Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Can đảm đương đầu với nghịch cảnh

Can đảm đương đầu với nghịch cảnh

“Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân”.—THI 46:1.

1, 2. Nhiều người ngày nay phải đối mặt với những vấn đề nào? Tôi tớ của Đức Chúa Trời muốn làm gì?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn. Hàng loạt thảm họa xảy ra trên thế giới. Động đất, sóng thần, hỏa hoạn, lũ lụt, núi lửa phun và các trận cuồng phong gây thiệt hại nặng nề cho nhân loại. Hơn nữa, những vấn đề trong gia đình và vấn đề cá nhân gây nhiều lo lắng và buồn rầu. Quả đúng như lời Kinh Thánh nói: “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”.—Truyền 9:11, NW.

2 Tôi tớ của Đức Chúa Trời nói chung đã đối phó thành công với những hoàn cảnh như thế. Dù vậy, chúng ta muốn chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với bất cứ khó khăn nào mình có thể gặp trong những ngày sau cùng này. Làm sao chúng ta có thể đối phó với những khó khăn ấy và không bị sờn lòng? Điều gì sẽ giúp chúng ta can đảm đương đầu với nghịch cảnh?

HỌC TỪ NHỮNG GƯƠNG CAN ĐẢM

3. Theo Rô-ma 15:4, điều gì an ủi chúng ta khi đương đầu với những vấn đề gây lo lắng?

3 Dù hoàn cảnh khó khăn hiện nay ảnh hưởng đến nhiều người hơn bao giờ hết, nhưng những vấn đề gây lo lắng không phải là điều mới lạ đối với nhân loại. Hãy xem gương của một số tôi tớ Đức Chúa Trời, những người can đảm đối phó với khó khăn và đã thành công. Từ đó, chúng ta có thể rút ra bài học cho bản thân.—Rô 15:4.

4. Đa-vít đã gặp những thảm kịch nào, và điều gì đã giúp ông?

4 Hãy xem trường hợp của Đa-vít. Ông bị vua Sau-lơ thù ghét. Kẻ thù tấn công ông và có lần bắt những người vợ của ông. Ông bị bạn bè và người thân phản bội. Ngoài ra, ông còn chịu nỗi đau về mặt cảm xúc (1 Sa 18:8, 9; 30:1-5; 2 Sa 17:1-3; 24:15, 17; Thi 38:4-8). Lời tường thuật của Kinh Thánh về cuộc đời Đa-vít cho thấy những thảm kịch ấy đã gây cho ông biết bao đau khổ. Dù vậy, ông không bao giờ mất đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Đức Giê-hô-va là đồn-lũy của mạng-sống tôi: Tôi sẽ hãi-hùng ai?”.—Thi 27:1; đọc Thi-thiên 27: 5, 10.

5. Điều gì đã giúp Áp-ra-ham và Sa-ra đương đầu với gian nan thử thách?

5 Gần suốt cuộc đời, Áp-ra-ham và Sa-ra đã sống trong lều với tư cách là người ngoại quốc nơi đất khách quê người. Đời sống của họ không luôn thuận buồm xuôi gió. Họ phải đối phó với những vấn đề như nạn đói kém và những mối nguy hiểm đến từ các dân xung quanh (Sáng 12:10; 14:14-16). Điều gì đã giúp họ chịu đựng? Lời Đức Chúa Trời cho biết Áp-ra-ham đã “chờ đợi một thành có nền móng thật, mà Đức Chúa Trời chính là đấng thiết kế và xây dựng” (Hê 11:8-10). Áp-ra-ham và Sa-ra luôn chú tâm vào những điều phía trước, không để những gian khổ làm mình nản chí.

6. Chúng ta có thể noi gương của Gióp như thế nào?

6 Gióp đã phải chịu áp lực cùng cực. Hãy tưởng tượng ông cảm thấy thế nào khi mọi chuyện trong đời ông dường như đổ bể (Gióp 3:3, 11). Hơn nữa, ông không hiểu rõ tại sao những thảm kịch lại xảy đến với ông. Dù vậy, ông vẫn không bỏ cuộc. Ông giữ vững lòng trung kiên và đức tin nơi Đức Chúa Trời. (Đọc Gióp 27:5). Thật là một gương mẫu tốt để chúng ta noi theo!

7. Phao-lô đã trải qua những thử thách nào trong cuộc đời phụng sự Đức Chúa Trời? Ông đã can đảm bước tiếp nhờ nhận ra điều gì?

7 Chúng ta cũng hãy xem xét gương của sứ đồ Phao-lô. Ông đã phải đối phó với những ‘nguy hiểm trong thành, trong hoang mạc và trên biển cả’. Ông chịu ‘đói khát, thiếu mặc và lạnh lẽo’. Phao-lô còn trải qua “một ngày một đêm lênh đênh trên biển khơi”, có lẽ là vào một trong những lần ông bị đắm tàu (2 Cô 11:23-27). Bất chấp những thử thách ấy, Phao-lô vẫn giữ thái độ tích cực. Chẳng hạn, sau một lần thoát chết, ông nói: “Điều đó xảy ra để chúng tôi không tin cậy vào chính mình mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời, đấng làm người chết sống lại. Ngài đã giải cứu chúng tôi khỏi tình cảnh nguy hiểm ấy, và chúng tôi tin chắc nơi ngài rằng ngài sẽ tiếp tục giải cứu chúng tôi” (2 Cô 1:8-10). Ít ai từng trải qua hàng loạt thử thách như Phao-lô, nhưng nhiều người trong chúng ta có lúc cũng hiểu được cảm xúc của Phao-lô và được an ủi nhờ gương can đảm của ông.

ĐỪNG SỜN LÒNG KHI GẶP NGHỊCH CẢNH!

8. Một số vấn đề ngày nay có thể tác động đến chúng ta như thế nào? Hãy cho ví dụ.

8 Trước những thảm họa, khó khăn và áp lực trong thế giới ngày nay, nhiều người cảm thấy không còn sức chịu đựng. Ngay cả một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng cảm thấy như thế. Chẳng hạn, trường hợp của chị Lani *. Khi đang phụng sự trọn thời gian cùng chồng ở Úc, chị được chẩn đoán là bị ung thư. Chị cảm thấy như sét đánh ngang tai. Chị cho biết việc điều trị làm chị rất ốm yếu và suy sụp tinh thần. Không những thế, chị còn phải chăm sóc chồng vì anh vừa trải qua một ca phẫu thuật cột sống. Nếu ở trong hoàn cảnh tương tự, chúng ta có thể làm gì?

9, 10. (a) Chúng ta đừng để cho Sa-tan làm gì? (b) Công vụ 14:22 cho biết thực tế nào, và điều gì có thể giúp chúng ta đối phó thành công?

9 Hãy nhớ là Sa-tan muốn dùng thử thách để làm chúng ta suy yếu đức tin và mất niềm vui. Đừng để cho hắn làm thế. Châm-ngôn 24:10 nhắc nhở rằng nếu bị sờn lòng trước thử thách thì chúng ta sẽ không còn sức để chịu đựng. Việc suy ngẫm về các gương trong Kinh Thánh, chẳng hạn như các gương được nêu ở trên, có thể giúp chúng ta giữ vững tinh thần và can đảm đương đầu với nghịch cảnh.

10 Hơn nữa, hãy nhớ rằng không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều phải đương đầu với vấn đề trong đời sống (2 Ti 3:12). Công vụ 14:22 cho biết: “Chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Đức Chúa Trời”. Vậy, thay vì buồn nản, hãy xem thử thách là cơ hội để chứng tỏ mình tin cậy nơi sự trợ giúp của Đức Chúa Trời.

11. Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị sờn lòng khi gặp nghịch cảnh?

11 Chúng ta cần tập trung vào những điều tích cực. Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Lòng khoái-lạc làm cho mặt mày vui-vẻ; nhưng tại lòng buồn-bã trí bèn bị nao-sờn” (Châm 15:13). Từ lâu, các nhà nghiên cứu về y khoa đã ghi nhận tác dụng có lợi của suy nghĩ tích cực trong việc trị bệnh. Nhiều bệnh nhân được chỉ định uống giả dược đã có kết quả khả quan chỉ vì họ tin mình đang được giúp đỡ. Hiện tượng này được gọi là tác động placebo. Ngược lại, một hiện tượng khác cũng được chứng minh, gọi là tác động nocebo. Sức khỏe của người bệnh bị suy sụp chỉ vì họ được cho biết là loại thuốc họ dùng có tác dụng phụ. Tương tự, cứ nghĩ mãi đến những vấn đề mà mình không thể thay đổi chỉ làm chúng ta kiệt sức. Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài cho chúng ta sự giúp đỡ thật, chứ không phải giả dược. Ngay cả trong nghịch cảnh, chúng ta cũng nhận được sự khích lệ qua Lời ngài, sự trợ giúp của anh em đồng đạo và sự tiếp sức của thần khí. Tập trung vào những điều này sẽ giúp chúng ta lên tinh thần. Thay vì nghĩ mãi đến các vấn đề tiêu cực, hãy làm các bước thực tế để đối phó với mỗi vấn đề, và tập trung vào những khía cạnh tích cực trong đời sống.—Châm 17:22.

12, 13. (a) Điều gì đã giúp các tôi tớ của Đức Chúa Trời chịu đựng khi gặp thảm họa? Hãy cho ví dụ. (b) Làm sao thảm họa giúp chúng ta nhận ra điều quan trọng nhất trong đời sống?

12 Gần đây, một số quốc gia đã gánh chịu những thảm họa nặng nề. Nhiều anh chị sống trong những nước ấy đã thể hiện tính chịu đựng đáng nể, dù điều đó không dễ chút nào. Đầu năm 2010, một trận động đất lớn và sóng thần xảy ra ở Chile đã cướp đi nhiều căn nhà và tài sản của anh em chúng ta, một số anh chị còn mất kế sinh nhai. Bất chấp những thiệt hại ấy, các anh chị vẫn duy trì các hoạt động về thiêng liêng. Anh Samuel, người bị mất nhà cửa, nói: “Ngay cả trong tình cảnh vô cùng khó khăn ấy, vợ chồng tôi không bao giờ ngưng đi nhóm họp và rao giảng. Tôi tin rằng những hoạt động ấy đã giúp chúng tôi không nản lòng”. Dù trong thảm họa, vợ chồng anh Samuel cùng các anh chị khác không chùn bước mà tiếp tục sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va.

13 Tháng 9 năm 2009, hơn 80% diện tích của thành phố Manila, Philippines, bị ngập lụt do những trận mưa như thác lũ. Một người đàn ông giàu có, bị mất mát nhiều, nói: “Trận lũ lụt đã tạo sự bình đẳng, dù giàu hay nghèo thì đều chịu mất mát và đau khổ”. Nhận xét ấy làm chúng ta nhớ đến lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giê-su: “Hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có sâu bọ, gỉ sét làm hư hại và kẻ trộm không thể vào lấy” (Mat 6:20). Thật vậy, gây dựng cuộc sống xoay quanh của cải vật chất, là những thứ có thể tiêu tan nhanh chóng, thường dẫn đến thất vọng. Thật khôn ngoan hơn biết bao nếu chúng ta tập trung vào việc củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, là điều không gì có thể phá hủy!—Đọc Hê-bơ-rơ 13:5, 6.

NHỮNG LÝ DO ĐỂ CAN ĐẢM

14. Chúng ta can đảm vì những lý do nào?

14 Chúa Giê-su cho biết sẽ có những vấn đề xảy ra trong thời kỳ ngài hiện diện, nhưng ngài nói: “Đừng kinh hãi” (Lu 21:9). Với sự trợ giúp của Chúa Giê-su, Vua chúng ta, và Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, chúng ta có mọi lý do để can đảm. Phao-lô làm vững lòng Ti-mô-thê bằng những lời sau: “Đức Chúa Trời đã ban thần khí, không phải thần khí khiến chúng ta hèn nhát mà giúp chúng ta có sức mạnh, tình yêu thương và óc suy xét”.—2 Ti 1:7.

15. Một số tôi tớ Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng tin cậy nơi ngài như thế nào? Làm sao chúng ta có thể can đảm như thế?

15 Hãy xem một số tôi tớ Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng tin chắc của mình như thế nào. Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va là sức-mạnh và là cái khiên của tôi; lòng tôi đã nhờ-cậy nơi Ngài, và tôi được cứu-tiếp; vì vậy, lòng tôi rất mừng-rỡ” (Thi 28:7). Phao-lô bày tỏ niềm tin vững vàng khi nói: “Trong mọi sự đó, chúng ta được toàn thắng nhờ đấng đã yêu thương chúng ta” (Rô 8:37). Khi tai họa sắp ập đến, Chúa Giê-su cho thấy ngài có mối quan hệ bền chặt với Đức Chúa Trời khi nói với các sứ đồ: “Tôi không đơn độc đâu, vì Cha ở cùng tôi” (Giăng 16:32). Rõ ràng, các tôi tớ ấy của Đức Giê-hô-va có sự tin cậy tuyệt đối nơi ngài. Việc vun đắp lòng tin cậy như thế có thể giúp chúng ta can đảm đương đầu với bất cứ nghịch cảnh nào.—Đọc Thi-thiên 46:1-3.

TẬN DỤNG NHỮNG SỰ CUNG CẤP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

16. Tại sao việc học Lời Đức Chúa Trời quan trọng đối với chúng ta?

16 Sự can đảm của chúng ta đến từ lòng tin nơi Đức Giê-hô-va chứ không phải nơi bản thân. Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều điều để giúp chúng ta có sự can đảm, chẳng hạn như Lời của ngài là Kinh Thánh. Khi đều đặn học Kinh Thánh, chúng ta biết Đức Chúa Trời rõ hơn và tập tin cậy nơi ngài. Một chị bị trầm cảm chia sẻ điều đã giúp chị: “Tôi đọc đi đọc lại những đoạn Kinh Thánh mang lại sự an ủi đặc biệt cho tôi”. Chúng ta có làm theo sự chỉ dẫn của tổ chức về việc dành thời gian hằng tuần cho Buổi thờ phượng của gia đình không? Làm những việc trên sẽ giúp chúng ta có thái độ như một người viết Thi-thiên. Ông nói: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”.—Thi 119:97.

17. (a) Sự cung cấp nào có thể giúp chúng ta củng cố lòng can đảm? (b) Các bài tự truyện trong tạp chí đã giúp bạn như thế nào?

17 Đức Giê-hô-va cũng giúp chúng ta củng cố lòng can đảm và lòng tin nơi ngài qua các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Đặc biệt, các bài tự truyện trong tạp chí đã giúp ích nhiều anh chị. Một chị ở châu Á bị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực đã phấn chấn khi đọc tự truyện của một anh từng là giáo sĩ, người đã đối phó thành công với căn bệnh ấy. Chị viết: “Bài đó giúp tôi hiểu vấn đề của mình và mang lại cho tôi niềm hy vọng”.

18. Tại sao chúng ta nên tận dụng đặc ân cầu nguyện?

18 Một điều khác mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta là đặc ân cầu nguyện. Lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sứ đồ Phao-lô cho thấy giá trị của sự cung cấp này khi nói: “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su” (Phi-líp 4:6, 7). Bạn có đang tận dụng sự trợ giúp này để được thêm sức hầu đương đầu với nghịch cảnh không? Một anh ở Anh Quốc là Alex, bị trầm cảm trong một thời gian dài, chia sẻ: ‘Việc trò chuyện với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và lắng nghe ngài qua việc đọc Kinh Thánh là phao cứu sinh của tôi’.

19. Chúng ta nên có quan điểm nào về các buổi nhóm họp?

19 Các buổi nhóm họp cũng là sự trợ giúp cần thiết cho chúng ta. Một người viết Thi-thiên thổ lộ: “Linh-hồn tôi mong-ước đến đỗi hao-mòn về hành-lang của Đức Giê-hô-va” (Thi 84:2). Bạn có cảm thấy như thế không? Chị Lani, người được đề cập ở trên, giải thích tại sao chị luôn cố gắng tham dự đầy đủ các buổi nhóm họp cùng anh em đồng đạo. Chị nói: “Tôi biết là mình cần phải có mặt ở đó nếu muốn được Đức Giê-hô-va giúp đỡ”.

20. Tham gia vào công việc rao giảng giúp chúng ta như thế nào?

20 Lòng can đảm của chúng ta cũng được củng cố qua công việc rao giảng (1 Ti 4:16). Một chị ở Úc, người đã trải qua nhiều vấn đề, tâm sự: “Hồi đó, tôi chẳng muốn đi rao giảng chút nào. Nhưng một trưởng lão đã mời tôi đi rao giảng cùng và tôi đã nhận lời. Hẳn Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ tôi, vì mỗi lần tham gia thánh chức tôi đều cảm thấy rất vui” (Châm 16:20). Nhiều anh chị đã cảm nghiệm rằng khi giúp người khác xây dựng đức tin nơi Đức Giê-hô-va, thì chính đức tin của mình cũng được củng cố. Khi làm thế, họ không nghĩ đến vấn đề của mình mà tiếp tục tập trung vào những điều quan trọng hơn.—Phi-líp 1:10, 11.

21. Chúng ta có thể tin chắc điều gì ngay cả khi đối mặt với thử thách?

21 Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều điều để giúp chúng ta can đảm đương đầu với nghịch cảnh. Nếu tận dụng tất cả sự cung cấp này, đồng thời suy ngẫm và noi theo những gương can đảm của các tôi tớ Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta có thể đối phó thành công với thử thách. Cho dù nhiều vấn đề có thể xảy ra khi càng gần đến ngày thế gian này bị kết liễu, chúng ta có thể có tinh thần như Phao-lô. Ông nói: ‘Chúng tôi bị quật ngã, nhưng không bị diệt mất, chúng tôi không bỏ cuộc’ (2 Cô 4:9, 16). Thật vậy, với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể can đảm đương đầu với nghịch cảnh.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:17, 18.

^ đ. 8 Một số tên đã được thay đổi.