Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thảo luận sớm và cởi mở là điều thiết yếu

Khi người thân yêu mắc bệnh ở giai đoạn cuối

Khi người thân yêu mắc bệnh ở giai đoạn cuối

Chị Doreen bị sốc khi chồng chị là anh Wesley bị chẩn đoán có một khối u trong não ở giai đoạn cuối. * Anh mới 54 tuổi. Bác sĩ cho biết anh chỉ còn sống được vài tháng nữa. Chị Doreen nhớ lại: “Tôi không tin được vào tai mình. Tôi như chết lặng trong vài tuần. Như thể điều đó xảy đến với người khác, chứ không phải chúng tôi. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần”.

Thật buồn là phản ứng của chị Doreen không phải hiếm thấy ngày nay. Bệnh nan y có thể xảy đến với bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Điều đáng khen là nhiều người sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc người thân bị chẩn đoán mắc bệnh nan y. Nhưng việc chăm sóc người bệnh vào giai đoạn cuối là một thách đố. Những thành viên trong gia đình có thể làm gì để an ủi và chăm sóc người thân bị bệnh nan y? Làm thế nào họ có thể đối phó với những cảm xúc mà có lẽ họ phải trải qua trong quá trình chăm sóc người bệnh? Khi người bệnh sắp qua đời, gia đình nên chuẩn bị điều gì? Trước hết, hãy xem tại sao việc chăm sóc người mắc bệnh nan y là một thử thách đặc biệt ngày nay.

MỘT THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN

Cách đây khoảng một thế kỷ, ngay cả ở những nước phát triển, tuổi thọ trung bình của con người thấp hơn nhiều so với ngày nay. Những người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị tai nạn thường chết nhanh. Việc nhập viện có những hạn chế nên phần lớn bệnh nhân được gia đình chăm sóc và qua đời tại nhà.

Ngày nay, nhờ những tiến bộ về y học nên bác sĩ có thể dùng các phương pháp mạnh để kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Những căn bệnh mà trước kia khiến một người nhanh chết thì ngày nay có thể kéo dài thêm nhiều năm. Nhưng việc kéo dài sự sống không có nghĩa là người đó đã khỏi bệnh. Bệnh nhân thường rất yếu nên không thể tự chăm sóc bản thân. Việc chăm sóc những bệnh nhân như thế trở nên phức tạp và đòi hỏi khắt khe hơn nhiều.

Kết quả là ngày càng nhiều bệnh nhân chết ở viện hơn là ở nhà. Đa số người ta ngày nay không quen thuộc với giai đoạn trước khi chết, và chỉ ít người từng chứng kiến cảnh ấy. Vì không biết điều gì sẽ xảy ra nên người nhà có lẽ ngần ngại, thậm chí không còn nỗ lực để chăm sóc người bệnh nữa. Vậy điều gì có thể giúp họ?

CHUẨN BỊ TRƯỚC

Như trường hợp của chị Doreen, nhiều người cảm thấy suy sụp khi người thân yêu của mình bị chẩn đoán mắc bệnh vô phương cứu chữa. Trong khi sự lo âu, nỗi sợ hãi và đau buồn bủa vây, điều gì có thể giúp bạn chuẩn bị cho chặng đường phía trước? Một tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cầu nguyện: “Xin dạy chúng con biết đếm chuỗi ngày đời mình, nhờ thế chúng con có được tấm lòng khôn ngoan” (Thi thiên 90:12). Thật vậy, hãy tha thiết cầu xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời giúp bạn khôn ngoan biết “đếm chuỗi ngày đời mình” để bạn có thể dùng những ngày tháng còn lại bên người thân theo cách tốt nhất.

Chuẩn bị trước là điều hữu ích. Nếu người thân của bạn vẫn còn giao tiếp được và sẵn sàng nói về vấn đề này thì điều khôn ngoan là hỏi người ấy xem ai sẽ thay mặt đưa ra quyết định khi người ấy không thể tự làm thế. Hãy thẳng thắn thảo luận xem người ấy có muốn kéo dài sự sống nhờ vào thiết bị hỗ trợ sự sống không, người ấy có muốn nhập viện hoặc chấp nhận một phương pháp trị liệu nào đó không. Việc thảo luận như thế có thể giảm thiểu sự hiểu lầm và cảm giác tội lỗi của người phải quyết định thay khi bệnh nhân mất ý thức. Thảo luận sớm và cởi mở sẽ giúp cho gia đình tập trung vào việc chăm sóc trong thời gian người thân bị bệnh. Kinh Thánh nói: “Đâu không có bàn bạc, đó kế hoạch thất bại”.—Châm ngôn 15:22.

CÁCH HỖ TRỢ BỆNH NHÂN

Vai trò chính của người chăm sóc thường là an ủi bệnh nhân. Một người sắp qua đời cần được đảm bảo rằng mình được yêu thương và không đơn độc. Người chăm sóc có thể làm điều này như thế nào? Hãy đọc hoặc hát cho bệnh nhân nghe, chọn những ấn phẩm và bài hát khích lệ mà bệnh nhân thích. Nhiều bệnh nhân được an ủi khi người thân nắm tay và nói dịu dàng với họ.

Thường sẽ hữu ích khi giới thiệu tên của những người đến thăm. Một báo cáo cho biết: “Trong năm giác quan thì thính giác được cho là cơ quan cuối cùng bị mất đi. [Bệnh nhân] có thể vẫn nghe rõ dù có vẻ đang ngủ. Vì thế, đừng nói trước mặt họ điều mà bạn sẽ không nói khi người ấy thức”.

Nếu được, hãy cầu nguyện với bệnh nhân. Kinh Thánh kể lại là vào một dịp, sứ đồ Phao-lô và những người bạn đồng hành của ông chịu áp lực cùng cực quá sức, đến độ không biết mình còn sống được hay không. Họ đã tìm sự giúp đỡ nơi đâu? Phao-lô nài xin những người bạn của mình: “Anh em cũng có thể giúp chúng tôi bằng cách tha thiết cầu nguyện cho chúng tôi” (2 Cô-rinh-tô 1:8-11). Cầu nguyện chân thành trong lúc vô cùng căng thẳng và khi bị bệnh nặng là điều vô giá.

CHẤP NHẬN SỰ THẬT

Nghĩ đến việc người thân yêu sắp qua đời thường khiến một người cảm thấy đau buồn. Điều này là bình thường vì sự chết là trái tự nhiên. Chúng ta không được tạo ra để chấp nhận sự chết như là một phần của cuộc sống (Rô-ma 5:12). Vì thế, Lời Đức Chúa Trời gọi sự chết là “kẻ thù” (1 Cô-rinh-tô 15:26). Do đó, việc không muốn nghĩ về cái chết của người thân yêu là điều dễ hiểu, thậm chí bình thường.

Tuy nhiên, việc dự tính trước những điều có thể xảy ra sẽ giúp các thành viên trong gia đình bớt sợ hãi và tập trung giúp người bệnh cảm thấy thoải mái. Một số triệu chứng có thể xảy ra được liệt kê trong khung “ Những tuần cuối đời”. Dĩ nhiên, không phải mọi bệnh nhân đều có những triệu chứng này và xảy ra theo trình tự như thế. Nhưng đa số các bệnh nhân đều gặp phải ít nhất vài triệu chứng ấy.

Sau khi người thân yêu qua đời, có lẽ điều khôn ngoan là liên lạc với người bạn thân đã đồng ý giúp bạn. Người chăm sóc và gia đình có lẽ cần được trấn an rằng người thân của họ đã vượt qua giai đoạn khó khăn và không còn chịu đau đớn nữa. Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương của nhân loại đảm bảo với chúng ta là “người chết chẳng biết chi hết”.—Truyền đạo 9:5.

ĐẤNG CHĂM SÓC TỐT NHẤT

Đừng từ chối sự giúp đỡ của người khác

Nương cậy nơi Đức Chúa Trời là điều cần thiết, không chỉ trong thời gian một thành viên gia đình bị bệnh ở giai đoạn cuối mà còn trong thời gian đối phó với nỗi đau buồn khi người ấy qua đời. Có lẽ ngài sẽ giúp bạn qua lời nói và hành động hữu ích của ai đó. Chị Doreen cho biết: “Tôi cố gắng không từ chối sự giúp đỡ của người khác. Thực tế là chúng tôi đã nhận được vô số sự giúp đỡ. Tôi và chồng tin chắc rằng qua những sự giúp đỡ này, như thể Đức Giê-hô-va đang nói: ‘Cha ở bên con để giúp con vượt qua giai đoạn này’. Tôi không bao giờ quên điều đó”.

Quả thật, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Chăm Sóc tốt nhất. Là Đấng Tạo Hóa, ngài hiểu nỗi đau buồn của chúng ta. Ngài có khả năng và rất muốn giúp đỡ cũng như khích lệ để chúng ta có thể đương đầu. Hơn thế nữa, ngài hứa rằng sẽ sớm loại bỏ sự chết một lần và mãi mãi, đồng thời làm cho hàng tỉ người nằm trong trí nhớ của ngài được sống lại (Giăng 5:28, 29; Khải huyền 21:3, 4). Đến lúc đó, tất cả có thể cất lên những lời sau của sứ đồ Phao-lô: “Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi đâu? Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi đâu?”.—1 Cô-rinh-tô 15:55.

^ đ. 2 Một số tên đã được thay đổi.