Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

MỘT CỘT MỐC TRONG LỊCH SỬ THẦN QUYỀN!

Ra mắt Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới trong tiếng Việt

Ra mắt Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới trong tiếng Việt

Ngày 4-2-2017 là một cột mốc trong lịch sử thần quyền: Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới đã được ra mắt trong tiếng Việt.

Bản dịch Thế Giới Mới giờ đây đã có một chỗ đứng bên cạnh các bản Kinh Thánh được những người kính sợ Đức Chúa Trời ở Việt Nam sử dụng lâu nay. Nhưng tại sao lại cần một bản dịch Kinh Thánh khác? Ai phụ trách về bản Kinh Thánh này? Và làm sao bạn có thể biết chắc rằng Bản dịch Thế Giới Mới đáng tin cậy?

Tại sao có quá nhiều bản dịch Kinh Thánh?

Nhiều bản Kinh Thánh mới đã được phát hành trong những năm gần đây. Một số được xuất bản trong những ngôn ngữ lần đầu có Kinh Thánh. Tuy nhiên cũng có những bản Kinh Thánh mới được xuất bản trong những ngôn ngữ đã có sẵn Kinh Thánh. Lý do là gì? Sách Sao quá nhiều ấn bản? (So Many Versions?) của tác giả Sakae Kubo và Walter Specht giải thích: “Không bản dịch Kinh Thánh nào có thể được xem là bản chuẩn cuối cùng. Các bản dịch phải theo kịp đà phát triển trong việc nghiên cứu Kinh Thánh và những thay đổi về ngôn ngữ”.

Những năm gần đây, có sự phát triển đáng kể trong việc hiểu tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram và Hy Lạp, là những ngôn ngữ lúc đầu được dùng để viết Kinh Thánh. Ngoài ra, người ta cũng khám phá thêm những bản chép tay Kinh Thánh có niên đại cổ hơn và chính xác hơn những bản chép tay từng được các thế hệ dịch giả trước đây sử dụng. Vì vậy, giờ đây Lời Đức Chúa Trời có thể được dịch chính xác hơn bao giờ hết!

Ông Declan Hayes, giáo sư ngành Kinh doanh quốc tế, viết: “Kinh Thánh là cuốn sách bán chạy nhất hằng năm”. Dần dần, mong muốn xuất bản một cuốn sách bán chạy đã lấn át mối quan tâm về tính chính xác. Một bản Kinh Thánh đã tự ý xóa những đoạn mà nhà xuất bản xem là “nhàm chán”. Một bản Kinh Thánh khác thay thế những từ hoặc cụm từ có thể gây phản cảm cho độc giả thời hiện đại. Ví dụ, bản đó cố thu hút một nhóm người bằng cách gọi Đức Chúa Trời là “Cha-Mẹ”.

Làm lu mờ danh Đức Chúa Trời

Nhiều bản dịch đã theo một xu hướng đáng buồn liên quan đến danh riêng của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. (Một số học giả dùng “Gia-vê” cho danh Đức Chúa Trời). Trong những bản sao Kinh Thánh cổ xưa, danh Đức Chúa Trời được viết bằng bốn phụ âm Hê-bơ-rơ có thể được chuyển tự là YHWH hoặc JHVH. Danh đặc biệt này xuất hiện gần 7.000 lần chỉ riêng trong phần thường được gọi là Cựu ước (Xuất Ai Cập 3:15; Thi thiên 83:18). Rõ ràng, Đấng Tạo Hóa muốn những người thờ phượng ngài biết và sử dụng danh ấy!

Tuy nhiên, nhiều thế kỷ trước, những nỗi sợ do mê tín đã khiến dân Do Thái ngừng phát âm danh Đức Chúa Trời. Sau này, Ki-tô giáo cũng bị tiêm nhiễm những quan điểm mê tín đó (Công vụ 20:29, 30; 1 Ti-mô-thê 4:1). Việc thay thế danh Đức Chúa Trời bằng tước vị “Chúa” đã trở thành cách làm phổ biến của các dịch giả. Ngày nay, hầu hết các bản Kinh Thánh đã hoàn toàn loại bỏ danh Đức Chúa Trời. Một số bản Kinh Thánh hiện đại thậm chí bỏ từ “danh” trong Giăng 17:6, nơi Chúa Giê-su nói: “Con đã tỏ danh Cha”. Bản Phổ thông dịch câu này là: “Con đã tỏ bày Cha”.

Tại sao lại có tình trạng này? Hãy xem những lời được đăng trong một tờ báo do Liên Hiệp Thánh Kinh Hội xuất bản (Practical Papers for the Bible Translator). Hiệp hội này điều hành việc dịch nhiều bản Kinh Thánh trên khắp thế giới. Một bài trong tờ báo đó cho biết: “Rõ ràng YHWH là một danh riêng, nên trên nguyên tắc, cách hợp lý nhất để dịch là chuyển tự danh này”. Nhưng bài đó nói thêm: “Tuy nhiên, cần phải cân nhắc một số yếu tố thực tế”.

Những “yếu tố thực tế” đó có chính đáng không? Theo tờ báo này, một số học giả lý luận: “Nếu dùng một danh chẳng hạn như Gia-vê thì có thể gây ra sự hiểu lầm,... ám chỉ rằng ‘Gia-vê’ là một thần ngoại giáo, hoặc một thần mới và xa lạ, khác với Đức Chúa Trời mà họ đã biết”. Tuy nhiên, Kinh Thánh nhấn mạnh rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời khác với các thần mà những người không theo Ki-tô giáo thờ phượng!—Ê-sai 43:10-12; 44:8, 9.

Một số học giả nói rằng họ thay thế danh Đức Chúa Trời bằng tước vị “Chúa” chỉ vì làm theo truyền thống. Nhưng Chúa Giê-su lên án việc làm theo những truyền thống gây ô danh Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 15:6). Hơn nữa, ý tưởng thay thế danh bằng tước vị hoàn toàn không có cơ sở dựa trên Kinh Thánh. Chúa Giê-su Ki-tô có nhiều tước vị, chẳng hạn như “Lời của Đức Chúa Trời” và “Vua của các vua” (Khải huyền 19:11-16). Vậy có nên thay thế tên Chúa Giê-su bằng một trong những tước vị đó không?

Một bài khác trong tờ báo đó quả quyết: “Cần cố gắng tránh dùng dạng ‘Giê-hô-va’”. Lý do là gì? “Đa số các học giả cho rằng cách phát âm đúng với nguyên ngữ nhất là ‘Gia-vê’”. Tuy nhiên, cách dùng những tên quen thuộc trong Kinh Thánh chẳng hạn như Ê-sai, Giê-rê-mi và Giê-su cũng khác nhiều với cách phát âm trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ (Yeshaʽ·yaʹhu, Yir·meyahʹ Yehoh·shuʹaʽ). Vì dạng “Giê-hô-va” là cách chính thức của danh Đức Chúa Trời được dùng trong nhiều ngôn ngữ hàng thế kỷ qua, nên việc tránh dùng dạng này là không có cơ sở hợp lý. Thật ra, việc không muốn dùng danh Đức Chúa Trời dường như dựa trên cảm xúc và thành kiến, chứ không có cơ sở học thuật.

Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề học thuật. Ví dụ, một nhà cố vấn của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội ở Ấn Độ đã viết về hậu quả của việc loại bỏ danh Đức Chúa Trời khỏi bản Kinh Thánh từng có danh này. Ông cho biết: “Người theo Ấn Độ giáo không quan tâm đến tước vị của Đức Chúa Trời; họ muốn biết danh riêng của Đức Chúa Trời, nếu không biết danh thì họ không cảm thấy gần gũi với đấng mang danh ấy”. Thật vậy, điều này cũng đúng với tất cả những ai tìm kiếm Đức Chúa Trời. Biết danh Đức Chúa Trời là điều thiết yếu để hiểu về ngài, ngài không phải là một lực vô nhân cách nhưng là đấng mà chúng ta có thể tìm hiểu (Xuất Ai Cập 34:6, 7). Kinh Thánh tuyên bố: “Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13). Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có bổn phận sử dụng danh ngài!

Một bản dịch tôn vinh Đức Chúa Trời

Bản dịch Thế Giới Mới dùng danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va

Năm 1950 là cột mốc quan trọng vì vào năm đó Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) trong tiếng Anh lần đầu tiên được xuất bản. Trong thập kỷ kế tiếp, từng phần của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ thường gọi là Cựu ước được xuất bản dần dần. Vào năm 1961, trọn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Anh được ra mắt. Điều đặc biệt là Bản dịch Thế Giới Mới nhắc đến danh Đức Chúa Trời là “Giê-hô-va” gần 7.000 lần, tại tất cả những chỗ danh này xuất hiện trong Cựu ước. Đáng chú ý là danh Đức Chúa Trời được khôi phục 237 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, hay “Tân ước”.

Việc khôi phục danh Đức Chúa Trời không chỉ tôn vinh Đức Chúa Trời mà còn giúp chúng ta gia tăng sự hiểu biết. Để minh họa, nhiều bản Kinh Thánh dịch Ma-thi-ơ 22:44 là: “Chúa phán cùng Chúa tôi”. Nhưng ai đang nói với ai? Bản dịch Thế Giới Mới dịch Ma-thi-ơ 22:44 như sau: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi”, trích đúng với Thi thiên 110:1. Nhờ đó, người đọc có thể phân biệt rõ ràng giữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con ngài.

Ai phụ trách về bản Kinh Thánh này?

Bản dịch Thế Giới Mới do cơ quan pháp lý đại diện của Nhân Chứng Giê-hô-va là Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society) xuất bản. Trong hơn một trăm năm qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã in ấn và phân phát Kinh Thánh trên khắp thế giới. Một nhóm tín đồ đạo Đấng Ki-tô được gọi là Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã ủy quyền Bản dịch Thế Giới Mới cho tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va. Thay vì tìm kiếm danh vọng cho bản thân, các thành viên của ủy ban này yêu cầu giấu tên, ngay cả sau khi họ qua đời.—1 Cô-rinh-tô 10:31.

Tại sao công trình này được đặt tên là Bản dịch Thế Giới Mới? Lời mở đầu của ấn bản năm 1950 giải thích là tựa đề này phản ánh niềm tin chắc rằng nhân loại đang “ở trước ngưỡng cửa của thế giới mới” được hứa nơi 2 Phi-e-rơ 3:13. Ủy ban này viết rằng trong “thời kỳ chuyển tiếp từ thế giới cũ sang thế giới mới công chính”, điều quan trọng là các bản dịch Kinh Thánh làm cho “chân lý thanh khiết của Lời Đức Chúa Trời” chiếu rạng.

Một bản dịch chính xác

Tính chính xác là điều ưu tiên. Những người dịch bản tiếng Anh đã dịch trực tiếp từ nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, A-ram và Hy Lạp, họ dùng những bản tốt nhất có vào lúc đó. * Họ cẩn thận dịch sát nhất có thể với bản gốc, nhưng bằng ngôn ngữ dễ hiểu cho độc giả thời hiện đại.

Không lạ gì khi một số học giả khen Bản dịch Thế Giới Mới về tính trung thực và chính xác. Giáo sư Benjamin Kedar, một học giả người Hê-bơ-rơ ở Y-sơ-ra-ên, nói vào năm 1989: “Khi nghiên cứu ngôn ngữ liên quan đến Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và các bản dịch, tôi thường tham khảo cuốn gọi là Bản dịch Thế Giới Mới bằng tiếng Anh. Khi làm thế, tôi thấy mình nhiều lần được khẳng định là bản dịch này phản ánh nỗ lực chân thành để hiểu nguyên bản một cách chính xác nhất có thể”.

Dịch sang những ngôn ngữ khác

Thật thích hợp khi Nhân Chứng Giê-hô-va cho dịch Bản dịch Thế Giới Mới sang những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Từng phần hoặc trọn bộ của bản dịch này đã được dịch sang 150 ngôn ngữ. Để giúp công việc dễ dàng hơn, một phương pháp dịch Kinh Thánh đã được thiết lập, kết hợp việc sử dụng công nghệ máy tính với việc nghiên cứu từ ngữ Kinh Thánh. Một ban gọi là Ban Phục vụ Dịch thuật được thành lập để hỗ trợ những người dịch Kinh Thánh. Qua Ủy ban Biên tập, Hội đồng Lãnh đạo giám sát chặt chẽ việc dịch Kinh Thánh. Nhưng công việc này được thực hiện như thế nào?

Trước tiên, một nhóm tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã dâng mình được chọn tham gia nhóm dịch. Kinh nghiệm cho thấy khi những người dịch làm việc chung theo nhóm thay vì độc lập thì bản dịch sẽ thăng bằng và có chất lượng hơn (Châm ngôn 11:14). Thường thì mỗi thành viên trong nhóm đã có kinh nghiệm dịch các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Sau đó nhóm sẽ nhận được sự huấn luyện kỹ càng về những nguyên tắc cơ bản của việc dịch Kinh Thánh và cách dùng các chương trình máy tính đặc biệt.

Nhóm dịch được hướng dẫn để dịch một bản Kinh Thánh chính xác và dễ hiểu cho đa số người. Họ dịch sát nếu có thể nhưng đồng thời không bóp méo ý nghĩa của nguyên bản. Công việc được thực hiện thế nào? Hãy xem xét bản Kinh Thánh vừa ra mắt. Nhóm dịch bắt đầu bằng việc chọn những từ tiếng Việt tương ứng cho tất cả các từ chính trong Kinh Thánh của Bản dịch Thế Giới Mới tiếng Anh. Hệ thống dịch thuật (Watchtower Translation System) trên máy tính hiển thị những từ Kinh Thánh liên quan và đồng nghĩa. Hệ thống này cũng cho thấy từ nguyên ngữ Hy Lạp hoặc Hê-bơ-rơ được dùng để dịch sang tiếng Anh, nhờ đó người dịch có thể nghiên cứu cách những từ Hy Lạp hoặc Hê-bơ-rơ ấy được dịch ở những chỗ khác. Những điều này giúp ích rất nhiều cho việc chọn từ tiếng Việt tương ứng. Một khi nhóm nhất trí về các từ được chọn, họ bắt đầu dịch Kinh Thánh. Họ dùng máy tính để hiển thị các từ tiếng Việt tương ứng khi dịch từng câu.

Tuy nhiên, công việc dịch không đơn thuần là thay thế từ tiếng Anh bằng từ tiếng Việt. Cần nhiều công sức để chắc chắn rằng từ tiếng Việt được chọn truyền đạt đúng ý tưởng của Kinh Thánh trong từng văn cảnh. Cũng cần chú ý đến ngữ pháp sao cho câu dễ đọc và tự nhiên. Khi đọc bản Kinh Thánh này, bạn sẽ thấy rõ công sức được dồn vào dự án ấy. Bản dịch Thế Giới Mới tiếng Việt truyền đạt Lời Đức Chúa Trời theo cách dễ đọc, rõ ràng và dễ hiểu, cũng như trung thành với bản gốc. *

Chúng tôi khuyến khích bạn trực tiếp xem xét Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới. Bạn có thể nhận một cuốn từ nhà xuất bản của tạp chí này hoặc từ hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương. Bạn có thể đọc bản dịch này với niềm tin chắc rằng bản dịch này truyền đạt trung thực lời của chính Đức Chúa Trời trong ngôn ngữ của bạn. Chắc chắn bạn cũng sẽ đồng ý rằng sự kiện ra mắt bản Kinh Thánh này đúng là một cột mốc trong lịch sử thần quyền!

^ đ. 24 Trong ấn bản tiếng Anh đầu tiên, cuốn The New Testament in the Original Greek, của Westcott và Hort, được dùng làm nền tảng để dịch phần tiếng Hy Lạp. Cuốn Biblia Hebraica của Rudolf Kittel là nền tảng để dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Ngoài ra, ấn bản hiệu đính năm 2013 dựa trên những mảnh giấy cói cổ được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ hai và thứ ba CN. Những bản Kinh Thánh áp dụng các nghiên cứu học thuật gần đây cũng được tham khảo, chẳng hạn như bản của Nestle và Aland hay bản của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội.

^ đ. 30 Để biết thêm thông tin về nguyên tắc dịch Kinh Thánh và đặc điểm của ấn bản tiếng Việt, xin xem phụ lục A1 và A2 của Bản dịch Thế Giới Mới.