Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy truyền lại cho những người trung thành”

“Hãy truyền lại cho những người trung thành”

“Về những điều con nghe nơi ta..., hãy truyền lại cho những người trung thành, nhờ thế họ sẽ có đủ tư cách dạy lại người khác”.—2 TI 2:2.

BÀI HÁT: 123, 53

1, 2. Nhiều người có quan điểm nào về công việc của họ?

Người ta thường đánh giá về bản thân qua công việc họ làm. Nhiều người nghĩ công việc hay chức vụ sẽ xác định giá trị của mình. Trong một số nền văn hóa, khi làm quen với người khác, một trong những câu đầu tiên người ta thường hỏi là: “Bạn làm công việc gì?”.

2 Đôi khi Kinh Thánh miêu tả về một người qua công việc của người ấy. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói đến “Ma-thi-ơ người thu thuế”, ‘một thợ thuộc da là Si-môn’ và “Lu-ca, người thầy thuốc yêu dấu” (Mat 10:3; Công 10:6; Cô 4:14). Các nhiệm vụ hay đặc ân đến từ Đức Chúa Trời cũng giúp nhận diện một người. Chúng ta đọc về vua Đa-vít, nhà tiên tri Ê-li và sứ đồ Phao-lô. Những người ấy quý trọng nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao cho họ. Chúng ta cũng nên quý trọng bất cứ nhiệm vụ nào mà mình có khi phụng sự ngài.

3. Tại sao việc các tín đồ lớn tuổi huấn luyện những người trẻ là điều cần thiết? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Nhiều người trong chúng ta yêu mến công việc của mình và muốn làm công việc ấy mãi mãi. Nhưng đáng buồn là từ thời A-đam, mỗi thế hệ đều già đi và được thay thế bằng thế hệ khác (Truyền 1:4). Trong thời gian gần đây, sự chuyển giao này đã mang đến những thử thách đặc biệt cho các tín đồ chân chính. Công việc của dân Đức Giê-hô-va đã gia tăng về phạm vi và mức độ phức tạp. Khi chúng ta đảm nhận các dự án mới thì những cách làm việc mới cũng được áp dụng. Những cách đó thường liên quan đến việc sử dụng công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Có lẽ một số tín đồ lớn tuổi cảm thấy khó theo kịp những sự tiến bộ này (Lu 5:39). Nhưng ngay cả khi họ làm được điều đó thì có lẽ những người trẻ vẫn có sức lực và nhiệt huyết hơn (Châm 20:29). Thế nên, việc các tín đồ lớn tuổi huấn luyện những người trẻ đảm nhận thêm trách nhiệm là điều vừa yêu thương vừa thực tế.—Đọc Thi-thiên 71:18.

4. Tại sao một số người thấy khó giao lại trách nhiệm cho người khác? (Xem khung “ Lý do khiến một số người không giao lại trách nhiệm”).

4 Những anh có trách nhiệm có thể cảm thấy không dễ để giao lại trách nhiệm cho người trẻ. Một số người sợ mất đi vai trò mà mình yêu thích. Số khác sợ mất quyền kiểm soát, và tin chắc rằng những người trẻ không thể làm tốt như họ. Một số người có thể lý luận rằng họ không có thời gian để huấn luyện. Mặt khác, những người trẻ phải cẩn thận để không trở nên thiếu kiên nhẫn khi chưa được giao thêm trách nhiệm.

5. Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?

5 Hãy xem xét vấn đề giao lại trách nhiệm từ hai góc độ khác nhau. Thứ nhất, làm thế nào các anh lớn tuổi có thể giúp những người trẻ đảm nhận thêm trách nhiệm, và tại sao điều này quan trọng? (2 Ti 2:2). Thứ hai, tại sao những người trẻ cần giữ thái độ đúng khi trợ giúp và học hỏi từ các anh có nhiều kinh nghiệm hơn? Trước tiên, hãy xem cách vua Đa-vít chuẩn bị cho con trai ông những điều cần thiết để đảm nhận một trách nhiệm quan trọng.

ĐA-VÍT CHUẨN BỊ VÀ HỖ TRỢ CHO SA-LÔ-MÔN

6. Vua Đa-vít muốn làm gì, và Đức Giê-hô-va đáp lại thế nào?

6 Sau nhiều năm sống cuộc đời của kẻ chạy trốn, Đa-vít trở thành vua và ở trong một cung điện tiện nghi. Cảm thấy áy náy vì không có đền thờ nào được dâng cho Đức Giê-hô-va, Đa-vít muốn xây một đền thờ. Vì thế, ông nói với nhà tiên tri Na-than: “Nầy ta ở trong nhà bằng gỗ bá-hương, còn hòm giao-ước của Đức Giê-hô-va ở dưới những bức màn”. Na-than đáp: “Hãy làm theo điều ở trong lòng vua, vì Đức Chúa Trời ở cùng vua”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có chỉ dẫn khác. Ngài bảo Na-than nói với Đa-vít: “Ngươi chớ cất đền cho ta ở”. Dù Đức Giê-hô-va trấn an một cách yêu thương rằng ngài sẽ tiếp tục ban phước cho Đa-vít, nhưng ngài cho biết con trai của ông là Sa-lô-môn sẽ xây đền thờ. Đa-vít phản ứng thế nào?—1 Sử 17:1-4, 8, 11, 12; 29:1.

7. Đa-vít đã phản ứng ra sao trước sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va?

7 Đa-vít không từ bỏ ý định hỗ trợ, cũng không buồn phiền về việc công trạng xây đền thờ sẽ không thuộc về mình. Thực tế, công trình ấy được gọi là đền thờ Sa-lô-môn, chứ không phải đền thờ Đa-vít. Dù có lẽ Đa-vít thất vọng vì không thể hoàn thành tâm nguyện, nhưng ông đã hết lòng hỗ trợ cho dự án ấy. Ông nhiệt tình tổ chức các nhóm làm việc, đồng thời chuẩn bị các vật liệu như sắt, đồng, bạc, vàng và gỗ bá hương. Hơn nữa, ông khích lệ Sa-lô-môn rằng: “Bây giờ, hỡi con trai ta, nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng con và làm cho con được hanh-thông; con sẽ cất cái đền cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời con, theo như lời Ngài đã phán về việc con”.—1 Sử 22:11, 14-16.

8. Tại sao Đa-vít có thể kết luận rằng Sa-lô-môn không đủ khả năng, nhưng ông đã làm gì?

8 Đọc 1 Sử-ký 22:5. Đa-vít có thể kết luận rằng Sa-lô-môn không đủ khả năng để giám sát một công trình trọng đại như thế. Suy cho cùng, đền thờ “phải rất nguy-nga”, trong khi Sa-lô-môn lúc đó “còn thơ-ấu và non-nớt”. Dù vậy, Đa-vít biết Đức Giê-hô-va sẽ giúp Sa-lô-môn thực thi công việc mà ngài giao. Thế nên, Đa-vít tập trung vào những điều ông có thể làm để hỗ trợ, và chuẩn bị các vật liệu với số lượng rất lớn.

CẢM NGHIỆM NIỀM VUI TỪ VIỆC HUẤN LUYỆN NGƯỜI KHÁC

Thật vui mừng khi thấy các anh trẻ đảm nhận thêm trách nhiệm (Xem đoạn 9)

9. Làm thế nào những anh lớn tuổi có thể tìm được niềm vui khi giao lại các trách nhiệm của mình? Hãy minh họa.

9 Các anh lớn tuổi không nên buồn khi cần phải giao lại trách nhiệm cho những anh trẻ. Thật ra, việc huấn luyện những anh trẻ đảm nhận các trách nhiệm sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho công việc của Đức Chúa Trời. Các anh được bổ nhiệm nên thật sự vui mừng khi những anh trẻ mà họ đã huấn luyện nay có đủ khả năng đảm nhận công việc. Để minh họa, hãy nghĩ về một người cha dạy con trai lái xe hơi. Khi còn nhỏ, người con chỉ quan sát cha. Khi con lớn hơn, người cha giải thích cho con về cách ông lái xe. Sau này, khi đủ tuổi lái xe theo pháp luật, người con bắt đầu cầm lái với sự chỉ dẫn thêm từ cha. Thỉnh thoảng, hai cha con có thể thay phiên cầm lái. Nhưng cuối cùng người con sẽ lái xe phần lớn thời gian, thậm chí là toàn bộ thời gian, để chở người cha lớn tuổi. Người cha khôn ngoan ấy sẽ vui khi con trai thay thế ông, và ông không nghĩ mình phải kiểm soát mọi thứ. Tương tự thế, các anh lớn tuổi cảm thấy tự hào khi họ đã huấn luyện những anh trẻ đảm nhận các trách nhiệm thần quyền.

10. Môi-se cảm thấy thế nào về sự vinh hiển và uy quyền?

10 Nếu là những người lớn tuổi, chúng ta phải cảnh giác để không ghen tị. Hãy để ý cách Môi-se phản ứng khi một số người trong trại quân Y-sơ-ra-ên bắt đầu hành xử như các nhà tiên tri. (Đọc Dân-số Ký 11:24-29). Phụ tá của Môi-se là Giô-suê muốn ngăn cản họ. Dường như ông nghĩ rằng họ đang lấy đi phần nào sự nổi bật và uy quyền của Môi-se. Nhưng Môi-se đáp: “Ngươi ganh cho ta chăng? Ôi! chớ chi cả dân-sự của Đức Giê-hô-va đều là người tiên-tri, và chớ chi Đức Giê-hô-va ban Thần của Ngài cho họ!”. Môi-se đã thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va trong vấn đề này. Ông từ chối nhận sự vinh hiển cho chính mình và biểu lộ mong muốn rằng những món quà thiêng liêng cũng được ban cho mọi tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Giống như Môi-se, chẳng phải chúng ta nên vui mừng khi người khác nhận được những đặc ân mà lẽ ra chúng ta có thể nhận được sao?

11. Một anh đã nói gì về việc giao lại trách nhiệm cho người khác?

11 Ngày nay, có nhiều gương của các anh đã sốt sắng phụng sự trong nhiều thập kỷ và huấn luyện người khác đảm nhận thêm trách nhiệm. Chẳng hạn, một anh tên Peter đã phụng sự trọn thời gian hơn 74 năm, trong đó có 35 năm phục vụ tại một văn phòng chi nhánh ở châu Âu. Cách đây không lâu, anh vẫn là giám thị của Ban công tác. Nhưng giờ đây Paul, một anh trẻ hơn và từng làm việc chung với anh Peter trong vài năm, đang chu toàn trách nhiệm đó. Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình trước sự thay đổi nhiệm vụ này, anh Peter trả lời: “Tôi thật vui khi có những anh đã được huấn luyện để nhận thêm trách nhiệm và họ đang chu toàn rất tốt công việc được giao”.

QUÝ TRỌNG NHỮNG NGƯỜI LỚN TUỔI

12. Chúng ta nên rút ra bài học nào từ lời tường thuật về Rô-bô-am?

12 Sau khi Sa-lô-môn qua đời, con trai ông là Rô-bô-am lên ngôi vua. Khi Rô-bô-am cần lời khuyên về cách chu toàn trách nhiệm, trước tiên ông hỏi ý kiến của những người lớn tuổi. Nhưng ông đã bác bỏ lời khuyên của họ! Trái lại, ông nghe lời khuyên của những người trẻ đồng trang lứa và nay đang chầu trước mặt mình. Hậu quả thật thảm khốc! (2 Sử 10:6-11, 19). Bài học là gì? Chúng ta nên khôn ngoan xin lời khuyên của những người lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn, đồng thời cẩn thận xem xét lời khuyên của họ. Dù những người trẻ không cần nghĩ rằng mình buộc phải thực hiện công việc theo cách cũ, nhưng họ cũng không nên vội bác bỏ lời khuyên của những người lớn tuổi.

13. Các anh trẻ nên hợp tác với những anh lớn tuổi qua cách nào?

13 Có lẽ một số anh trẻ đang dẫn đầu trong những hoạt động mà có sự tham gia của các anh lớn tuổi. Dù vai trò của các anh trẻ ấy đã thay đổi, nhưng họ nên học hỏi từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những anh lớn tuổi trước khi đưa ra quyết định. Anh Paul, được đề cập ở trên, đã thay thế anh Peter để làm giám thị một ban của Bê-tên. Anh Paul nói: “Tôi dành thời gian để xin lời khuyên của anh Peter và khuyến khích những người khác trong ban cũng làm thế”.

14. Chúng ta học được gì từ sự hợp tác giữa Ti-mô-thê và Phao-lô?

14 Người trẻ Ti-mô-thê đã làm việc cùng sứ đồ Phao-lô trong nhiều năm. (Đọc Phi-líp 2:20-22). Phao-lô viết cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Tôi phái Ti-mô-thê đến với anh em, vì anh ấy là con yêu dấu và trung thành của tôi trong Chúa; anh ấy sẽ nhắc anh em nhớ những phương pháp tôi làm để phục vụ Đấng Ki-tô Giê-su, như tôi đang dạy dỗ trong các hội thánh ở khắp nơi” (1 Cô 4:17). Lời ngắn gọn ấy cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa Phao-lô và Ti-mô-thê. Phao-lô đã dành thời gian để dạy Ti-mô-thê “những phương pháp [ông] làm để phục vụ Đấng Ki-tô”. Ti-mô-thê đã học hỏi tốt và được Phao-lô yêu quý. Phao-lô tin chắc rằng Ti-mô-thê có thể chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của các anh em ở Cô-rinh-tô. Đó quả là gương tốt cho các trưởng lão thời nay khi huấn luyện những anh khác để họ dẫn đầu trong hội thánh!

MỖI CHÚNG TA ĐỀU CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG

15. Lời khuyên mà Phao-lô dành cho các tín đồ ở Rô-ma có thể giúp chúng ta ra sao khi những thay đổi ảnh hưởng đến mình?

15 Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy hào hứng. Phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va đang phát triển trong nhiều khía cạnh, nhưng sự phát triển đòi hỏi phải có những thay đổi. Khi các thay đổi ảnh hưởng đến cá nhân mình, mong sao chúng ta khiêm nhường và tập trung vào quyền lợi của Đức Giê-hô-va chứ không phải của bản thân. Nhờ thế, chúng ta sẽ đẩy mạnh sự hợp nhất. Phao-lô viết cho các tín đồ ở Rô-ma: “Tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình; nhưng hãy nghĩ sao cho đúng mực, tùy theo lượng đức tin Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người. Như trong thân thể chúng ta có nhiều bộ phận, và các bộ phận không có cùng chức năng; thì chúng ta cũng vậy, tuy có nhiều người nhưng đều hợp nhất trong một thân thể với Đấng Ki-tô”.—Rô 12:3-5.

16. Những anh lớn tuổi và trẻ tuổi cũng như vợ họ có thể làm gì để góp phần gìn giữ sự bình an và hợp nhất trong tổ chức của Đức Giê-hô-va?

16 Vậy dù có hoàn cảnh ra sao, mỗi chúng ta hãy nỗ lực đẩy mạnh quyền lợi của Nước Trời vinh hiển. Hỡi các anh lớn tuổi, hãy huấn luyện những anh trẻ làm công việc mà các anh đang làm. Hỡi các anh trẻ, hãy sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, hãy khiêm tốn và giữ thái độ kính trọng đối với những anh lớn tuổi. Hỡi những người làm vợ, hãy noi gương vợ của A-qui-la là Bê-rít-sin. Chị ấy đã đi theo và trung thành ủng hộ chồng khi hoàn cảnh của họ thay đổi.—Công 18:2.

17. Chúa Giê-su tin chắc điều gì nơi các môn đồ, và ngài đã huấn luyện họ làm công việc gì?

17 Về việc huấn luyện người khác đảm nhận thêm trách nhiệm, không có gương nào tốt hơn gương của Chúa Giê-su. Ngài biết thánh chức của mình trên đất sẽ kết thúc và những người khác sẽ thực thi công việc của ngài. Dù các môn đồ đều bất toàn, Chúa Giê-su vẫn tin cậy họ và cho biết rằng họ sẽ làm những việc lớn hơn so với những gì ngài đã làm (Giăng 14:12). Ngài huấn luyện họ một cách kỹ lưỡng, và họ đã rao giảng tin mừng ra khắp thế giới mà người ta biết đến thời bấy giờ.—Cô 1:23.

18. Những triển vọng nào đang chờ đợi chúng ta, và chúng ta có thể làm gì trong hiện tại?

18 Sau khi hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su đã được sống lại để lên trời. Tại đó, ngài được giao nhiều việc hơn, với uy quyền “cao hơn mọi chính phủ, quyền hành, thế lực, quyền cai trị” (Ê-phê 1:19-21). Nếu qua đời trung thành trước Ha-ma-ghê-đôn, chúng ta sẽ được sống lại trong một thế giới mới công chính, nơi có vô số công việc thỏa nguyện để làm. Nhưng hiện tại mỗi chúng ta đều có thể tham gia công việc hết sức quan trọng là rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ. Mong sao tất cả chúng ta, dù trẻ tuổi hay lớn tuổi, hãy tiếp tục “bận rộn trong công việc Chúa”.—1 Cô 15:58.