Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị có “yêu người lân cận như chính mình” không?

Anh chị có “yêu người lân cận như chính mình” không?

“Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”.MAT 22:39.

BÀI HÁT: 73, 36

1, 2. Kinh Thánh cho thấy thế nào về tầm quan trọng của tình yêu thương?

Tình yêu thương là đức tính nổi bật nhất của Đức Giê-hô-va (1 Giăng 4:16). Tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su, người con đã ở với ngài trên trời trong hàng thiên niên kỷ và học về các đường lối yêu thương của ngài (Cô 1:15). Qua toàn bộ đời sống, gồm cả đời sống trên đất, Chúa Giê-su đã cho thấy ngài hiểu rõ Đức Giê-hô-va là đấng yêu thương như thế nào, và ngài đã bắt chước đức tính yêu thương ấy. Vì vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng sự cai trị của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ luôn được chi phối bởi tình yêu thương.

2 Khi được hỏi điều răn nào là lớn nhất trong Luật pháp, Chúa Giê-su đáp: “‘Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí’. Đây là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất. Điều răn thứ hai cũng tương tự như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’”.—Mat 22:37-39.

3. Ai là “người lân cận” của chúng ta?

3 Hãy lưu ý là Chúa Giê-su đã đặt tình yêu thương với người lân cận chỉ đứng sau tình yêu thương với Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy việc thể hiện tình yêu thương trong mọi mối quan hệ của chúng ta quan trọng như thế nào. Nhưng ai là “người lân cận” của chúng ta? Nếu đã kết hôn thì người lân cận thân thiết nhất của chúng ta chính là người bạn đời. Ngoài ra, anh em trong hội thánh cũng là những người gần gũi với chúng ta. Số khác là những người mà mình gặp trong thánh chức. Vậy những người thờ phượng Đức Giê-hô-va và vâng theo những dạy dỗ của Con ngài thể hiện tình yêu thương với người lân cận qua cách nào?

THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI BẠN ĐỜI

4. Tại sao dù bất toàn, chúng ta vẫn có thể có một hôn nhân thành công?

4 Đức Giê-hô-va đã thiết lập cuộc hôn nhân đầu tiên bằng cách tạo ra A-đam, Ê-va và đưa họ đến với nhau. Ý định của ngài là họ gắn bó lâu dài, hạnh phúc và sinh con cái cho đầy khắp đất (Sáng 1:27, 28). Tuy nhiên, sự phản nghịch chống lại quyền cai trị của Đức Giê-hô-va đã gây hại cho cuộc hôn nhân đầu tiên và đẩy toàn thể nhân loại vào vòng tội lỗi và sự chết (Rô 5:12). Dù vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết làm thế nào để có thể thành công trong hôn nhân. Kinh Thánh chứa đựng lời khuyên tốt nhất về đề tài ấy vì sách này bắt nguồn từ Đức Giê-hô-va, đấng sáng lập hôn nhân.—Đọc 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

5. Tình yêu thương quan trọng như thế nào trong hôn nhân?

5 Lời Đức Chúa Trời cho thấy tình yêu thương là tình cảm gắn bó nồng ấm hoặc sự quý mến sâu xa, và là điều thiết yếu để con người có thể hưởng những mối quan hệ tốt đẹp. Điều này hoàn toàn đúng trong hôn nhân. Sứ đồ Phao-lô mô tả về tình yêu thương chân chính khi nói: “Người có tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế. Người có tình yêu thương thì không ghen tị, không khoe khoang, không tự cao, không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng, không dễ nổi giận, không ghi nhớ điều gây tổn thương. Người có tình yêu thương thì không vui mừng trước sự bất chính, nhưng vui mừng trước sự thật. Người có tình yêu thương thì dung thứ mọi điều, tin mọi điều, hy vọng mọi điều, chịu đựng mọi điều. Tình yêu thương tồn tại mãi” (1 Cô 13:4-8). Suy ngẫm và áp dụng những lời được soi dẫn này chắc chắn sẽ giúp gia tăng niềm vui trong hôn nhân.

Lời Đức Chúa Trời cho thấy làm thế nào để có hôn nhân thành công (Xem đoạn 6, 7)

6, 7. (a) Kinh Thánh nói gì về quyền làm đầu? (b) Người chồng phải đối xử với vợ mình như thế nào?

6 Nguyên tắc làm đầu có trong mọi sắp đặt của Đức Chúa Trời nên tình yêu thương là điều đặc biệt quan trọng. Phao-lô giải thích: “Tôi muốn anh em biết rằng Đấng Ki-tô là đầu của mỗi người nam, người nam là đầu của người nữ, và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Ki-tô” (1 Cô 11:3). Nhưng quyền làm đầu cần được thực thi một cách yêu thương, thay vì độc đoán. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va thể hiện quyền làm đầu trên Chúa Giê-su một cách nhân từ và bất vị kỷ. Nhờ thế, Chúa Giê-su tôn trọng quyền làm đầu yêu thương của Đức Chúa Trời vì ngài nói: “Tôi yêu thương Cha” (Giăng 14:31). Hẳn Chúa Giê-su sẽ không cảm thấy như thế nếu Đức Giê-hô-va đối xử với Con yêu dấu của ngài một cách độc tài và hà khắc.

7 Dù người chồng là đầu của vợ nhưng Kinh Thánh nói rằng anh cần “trân trọng vợ” (1 Phi 3:7). Một cách người chồng có thể trân trọng vợ là để ý đến những nhu cầu của vợ và ưu tiên cho vợ trong một số vấn đề. Lời Đức Chúa Trời nói: “Hỡi người làm chồng, hãy luôn yêu vợ mình, như Đấng Ki-tô yêu thương và hy sinh thân mình vì hội thánh” (Ê-phê 5:25). Quả thật, Chúa Giê-su thậm chí đã hy sinh mạng sống cho các môn đồ. Khi người chồng noi gương Chúa Giê-su trong việc thể hiện quyền làm đầu cách yêu thương, người vợ sẽ dễ yêu thương, tôn trọng và vâng phục anh hơn.—Đọc Tít 2:3-5.

YÊU THƯƠNG ANH EM ĐỒNG ĐẠO

8. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nên có quan điểm nào về anh em đồng đạo?

8 Trên khắp trái đất, có hàng triệu người thờ phượng Đức Giê-hô-va và làm chứng về danh cũng như ý định của ngài. Mỗi người thờ phượng Đức Giê-hô-va nên có quan điểm nào về anh em đồng đạo? Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Hãy làm điều lành cho mọi người, và đặc biệt là cho anh em đồng đức tin” (Ga 6:10; đọc Rô-ma 12:10). Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Nay anh em đã tẩy sạch mình bằng cách vâng theo sự thật, nhờ thế có được tình huynh đệ không giả dối, vậy hãy tha thiết yêu thương nhau từ đáy lòng”. Phi-e-rơ cũng nói với những người đồng đức tin: “Trên hết, hãy tha thiết yêu thương nhau”.—1 Phi 1:22; 4:8.

9, 10. Tại sao dân Đức Chúa Trời có sự hợp nhất với nhau?

9 Nhờ có tình yêu thương tha thiết với anh em đồng đạo, chúng ta hợp thành một tổ chức toàn cầu và độc nhất. Quan trọng hơn, vì chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va và vâng theo luật pháp của ngài nên được ngài hỗ trợ bằng một lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ, đó là thần khí. Thần khí của Đức Chúa Trời giúp chúng ta vui hưởng sự hợp nhất tuyệt vời với tư cách là một đoàn thể anh em quốc tế thật sự.—Đọc 1 Giăng 4:20, 21.

10 Phao-lô đã nhấn mạnh việc cần có tình yêu thương trong vòng tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Ông viết: “Hãy mặc lấy lòng trắc ẩn dịu dàng, sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và kiên nhẫn. Hãy tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác. Đức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy. Nhưng bên cạnh những điều ấy, hãy mặc lấy tình yêu thương, vì đó là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn” (Cô 3:12-14). Chúng ta thật biết ơn vì tình yêu thương, “mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”, phát triển trong vòng chúng ta bất kể sự khác biệt về gốc gác hay quốc gia!

11. Làm thế nào tình yêu thương và sự hợp nhất giúp nhận diện tổ chức của Đức Giê-hô-va?

11 Tình yêu thương chân chính và sự hợp nhất giúp nhận diện các tôi tớ của Đức Giê-hô-va là những người theo tôn giáo thật. Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:34, 35). Sứ đồ Giăng cũng viết: “Con cái Đức Chúa Trời và con cái Kẻ Quỷ Quyệt được thấy rõ qua điều này: Người nào không bước đi trong sự công chính thì không thuộc về Đức Chúa Trời, và người chẳng yêu thương anh em mình cũng vậy. Vì đây là thông điệp anh em đã nghe từ lúc đầu: Chúng ta phải yêu thương nhau” (1 Giăng 3:10, 11). Tình yêu thương mang lại sự hợp nhất phi thường cho thấy Nhân Chứng Giê-hô-va là những môn đồ thật của Đấng Ki-tô, những người đang được Đức Chúa Trời dùng để thực thi ý định của ngài là rao truyền tin mừng Nước Trời ra khắp đất.—Mat 24:14.

THU NHÓM “MỘT ĐÁM ĐÔNG”

12, 13. Ngày nay, những thành viên thuộc về “đám đông” đang làm gì, và họ sắp cảm nghiệm được điều gì?

12 Phần lớn những tôi tớ của Đức Giê-hô-va thuộc về “một đám đông... từ mọi nước, chi phái, dân tộc và mọi tiếng”. Họ “đứng trước ngai [của Đức Chúa Trời] và trước Chiên Con [Chúa Giê-su Ki-tô]”. Họ là ai? “Đó là những người vượt qua hoạn nạn lớn, họ đã giặt và tẩy trắng áo mình bằng huyết Chiên Con” vì họ thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Những thành viên thuộc “đám đông” ngày càng gia tăng này yêu mến Đức Giê-hô-va cũng như Con ngài và đang “ngày đêm phụng sự” Đức Chúa Trời.—Khải 7:9, 14, 15.

13 Không lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế gian gian ác này trong “hoạn nạn lớn” (Mat 24:21; đọc Giê-rê-mi 25:32, 33). Nhưng vì yêu thương những tôi tớ của ngài nên Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ họ với tư cách là một nhóm và đưa họ vào thế giới mới. Như đã được báo trước cách đây gần 2.000 năm, Đức Chúa Trời “sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”. Anh chị có mong được sống trong địa đàng sau khi “những điều trước kia nay đã qua rồi” không?—Khải 21:4.

14. Đám đông đã gia tăng đến mức nào?

14 Khi những ngày cuối cùng bắt đầu vào năm 1914, trên khắp thế giới chỉ có vài ngàn tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Được thôi thúc bởi tình yêu thương dành cho người lân cận và với sự hỗ trợ của thần khí Đức Chúa Trời, nhóm nhỏ tín đồ được xức dầu còn lại đã kiên trì rao báo về Nước Trời. Kết quả là ngày nay, một đám đông có hy vọng sống trên đất đang được thu nhóm. Hiện có khoảng 8.000.000 Nhân Chứng kết hợp trong hơn 115.400 hội thánh trên khắp đất, và con số này tiếp tục gia tăng. Chẳng hạn, có hơn 275.500 người đã báp-têm trong năm công tác 2014—trung bình mỗi tuần có khoảng 5.300 người làm báp-têm.

15. Hãy mô tả phạm vi của công việc rao giảng Nước Trời đang được thực hiện ngày nay.

15 Phạm vi của công việc rao giảng là điều đáng chú ý. Hiện nay, những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh của chúng ta được xuất bản trong hơn 700 ngôn ngữ. Tháp Canh là tạp chí được phân phát rộng rãi nhất trên thế giới với hơn 52.000.000 bản được in mỗi tháng và được xuất bản trong 247 ngôn ngữ. Hơn 200.000.000 cuốn sách học hỏi Kinh Thánh có tựa đề Kinh Thánh thật sự dạy gì? đã được in trong hơn 250 ngôn ngữ.

16. Nhờ đâu mà phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va có sự thịnh vượng về thiêng liêng?

16 Sự gia tăng đáng chú ý mà chúng ta thấy ngày nay là kết quả của việc chúng ta có đức tin nơi Đức Chúa Trời và hoàn toàn chấp nhận Kinh Thánh là Lời được ngài soi dẫn (1 Tê 2:13). Điều đặc biệt nổi bật là sự thịnh vượng về thiêng liêng của dân Đức Giê-hô-va, bất kể sự căm ghét và chống đối đến từ “chúa đời này” là Sa-tan.—2 Cô 4:4.

LUÔN THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI NGƯỜI KHÁC

17, 18. Tôi tớ của Đức Chúa Trời nên có thái độ nào với những người không cùng đức tin?

17 Đức Giê-hô-va đòi hỏi những tôi tớ của ngài có thái độ nào với những người không thờ phượng ngài? Khi tham gia công việc rao giảng, chúng ta gặp nhiều phản ứng khác nhau, một số người thì hưởng ứng, còn một số thì chống đối. Dù người ta phản ứng thế nào, chúng ta hãy làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh: “Lời nói anh em phải luôn tử tế, được nêm thêm muối, hầu anh em biết nên đối đáp với mỗi người như thế nào” (Cô 4:6). Khi bênh vực niềm hy vọng của mình trước những người chất vấn, chúng ta làm thế “với thái độ ôn hòa và lòng kính trọng sâu xa” vì chúng ta yêu thương người lân cận.—1 Phi 3:15.

18 Chúng ta cho thấy mình yêu thương người lân cận ngay cả khi chủ nhà tức giận, mắng nhiếc và từ chối thông điệp chúng ta rao giảng. Chúng ta muốn noi gương Chúa Giê-su: “Khi bị nhục mạ, ngài chẳng nhục mạ lại. Khi chịu đau đớn, ngài chẳng đe dọa, nhưng phó chính mình cho đấng xét xử công bằng” là Đức Giê-hô-va (1 Phi 2:23). Dù đối với anh em đồng đạo hay người khác, chúng ta thể hiện sự khiêm nhường và áp dụng lời khuyên: “Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy lời nhục mạ đáp trả lời nhục mạ. Thay vì thế, hãy nói lời tốt lành”.—1 Phi 3:8, 9.

19. Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc nào về cách đối xử với người chống đối?

19 Bằng cách giữ thái độ khiêm nhường, dân Đức Giê-hô-va làm theo một nguyên tắc quan trọng mà Chúa Giê-su đã đưa ra. Trong Bài giảng trên núi, ngài nói: “Anh em có nghe lời truyền dạy rằng: ‘Ngươi phải yêu người lân cận nhưng hãy ghét kẻ thù mình’. Song tôi nói với anh em: Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình, hầu anh em trở nên con của Cha trên trời, vì ngài làm mặt trời mọc lên soi sáng người ác lẫn người hiền và làm mưa cho người công chính lẫn người tội lỗi” (Mat 5:43-45). Đúng vậy, là tôi tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải tập “yêu kẻ thù”, bất kể họ có thái độ nào với mình.

20. Tại sao tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và người lân cận sẽ tràn đầy trong thế giới mới? (Xem hình nơi đầu bài).

20 Trong mọi khía cạnh của đời sống, dân Đức Giê-hô-va phải cho thấy họ yêu mến ngài và người lân cận qua thái độ cũng như hành động. Chẳng hạn, ngay cả khi một số người không hưởng ứng thông điệp Nước Trời, chúng ta vẫn thể hiện tình yêu thương với người lân cận bằng cách giúp đỡ khi họ cần. Sứ đồ Phao-lô viết: “Đừng mắc nợ ai một điều nào cả, chỉ mắc nợ tình yêu thương lẫn nhau; vì ai yêu người đồng loại là làm theo Luật pháp. Vì Luật pháp, gồm các điều răn ‘Ngươi chớ phạm tội ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ tham của người’ và mọi điều răn khác, đều tóm gọn trong câu này: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’. Tình yêu thương không làm ác cho người lân cận; thế nên, tình yêu thương làm trọn Luật pháp” (Rô 13:8-10). Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta thể hiện tình yêu thương chân thật trong một thế gian chia rẽ, hung bạo và gian ác dưới quyền kiểm soát của Sa-tan (1 Giăng 5:19). Chắc chắn, tình yêu thương sẽ chi phối mọi hoạt động trên đất trong thế giới mới sau khi Sa-tan, các ác thần theo hắn và những người chống đối Đức Chúa Trời bị loại trừ. Quả là một ân phước khi mọi cư dân trên đất đều yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận!