Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời của bạn—Vừa “Có” vừa “Không”

Lời của bạn—Vừa “Có” vừa “Không”

Hãy xem tình huống này: Một trưởng lão là thành viên của Ủy ban Liên lạc Bệnh viện. Anh đã hẹn đi rao giảng chung với một anh trẻ vào sáng chủ nhật. Sáng hôm đó, anh trưởng lão nhận được một cuộc điện thoại từ một anh có vợ vừa bị tai nạn xe hơi và được đưa vào viện cấp cứu. Anh ấy nhờ anh trưởng lão tìm một bác sĩ hợp tác trong vấn đề máu. Vì thế, anh trưởng lão hủy cuộc hẹn đi rao giảng để giúp đỡ một gia đình gặp chuyện khẩn cấp.

Hãy xem một tình huống khác: Một người mẹ đơn thân có hai con. Một cặp vợ chồng trong hội thánh mời gia đình chị đến nhà họ vào một buổi tối. Khi chị nói với các con về điều này, chúng rất phấn khởi. Chúng háo hức trông mong buổi tối hôm đó. Thế nhưng trước đó một ngày, cặp vợ chồng nói với người mẹ rằng có một việc đột xuất nên họ phải hủy lời mời. Sau đó, người mẹ biết được lý do cặp vợ chồng ấy hủy lời mời. Sau khi mời chị, cặp vợ chồng được một số người bạn mời đến nhà vào cùng buổi tối hôm đó, và họ đã nhận lời.

Dĩ nhiên, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta nên giữ lời. Chúng ta không bao giờ nên hành động như thể mình “vừa nói ‘Có’, vừa nói ‘Không’” (2 Cô 1:18). Tuy nhiên, hai tình huống trên cho thấy không phải mọi trường hợp đều giống nhau. Đôi khi, dường như chúng ta chỉ có một lựa chọn là hủy điều mình đã sắp đặt. Sứ đồ Phao-lô từng ở trong hoàn cảnh như thế.

PHAO-LÔ BỊ CÁO BUỘC LÀ NGƯỜI KHÔNG KIÊN ĐỊNH

Năm 55 CN, khi đang ở Ê-phê-sô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba, Phao-lô dự định đi qua biển Aegean để đến Cô-rinh-tô và từ đó đi đến Ma-xê-đô-ni-a. Trên đường trở lại Giê-ru-sa-lem, ông lên kế hoạch thăm hội thánh Cô-rinh-tô lần thứ nhì, hình như để mang quà đóng góp của họ đến cho anh em ở Giê-ru-sa-lem (1 Cô 16:3). Điều này được thấy rõ nơi 2 Cô-rinh-tô 1:15, 16: “Với niềm tin chắc đó nên trước đây tôi định đến với anh em lần thứ nhì để anh em vui mừng lần nữa. Tôi dự định ghé thăm anh em rồi đi Ma-xê-đô-ni-a, và từ Ma-xê-đô-ni-a trở lại với anh em, sau đó được anh em tiễn một đoạn đến xứ Giu-đa”.

Hình như trong một lá thư trước, Phao-lô đã cho anh em ở Cô-rinh-tô biết kế hoạch của ông (1 Cô 5:9). Tuy nhiên, không lâu sau khi viết lá thư đó, qua người nhà của Cơ-lô-ê,  Phao-lô nghe tin có sự bất hòa nghiêm trọng xảy ra trong hội thánh Cô-rinh-tô (1 Cô 1:10, 11). Phao-lô đã quyết định thay đổi kế hoạch, và ông viết lá thư mà hiện nay là 1 Cô-rinh-tô. Trong thư, Phao-lô đã yêu thương khuyên bảo và chỉnh sửa anh em ở đó. Ông cũng đề cập đến việc ông thay đổi lộ trình và cho biết ông sẽ đến Ma-xê-đô-ni-a trước, rồi sau đó mới đến Cô-rinh-tô.—1 Cô 16:5, 6. *

Dường như khi anh em ở Cô-rinh-tô nhận được thư của ông, một số “sứ đồ siêu đẳng” trong hội thánh đã cáo buộc ông là người không kiên định, tức không giữ lời. Khi biện hộ cho mình, Phao-lô hỏi: “Khi tôi đã có ý định như vậy thì không thể xem nhẹ, phải không? Hay tôi dự tính theo như cách của loài người, đó là nói ‘Có có’, rồi sau lại bảo ‘Không không’?”.—2 Cô 1:17; 11:5.

Có lẽ chúng ta thắc mắc trong hoàn cảnh này, có phải sứ đồ Phao-lô thật sự “xem nhẹ” vấn đề không? Tuyệt nhiên không. Từ được dịch là “xem nhẹ” mang nghĩa không kiên định, như thể một người không đáng tin cậy, không giữ lời. Câu hỏi của Phao-lô “hay tôi dự tính theo như cách của loài người?” hẳn làm các tín đồ ở Cô-rinh-tô hiểu rằng việc Phao-lô quyết định thay đổi kế hoạch không phải vì ông là người không đáng tin cậy.

Phao-lô thẳng thắn bác bỏ lời cáo buộc khi viết: “Như Đức Chúa Trời là đấng đáng tin cậy, chúng tôi cũng không thể vừa nói ‘Có’, vừa nói ‘Không’ với anh em” (2 Cô 1:18). Chắc chắn Phao-lô thay đổi sự sắp đặt vì nghĩ đến lợi ích của các anh chị ở Cô-rinh-tô. Nơi 2 Cô-rinh-tô 1:23, chúng ta biết ông thay đổi lịch trình ban đầu vì ‘không muốn họ buồn hơn’. Thật vậy, Phao-lô đã cho họ cơ hội để điều chỉnh vấn đề trước khi ông đến gặp họ. Như điều Phao-lô đã mong, khi đang ở Ma-xê-đô-ni-a, ông nhận được tin từ Tít rằng lá thư của ông quả đã khiến anh em ở Cô-rinh-tô buồn rầu và ăn năn, tin này làm ông rất đỗi vui mừng.—2 Cô 6:11; 7:5-7.

NÓI “A-MEN” VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Lời cáo buộc Phao-lô là người không kiên định có thể ám chỉ rằng ông không đáng tin cậy trong đời sống thường ngày và trong thánh chức. Tuy nhiên, Phao-lô nhắc anh em ở Cô-rinh-tô rằng ông đã rao giảng về Chúa Giê-su cho họ. Ông nói: “Con Đức Chúa Trời, tức Đấng Ki-tô Giê-su mà tôi cùng Sin-vanh và Ti-mô-thê đã rao giảng cho anh em, chẳng phải là ‘Có’ rồi lại ‘Không’, nhưng trong trường hợp của ngài thì ‘Có’ là ‘Có’” (2 Cô 1:19). Có phải gương mẫu của Phao-lô, là Chúa Giê-su Ki-tô, không hề đáng tin cậy? Không phải! Trong suốt đời sống và thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su luôn nói sự thật (Giăng 14:6; 18:37). Nếu thông điệp Chúa Giê-su rao giảng hoàn toàn là sự thật, đáng tin cậy và Phao-lô rao giảng cùng thông điệp ấy, thì việc rao giảng của sứ đồ này cũng đáng tin cậy.

Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân-thật” (Thi 31:5). Chúng ta thấy điều này qua những lời tiếp theo của Phao-lô: “Dù các lời hứa của Đức Chúa Trời nhiều bao nhiêu thì tất cả đều trở thành ‘Có’ qua đấng ấy”. Phao-lô nói thêm: “Thế nên, cũng qua đấng ấy [Chúa Giê-su] mà chúng ta nói ‘A-men’ với Đức Chúa Trời, hầu mang lại vinh hiển cho ngài” (2 Cô 1:20). Chính Chúa Giê-su là sự bảo đảm, hay đấng “A-men”, nghĩa là qua ngài, mọi lời Đức Giê-hô-va hứa sẽ thành hiện thực.

Như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su luôn nói sự thật, Phao-lô cũng luôn nói những lời chân thật (2 Cô 1:19). Ông không phải  là người không kiên định, người hứa “như cách của loài người” (2 Cô 1:17). Thay vì thế, ông “bước theo sự hướng dẫn của thần khí” (Ga 5:16). Khi đối xử với người khác, ông luôn nghĩ đến lợi ích của họ. Ông nói “Có” nghĩa là “Có”!

BẠN NÓI “CÓ” NGHĨA LÀ “CÓ”?

Ngày nay, nhiều người không sống theo nguyên tắc Kinh Thánh thường hứa rồi thất hứa vì một vấn đề nhỏ phát sinh hoặc một lời mời hấp dẫn hơn. Trong lĩnh vực kinh doanh, người ta nói “có” không có nghĩa là “có” ngay cả khi thỏa thuận đã được ký kết. Nhiều người không còn xem hôn nhân là cam kết lâu dài. Thay vì thế, tỉ lệ ly dị tăng vọt cho thấy nhiều người xem hôn nhân là mối quan hệ có thể dễ dàng hủy bỏ.—2 Ti 3:1, 2.

Còn bạn thì sao? Bạn có nói “Có” nghĩa là “Có” không? Đành rằng, như xem xét ở đầu bài, có những trường hợp bạn phải hủy cuộc hẹn, không phải vì bạn là người không kiên định, nhưng vì những điều bất ngờ xảy ra, ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nhưng nếu bạn là một tín đồ và đã hứa hay cam kết một điều, thì bạn nên cố gắng hết sức để giữ lời (Thi 15:4; Mat 5:37). Khi làm thế, bạn sẽ được biết đến là người đáng tin cậy, một người giữ chữ tín và luôn nói thật (Ê-phê 4:15, 25; Gia 5:12). Khi người ta thấy bạn đáng tin cậy trong các vấn đề thường ngày, có thể họ sẵn sàng lắng nghe hơn khi bạn chia sẻ sự thật về Nước Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng hết sức để lời nói “Có” của chúng ta thật sự nghĩa là “Có”!

^ đ. 7 Không lâu sau khi viết sách 1 Cô-rinh-tô, Phao-lô đã đến Trô-ách, rồi đến Ma-xê-đô-ni-a, nơi ông viết sách 2 Cô-rinh-tô (2 Cô 2:12; 7:5). Sau đó, ông đến thăm Cô-rinh-tô.