Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giá chuộc giải cứu chúng ta

Giá chuộc giải cứu chúng ta

Giá chuộc giải cứu chúng ta

“Ai tin Con thì được sự sống vĩnh phúc; ai không chịu vâng phục Con thì chẳng được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn còn trên người đó!”.—GIĂNG 3:36, BẢN DỊCH MỚI.

1, 2. Một lý do mà Tháp Canh Si-ôn được ấn hành là gì?

Số thứ tư của tạp chí này, phát hành tháng 10 năm 1879, viết rằng: “Ai cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh cũng thấy tầm quan trọng của cái chết của Chúa Giê-su”. Bài đó kết luận với câu quan trọng này: “Chúng ta hãy coi chừng bất cứ điều gì làm giảm giá trị cái chết của Chúa Giê-su, xem đó không là của lễ chuộc tội cho loài người”.—Đọc 1 Giăng 2:1, 2.

2 Một trong những lý do Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower) bắt đầu ấn hành vào tháng 7 năm 1879 là để bênh vực giáo lý về giá chuộc trong Kinh Thánh. Tạp chí ấy cung cấp “đồ ăn đúng giờ”, vì vào cuối thế kỷ 19, ngày càng có nhiều người xưng là tín đồ Đấng Christ đã bắt đầu nghi ngờ về việc cái chết của Chúa Giê-su có thể chuộc tội lỗi chúng ta (Mat 24:45). Lúc ấy, nhiều người bắt đầu tin thuyết tiến hóa, là hệ tư tưởng mâu thuẫn với sự kiện con người đánh mất tình trạng hoàn toàn. Những người ủng hộ thuyết tiến hóa dạy rằng loài người ngày càng phát triển cách tự nhiên và không cần giá chuộc. Vì thế, lời khuyên của sứ đồ Phao-lô dành cho Ti-mô-thê là đặc biệt thích hợp: “Hãy giữ lấy sự giao-phó đã nấy cho con, tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức. Ấy vì muốn luyện-tập tri-thức đó, nên có người bội đạo”.—1 Ti 6:20, 21.

3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Hẳn bạn quyết tâm không “bội đạo”. Vậy, hãy xem xét những câu hỏi này: Tại sao tôi cần giá chuộc? Giá chuộc ấy phải trả bằng giá nào? Làm thế nào tôi có thể nhận lợi ích từ sự sắp đặt quý giá này, là điều có thể cứu tôi khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời?

Được cứu khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời

4, 5. Điều gì cho thấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên hệ thống gian ác hiện nay?

4 Kinh Thánh và các sự kiện lịch sử cho thấy từ khi A-đam phạm tội, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời “vẫn ở trên” loài người (Giăng 3:36). Điều này được thấy rõ qua việc không ai có thể thoát khỏi cái chết. Sự cai trị đối địch của Sa-tan hoàn toàn không thể che chở loài người khỏi những tai họa đang xảy ra, và không chính phủ nào của loài người có khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của tất cả người dân (1 Giăng 5:19). Vì thế, loài người tiếp tục khốn khổ vì chiến tranh, tội ác và nghèo nàn.

5 Vậy, rõ ràng hệ thống ác hiện nay không nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va. Phao-lô nói: “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin-kính” (Rô 1:18-20). Vì vậy, những người có đời sống không tin kính mà không ăn năn sẽ gánh hậu quả. Ngày nay, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời được loan báo qua thông điệp phán xét, trút xuống thế gian của Sa-tan như tai họa. Thông tin ấy xuất hiện trong nhiều ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh của chúng ta.—Khải 16:1.

6, 7. Tín đồ Đấng Christ được xức dầu đang dẫn đầu công việc nào, và cơ hội nào vẫn mở ra cho những người trong thế gian của Sa-tan?

6 Phải chăng điều đó có nghĩa là đã quá trễ cho người ta thoát khỏi sự cai trị của Sa-tan và nhận được ân phước của Đức Chúa Trời? Không, vì cánh cửa dẫn đến sự hòa thuận với Đức Chúa Trời vẫn còn rộng mở. Những tín đồ Đấng Christ được xức dầu, “khâm-sai của Đấng Christ”, đang dẫn đầu công việc rao giảng, khẩn thiết kêu gọi dân mọi nước: “Hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời”.—2 Cô 5:20, 21.

7 Sứ đồ Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su “giải-cứu chúng ta khỏi cơn thạnh-nộ ngày sau” (1 Tê 1:10). Cơn thạnh nộ cuối cùng ấy của Đức Giê-hô-va sẽ dẫn đến việc hủy diệt vĩnh viễn những người phạm tội không chịu ăn năn (2 Tê 1:6-9). Ai sẽ được cứu thoát? Kinh Thánh nói: “Ai tin Con thì được sự sống vĩnh phúc; ai không chịu vâng phục Con thì chẳng được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn còn trên người đó!” (Giăng 3:36, BDM). Đúng vậy, tất cả những ai đang sống, thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su và giá chuộc thì sẽ được cứu thoát khi hệ thống này bị hủy diệt trong ngày thạnh nộ cuối cùng của Đức Chúa Trời.

Giá chuộc được áp dụng như thế nào?

8. (a) A-đam và Ê-va đã có triển vọng tuyệt diệu nào? (b) Đức Giê-hô-va chứng tỏ Ngài là Đức Chúa Trời có sự công bình hoàn hảo như thế nào?

8 A-đam và Ê-va được tạo ra là người hoàn toàn. Nếu vâng lời Đức Chúa Trời, ngày nay họ đã có đầy con cháu hạnh phúc trên trái đất này, cùng sống với họ trong Địa Đàng. Tuy nhiên, đáng buồn là thủy tổ của chúng ta cố tình cãi lệnh Đức Chúa Trời. Vì thế, họ bị kết án chết vĩnh viễn và bị đuổi ra khỏi Địa Đàng thời ban đầu. Khi A-đam và Ê-va sinh con cái, tội lỗi đã ảnh hưởng nhân loại, cuối cùng người đàn ông và người đàn bà đầu tiên già đi rồi chết. Điều này chứng tỏ lời của Đức Giê-hô-va không hề sai. Hơn nữa, Ngài là Đức Chúa Trời có sự công bình hoàn hảo. Đức Giê-hô-va đã cảnh báo A-đam rằng nếu ăn trái cấm, ông sẽ chết—và đúng như vậy.

9, 10. (a) Tại sao con cháu A-đam chết? (b) Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi cái chết vĩnh viễn?

9 Vì là con cháu của A-đam, thân thể chúng ta bất toàn, có khuynh hướng phạm tội và cuối cùng thì chết. Khi A-đam phạm tội, dù chúng ta chưa sinh ra nhưng có thể nói chúng ta đã là nòi giống của ông. Thế nên, chúng ta cũng phải chịu án chết đó. Nếu Đức Giê-hô-va xóa bỏ tiến trình dẫn đến sự chết mà không trả giá chuộc, Ngài không thực hiện đúng lời Ngài. Trên thực tế, Phao-lô ám chỉ tất cả chúng ta khi nói: “Chúng ta biết luật-pháp là thiêng-liêng; nhưng tôi là tánh xác-thịt đã bị bán cho tội-lỗi. Khốn-nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết nầy?”.—Rô 7:14, 24.

10 Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể cung cấp cơ sở pháp lý để Ngài chính đáng tha thứ tội lỗi và giải thoát chúng ta khỏi án chết vĩnh viễn. Ngài làm điều này bằng cách sai Con yêu quý ở trên trời sinh ra làm người hoàn toàn, có thể dâng mạng sống làm giá chuộc cho chúng ta. Không như A-đam, Chúa Giê-su luôn là người hoàn toàn. Thật vậy, “ngài chưa hề phạm tội” (1 Phi 2:22). Do đó, Chúa Giê-su có khả năng sinh ra một nòi giống hoàn toàn. Tuy nhiên, ngài đã chịu chết dưới tay kẻ thù của Đức Chúa Trời hầu có thể nhận con cháu tội lỗi của A-đam làm con, và những ai thể hiện đức tin nơi ngài có thể được sống đời đời. Kinh Thánh giải thích: “Chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung-bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus-Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người”.—1 Ti 2:5, 6.

11. (a) Lợi ích của giá chuộc có thể minh họa như thế nào? (b) Lợi ích của giá chuộc ảnh hưởng rộng như thế nào?

11 Việc giá chuộc áp dụng như thế nào có thể được minh họa qua hoàn cảnh của những người bị một ngân hàng lừa đảo mất hết tiền tiết kiệm và rơi vào cảnh nợ nần. Những người chủ ngân hàng bị kết án nhiều năm tù là điều chính đáng. Nhưng còn những nạn nhân vô tội thì sao? Họ lâm vào cảnh nghèo khó, không lối thoát trừ khi có một người giàu có, nhân từ tiếp quản ngân hàng và hoàn lại tiền tiết kiệm, giúp họ thoát cảnh nợ nần. Cũng vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con yêu quý của Ngài đã mua lại con cháu A-đam và xóa bỏ món nợ tội lỗi của họ dựa trên huyết đã đổ ra của Chúa Giê-su. Vì thế, Giăng Báp-tít có thể nói về Chúa Giê-su: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian” (Giăng 1:29). Thế gian loài người được cất đi tội lỗi không chỉ gồm người sống mà cả người chết.

Giá phải trả để cung cấp giá chuộc

12, 13. Chúng ta có thể học được gì qua việc Áp-ra-ham sẵn sàng dâng Y-sác làm tế lễ?

12 Chúng ta không thể nào hiểu chính xác Cha trên trời và Con yêu quý của Ngài phải trả giá cao như thế nào để cung cấp giá chuộc. Kinh Thánh kể lại những sự kiện giúp chúng ta suy ngẫm về điều đó. Chẳng hạn, hãy hình dung cảm xúc của Áp-ra-ham trong ba ngày đi đến xứ Mô-ri-a để làm theo mệnh lệnh Đức Chúa Trời: “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu-dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của-lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho”.—Sáng 22:2-4.

13 Cuối cùng, Áp-ra-ham đến nơi. Hãy nghĩ về nỗi đau của ông khi trói tay chân của Y-sác, để Y-sác nằm trên bàn tế lễ do ông xây. Hẳn Áp-ra-ham đau lòng biết bao khi giơ cao con dao để giết con trai mình! Hãy tưởng tượng cảm xúc của Y-sác khi nằm trên bàn tế lễ, chờ đợi lưỡi dao sắc bén đâm vào người. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã ngăn Áp-ra-ham đúng lúc. Những gì Áp-ra-ham và Y-sác làm vào dịp đó giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va phải trả giá nào khi để cho các tay sai của Sa-tan giết Con Ngài. Thái độ hợp tác của Y-sác minh họa rõ việc Chúa Giê-su sẵn sàng chịu đau đớn và chết cho chúng ta.—Hê 11:17-19.

14. Sự kiện nào trong đời của Gia-cốp giúp chúng ta hiểu giá phải trả để cung cấp giá chuộc?

14 Giá phải trả để cung cấp giá chuộc cũng có thể được minh họa bằng một sự kiện trong đời của Gia-cốp. Trong tất cả các con trai, Giô-sép là người được Gia-cốp thương yêu nhất. Đáng buồn là Giô-sép bị các anh ghen tị và căm ghét. Tuy nhiên, Giô-sép sẵn sàng nghe lời Cha đi thăm các anh. Lúc bấy giờ họ đang chăn bầy gia súc của cha, cách nhà ở Hếp-rôn khoảng 100km về phía bắc. Hãy hình dung Gia-cốp cảm thấy thế nào khi các con trai ông trở về với cái áo của Giô-sép dính đầy máu! Gia-cốp kêu than: “Ấy là áo của con trai ta đó; một thú dữ đã xé-cấu nó! Quả thật Giô-sép đã bị phân thây rồi!”. Việc này tác động mạnh đến Gia-cốp, ông thương khóc Giô-sép trong nhiều ngày (Sáng 37:33, 34). Đức Giê-hô-va không phản ứng giống như người bất toàn. Nhưng suy ngẫm về sự kiện này trong đời của Gia-cốp có thể giúp chúng ta hiểu phần nào cảm xúc của Đức Chúa Trời khi Con yêu quý của Ngài bị ngược đãi và bị giết chết cách tàn nhẫn trên đất.

Nhận lợi ích từ giá chuộc

15, 16. (a) Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài đã chấp nhận giá chuộc? (b) Bạn được lợi ích thế nào từ giá chuộc?

15 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cho người Con trung thành sống lại ở thể thần linh vinh hiển (1 Phi 3:18, Nguyễn Thế Thuấn *). Trong 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ, củng cố đức tin của họ và chuẩn bị họ cho công việc truyền giáo vĩ đại trước mắt. Rồi ngài lên trời, dâng cho Đức Chúa Trời giá trị của huyết mà ngài đã đổ ra, để dùng vì lợi ích của các môn đồ chân chính—những người thể hiện đức tin nơi giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc. Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho thấy Ngài chấp nhận giá chuộc của Chúa Giê-su bằng cách chỉ định Con Ngài đổ thánh linh trên các môn đồ nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN.—Công 2:33.

16 Ngay lập tức, những môn đồ được xức dầu này thúc giục người đồng loại thoát khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời qua việc làm báp-têm nhân danh Chúa Giê-su để được tha tội. (Đọc Công-vụ 2:38-40). Từ ngày quan trọng đó trong lịch sử cho đến nay, hàng triệu người từ muôn dân đã được kéo đến và có mối quan hệ với Đức Chúa Trời dựa trên đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su (Giăng 6:44). Giờ đây chúng ta cần xem xét hai câu hỏi quan trọng khác: Có ai trong chúng ta được ban cho hy vọng sống đời đời vì những việc lành của mình không? Khi đã nhận hy vọng tuyệt vời này, liệu chúng ta có thể mất nó không?

17. Bạn nên có quan điểm nào về ân phước tuyệt diệu được làm bạn Đức Chúa Trời?

17 Giá chuộc là điều mà loài người không xứng đáng có được. Nhưng nhờ thể hiện đức tin nơi giá chuộc, hàng triệu người ngày nay đã trở thành bạn của Đức Chúa Trời, với hy vọng sống đời đời trong một địa đàng. Tuy nhiên, trở thành bạn Đức Giê-hô-va không bảo đảm chúng ta sẽ mãi mãi có mối quan hệ đó với Ngài. Để thoát khỏi ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong tương lai, chúng ta phải tiếp tục biểu lộ lòng biết ơn về “sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Rô 3:24; đọc Phi-líp 2:12.

Hãy tiếp tục thể hiện đức tin nơi giá chuộc

18. Việc thể hiện đức tin nơi giá chuộc bao hàm điều gì?

18 Câu Kinh Thánh chủ đề của bài này, Giăng 3:36, cho thấy rằng tin nơi Chúa Giê-su bao hàm việc vâng phục ngài. Lòng biết ơn về giá chuộc thúc đẩy chúng ta sống phù hợp với những điều Chúa Giê-su dạy, kể cả vấn đề đạo đức (Mác 7:21-23). “Cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời giáng trên” tất cả những ai không ăn năn mà tiếp tục thực hành những điều như gian dâm, nói lời tục tĩu, giễu cợt và làm điều ô uế, bao gồm việc cứ xem tài liệu khiêu dâm.—Ê-phê 5:3-6.

19. Chúng ta thể hiện đức tin nơi giá chuộc qua những cách nào?

19 Khi biết ơn về giá chuộc, chúng ta sẽ luôn “tin-kính trong mọi sự ăn-ở” (2 Phi 3:11). Chúng ta hãy dành nhiều thì giờ để đều đặn và thành tâm cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, tham dự nhóm họp, thờ phượng với gia đình và sốt sắng rao giảng về Nước Trời. Mong sao chúng ta cũng không “quên việc lành và lòng bố-thí, vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời”.—Hê 13:15, 16.

20. Tất cả những ai tiếp tục thể hiện đức tin nơi giá chuộc có thể chờ đợi ân phước nào trong tương lai?

20 Khi Đức Giê-hô-va trút cơn thạnh nộ trên hệ thống gian ác này, chúng ta sẽ vui mừng biết bao vì mình đã thể hiện đức tin và luôn tỏ lòng biết ơn về giá chuộc! Trong thế giới mới Đức Chúa Trời hứa, chúng ta sẽ mãi mãi biết ơn về sự sắp đặt tuyệt diệu này, nhờ đó chúng ta được cứu khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.—Đọc Giăng 3:16; Khải-huyền 7:9, 10, 13, 14.

[Chú thích]

^ đ. 15 Câu này dịch như sau: “Đức Kitô đã chết một lần vì tội lỗi, Đấng công chính vì những kẻ bất nhân, để đem ta đến cùng Thiên Chúa. Ngài đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh về Thần khí”.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao chúng ta cần giá chuộc?

• Giá phải trả để cung cấp giá chuộc là gì?

• Giá chuộc mang lại những lợi ích nào?

• Chúng ta thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Cơ hội được hòa thuận với Đức Giê-hô-va đang rộng mở

[Hình nơi trang 15]

Suy ngẫm những sự kiện về Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp có thể giúp chúng ta hiểu phải trả một giá đắt thế nào để cung cấp giá chuộc