bằng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:12, 15; 15:4, 5) Luật Pháp của Đức Giê-hô-va còn giúp họ giữ đất đai sao cho được màu mỡ! (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:10, 11) Những điều răn ngăn cấm sự thờ phượng sai lầm đã gìn giữ dân sự về mặt thiêng liêng, che chở họ khỏi bị ma quỉ ức hiếp, khỏi thực hành dâng trẻ em để tế thần và những điều xấu xa khác. Ngoài ra, họ cũng được che chở khỏi hành động làm mất phẩm giá là quì lạy trước các thần tượng vô tri vô giác.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-5; Thi-thiên 115:4-8.

Rõ ràng, dân Y-sơ-ra-ên thấy “lời” Đức Giê-hô-va không phải là “vô giá trị”; ngược lại, lời này là sự sống và những ai tuân theo được sống lâu dài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:47; Trịnh Văn Căn) Ngày nay, dù tín đồ Đấng Christ không còn tùy thuộc vào giao ước Luật Pháp, nhưng điều này cũng đúng đối với những ai vâng giữ lời đầy khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. (Ga-la-ti 3:24, 25; Hê-bơ-rơ 8:8) Thật ra, thay vì theo một bộ luật, tín đồ Đấng Christ được hướng dẫn và che chở bởi nhiều nguyên tắc.

Một dân được che chở bởi các nguyên tắc

Luật Pháp đôi khi có giới hạn trong việc áp dụng và có lẽ chỉ tạm thời. Tuy nhiên, các nguyên tắc Kinh Thánh vì là những lẽ thật căn bản, nên thường được áp dụng rộng rãi và lâu dài. Chẳng hạn, hãy xem xét nguyên tắc ghi nơi Gia-cơ 3:17, có đoạn nói: “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận”. Làm thế nào lẽ thật căn bản ấy có tác dụng như một cái khiên che chở dân Đức Giê-hô-va ngày nay?

Thanh sạch có nghĩa là trong sạch về mặt đạo đức. Vì vậy, những người quý trọng sự thanh sạch không những cố gắng tránh sự vô luân mà còn tránh những gì dẫn đến điều đó, kể cả sự ham muốn tình dục đồi bại và tài liệu khiêu dâm. (Ma-thi-ơ 5:28) Như vậy, những cặp nam nữ đang tìm hiểu nhau và hết lòng tuân theo nguyên tắc nơi Gia-cơ 3:17 tránh cử chỉ quá thân mật có thể dẫn đến tình trạng mất tự chủ. Là những người yêu mến nguyên tắc, họ giữ được sự thanh sạch nhờ tránh lối lý luận: miễn là không vi phạm một luật cụ thể thì họ còn được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Họ biết rằng Đức Giê-hô-va “nhìn-thấy trong lòng” và Ngài hành động phù hợp. (1 Sa-mu-ên 16:7; 2 Sử-ký 16:9) Những người khôn ngoan như vậy tránh được những căn bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục đang lan tràn ngày nay, cũng như được bảo vệ an toàn về mặt tinh thần và cảm xúc.

Gia-cơ 3:17 cũng nói sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là “hòa-thuận”. Chúng ta biết Sa-tan cố gắng tách chúng ta lìa xa Đức Giê-hô-va bằng cách gieo vào lòng chúng ta tinh thần bạo động, một phần là qua những ấn phẩm, phim ảnh, âm nhạc, và trò chơi điện tử đáng nghi ngờ—một số trò chơi khích động người chơi nhập vai kẻ vô cùng hung bạo và độc ác! (Thi-thiên 11:5) Làn sóng tội ác và bạo động ngày càng gia tăng là bằng chứng Sa-tan đang thành công. Bàn về tội ác như thế, cách đây vài năm, tờ báo The Sydney Morning Herald, Úc, có trích lời của ông Robert Ressler, người nghĩ ra cụm từ “kẻ giết người hàng loạt” (“serial killer”). Ông Ressler nói rằng những kẻ giết người mà ông phỏng vấn vào thập niên 1970 đã nhiễm những tài liệu khiêu dâm loại nhẹ, “không đáng kể so với mức độ đồi bại ngày nay”. Vì vậy, ông Ressler bày tỏ “một cái nhìn ảm đạm về tương lai—một thế kỷ mới với tội phạm giết người hàng loạt ngày càng tăng”.

Thật thế, chỉ vài tháng sau khi tin tức ấy được đăng, một tên giết người bắn chết 16 em bé và cô giáo của các bé tại một trường mẫu giáo ở Dunblane, Scotland, rồi hắn tự kết liễu đời mình. Tháng sau, một tay giết người điên loạn khác đã dùng súng tàn sát 32 người tại thị trấn yên tĩnh Port Arthur, vùng Tasmania, ở Úc. Những năm gần đây, Hoa Kỳ bị chấn động bởi một số vụ thảm sát tại trường học, khiến công dân Mỹ thắc mắc : Tại sao lại thế ? Tháng 6 năm 2001, nước Nhật được mọi người đặc biệt chú ý khi một kẻ điên loạn đã vào một trường học, đâm chết tám học sinh lớp một và lớp hai, chém 15 người khác bị thương. Phải thừa nhận rằng nguyên nhân nằm sau những vụ tàn sát này rất phức tạp, nhưng càng ngày người ta càng nghĩ rằng hình ảnh bạo động trên các phương tiện truyền thông là một trong những nguyên nhân. Ông Phillip Adams, một nhà báo người Úc viết: “Nếu một tiết mục quảng cáo chỉ dài 60 giây có thể mang lại hiệu quả rất lớn trên thị trường, thì việc cho rằng một bộ phim dài hai tiếng với kinh phí lên đến hàng trăm triệu mà không ảnh hưởng gì đến thái độ của khán giả là điều hết sức vô lý”. Điểm đáng lưu ý là trong nhà kẻ giết người bằng súng tại Port Arthur, cảnh sát đã tịch thu 2.000 băng video có nội dung bạo động và khiêu dâm.

Những người theo sát nguyên tắc Kinh Thánh giữ tâm trí và lòng họ khỏi mọi hình thức giải trí cổ vũ tinh thần ham thích bạo động. Bởi vậy, “thần thế-gian”, tức tinh thần thế gian, không thể thâm nhập vào tư tưởng và ước muốn của họ. Thay vì thế, họ được ‘thánh-linh dạy’, và họ cố gắng vun trồng lòng yêu mến bông trái thánh linh, trong đó có sự bình an. (1 Cô-rinh-tô 2:12, 13; Ga-la-ti 5:22) Họ làm điều này qua việc đều đặn học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện và suy ngẫm đến những điều lành mạnh. Họ cũng tránh giao tiếp với những người có khuynh hướng hung bạo, nhưng kết bạn với những người mong ước được sống trong một thế giới mới thanh bình của Đức Giê-hô-va giống như họ. (Thi-thiên 1:1-3; Châm-ngôn 16:29) Đúng thế, sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời che chở chúng ta tốt biết bao!

Hãy để “lời” Đức Giê-hô-va gìn giữ lòng bạn

Khi bị cám dỗ trong đồng vắng, Chúa Giê-su kháng cự lại Sa-tan bằng cách trích dẫn chính xác Kinh Thánh. (Lu-ca 4:1-13) Tuy nhiên, ngài không cố tranh luận với Ma-quỉ để tranh giành hơn thua. Bằng cách dựa vào Kinh Thánh để chống cự hắn, Chúa Giê-su nói với hết tấm lòng, và đó là lý do tại sao chiến lược của Ma-quỉ, tuy đã thành công mỹ mãn tại vườn Ê-đen, nay lại thất bại trong trường hợp của Chúa Giê-su. Mưu kế của Sa-tan cũng sẽ thất bại nếu lòng chúng ta đầy dẫy lời Đức Giê-hô-va. Đó là điều quan trọng nhất, vì “các nguồn sự sống do nơi [lòng] mà ra”.—Châm-ngôn 4:23.

Ngoài ra chúng ta phải tiếp tục gìn giữ lòng mình, không bao giờ ngừng. Dù Sa-tan thất bại trong đồng vắng, hắn vẫn không ngừng thử thách Chúa Giê-su. (Lu-ca 4:13) Hắn cũng sẽ tiếp tục dùng nhiều chiến lược tấn công nhằm phá đổ lòng trung kiên của chúng ta. (Khải-huyền 12:17) Vì vậy, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su bằng cách vun trồng lòng yêu mến sâu xa đối với Kinh Thánh, đồng thời cầu nguyện không thôi để nhận được thánh linh và sự khôn ngoan. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; Hê-bơ-rơ 5:7) Về phần Đức Giê-hô-va, Ngài hứa rằng tất cả những người nương náu nơi Ngài sẽ không bị tổn hại về thiêng liêng.—Thi-thiên 91:1-10; Châm-ngôn 1:33.

Lời Đức Chúa Trời gìn giữ hội thánh

Sa-tan không thể cản trở đám đông “vô-số người” sống sót qua cơn đại nạn mà Kinh Thánh đã báo trước. (Khải-huyền 7:9, 14) Tuy nhiên, hắn vẫn nỗ lực tìm cách tha hóa ít nhất một số tín đồ Đấng Christ nhằm khiến họ không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Chiến lược này đã thành công vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, và hậu quả là 24.000 người bị thiệt mạng ngay tại ngưỡng cửa của Đất Hứa. (Dân-số Ký 25:1-9) Dĩ nhiên, những tín đồ lầm lạc nhưng thật lòng ăn năn sẽ nhận được sự giúp đỡ đầy yêu thương để phục hồi về thiêng liêng. Những kẻ phạm tội không ăn năn như Xim-ri thời xưa là một mối nguy hiểm cho tình trạng thiêng liêng và đạo đức của người khác. (Dân-số Ký 25:14) Không khác gì những người lính trong đội hình phalăng đã ném bỏ khiên của mình, họ không những tự lao đầu vào nguy hiểm mà còn làm hại cả đồng đội nữa.

Vì thế, Kinh Thánh ra lệnh: “Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc chắt-bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy... Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em”. (1 Cô-rinh-tô 5:11, 13) Lẽ nào bạn không đồng ý rằng “lời” khôn ngoan này giúp che chở hội thánh được thanh sạch về đạo đức và thiêng liêng sao?

Hoàn toàn ngược lại, nhiều giáo hội thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ cũng như kẻ bội đạo cho rằng một số điều trong Kinh Thánh đã lỗi thời vì trái ngược với quan điểm hiện đại phóng khoáng về mặt đạo đức. Vì thế, họ bào chữa cho mọi hình thức phạm tội nặng, ngay cả trong vòng hàng giáo phẩm. (2 Ti-mô-thê 4:3, 4) Tuy nhiên, sau câu Châm-ngôn 30:5, nơi cũng đề cập đến khả năng che chở của “lời” Đức Giê-hô-va, hãy lưu ý đến mạng lệnh nơi câu 6: “Chớ thêm chi vào các lời Ngài. E Ngài quở-trách ngươi, và ngươi bị cầm nói dối chăng”. Quả vậy, những kẻ bóp méo Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, thực sự là những kẻ dối trá về mặt thiêng liêng—những kẻ nói dối đáng lên án nhất! (Ma-thi-ơ 15:6-9) Vậy, hãy thật lòng biết ơn được ở trong một tổ chức tôn trọng Kinh Thánh cách sâu xa.

Được che chở bằng “mùi thơm”

Vì dân Đức Chúa Trời theo sát Kinh Thánh và chia sẻ thông điệp an ủi với người khác, họ tỏa “mùi thơm” của đời sống làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Nhưng đối với kẻ ác, những người mang thông điệp này lại là “mùi của sự chết làm cho chết”. Theo nghĩa bóng, khứu giác của kẻ ác đã bị lệch lạc bởi hệ thống mọi sự của Sa-tan đến nỗi họ cảm thấy khó chịu, thậm chí chống đối những người tỏa “mùi thơm của Đấng Christ”. Trái lại, những người sốt sắng loan báo tin mừng trở thành “mùi thơm của Đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu”. (2 Cô-rinh-tô 2:14-16) Những người có lòng thành thật đó thường cảm thấy gớm ghiếc sự giả hình và giáo lý giả dối là những đặc điểm của tôn giáo sai lầm. Vì vậy, khi chúng ta mở Kinh Thánh và chia sẻ với họ thông điệp về Nước Trời, họ cảm thấy được thu hút đến gần Đấng Christ và muốn học biết nhiều hơn.—Giăng 6:44.

Vậy chúng ta không nên nản lòng nếu một số người phản ứng tiêu cực khi nghe thông điệp Nước Trời. Thay vì thế hãy xem “mùi thơm của Đấng Christ” như một cách để che chở về thiêng liêng, có tác dụng đuổi những kẻ có nguy cơ gây hại khỏi sản nghiệp thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời, đồng thời thu hút những người có lòng ngay thẳng.—Ê-sai 35:8, 9.

Vì đạo quân Hy Lạp ở Marathon đã hành quân sát cánh nhau và cố hết sức để giữ khiên, họ đã chiến thắng dù ở thế rất bất lợi về quân số. Cũng thế, những Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ hoàn toàn thắng trận trong cuộc chiến thiêng liêng, vì ấy là “phần cơ-nghiệp” của họ. (Ê-sai 54:17) Vậy thì mỗi người chúng ta hãy tiếp tục nương náu nơi Đức Giê-hô-va bằng cách “giữ lấy đạo sự sống [“Lời ban sự sống”, Tòa Tổng Giám Mục]”.—Phi-líp 2:15.

[Các hình nơi trang 31]

‘Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống là thanh-sạch, hòa-thuận’