Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Củng cố sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

Củng cố sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

Củng cố sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

Một âm mưu giết người đang được chuẩn bị. Tất cả giới chức cao cấp trong nước cùng bàn bạc với nhau và đề nghị một dự luật mới. Họ muốn lập án tử hình đối với bất cứ người nào theo sự thờ phượng không được Nhà Nước chấp thuận.

ĐIỀU này nghe có vẻ quen thuộc không? Lịch sử đầy dẫy trường hợp những kẻ nấp dưới chiêu bài pháp luật để hại người. Trường hợp trên đã xảy ra tại Cường Quốc Phe-rơ-sơ vào thời nhà tiên tri Đa-ni-ên. Đạo luật do chính vua Đa-ri-út thông qua, ấn định: “Hễ ai cầu-xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì... kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư-tử”.—Đa-ni-ên 6:7-9.

Đa-ni-ên đã làm gì trước sự đe dọa của cái chết? Ông có tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời của ông, Đức Giê-hô-va, hay sẽ nhượng bộ làm theo lệnh vua? Lời tường thuật cho chúng ta biết: “Đa-ni-ên nghe rằng chỉ-dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (những cửa-sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu-nguyện, xưng-tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước”. (Đa-ni-ên 6:10) Phần còn lại của câu chuyện thì ai cũng biết. Đa-ni-ên bị ném vào hang sư tử vì đức tin, nhưng Đức Giê-hô-va đã “bịt mồm sư-tử” và cứu tôi tớ trung thành của Ngài.—Hê-bơ-rơ 11:33; Đa-ni-ên 6:16-22.

Thời gian để tự xem xét

Ngày nay, tôi tớ Đức Giê-hô-va sống trong thế giới thù nghịch, đương đầu với nhiều đe dọa về sự an toàn thiêng liêng và thể chất của họ. Chẳng hạn, nhiều Nhân Chứng bị giết vì kỳ thị chủng tộc dã man ở một số nước. Tại nơi khác, tôi tớ Đức Giê-hô-va đương đầu với tình trạng thiếu lương thực, khó khăn kinh tế, thiên tai, bệnh tật trầm trọng và những tình trạng khác đe dọa tính mạng. Ngoài ra, họ còn phải chịu đựng sự bắt bớ, áp lực nơi làm việc, và nhiều cám dỗ khác làm điều sai lầm, tất cả những điều đó có thể đe dọa sức khỏe thiêng liêng của họ. Quả thật, Kẻ Thù chính là Sa-tan, quyết tâm tiêu diệt tôi tớ Đức Giê-hô-va bằng mọi cách có hiệu quả nhất.—1 Phi-e-rơ 5:8.

Chúng ta có thể làm gì để đương đầu với những tình huống đó? Dù sợ hãi khi mạng sống bị đe dọa là điều tự nhiên, chúng ta có thể nhớ lời trấn an của sứ đồ Phao-lô: “Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu. Như vậy, chúng ta được lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa giúp-đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?” (Hê-bơ-rơ 13:5, 6) Chúng ta có thể tin rằng Đức Giê-hô-va cũng cảm nhận về tôi tớ Ngài ngày nay như vậy. Tuy nhiên, biết lời hứa của Đức Giê-hô-va là một chuyện, nhưng tin rằng Ngài sẽ hành động vì lợi ích chúng ta lại là chuyện khác. Do đó, điều tối quan trọng là chúng ta xem xét nền tảng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và chúng ta làm đủ mọi cách để củng cố và duy trì niềm tin cậy đó. Nếu chúng ta làm điều đó, “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng [của chúng ta] trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:7) Rồi khi gặp những thử thách, chúng ta có thể suy nghĩ rõ ràng và ứng xử khôn ngoan.

Nền tảng cho sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

Chắc chắn chúng ta có nhiều lý do để tin cậy Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đức Giê-hô-va. Lý do trước tiên, Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương, thật sự quan tâm đến tôi tớ Ngài. Không thể kể hết những trường hợp ghi trong Kinh Thánh cho biết về sự quan tâm đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ Ngài. Mô tả việc Đức Giê-hô-va đối xử thế nào với dân tộc được chọn của Ngài, dân Y-sơ-ra-ên, Môi-se viết: “Ngài tìm được người trong một nơi rừng-rú, tại nơi vắng-vẻ, giữa những tiếng hét la của đồng vắng. Ngài bao-phủ người, săn-sóc người, gìn-giữ người như con ngươi của mắt mình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:10) Thời nay, Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục ân cần săn sóc các tôi tớ Ngài, cả nhóm và từng cá nhân. Chẳng hạn, khi một số Nhân Chứng tại Bosnia gặp phải sự thiếu thốn thực phẩm đến mức cùng cực trong thời nội chiến, Đức Giê-hô-va lo sao cho họ nhận được nhu yếu phẩm qua các nỗ lực can đảm của các anh em từ nước Croatia và Áo, các anh em này liều mạng qua được lãnh thổ hết sức nguy hiểm để cứu trợ anh em của họ. *

Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, chắc chắn Ngài có thể che chở các tôi tớ Ngài trong mọi trường hợp. (Ê-sai 33:22; Khải-huyền 4:8) Nhưng ngay cả khi Ngài cho phép một số tôi tớ Ngài tỏ ra trung thành cho đến chết, Ngài vẫn gìn giữ và giúp họ duy trì lòng trung kiên, khiến họ vững lòng, vui mừng và bình tĩnh cho đến cuối cùng. Do đó, chúng ta có thể có cùng niềm tin cậy với người viết Thi-thiên: “Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân. Vì vậy, chúng tôi chẳng sợ dầu đất bị biến-cải, núi lay-động và bị quăng vào lòng biển”.—Thi-thiên 46:1, 2.

Kinh Thánh cũng tiết lộ rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của lẽ thật. Điều này có nghĩa là Ngài luôn luôn làm ứng nghiệm lời Ngài hứa. Thật vậy, Kinh Thánh mô tả Ngài là Đức Chúa Trời “không thể nói dối”. (Tít 1:2) Vì Đức Giê-hô-va luôn bảo đảm là Ngài sẵn sàng che chở và cứu vớt tôi tớ Ngài, chúng ta có thể tuyệt đối tin chắc rằng không những Ngài có thể mà còn sẵn sàng làm tròn lời hứa của Ngài.—Gióp 42:2.

Những cách củng cố sự tin cậy của chúng ta

Mặc dù chúng ta có mọi lý do để tin cậy Đức Giê-hô-va, cũng chớ xem đó là chuyện đương nhiên. Đó là vì thế gian nói chung có ít đức tin nơi Đức Chúa Trời, và một thái độ như thế có thể dễ dàng làm suy yếu niềm tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va. Do đó, chúng ta phải ra sức nỗ lực để củng cố và duy trì niềm tin cậy nơi Ngài. Đức Giê-hô-va hiểu rất rõ điều này, và Ngài cho chúng ta phương cách để thực hiện điều đó.

Trước hết, Ngài cho chúng ta Lời Ngài được viết ra, Kinh Thánh, ghi lại rất nhiều việc phi thường Ngài đã thực hiện vì tôi tớ Ngài. Hãy thử nghĩ, bạn có thể tin cậy một người đến mức độ nào nếu chỉ biết tên người đó? Nếu có, thì có lẽ rất ít. Để tin cậy người đó, bạn cần biết cách cư xử và các hành động của người, phải không? Khi đọc và suy ngẫm về các câu chuyện như thế trong Kinh Thánh, chúng ta hiểu biết sâu sắc về Đức Giê-hô-va và đường lối tuyệt diệu của Ngài khiến chúng ta càng thấy Ngài thật đáng tin cậy biết bao. Do đó, đức tin chúng ta nơi Ngài được củng cố. Người viết Thi-thiên nêu gương tuyệt vời khi ông tỏ lời cầu nguyện tha thiết cùng Đức Chúa Trời: “Tôi sẽ nhắc lại công-việc của Đức Giê-hô-va, nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa; cũng sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”.—Thi-thiên 77:11, 12.

Ngoài Kinh Thánh, chúng ta cũng có nguồn thức ăn thiêng liêng dồi dào trong các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh do tổ chức của Đức Giê-hô-va xuất bản. Thêm vào đó, các ấn phẩm này cũng có các tự truyện cảm động của các tôi tớ Đức Chúa Trời thời nay, cho thấy làm thế nào Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ và cho họ khuây khỏa khi họ gặp tình huống tuyệt vọng. Chẳng hạn, Martin Poetzinger, sau này là thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã ngã bệnh trầm trọng trong khi làm tiên phong ở những vùng của Âu Châu cách xa quê nhà. Anh không có tiền, và cũng chẳng bác sĩ nào sẵn lòng khám bệnh cho anh. Nhưng Đức Giê-hô-va không bỏ rơi anh. Cuối cùng, người ta liên lạc với một chuyên viên thâm niên của bệnh viện địa phương. Là người có đức tin vững mạnh nơi Kinh Thánh, người đàn ông tử tế này chăm sóc anh Poetzinger như con trai mình, ông chữa trị cho anh miễn phí. Đọc những truyện riêng như thế chắc chắn có thể củng cố sự tin cậy của chúng ta nơi Cha trên trời.

Một sự giúp đỡ vô giá khác mà Đức Giê-hô-va cung cấp để củng cố sự tin cậy của chúng ta nơi Ngài là sự cầu nguyện, một đặc ân quý báu. Sứ đồ Phao-lô nói với chúng ta cách yêu thương: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời”. (Phi-líp 4:6) “Mọi sự” có thể bao gồm cảm xúc, nhu cầu, sự sợ hãi và lo lắng của chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta càng thường xuyên và càng sâu xa từ trong lòng, sự tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Khi Chúa Giê-su Christ còn ở trên đất, đôi khi ngài đến nơi vắng vẻ một mình cầu nguyện để không bị quấy rầy. (Ma-thi-ơ 14:23; Mác 1:35) Trước khi quyết định điều gì quan trọng, ngài cầu nguyện Cha ngài ngay cả suốt đêm. (Lu-ca 6:12, 13) Không có gì lạ khi sự tin cậy của Chúa Giê-su nơi Đức Giê-hô-va mạnh đến nỗi ngài có thể chịu đựng thử thách khủng khiếp nhất chưa ai từng chịu nổi. Những lời cuối cùng của ngài trên cây khổ hình là: “Hỡi Cha, tôi giao linh-hồn lại trong tay Cha!” Lời bày tỏ sự tin tưởng đó minh chứng rằng cho đến giờ phút cuối cùng ngài không giảm niềm tin nơi Cha, cho dù Đức Giê-hô-va không can thiệp để cứu ngài.—Lu-ca 23:46.

Một cách khác nữa để xây dựng sự tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va là đều đặn kết hợp với những người hết lòng tin cậy nơi Ngài. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho dân sự Ngài đều đặn nhóm lại để học biết thêm về Ngài và khuyên giục nhau. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Sự kết hợp như thế củng cố lòng tin cậy của họ nơi Đức Giê-hô-va, giúp họ có đủ sức chịu đựng những thử thách nghiêm trọng về đức tin. Trong một nước ở Phi Châu bị cấm rao giảng, Nhân Chứng Giê-hô-va không được cảnh sát che chở, không được cấp giấy thông hành, hôn thú, điều trị tại bệnh viện, và không được có việc làm. Khi nội chiến bùng nổ ở một vùng, 39 thành viên, kể cả trẻ em, của hội thánh gần đó sống khoảng bốn tháng dưới gầm một chiếc cầu thấp trong sa mạc để lánh bom dội xuống thị trấn họ ở. Trong những sự khó khăn cùng cực đó, cuộc thảo luận đoạn Kinh Thánh mỗi ngày và những buổi họp khác cho họ sức mạnh lớn. Do đó, họ có thể chịu đựng thử thách gay go mà vẫn giữ vẹn tình trạng thiêng liêng. Kinh nghiệm này chứng tỏ rõ ràng giá trị sự nhóm họp đều đặn với dân sự Đức Giê-hô-va.

Cuối cùng, để củng cố sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tiếp tục tích cực rao giảng về Nước Trời, luôn luôn sẵn sàng chia sẻ tin mừng với người khác. Điều này được minh chứng bởi kinh nghiệm cảm động của một người công bố trẻ sốt sắng ở Canada bị bệnh bạch cầu vào giai đoạn cuối. Mặc dù bị bệnh ngặt nghèo, em muốn trở thành một tiên phong đều đều, tức người rao giảng trọn thời gian. Khi căn bệnh giảm trong thời gian ngắn, em có đủ sức khỏe để làm tiên phong phụ trợ một tháng. Rồi bệnh tình của em nguy kịch thêm, và em chết vài tháng sau. Tuy nhiên, về mặt thiêng liêng em vững mạnh cho đến cuối cùng, niềm tin cậy của em nơi Đức Giê-hô-va không chút lay chuyển. Mẹ em nhớ lại: “Cho đến cuối cùng, cháu quan tâm đến người khác hơn là đến chính cháu. Cháu thường khuyến khích họ học Kinh Thánh và nói với họ: ‘Chúng ta sẽ gặp lại trong Địa Đàng nhé’ ”.

Chứng tỏ sự tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va

“Xác chẳng có hồn thì chết, đức-tin không có việc làm cũng chết như vậy”. (Gia-cơ 2:26) Điều Gia-cơ nói về đức tin nơi Đức Chúa Trời cũng có thể là nói về sự tin cậy của chúng ta nơi Ngài. Bất luận chúng ta nói chúng ta tin cậy nơi Đức Chúa Trời nhiều đến đâu, nhưng nếu không minh chứng sự tin cậy đó bằng hành động, lời khẳng định của chúng ta hóa ra vô nghĩa. Áp-ra-ham tin tưởng tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va và chứng tỏ sự tin cậy đó qua việc hoàn toàn vâng giữ các mệnh lệnh của Ngài, tới độ ngay cả sẵn sàng hy sinh người con của ông, Y-sác. Vì sự tin cậy và vâng lời xuất sắc như thế, Áp-ra-ham được trở thành bạn của Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 11:8-10, 17-19; Gia-cơ 2:23.

Chúng ta không phải đợi bị thử thách nghiêm trọng rồi mới biểu lộ sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn; ai bất-nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất-nghĩa trong việc lớn”. (Lu-ca 16:10) Chúng ta nên học tin cậy nơi Đức Giê-hô-va trong mọi hoạt động hàng ngày, vâng lời Ngài ngay cả trong những chuyện có vẻ nhỏ nhặt. Khi xem xét những lợi ích có được qua sự vâng lời như thế, sự tin cậy nơi Cha chúng ta trên trời được củng cố, giúp chúng ta có khả năng đương đầu với những thử thách lớn hơn và gay gắt hơn.

Vì thế gian đến gần sự cuối cùng tàn khốc, dân sự của Đức Giê-hô-va chắc chắn phải gặp thêm nhiều thử thách và nguy hiểm. (Công-vụ 14:22; 2 Ti-mô-thê 3:12) Bằng cách xây dựng đức tin vững mạnh và tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va bây giờ, chúng ta có thể trông mong được sống sót để vào thế giới mới đã hứa—hay sống sót qua cơn đại nạn, hoặc được sống lại. (2 Phi-e-rơ 3:13) Mong sao chúng ta không bao giờ để cho sự thiếu tin cậy làm nguy hại đến mối liên hệ quý báu của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Rồi, điều được nói về Đa-ni-ên sau khi ông được cứu khỏi hang sư tử cũng có thể nói về chúng ta: “Người ta không thấy một vết-tích nào trên người, bởi người đã nhờ-cậy Đức Chúa Trời mình”.—Đa-ni-ên 6:23.

[Chú thích]

^ đ. 9 Muốn biết thêm chi tiết, xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 1-11-1994, trang 23-27.

[Hình nơi trang 9]

Đọc các tường thuật về những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, giống như Martin Poetzinger, là điều củng cố đức tin