Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trái đất đang “sốt”—Có phương pháp cứu chữa?

Trái đất đang “sốt”—Có phương pháp cứu chữa?

Trái đất đang “sốt”—Có phương pháp cứu chữa?

Trái đất đang có triệu chứng rõ ràng: nhiệt độ tăng dần. Một trường hợp là ngôi làng Newtok thuộc Alaska ở phía nam của Bắc cực. Tầng đất đóng băng vĩnh cửu phía dưới làng Newtok giờ đang tan chảy. Ông Frank, một cư dân của làng, than phiền: “Tôi không muốn sống trên tầng đất đóng băng nữa. Nó quá lầy lội”. Các cuộc nghiên cứu cho biết trong vòng mười năm nữa, ngôi làng ven biển này có thể sẽ bị cuốn đi.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận xét: “Khí hậu của địa cầu ngày càng nóng dần lên là điều không thể chối cãi”. Nhiệt độ trái đất đang tăng chứng minh sự kiện này. Điều mà các nhà khoa học gọi là sự biến đổi khí hậu đã dẫn đến thời tiết khắc nghiệt, bao gồm hạn hán, mưa lớn, những đợt nóng và giông bão trên toàn thế giới. Tương lai của hành tinh chúng ta sẽ ra sao? Có phương pháp cứu chữa không?

Chẩn đoán về trái đất

Như một bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, trái đất đang được những nhà nghiên cứu về khí hậu theo dõi sát sao để nhận ra các triệu chứng chủ yếu. Họ dùng vệ tinh theo dõi tình trạng thu hẹp của các sông băng, trạm khí tượng để kiểm tra lượng mưa, các phao để đo nhiệt độ dưới biển sâu, và máy bay để kiểm tra nồng độ các khí trong bầu khí quyển. Tất cả những thông tin này sẽ được chuyển tải vào siêu máy tính. Người ta dùng chức năng mô phỏng thời tiết trong siêu máy tính ấy để dự báo tình hình thời tiết trong nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ sau.

Người ta chẩn đoán được điều gì? Một số người tin rằng bầu khí quyển chứa quá nhiều nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính. Tạp chí Time cho biết chỉ trong năm 2006, cả thế giới đã thải ra một lượng khí cacbonic “lên đến mức kinh khủng là 32 tỉ tấn”. Như những tấm kiếng của nhà kính, những khí này giữ lại nhiệt độ của trái đất, không cho thoát vào không gian. Điều này góp phần làm trái đất ấm lên. Tương lai sẽ ra sao? Theo IPCC, nếu cứ tiếp tục thải ra nồng độ khí như hiện nay thì “khí hậu của địa cầu sẽ biến đổi nhiều”, rất có thể tình trạng sẽ tồi tệ hơn bao giờ hết. Ngày nay, giải pháp mà nhiều người đồng ý là phải hạn chế việc thải ra khí cacbonic. Tuy nhiên, dù người ta có thể kiểm soát được lượng khí thải ra, nhưng chương trình mô phỏng của siêu máy tính cho biết dường như sự kiện “trái đất ấm lên và mực nước biển dâng cao sẽ vẫn kéo dài cho đến hàng trăm năm sau”.

Tìm giải pháp ở đâu?

Khí hậu học quả là một môn khoa học phức tạp. Chẳng hạn, tạp chí trên mạng Internet là Quan sát Trái Đất (Earth Observatory) đã đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho các đám mây khi trái đất ấm lên? Liệu những đám mây giữ nhiệt ở trên cao làm trái đất ấm lên sẽ xuất hiện nhiều hơn những đám mây dày đặc có khả năng cản bớt ánh nắng mặt trời không?”. Câu trả lời là gì? Tạp chí trên nói thêm: “Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không thể trả lời những câu hỏi này”.

Trái lại, Kinh Thánh khẳng định Giê-hô-va Đức Chúa Trời là “Đấng dựng nên trời và đất”, trong đó có “các từng mây trên cao” (Sáng-thế Ký 14:19; Châm-ngôn 8:28). Ngài miêu tả một cách văn thơ rằng Ngài là Đấng “ban sự khôn ngoan cho mây”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va hiểu rất rõ những điều mà các nhà khoa học không thể hiểu được.—Gióp 38:36, Bản Dịch Mới.

Liên quan đến bầu khí quyển của trái đất, chúng ta hãy lưu ý đến lời Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh cách nay khoảng 2.700 năm: “Như mưa. . . xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm-nhuần đất-đai” (Ê-sai 55:10). Lời miêu tả này về chu trình của nước thật ngắn gọn và súc tích! Hơi nước trong những đám mây ngưng tụ lại thành mưa rơi xuống để “đượm-nhuần đất-đai”. Sức nóng của mặt trời khiến hơi nước bốc hơi, “trở lại” bầu khí quyển và bắt đầu lại chu trình. Về những chi tiết thú vị liên quan đến khí hậu của trái đất, Lời Đức Giê-hô-va đã nói trước những tài liệu khác hàng thế kỷ. Chẳng phải điều đó giúp bạn tin nơi Đấng Tạo Hóa và những điều Ngài có khả năng thực hiện hay sao? Vậy, để biết tình trạng khí hậu tồi tệ hiện nay sẽ ra sao, chắc chắn điều hợp lý là chúng ta nên nương cậy nơi Đấng “dựng nên gió” và cũng là ‘Cha của mưa’, Đấng biết rõ các chức năng của hành tinh này.—A-mốt 4:13; Gióp 38:28.

Trái đất được tạo ra với một mục đích

Dù có nhiều quan điểm khác nhau về tương lai của hành tinh chúng ta, nhưng có một điều chắc chắn: Trái đất là hành tinh độc đáo. Không như những hành tinh khác, trái đất là nơi cư trú của vô số sinh vật. Làm sao có được điều này? Các nhà khoa học đưa ra vài dữ kiện. Cụ thể là ba điểm sau: Lượng nước trên trái đất rất dồi dào; trái đất cách mặt trời một khoảng chính xác; nồng độ khí trong hỗn hợp khí của khí quyển vừa đúng, trong đó phần lớn là oxy.

Có lẽ bạn ngạc nhiên khi biết rằng sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh đã đề cập đến những đặc điểm này trong lời tường thuật về sự sáng tạo. Về điểm thứ nhất, Sáng-thế Ký 1:10 miêu tả việc Đức Chúa Trời làm “nước tụ lại” thành biển. Điều này cho thấy rõ có một lượng nước dồi dào trên đất. Về điểm thứ hai, Sáng-thế Ký 1:3 cho biết: “Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng”. Hành tinh của chúng ta cách mặt trời một khoảng vừa đủ để phần lớn nước vẫn ở thể lỏng, cũng không quá gần mặt trời đến độ nước bị bốc hơi hết vào không khí.

Còn về điểm thứ ba, Sáng-thế Ký 1:6 cho biết Đức Chúa Trời tạo ra “khoảng không” hoặc bầu khí quyển. Câu 11 và 12 nói tiếp Đức Chúa Trời làm cho cỏ, cây cối xuất hiện. Những điều này là bằng chứng có oxy. Khí này về sau rất cần thiết cho sự hô hấp của con người và thú vật để duy trì sự sống.

Vậy chúng ta có thể kết luận gì? Khi Đức Chúa Trời tạo nên trái đất với lượng nước dồi dào, cách mặt trời một khoảng chính xác và nồng độ khí trong khí quyển vừa đúng, Ngài hẳn có lý do hay mục đích. Kinh Thánh cho biết: “[Đức Chúa Trời] chẳng phải dựng nên [đất] là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 45:18). Thi-thiên 115:16 nói: “Các từng trời thuộc về Đức Giê-hô-va; nhưng Ngài đã ban đất cho con cái loài người”. Thật vậy, trái đất được dựng nên để loài người cư ngụ.

Theo lời tường thuật của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên và cho họ sống ở vườn Ê-đen, một khu vườn xinh đẹp là địa đàng. Họ có nhiệm vụ “trồng và giữ vườn” (Sáng-thế Ký 2:15). Đức Chúa Trời cũng phán với họ: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng-thế Ký 1:28). Hãy hình dung trước mắt họ là một viễn cảnh thật tuyệt vời! Họ phải mở rộng khu vườn này ra khắp đất và sống mãi mãi ở đấy. Thật là một tương lai tốt đẹp!

Thật đáng buồn, thay vì vâng lời Đức Chúa Trời, cặp vợ chồng đầu tiên đã công khai chọn đường lối độc lập với Ngài, đường lối mà phần lớn nhân loại đi theo cho đến ngày nay (Sáng-thế Ký 3:1-6). Hậu quả là gì? Thay vì giữ gìn và chăm sóc trái đất, loài người “hủy-phá thế-gian” đến mức độ chưa từng thấy (Khải-huyền 11:18). Tuy nhiên, chúng ta có thể an lòng khi biết ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất không thay đổi. Kinh Thánh cam đoan: “[Đức Chúa Trời] sáng-lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị rúng-động đến đời đời” (Thi-thiên 104:5). Chính Chúa Giê-su đã hứa trong Bài giảng trên núi: “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Ma-thi-ơ 5:5). Làm thế nào ý định này của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện?

Tương lai tươi sáng phía trước

Một cựu tổng thống Hoa Kỳ đã phát biểu: “Khí hậu biến đổi là vấn đề toàn cầu”. Chẳng phải bạn đồng ý rằng cần có một giải pháp toàn cầu sao? Chúa Giê-su đã đưa ra giải pháp về vấn đề đó: Nước của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ cầu nguyện: “Nước Cha được đến” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Theo lời tiên tri của Kinh Thánh, nước trên trời này là một chính phủ toàn cầu và không lâu nữa sẽ “đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia [các chính phủ ngày nay]” (Đa-ni-ên 2:44). Ngoài ra, nước này sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian” (Khải-huyền 11:18). Rõ ràng, những người lạm dụng và phung phí tài nguyên của trái đất sẽ phải chịu trách nhiệm và bị hủy diệt.

Còn hành tinh bị ô nhiễm của chúng ta thì sao? Điều đáng chú ý là khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su có quyền năng kỳ diệu trên những yếu tố thiên nhiên như gió và biển. Chỉ bằng vài lời nói, ngài đã làm yên cơn bão dữ dội (Mác 4:35-41). Giờ đây vì đã trở thành “Chúa của các chúa, Vua của các vua” ở trên trời, nên chẳng bao lâu nữa Chúa Giê-su sẽ thể hiện quyền năng lớn lao hơn trên các yếu tố thiên nhiên (Khải-huyền 17:14). Chúa Giê-su miêu tả sự cai trị của ngài là “kỳ muôn vật đổi mới” (Ma-thi-ơ 19:28). Bản Kinh Thánh Ghi-đê-ôn dịch cụm từ này là “kỳ phục-hưng”. Chúa Giê-su sẽ đổi mới hay phục hồi tình trạng của trái đất, làm nó trở lại tình trạng như vườn Ê-đen lúc đầu. Địa Đàng sẽ được tái lập (Thi-thiên 37:11). Chính Nước của Đức Chúa Trời sẽ chữa lành trái đất qua khỏi “cơn sốt”.

Ngay bây giờ bạn có thể nhận được lợi ích từ sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời. Như thế nào? Chúa Giê-su báo trước: ‘Tin mừng nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân’ (Ma-thi-ơ 24:14). Kết quả là hàng triệu người đang thay đổi đời sống khi hưởng ứng tin mừng. Họ vượt qua những thói nghiện ngập chết người. Đời sống gia đình được cải thiện. Tình yêu thương thay thế sự thù hận chủng tộc. Thật vậy, Nước của Đức Chúa Trời đang thực hiện điều mà các chính phủ loài người không thể làm được. Nước ấy đã hợp nhất gần bảy triệu người thuộc hơn 235 nước và hải đảo trong tình anh em quốc tế! Đúng thế, là thần dân của Nước Đức Chúa Trời, họ đang được chuẩn bị để sống vĩnh cửu trong Địa Đàng.

Tương lai của trái đất được bảo đảm. Mong rằng đó cũng là tương lai của bạn!

[Hình nơi trang 27]

Kinh Thánh đã miêu tả chu trình của nước nhiều thế kỷ trước những tài liệu khác

[Hình nơi trang 28]

Chúa Giê-su “quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên-lặng như tờ”

[Hình nơi trang 29]

Khi Địa Đàng tái lập, trái đất sẽ được chữa lành khỏi “cơn sốt”

[Nguồn tư liệu nơi trang 26]

Godo-Foto