Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”

“Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”

“Điều răn thứ hai cũng tương tự như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’”.—MAT 22:39.

1, 2. (a) Trong hai điều răn quan trọng nhất của luật pháp, Chúa Giê-su nói điều răn thứ hai là gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Để thử Chúa Giê-su, có lần một người Pha-ri-si hỏi ngài: “Thưa thầy, trong Luật pháp, điều răn nào là quan trọng nhất?”. Như đã xem trong bài trước, Chúa Giê-su đáp “điều răn đầu tiên và quan trọng nhất” là: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí”. Chúa Giê-su nói thêm: “Điều răn thứ hai cũng tương tự như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’”.—Mat 22:34-39.

2 Chúa Giê-su cho biết là chúng ta phải yêu người lân cận như chính mình. Vì vậy, chúng ta nên hỏi: “Ai là người lân cận của chúng ta? Làm sao chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương với người lân cận?”.

AI LÀ NGƯỜI LÂN CẬN CỦA CHÚNG TA?

3, 4. (a) Chúa Giê-su dùng minh họa nào để trả lời câu hỏi: “Ai là người lân cận tôi”? (b) Người Sa-ma-ri giúp người đàn ông bị cướp, đánh đập, để mặc cho dở sống dở chết như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Có lẽ chúng ta nghĩ người lân cận là người ở gần mình, là một bạn thân và hay giúp đỡ mình (Châm 27:10). Nhưng hãy xem Chúa Giê-su nói gì khi một người tỏ ra công chính hỏi ngài: “Ai  là người lân cận tôi?”. Để đáp lại, Chúa Giê-su đưa ra minh họa về người Sa-ma-ri nhân đức. (Đọc Lu-ca 10:29-37). Chúng ta có thể nghĩ rằng một thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên và một người Lê-vi sẽ hành động như những người lân cận tốt bụng khi thấy người đàn ông bị cướp, đánh đập, để mặc cho dở sống dở chết. Tuy nhiên, họ đi qua, không làm gì cả. Người đàn ông này được một người Sa-ma-ri giúp đỡ, người thuộc về một dân tôn trọng Luật pháp Môi-se nhưng bị người Do Thái khinh miệt.—Giăng 4:9.

4 Vì cố gắng giúp chữa lành vết thương, người Sa-ma-ri nhân đức đã đổ dầu và rượu lên vết thương của nạn nhân. Để người này được chăm sóc, ông đưa hai đơ-na-ri-on cho chủ quán trọ, số tiền này tương đương với hai ngày công (Mat 20:2). Vì thế, thật dễ để thấy ai thật sự là người lân cận của người bị thương. Minh họa của Chúa Giê-su chắc chắn dạy chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn và yêu người lân cận.

Tôi tớ Đức Giê-hô-va nhanh chóng thể hiện tình yêu thương với người lân cận (Xem đoạn 5)

5. Trong một thiên tai gần đây, tôi tớ Đức Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương người lân cận như thế nào?

5 Thường thì khó tìm được ai có lòng trắc ẩn như người Sa-ma-ri nhân đức ấy. Nhất là trong “những ngày sau cùng” khó đương đầu, khi phần lớn người ta thiếu tình thương tự nhiên, hung dữ và không yêu chuộng điều nhân đức (2 Ti 3:1-3). Chẳng hạn, những hoàn cảnh khó đương đầu có lẽ phát sinh khi thiên tai xảy ra. Hãy xem điều đã xảy ra khi bão Sandy ập vào thành phố New York cuối tháng 10 năm 2012. Trong một vùng bị tàn phá nặng nề của thành phố, bọn hôi của đã tấn công người dân là những người đã chịu cảnh mất điện, không được sưởi ấm và thiếu những nhu cầu khác. Cũng trong vùng này, Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức một chương trình cứu trợ, tạo điều kiện cho anh em giúp đỡ lẫn nhau cũng như giúp người khác. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã làm những điều như thế vì họ yêu người lân cận. Có một số cách nào khác để thể hiện tình yêu thương người lân cận?

LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ BIỂU LỘ TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI NGƯỜI LÂN CẬN?

6. Chúng ta có thể dùng Kinh Thánh để giúp người lân cận như thế nào?

6 Dùng Kinh Thánh để giúp người khác. Trong công việc rao giảng, chúng ta giúp người lân cận nhận được “sự an ủi đến từ Kinh Thánh” (Rô 15:4). Chúng ta thể hiện tình yêu thương với người lân cận qua việc dùng Kinh Thánh để chia sẻ với họ về tin mừng của Nước Đức Chúa Trời (Mat 24:14). Quả là đặc ân khi được công bố thông điệp đến từ “Đức Chúa Trời, đấng ban hy vọng”!—Rô 15:13.

7. Luật Vàng là gì, và chúng ta được ban phước thế nào khi làm theo?

7 Làm theo Luật Vàng. Luật này được miêu tả qua những lời của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ. Đó là cốt lõi của Luật pháp và sách của các tiên tri” (Mat 7:12). Khi đối xử với người khác theo lời khuyên của Chúa Giê-su, chúng ta hành động hòa hợp với tinh thần nằm sau “Luật pháp” (Sáng-thế Ký đến Phục truyền luật-lệ Ký) và “sách của các tiên tri” (sách tiên tri trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ). Những sách này cho thấy rõ là Đức Chúa Trời ban phước cho những người thể hiện tình yêu thương với người khác. Chẳng hạn, qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán: “Hãy giữ điều chánh-trực, và làm sự công-bình... Phước thay cho người làm điều đó” (Ê-sai 56:1, 2). Quả thật, chúng ta được ban phước vì yêu thương và làm điều công bình với người lân cận.

8. Tại sao chúng ta nên yêu kẻ thù, và điều gì có thể xảy ra nếu làm thế?

8 Yêu kẻ thù. Chúa Giê-su nói: “Anh em có nghe lời truyền dạy rằng: ‘Ngươi phải yêu người lân cận nhưng hãy ghét kẻ thù mình’. Song tôi nói với anh em: Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những  người ngược đãi mình, hầu anh em trở nên con của Cha trên trời” (Mat 5:43-45). Sứ đồ Phao-lô nêu lên điểm tương tự khi viết: “Nếu kẻ thù ngươi đói, hãy cho ăn; nếu khát, hãy cho uống” (Rô 12:20; Châm 25:21). Theo Luật pháp Môi-se, một người phải giúp kẻ thù cứu con vật bị quỵ xuống vì chở nặng (Xuất 23:5). Khi cùng làm như thế, kẻ thù trước kia có lẽ trở thành bạn tốt. Vì tín đồ đạo Đấng Ki-tô thể hiện tình yêu thương nên nhiều kẻ thù trở nên có thiện cảm với chúng ta. Nếu thể hiện tình yêu thương với kẻ thù—dù là những kẻ bắt bớ điên cuồng—chúng ta hạnh phúc biết bao nếu vài người trong số đó chấp nhận sự thờ phượng thật!

9. Chúa Giê-su nói điều gì về việc làm hòa với anh em?

9 “Hãy gắng sức hòa thuận với mọi người” (Hê 12:14). Dĩ nhiên, điều này bao hàm anh em chúng ta, vì Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em mang lễ vật đến bàn thờ tế lễ nhưng chợt nhớ một người anh em có điều gì bất bình với mình, thì hãy để lễ vật nơi bàn thờ và đi làm hòa với người đó trước, rồi mới trở lại dâng lễ vật” (Mat 5:23, 24). Đức Chúa Trời sẽ ban phước khi chúng ta yêu thương anh em và nhanh chóng hành động để làm hòa với người đó.

10. Tại sao chúng ta không nên “vạch lá tìm sâu”?

10 “Đừng vạch lá tìm sâu”. Chúa Giê-su nói: “Đừng xét đoán người khác nữa, để anh em không bị xét đoán; vì anh em xét đoán người ta thế nào thì cũng sẽ bị xét đoán thế ấy, và anh em đối xử với người ta thế nào thì họ cũng sẽ đối xử với anh em thế ấy. Vậy, sao lại nhìn cọng rơm trong mắt anh em mình mà không nghĩ đến cây đà trong mắt mình? Hoặc làm sao anh có thể nói với anh em mình rằng: ‘Hãy để tôi lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh’, trong khi có cả một cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình trước, rồi mới thấy rõ cách để lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh em mình” (Mat 7:1-5). Quả là cách mạnh mẽ để cho chúng ta biết là đừng nên chỉ trích những lỗi nhỏ của người khác, trong khi có lẽ chính mình lại có các lỗi rất lớn!

CÁCH ĐẶC BIỆT ĐỂ BIỂU LỘ TÌNH YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN

11, 12. Chúng ta biểu lộ tình yêu thương với người lân cận qua cách đặc biệt nào?

11 Chúng ta muốn biểu lộ tình yêu thương người lân cận qua một cách đặc  biệt. Như Chúa Giê-su, chúng ta rao giảng tin mừng về Nước Trời (Lu 8:1). Chúa Giê-su giao cho các môn đồ sứ mệnh “dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ” (Mat 28:19, 20). Khi chu toàn sứ mạng này, chúng ta cố gắng giúp người lân cận rời bỏ con đường rộng thênh thang dẫn đến sự hủy diệt để bước vào đường chật dẫn đến sự sống (Mat 7:13, 14). Chắc chắn Đức Giê-hô-va ban phước cho chúng ta vì đã nỗ lực để làm thế.

12 Như Chúa Giê-su, chúng ta giúp người ta nhận biết họ cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời (Mat 5:3). Trong trường hợp những ai hưởng ứng tích cực, chúng ta góp phần thỏa mãn nhu cầu ấy qua việc chia sẻ với họ “tin mừng của Đức Chúa Trời” (Rô 1:1). Những ai chấp nhận thông điệp Nước Trời sẽ được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Ki-tô (2 Cô 5:18, 19). Thế nên, việc rao giảng tin mừng quả thật là cách quan trọng để biểu lộ tình yêu thương với người lân cận.

13. Bạn cảm thấy thế nào về việc tham gia hoạt động là làm người công bố về Nước Trời?

13 Khi hữu hiệu trong việc viếng thăm và học hỏi Kinh Thánh tại nhà, chúng ta thỏa nguyện trong việc giúp người ta làm theo tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời. Điều này có lẽ mang đến sự thay đổi đáng kể trong đời sống của một học viên Kinh Thánh (1 Cô 6:9-11). Thật ấm lòng khi chứng kiến cách Đức Chúa Trời giúp những ai “có thái độ đúng để hưởng sự sống vĩnh cửu” thực hiện những thay đổi cần thiết và bước vào mối quan hệ mật thiết với ngài (Công 13:48). Trong trường hợp của nhiều người, niềm vui đã thay thế nỗi tuyệt vọng, lòng tin cậy Cha trên trời đã thay thế nỗi lo lắng thái quá. Thật vui biết bao khi thấy những người đang tìm hiểu Kinh Thánh có sự tiến bộ về thiêng liêng! Quả là ân phước khi thể hiện tình yêu thương với người lân cận qua cách đặc biệt là làm người công bố về Nước Trời! Bạn có đồng ý không?

PHAO-LÔ MÔ TẢ TÌNH YÊU THƯƠNG

14. Bằng lời lẽ riêng, hãy đề cập đến một vài khía cạnh của tình yêu thương nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8.

14 Khi đối xử với người lân cận, việc áp dụng điều Phao-lô viết về tình yêu thương có thể giúp chúng ta tránh nhiều vấn đề, mang lại hạnh phúc và nhận được ân phước của Đức Chúa Trời. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4-8). Chúng ta hãy xem qua lời của Phao-lô nói về tình yêu thương và xem làm sao chúng ta có thể áp dụng lời ông trong mối quan hệ với người lân cận.

15. (a) Tại sao chúng ta nên kiên nhẫn và tử tế? (b) Vì sao chúng ta cần tránh ghen tị và khoe khoang?

15 “Tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế”. Như Đức Chúa Trời đã kiên nhẫn và tử tế khi đối xử với con người bất toàn, chúng ta phải kiên nhẫn và tử tế khi người khác phạm lỗi và thiếu suy xét, ngay cả thô lỗ. “Tình yêu thương thì không ghen tị”, nên tình yêu thương chân thật sẽ không cho phép chúng ta tham muốn những gì thuộc về người khác hoặc các đặc ân của họ trong hội thánh. Hơn nữa, nếu yêu thương, chúng ta sẽ không khoe khoang hoặc tự cao. Suy cho cùng, “mặt tự cao, lòng kiêu-ngạo, và ngọn đèn của kẻ ác, đều là tội-lỗi”.—Châm 21:4.

16, 17. Làm sao chúng ta có thể hành động hòa hợp với 1 Cô-rinh-tô 13:5, 6?

16 Tình yêu thương sẽ thôi thúc chúng ta cư xử đúng đắn với người lân cận. Chúng ta sẽ không nói dối, không ăn cắp hoặc làm bất cứ điều gì vi phạm nguyên tắc và luật pháp của Đức Giê-hô-va. Tình yêu thương thôi thúc chúng ta đừng chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, mà cũng quan tâm đến lợi ích của người khác.—Phi-líp 2:4.

17 Tình yêu thương chân thật không dễ nổi giận và “không ghi nhớ điều gây tổn thương”, như thể chúng ta đang ghi vào sổ nợ khi người khác làm điều gì đó thiếu tình yêu thương (1 Tê 5:15). Nếu nuôi lòng  oán giận, chúng ta sẽ không làm Đức Chúa Trời vui lòng, điều này giống như việc giữ ngọn lửa cháy âm ỉ thì có ngày nó cháy bùng lên, gây hại cho chúng ta và người khác (Lê 19:18). Tình yêu thương khiến chúng ta vui mừng trước sự thật, nhưng sẽ không cho phép chúng ta “vui mừng trước sự bất chính”, dù người ghét chúng ta bị ngược đãi hoặc chịu sự bất công.—Đọc Châm-ngôn 24:17, 18.

18. Chúng ta học được gì về tình yêu thương được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 13:7, 8?

18 Hãy xem Phao-lô giải thích thêm về tình yêu thương. Ông nói tình yêu thương “dung thứ mọi điều”. Nếu một người làm chúng ta khó chịu nhưng xin tha thứ, tình yêu thương thôi thúc chúng ta tha thứ cho người đó. Tình yêu thương “tin mọi điều” trong Lời Đức Chúa Trời và làm chúng ta biết ơn về thức ăn thiêng liêng mình nhận được. Tình yêu thương “hy vọng mọi điều” được ghi lại trong Kinh Thánh và thôi thúc chúng ta cho người khác biết niềm hy vọng của mình (1 Phi 3:15). Chúng ta cũng cầu nguyện và hy vọng vào kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh khó khăn. Tình yêu thương “chịu đựng mọi điều”, dù người khác phạm lỗi với chúng ta, hoặc sự bắt bớ và những thử thách khác. Hơn nữa, “tình yêu thương tồn tại mãi”. Nhân loại biết vâng lời sẽ thể hiện đặc tính này mãi mãi.

TIẾP TỤC YÊU NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH

19, 20. Lời khuyên nào của Kinh Thánh nên thôi thúc chúng ta tiếp tục thể hiện tình yêu thương với người lân cận?

19 Qua việc áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh, chúng ta có thể tiếp tục thể hiện tình yêu thương với người lân cận. Chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người, không chỉ dành cho những người có gốc gác giống mình. Chúng ta cũng nên nhớ là Chúa Giê-su nói: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (Mat 22:39). Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải yêu người lân cận. Nếu không biết chắc mình nên làm gì trong trường hợp nào đó liên quan đến người lân cận, chúng ta hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời để được hướng dẫn qua thần khí. Nếu làm thế, chúng ta sẽ nhận ân phước của Đức Giê-hô-va và điều này giúp chúng ta hành động cách yêu thương.—Rô 8:26, 27.

20 Mệnh lệnh yêu người lân cận như chính mình được gọi là “điều luật cao trọng” (Gia 2:8). Sau khi đề cập đến một số điều răn trong Luật pháp Môi-se, Phao-lô cho biết: “Mọi điều răn khác, đều tóm gọn trong câu này: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’. Tình yêu thương không làm ác cho người lân cận; thế nên, tình yêu thương làm trọn Luật pháp” (Rô 13:8-10). Vậy, chúng ta cần tiếp tục thể hiện tình yêu thương với người lân cận.

21, 22. Tại sao chúng ta nên yêu Đức Chúa Trời và người lân cận?

21 Khi suy ngẫm lý do chúng ta nên thể hiện tình yêu thương với người lân cận, thật tốt để suy ngẫm lời của Chúa Giê-su nói Cha ngài “làm mặt trời mọc lên soi sáng người ác lẫn người hiền và làm mưa cho người công chính lẫn người tội lỗi” (Mat 5:43-45). Chúng ta cần thể hiện tình yêu thương với người lân cận, dù người ấy công chính hay người tội lỗi. Như được đề cập trước đó, một cách quan trọng để thể hiện tình yêu thương như thế là chia sẻ thông điệp Nước Trời với người ấy. Nếu hưởng ứng tin mừng với lòng biết ơn chân thành thì người lân cận của chúng ta sẽ nhận nhiều ân phước biết bao!

22 Chúng ta có nhiều lý do để yêu thương Đức Giê-hô-va với tất cả những gì mình có. Cũng có vô số cách để chúng ta thể hiện tình yêu thương với người lân cận. Qua việc yêu Đức Chúa Trời và người lân cận, chúng ta đang tỏ lòng tôn trọng trước điều Chúa Giê-su nói về các vấn đề quan trọng này. Trên hết, chúng ta đang làm vui lòng Cha yêu thương trên trời, Đức Giê-hô-va.