Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thượng Đế thật sự quan tâm đến bạn

Thượng Đế thật sự quan tâm đến bạn

Thượng Đế thật sự quan tâm đến bạn

KÊU CẦU Thượng Đế giúp đỡ những lúc đau khổ là điều tự nhiên. Dầu gì, Ngài cũng “thật lớn, có quyền-năng cả-thể; sự thông-sáng Ngài vô-cùng vô-tận”. (Thi-thiên 147:5) Ngài là Đấng tốt nhất có thể giúp chúng ta đương đầu với các vấn đề. Hơn nữa, Kinh Thánh mời gọi chúng ta “dốc đổ sự lòng mình ra” với Ngài. (Thi-thiên 62:8) Vậy tại sao nhiều người lại cảm thấy Thượng Đế không nhậm lời cầu xin của họ? Phải chăng điều đó có nghĩa là Ngài thiếu quan tâm?

Thay vì vội oán trách Thượng Đế vì Ngài dường như im lặng, hãy nhớ lại lúc bạn còn nhỏ. Khi cha mẹ không chiều theo mọi ý thích của bạn, bạn có nghĩ họ không thương bạn không? Nhiều em nhỏ đã nghĩ thế. Nhưng khi lớn lên rồi, bạn mới hiểu rằng có nhiều cách thể hiện tình thương và chiều theo mọi đòi hỏi của con không hẳn là thương con.

Cũng thế, nếu Thượng Đế, Đức Giê-hô-va, không đáp lại mọi lời cầu xin như chúng ta mong muốn, thì không có nghĩa là Ngài thiếu yêu thương. Sự thật là Ngài thể hiện lòng quan tâm đối với tất cả chúng ta qua nhiều cách.

‘Tại trong Ngài chúng ta được sống’

Trước hết, nhờ Thượng Đế mà “chúng ta được sống, động, và có”. (Công-vụ 17:28) Sự sống chắc chắn là biểu hiện của tình yêu thương Ngài đối với chúng ta!

Hơn thế nữa, Đức Giê-hô-va ban mọi điều cần thiết để chúng ta duy trì sự sống, như có viết: “Ngài làm cho cỏ đâm lên cho súc-vật, cây-cối để dùng cho loài người, và khiến thực-vật sanh ra từ nơi đất”. (Thi-thiên 104:14) Thật ra, Ngài không chỉ ban nhu cầu cơ bản mà còn rộng lượng “làm mưa từ trời xuống, ban cho [chúng ta] mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng”.—Công-vụ 14:17.

Tuy nhiên, một số người vẫn thắc mắc: ‘Nếu Thượng Đế yêu thương chúng ta như thế, tại sao lại cho phép có khổ đau?’ Bạn có lời giải đáp cho câu hỏi đó không?

Có phải tại Thượng Đế?

Nhiều sự đau khổ là do chính con người tự gây ra. Chẳng hạn, ai cũng biết tác hại của một số thực hành nguy hiểm như quan hệ bừa bãi, say sưa, dùng ma túy, hút thuốc, chơi các môn thể thao táo bạo, chạy xe quá nhanh, v.v... Thế nhưng vẫn có người lao vào những điều đó. Nếu những hành vi mạo hiểm như thế đem đến tai họa, thì đó là lỗi của ai? Của Thượng Đế chăng hay là của người đã hành động thiếu khôn ngoan? Lời soi dẫn của Thượng Đế cho biết: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”.—Ga-la-ti 6:7.

Thêm nữa, con người thường làm đau khổ lẫn nhau. Khi một quốc gia gây chiến, chắc chắn không thể bắt Thượng Đế chịu trách nhiệm về hậu quả tàn khốc của cuộc chiến đó. Khi kẻ xấu tấn công một người, Thượng Đế có phải chịu trách nhiệm về thương tích hay cái chết của người đó không? Dĩ nhiên không! Khi một nhà độc tài áp bức, tra tấn và giết hại những người dưới quyền, phải chăng đó là lỗi Thượng Đế? Thật vô lý!—Truyền-đạo 8:9.

Thế còn hàng triệu người phải sống trong cảnh bần cùng hoặc đói nghèo thì sao? Có phải tại Thượng Đế? Chắc chắn không. Ngôi nhà trái đất cung cấp dư lương thực để nuôi sống mọi người. (Thi-thiên 10:2, 3; 145:16) Chính việc phân phối không đồng đều những sự ban cho dồi dào của Thượng Đế đã gây ra nạn nghèo đói ở nhiều nơi. Và tính ích kỷ của con người làm cho mọi nỗ lực giải quyết vấn đề này đều thất bại.

Nguyên nhân sâu xa

Thế khi một người đau bệnh hoặc qua đời vì tuổi già thì do lỗi của ai? Chắc bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả điều đó cũng không phải do lỗi Thượng Đế. Ngài không tạo ra loài người để rồi già và chết.

Khi đặt cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã ban cho họ triển vọng sống mãi trong địa đàng. Tuy nhiên, rõ ràng Ngài muốn những người sống trên đất phải biết trân trọng những gì họ được hưởng. Vì vậy, Ngài đã đặt ra điều kiện để A-đam và Ê-va tiếp tục sống trong địa đàng, đó là vâng lời Đấng Tạo Hóa yêu thương.—Sáng-thế Ký 2:17; 3:2, 3, 17-23.

Đáng buồn thay, họ đã phản nghịch. Ê-va chọn nghe theo Sa-tan Ma-quỉ. Hắn đã lừa dối bà khi ngụ ý nói Thượng Đế đã giấu bà một điều tốt. Vì lẽ đó, bà bắt đầu chọn đường lối độc lập và tìm cách trở nên “như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. A-đam cũng hùa theo bà phản nghịch.—Sáng-thế Ký 3:5, 6.

Khi phạm tội như vậy, A-đam và Ê-va cho thấy họ không xứng đáng nhận được sự sống vĩnh cửu. Họ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của tội lỗi. Sức khỏe và sinh lực họ hao mòn dần và cuối cùng là chết. (Sáng-thế Ký 5:5) Tuy nhiên, hậu quả của cuộc phản nghịch không chỉ dừng lại ở đó. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi tội lỗi của A-đam và Ê-va. Sứ đồ Phao-lô viết: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”. (Rô-ma 5:12) Thật vậy, do sự phản nghịch của A-đam và Ê-va nên tội lỗi và sự chết lan truyền cho cả nhân loại như một bệnh dịch gây chết người.

Bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự quan tâm của Thượng Đế

Phải chăng điều đó có nghĩa là loài người do Thượng Đế tạo ra sẽ mãi mãi gánh chịu hậu quả đó? Không, và sau đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Ngài quan tâm đến chúng ta. Để chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi và sự chết, Thượng Đế đã trả một giá rất cao. Giá chuộc đó chính là mạng sống hoàn toàn của Chúa Giê-su mà ngài sẵn sàng hy sinh vì chúng ta. (Rô-ma 3:24) Vì vậy, sứ đồ Giăng đã viết: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Nhờ hành động yêu thương tột bậc này mà một lần nữa chúng ta lại có triển vọng sống mãi mãi. Sứ đồ Phao-lô viết cho người Rô-ma: “Bởi chỉ một việc công-bình mà sự xưng công-bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người”.—Rô-ma 5:18.

Chúng ta có thể tin chắc rằng đến kỳ định của Thượng Đế, trên đất sẽ không còn sự đau khổ và chết chóc nữa. Thay vào đó, những cảnh được tiên tri trong sách Khải-huyền sẽ ngự trị khắp nơi: “Này, đền-tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”. (Khải-huyền 21:3, 4) Có lẽ bạn sẽ nói: ‘Tôi chẳng sống nổi đến lúc đó để mà thấy đâu’. Nhưng sự thật là bạn có thể. Và nếu có chết, chúng ta vẫn hy vọng được Thượng Đế cho sống lại. (Giăng 5:28, 29) Đó là ý định của Thượng Đế và điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Thật sai lầm biết bao khi nói rằng Thượng Đế không quan tâm đến nhân loại!

Hãy đến gần Thượng Đế

Thật an ủi khi biết rằng Thượng Đế đã tiến hành một giải pháp lâu dài để vĩnh viễn chấm dứt sự đau khổ của nhân loại. Còn hiện tại thì sao? Chúng ta phải làm gì khi mất một người thân yêu hay con cái ngã bệnh? Bây giờ chưa phải là lúc Thượng Đế loại bỏ bệnh tật và sự chết. Kinh Thánh cho biết chúng ta còn phải chờ thêm ít lâu nữa. Tuy vậy, Thượng Đế không bỏ mặc chúng ta. Môn đồ Gia-cơ nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Thật vậy, Đấng Tạo Hóa mời chúng ta thắt chặt mối quan hệ với Ngài, và những người làm thế luôn cảm nhận được sự trợ giúp của Ngài ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.

Làm thế nào chúng ta có thể đến gần Thượng Đế? Khoảng ba ngàn năm trước, Vua Đa-vít cũng đã từng nêu lên câu hỏi đó: “Hỡi Đức Giê-hô-va,... ai sẽ ở trên núi thánh Ngài?” (Thi-thiên 15:1) Rồi ông cho biết câu trả lời: “Ấy là kẻ đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình, và nói chân-thật trong lòng mình; kẻ nào có lưỡi không nói hành, chẳng làm hại cho bạn-hữu mình”. (Thi-thiên 15:2, 3) Nói cách khác, Đức Giê-hô-va đón nhận những ai đi theo đường lối mà A-đam và Ê-va đã từ bỏ. Ngài đến gần những ai làm theo ý muốn Ngài.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:24, 25; 1 Giăng 5:3.

Nhưng làm thế nào thực hiện ý muốn Ngài? Chúng ta phải tìm hiểu điều gì là “lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta”, và hành động phù hợp. (1 Ti-mô-thê 2:3) Muốn vậy, chúng ta phải tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Lời Ngài, Kinh Thánh. (Giăng 17:3; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Chỉ đọc sơ qua Kinh Thánh thôi thì không đủ. Chúng ta cần noi theo những người Do Thái ở thành Bê-rê đã nghe ông Phao-lô giảng. Chúng ta được biết: “Những người nầy... đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng có thật chăng”.—Công-vụ 17:11.

Ngày nay cũng vậy, việc tìm hiểu Kinh Thánh kỹ càng sẽ giúp củng cố đức tin nơi Thượng Đế và xây đắp mối quan hệ mật thiết với Ngài. (Hê-bơ-rơ 11:6) Việc này cũng giúp chúng ta hiểu rõ cách Đức Giê-hô-va quan tâm đến nhân loại—không chỉ nhằm lợi ích trước mắt mà cả lợi ích lâu dài cho những ai có lòng hướng thiện.

Hãy xem cảm nghĩ của một số tín đồ Đấng Christ đã có mối quan hệ mật thiết với Thượng Đế. “Em vô cùng yêu mến Đức Giê-hô-va và biết ơn Ngài thật nhiều. Nhờ Ngài em có được người cha người mẹ đầy yêu thương. Cha mẹ thật lòng yêu thương Ngài và dùng Lời Ngài dạy dỗ em”, em Danielle 16 tuổi nói. Một tín đồ Đấng Christ ở Uruguay viết: “Lòng tôi tràn đầy biết ơn. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì lòng yêu thương nhân từ và sự quan tâm của Ngài”. Thượng Đế cũng gần gũi các em nhỏ. Cháu Gabriela, bảy tuổi, nói: “Cháu yêu Đức Giê-hô-va nhất! Cháu có cuốn Kinh Thánh riêng. Cháu thích học về Đức Giê-hô-va và Con Ngài”.

Ngày nay, hàng triệu người trên thế giới hoàn toàn đồng ý với lời của người viết Thi-thiên: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 73:28) Họ đã được giúp để đương đầu với những vấn đề hiện tại và có niềm hy vọng chắc chắn về sự sống vĩnh cửu trong Địa Đàng. (1 Ti-mô-thê 4:8) Tại sao bạn không đặt mục tiêu đến gần Thượng Đế? Chúng ta được bảo đảm: “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”. (Công-vụ 17:27) Đúng vậy, Thượng Đế thật sự quan tâm đến bạn!

[Các hình nơi trang 5]

Sự quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta thể hiện qua nhiều cách

[Hình nơi trang 7]

Các em nhỏ cũng có thể đến gần Thượng Đế

[Các hình nơi trang 7]

Ngày nay Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng. Đến kỳ định Ngài sẽ loại bỏ bệnh tật và sự chết