Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ”

“Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ”

“Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm báp-têm cho họ... và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em”.​—MAT 28:19, 20.

BÀI HÁT: 141, 97

1, 2. Những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:14 dẫn đến các câu hỏi nào?

Dù đồng ý hay chống đối chúng ta dữ dội, phần lớn người ta vẫn công nhận rằng Nhân Chứng Giê-hô-va nổi tiếng với công việc rao giảng. Trong thánh chức, có lẽ anh chị đã gặp những người nói rằng dù không đồng ý với niềm tin của chúng ta nhưng họ tôn trọng chúng ta vì làm công việc này. Chúa Giê-su tiên tri rằng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời sẽ được rao truyền khắp đất (Mat 24:14). Nhưng làm sao chúng ta biết công việc mà mình thực hiện làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su? Có phải chúng ta tự phụ không khi nghĩ như thế?

2 Nhiều nhóm tôn giáo cho rằng họ đang rao truyền Phúc âm, hay tin mừng. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ thường chỉ giới hạn ở các bài thuyết giảng tại nhà thờ, trên phương tiện truyền thông, chẳng hạn như trên ti-vi hay Internet, hoặc họ chỉ đơn giản chia sẻ với người khác cách mình học về Chúa Giê-su. Số khác thì tham gia vào các hoạt động từ thiện hoặc hoạt động trong lĩnh vực y khoa và giáo dục. Tuy nhiên, những điều họ làm có phù hợp với mệnh lệnh mà Chúa Giê-su ban cho các môn đồ không?

3. Theo Ma-thi-ơ 28:19, 20, môn đồ của Chúa Giê-su phải làm bốn điều nào?

3 Có phải các môn đồ của Chúa Giê-su chỉ cần thụ động ngồi chờ người ta đến với mình? Hoàn toàn không! Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su nói với hàng trăm môn đồ: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm báp-têm cho họ... và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em” (Mat 28:19, 20). Những lời này cho thấy chúng ta phải làm bốn điều. Chúng ta phải đào tạo môn đồ, làm báp-têm cho họ và dạy dỗ họ, nhưng điều chúng ta cần làm trước tiên là gì? Chúa Giê-su nói: “Hãy đi”! Liên quan đến mệnh lệnh này, một học giả Kinh Thánh bình luận rằng: “‘Đi’ là nhiệm vụ của mỗi tín đồ, dù phải băng qua đường hay băng qua đại dương”.—Mat 10:7; Lu 10:3.

4. Việc trở thành “những tay đánh lưới người” bao hàm điều gì?

4 Có phải Chúa Giê-su chỉ nói về nỗ lực của từng môn đồ, hay ngài muốn nói đến một công việc có sự tổ chức để rao giảng tin mừng? Vì một cá nhân không thể đi đến “muôn dân” nên công việc này đòi hỏi phải được tổ chức và có sự nỗ lực của nhiều người. Chúa Giê-su cho thấy điều này khi ngài mời các môn đồ trở thành “những tay đánh lưới người”. (Đọc Ma-thi-ơ 4:18-22). Công việc đánh cá mà Chúa Giê-su đang nhắc đến ở đây không phải là việc một người câu cá dùng dây cước và mồi, rồi thụ động ngồi đợi cá đến cắn câu. Thay vì thế, công việc này bao hàm dùng lưới để đánh bắt cá, một công việc nặng nhọc và đôi khi đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người.—Lu 5:1-11.

5. Chúng ta cần trả lời bốn câu hỏi nào, và tại sao?

5 Để biết ngày nay ai đang rao truyền tin mừng và làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su, chúng ta cần trả lời bốn câu hỏi sau:

  • Môn đồ của Chúa Giê-su nên rao giảng thông điệp nào?

  • Họ nên có động cơ nào khi làm công việc này?

  • Họ nên dùng phương pháp nào để rao giảng?

  • Công việc rao giảng nên được thực hiện trong phạm vi nào và kéo dài bao lâu?

Lời giải đáp cho bốn câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta không chỉ nhận ra ai đang làm công việc cứu mạng này, mà còn củng cố lòng quyết tâm của chúng ta trong việc kiên trì rao giảng.—1 Ti 4:16.

MÔN ĐỒ CỦA CHÚA GIÊ-SU NÊN RAO GIẢNG THÔNG ĐIỆP NÀO?

6. Tại sao anh chị có thể tin chắc rằng Nhân Chứng Giê-hô-va đang rao giảng đúng thông điệp?

6 Đọc Lu-ca 4:43. Chúa Giê-su rao truyền “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” và ngài muốn các môn đồ làm điều tương tự. Nhóm người nào đang rao giảng thông điệp đó cho “muôn dân”? Câu trả lời hiển nhiên là chỉ có Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngay cả một số người chống đối cũng nhìn nhận điều này. Chẳng hạn, một linh mục truyền giáo từng nói với một Nhân Chứng rằng ông ta đã sống ở nhiều quốc gia và đã hỏi các Nhân Chứng Giê-hô-va trong mỗi nước đó thông điệp mà họ rao giảng là gì. Ông nhận được câu trả lời nào? Ông nói: “Tất cả bọn họ thật dốt nát khi đều trả lời cùng một ý là: ‘Tin mừng về Nước Trời’”. Những Nhân Chứng này không hề “dốt nát”. Thay vì thế, họ đều hợp nhất trong lời nói, như điều mà các tín đồ chân chính nên làm (1 Cô 1:10). Thông điệp mà họ đang loan báo cũng được truyền tải trong Tháp Canh Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va. Tạp chí này hiện có trong 254 ngôn ngữ và trung bình mỗi số được xuất bản gần 59 triệu bản. Đây là tạp chí được phát hành rộng rãi nhất trên thế giới.

7. Tại sao chúng ta biết hàng giáo phẩm của khối Ki-tô giáo không rao giảng đúng thông điệp?

7 Hàng giáo phẩm của khối Ki-tô giáo không rao giảng về Nước Đức Chúa Trời. Nếu nói về Nước Trời thì nhiều người trong số họ chỉ nói rằng Nước này là một cảm giác hoặc một tình trạng trong lòng của một tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Lu 17:21). Họ không giúp người ta hiểu rằng Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ ở trên trời do Chúa Giê-su Ki-tô cai trị, là giải pháp cho mọi vấn đề của nhân loại và sẽ sớm chấm dứt mọi sự gian ác trên đất (Khải 19:11-21). Thay vì thế, họ thích tưởng nhớ Chúa Giê-su vào dịp Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh hơn. Dường như họ không biết gì về những điều Chúa Giê-su sẽ thực hiện với tư cách là Vua mới của trái đất. Vì không hiểu thông điệp mà họ cần rao giảng nên họ cũng không hiểu mình nên làm công việc này với động cơ nào.

MÔN ĐỒ CỦA CHÚA GIÊ-SU NÊN CÓ ĐỘNG CƠ NÀO KHI RAO GIẢNG?

8. Môn đồ của Chúa Giê-su không nên rao giảng với động cơ nào?

8 Môn đồ của Chúa Giê-su nên thực hiện công việc rao giảng với động cơ nào? Họ không nên rao giảng để quyên góp tiền và xây những tòa nhà cầu kỳ. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Anh em đã nhận không thì hãy cho không” (Mat 10:8). Vì thế, không ai nên buôn bán Lời Đức Chúa Trời (2 Cô 2:17). Những ai rao giảng thông điệp này không nên đòi hỏi được lợi ích về tiền bạc. (Đọc Công vụ 20:33-35). Dù sự chỉ dẫn của Chúa Giê-su rất rõ ràng nhưng phần lớn các tôn giáo thuộc khối Ki-tô giáo vẫn đi chệch hướng qua việc nỗ lực quyên góp để tồn tại. Họ phải trả lương cho hàng giáo phẩm và các nhân viên khác. Kết quả là nhiều nhà lãnh đạo của khối Ki-tô giáo trở nên rất giàu có.—Khải 17:4, 5.

9. Điều gì cho thấy Nhân Chứng Giê-hô-va tham gia công việc rao giảng với động cơ đúng?

9 Còn Nhân Chứng Giê-hô-va thì sao? Họ có quyên góp không? Công việc của họ được tài trợ bởi sự đóng góp tình nguyện (2 Cô 9:7). Không có việc quyên góp tại các Phòng Nước Trời hay hội nghị của họ. Dù vậy chỉ riêng năm vừa qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã dành 1,93 tỉ giờ để rao giảng tin mừng và điều khiển miễn phí hơn chín triệu cuộc học hỏi Kinh Thánh mỗi tháng. Điều ngạc nhiên là họ không những không nhận lương khi làm việc này mà còn vui vẻ tự trang trải mọi chi phí. Khi nói về công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va, một nhà nghiên cứu cho biết: “Rao giảng và dạy dỗ là mục đích chính... Không có hàng giáo phẩm, vì thế tiết kiệm được chi phí đáng kể”. Vậy chúng ta làm công việc rao giảng với động cơ nào? Nói đơn giản là chúng ta tự nguyện làm công việc này vì yêu thương Đức Giê-hô-va và người lân cận. Tinh thần tình nguyện ấy làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Thi-thiên 110:3. (Đọc).

MÔN ĐỒ CỦA CHÚA GIÊ-SU NÊN DÙNG PHƯƠNG PHÁP NÀO ĐỂ RAO GIẢNG?

Chúng ta rao giảng ở bất cứ nơi nào có người (Xem đoạn 10)

10. Chúa Giê-su và các môn đồ đã dùng những phương pháp rao giảng nào?

10 Chúa Giê-su và các môn đồ đã dùng những phương pháp nào để rao giảng tin mừng? Họ đến bất cứ nơi nào có người, dù ở nơi công cộng hay tại nhà của người ta. Công việc rao giảng bao gồm việc đi từng nhà để tìm những người xứng đáng (Mat 10:11; Lu 8:1; Công 5:42; 20:20). Rao giảng từng nhà là một phương pháp có tổ chức để mang tin mừng đến cho mọi loại người.

11, 12. Hãy so sánh nỗ lực của khối Ki-tô giáo với nỗ lực của dân Đức Giê-hô-va trong việc rao giảng tin mừng.

11 Các tôn giáo thuộc khối Ki-tô giáo có rao giảng tin mừng như Chúa Giê-su đã làm không? Phần lớn giáo dân trong các nhà thờ vui lòng để việc rao giảng cho hàng giáo phẩm được trả lương. Nhưng thay vì trở thành “những tay đánh lưới người”, hàng giáo phẩm khối Ki-tô giáo dường như chỉ quan tâm đến việc giữ “cá” mà họ đang có. Đúng là thỉnh thoảng một số người thuộc hàng giáo phẩm cũng cố gắng khuyến khích giáo dân rao giảng bằng hình thức nào đó. Chẳng hạn, vào đầu năm 2001, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong một lá thư như sau: “Từ nhiều năm nay, tôi vẫn thường lặp đi lặp lại những lời kêu gọi hãy thực hiện việc tân truyền bá phúc âm hóa. Giờ đây, tôi lại kêu gọi điều này... Chúng ta phải làm sống lại nơi mình niềm xác tín nóng bỏng của Thánh Phaolô khi ngài thốt lên: ‘Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’”. Sau đó, ông nói thêm rằng nhiệm vụ này “không thể khoán trắng cho một nhóm các ‘chuyên gia’ nhưng phải là trách nhiệm của mọi thành phần của Dân Chúa”. Tuy nhiên, lời kêu gọi này chỉ được một số ít người hưởng ứng.

12 Nói sao về Nhân Chứng Giê-hô-va? Họ là những người duy nhất rao giảng rằng Chúa Giê-su đã lên ngôi Vua và cai trị kể từ năm 1914. Vâng theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su, họ đặt ưu tiên cho công việc rao giảng (Mác 13:10). Một sách nói về tôn giáo ở Hoa Kỳ (Pillars of Faith—American Congregations and Their Partners) cho biết: “Đối với Nhân Chứng Giê-hô-va, công việc rao giảng quan trọng hơn bất cứ điều gì khác”. Tác giả cuốn sách này chia sẻ tiếp bằng việc trích lời của một anh Nhân Chứng: “Khi đương đầu với nạn đói, sự cô lập và bệnh tật, họ cố gắng giúp đỡ,... nhưng họ không bao giờ quên nhiệm vụ chính của mình là rao truyền một thông điệp thiêng liêng về ngày tận thế và tầm quan trọng của sự cứu rỗi”. Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục rao truyền thông điệp đó. Họ sử dụng những phương pháp mà Chúa Giê-su và các môn đồ đã dùng.

CÔNG VIỆC RAO GIẢNG NÊN ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG PHẠM VI NÀO VÀ KÉO DÀI BAO LÂU?

13. Công việc rao giảng nên được thực hiện trong phạm vi nào?

13 Chúa Giê-su cho biết phạm vi của công việc rao giảng khi nói rằng tin mừng sẽ được rao truyền ra “khắp đất” (Mat 24:14). Các môn đồ được lệnh đi dạy dỗ “muôn dân” (Mat 28:19, 20). Điều này đòi hỏi phải có một công việc mang tính toàn cầu.

14, 15. Điều gì cho thấy Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su về phạm vi của công việc rao giảng? (Xem hình nơi đầu bài).

14 Để biết Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm ra sao lời tiên tri của Chúa Giê-su về phạm vi của công việc rao giảng, hãy xem xét một vài thông tin. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 600.000 người thuộc hàng giáo phẩm trong nhiều giáo phái khác nhau trong khi có khoảng 1.200.000 Nhân Chứng Giê-hô-va. Trên khắp thế giới, Giáo hội Công giáo Rô-ma có khoảng 400.000 linh mục. Còn số Nhân Chứng đang tham gia công việc rao giảng về Nước Trời thì sao? Trên thế giới, có khoảng tám triệu Nhân Chứng tình nguyện rao giảng trong 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. Công việc mà Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện thật đáng kinh ngạc, tất cả đều mang lại sự ngợi khen và vinh hiển cho Đức Giê-hô-va!—Thi 34:1; 51:15.

15 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta muốn rao giảng tin mừng cho càng nhiều người càng tốt trước khi đến thời điểm kết thúc. Vì thế, chúng ta đã dịch và xuất bản hàng triệu cuốn sách, tạp chí, tờ chuyên đề cũng như giấy mời Lễ Tưởng Niệm và hội nghị. Chúng ta phân phát miễn phí những ấn phẩm này. Chúng ta đã xuất bản nhiều ấn phẩm khác nhau trong hơn 700 thứ tiếng. Hơn 200 triệu cuốn Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới đã được xuất bản trong hơn 130 ngôn ngữ. Riêng năm vừa qua, chúng ta đã xuất bản khoảng 4,5 tỉ bản của các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Trang web chính thức của chúng ta có các thông tin trong hơn 750 ngôn ngữ. Có nhóm người truyền giáo nào khác đang làm công việc tương tự như thế không?

16. Làm thế nào chúng ta biết Nhân Chứng Giê-hô-va có thần khí của Đức Chúa Trời?

16 Công việc rao giảng được Chúa Giê-su báo trước sẽ kéo dài bao lâu? Chúa Giê-su nói rằng công việc toàn cầu này sẽ được tiếp tục trong suốt những ngày sau cùng, và “bấy giờ sẽ đến thời điểm kết thúc”. Có nhóm tôn giáo nào khác tiếp tục rao giảng tin mừng trong những ngày sau cùng này không? Một số người mà chúng ta gặp trong thánh chức có lẽ nói: “Các anh làm công việc rao giảng, nhưng chúng tôi mới là những người có thần khí”. Nhưng chẳng phải việc chúng ta có thể kiên trì rao giảng là bằng chứng cho thấy chúng ta có thần khí của Đức Chúa Trời sao? (Công 1:8; 1 Phi 4:14). Thỉnh thoảng, một số nhóm tôn giáo đã cố gắng làm điều mà Nhân Chứng Giê-hô-va đang đều đặn thực hiện, nhưng các nỗ lực của họ thường thất bại. Một số người khác tham gia những hoạt động được gọi là truyền giáo nhưng chỉ làm trong thời gian ngắn, rồi sau đó lại trở về với công việc thường ngày. Thậm chí, một số người cũng cố gắng đi từ nhà này sang nhà kia, nhưng họ rao giảng về điều gì? Câu trả lời sẽ cho thấy rõ họ không thực hiện công việc mà Đấng Ki-tô đã khởi xướng.

NGÀY NAY AI THẬT SỰ ĐANG RAO GIẢNG TIN MỪNG?

17, 18. (a) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng ngày nay Nhân Chứng Giê-hô-va là những người đang rao giảng tin mừng về Nước Trời? (b) Tại sao chúng ta có thể tiếp tục thi hành công việc rao giảng?

17 Vậy, ngày nay ai thật sự đang rao giảng tin mừng về Nước Trời? Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin nói rằng: “Đó là Nhân Chứng Giê-hô-va!”. Tại sao chúng ta có thể tự tin nói thế? Vì chúng ta đang rao giảng đúng thông điệp, là tin mừng về Nước Trời. Bằng cách đến gặp người ta, chúng ta cũng đang dùng các phương pháp đúng. Chúng ta thực hiện công việc rao giảng với động cơ đúng, là tình yêu thương chứ không phải để nhận được tiền. Công việc của chúng ta được thực hiện trên phạm vi rộng lớn nhất, mang tin mừng đến cho người ta trong mọi nước và mọi thứ tiếng. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục làm công việc đó, từ năm này qua năm khác, cho đến thời điểm kết thúc.

18 Thật kinh ngạc khi chứng kiến những điều mà dân Đức Chúa Trời đang làm trong thời kỳ đầy hào hứng này. Nhưng bằng cách nào mọi điều ấy có thể được thực hiện? Sứ đồ Phao-lô cho biết câu trả lời trong lá thư ông viết cho anh em ở Phi-líp: “Đức Chúa Trời, là đấng thêm sinh lực cho anh em, ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để thực hiện những điều đẹp lòng ngài” (Phi-líp 2:13). Mong sao tất cả chúng ta tiếp tục được Cha yêu thương tiếp thêm sinh lực trong khi gắng hết sức để hoàn thành chức vụ thánh của mình.—2 Ti 4:5.