Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Di sản thiêng liêng của chúng ta

Di sản thiêng liêng của chúng ta

“Ấy là phần cơ-nghiệp [“di sản”, Byington] của các tôi-tớ Ðức Giê-hô-va”.—Ê-SAI 54:17.

1. Ðức Giê-hô-va đã yêu thương bảo tồn điều gì vì lợi ích của nhân loại?

“Ðức Chúa Trời hằng sống và đời đời” đã bảo tồn thông điệp cứu mạng cho nhân loại. Vì “lời Ðức Giê-hô-va tồn tại mãi mãi” nên thông điệp ấy không bao giờ mất đi (1 Phi 1:23-25). Chúng ta biết ơn Ðức Giê-hô-va vì ngài đã yêu thương bảo tồn thông tin quan trọng đó trong Lời ngài là Kinh Thánh.

2. Trong Kinh Thánh, Ðức Chúa Trời đã bảo tồn điều gì để dân ngài dùng?

2 Trong Lời ngài, Ðức Chúa Trời bảo tồn danh mà ngài tự chọn cho mình để dân sự dùng. Lần đầu tiên Kinh Thánh nhắc đến danh Giê-hô-va là trong lời tường thuật về sự sáng tạo trời và đất (Sáng 2:4). Danh Ðức Chúa Trời được khắc nhiều lần trên những bảng đá ghi Mười Ðiều Răn. Chẳng hạn, điều răn thứ nhất mở đầu bằng lời: “Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi” (Xuất 20:1-17). Bất chấp mọi nỗ lực của Sa-tan, danh Ðức Chúa Trời vẫn tồn tại vì Chúa Tối Thượng Giê-hô-va bảo tồn Lời ngài và danh ấy.

3. Ðức Chúa Trời bảo tồn điều gì dù giáo lý sai lầm phổ biến khắp nơi?

3 Trong Lời ngài, Ðức Giê-hô-va cũng bảo tồn sự thật. Dù giáo lý sai lầm phổ biến khắp nơi, nhưng chúng ta biết ơn vì Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta sự thật và ánh sáng thiêng liêng. (Ðọc Thi-thiên 43:3, 4). Dù phần lớn nhân loại bước đi trong tối tăm, chúng ta vui mừng bước đi trong ánh sáng thiêng liêng mà Ðức Chúa Trời ban.—1 Giăng 1:6, 7.

CHÚNG TA CÓ MỘT DI SẢN QUÝ GIÁ

4, 5. Chúng ta có đặc ân cao quý nào kể từ năm 1931?

4 Là tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, chúng ta có một di sản quý giá. Theo một từ điển, “di sản của một đất nước là tất cả những giá trị, truyền thống hoặc nét đặc trưng về cuộc sống con người được gìn giữ qua nhiều năm và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Di sản thiêng liêng của chúng ta bao gồm ân phước được hiểu biết chính xác về Lời Ðức Chúa Trời, sự thật về  ngài và ý định của ngài. Di sản ấy còn bao gồm một đặc ân vô cùng quý giá khác.

Chúng ta vui mừng đón nhận danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va tại hội nghị năm 1931

5 Ðó là đặc ân chúng ta nhận được tại hội nghị diễn ra ở Columbus, Ohio, Hoa Kỳ, năm 1931. Trên tờ chương trình hội nghị có in hai ký tự JW. Nhiều người trong cử tọa cố gắng đoán hai ký tự ấy viết tắt của từ nào, và một số người đoán đúng, đó là tên gọi mới của chúng ta! Trước đó, chúng ta được gọi là Học viên Kinh Thánh, nhưng từ chủ nhật, ngày 26-7-1931, chúng ta đón nhận danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses). Ai nấy đều vui sướng đón nhận danh hiệu dựa trên Kinh Thánh. (Ðọc Ê-sai 43:12). Một anh kể: “Tôi không bao giờ quên những tiếng vỗ tay và reo hò làm rung chuyển cả nơi diễn ra hội nghị”. Chúng ta là nhóm duy nhất muốn nhận danh hiệu này, và Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho chúng ta trong việc dùng danh đó hơn tám thập kỷ qua. Ðược làm Nhân Chứng của Ðức Giê-hô-va là đặc ân lớn biết bao!

6. Di sản thiêng liêng của chúng ta bao gồm thông tin nào?

6 Di sản thiêng liêng của chúng ta bao gồm kho tàng thông tin có giá trị và chính xác do các tôi tớ Ðức Chúa Trời thời xưa truyền lại. Hãy xem trường hợp của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Hẳn những tộc trưởng này và gia đình đã nhiều lần thảo luận về cách làm hài lòng Ðức Giê-hô-va. Vì thế, không gì lạ khi Giô-sép, một chàng trai yêu mến lẽ phải, kháng cự hành vi vô luân để không “phạm tội cùng Ðức Chúa Trời” (Sáng 39:7-9). Trong thế kỷ thứ nhất, những điều lệ áp dụng cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô được truyền dạy qua lời nói và gương mẫu. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô truyền cho các hội thánh đạo Ðấng Ki-tô những thông tin về việc cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa (1 Cô 11:2, 23). Tất cả những thông tin trên được ghi lại trong Kinh Thánh để chúng ta có thể thờ phượng Ðức Chúa Trời “theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí”. (Ðọc Giăng 4:23, 24). Kinh Thánh là nguồn khai sáng cho toàn thể nhân loại, nhưng là tôi tớ của Ðức Giê-hô-va, chúng ta càng quý trọng món quà này.

7. Di sản của chúng ta bao gồm lời hứa khích lệ nào?

7 Di sản thiêng liêng của chúng ta còn bao gồm những kinh nghiệm gần đây được đăng trong các ấn phẩm cho thấy ‘Ðức Giê-hô-va bênh-vực’ dân ngài (Thi 118:7). Nhờ thế, chúng ta cảm thấy yên tâm, ngay cả khi bị bắt bớ. Một điều rất khích lệ trong di sản thiêng liêng ngày càng gia tăng của chúng ta là lời hứa: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi. Ðức Giê-hô-va phán: Ấy là phần cơ-nghiệp [“di sản”, By] của các tôi-tớ Ðức Giê-hô-va, và sự công-bình bởi ta ban cho họ” (Ê-sai 54:17). Không một binh khí nào của Sa-tan có thể làm chúng ta bị tổn hại lâu dài.

8. Bài này và bài sau sẽ xem xét điều gì?

 8 Sa-tan cố thủ tiêu Lời Ðức Chúa Trời, xóa bỏ danh Giê-hô-va và che giấu sự thật. Nhưng chắc chắn, hắn không phải là đối thủ của Ðức Giê-hô-va, đấng đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực đó. Trong bài này và bài sau, chúng ta sẽ xem (1) cách Ðức Chúa Trời bảo tồn Lời ngài, (2) cách Ðức Giê-hô-va bảo tồn danh ngài và (3) làm thế nào Cha trên trời là nguồn của sự thật và là đấng bảo tồn sự thật ấy.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA BẢO TỒN LỜI NGÀI

9-11. Những bằng chứng nào cho thấy Kinh Thánh tiếp tục tồn tại bất chấp những cuộc công kích?

9 Ðức Giê-hô-va đã bảo tồn Lời ngài bất chấp mọi sự chống đối. Bách khoa từ điển Công giáo (Enciclopedia Cattolica) viết: “Vì có mâu thuẫn với hai phái Albigenses và Waldenses, nên vào năm 1229, Công đồng Toulouse ra lệnh cấm giáo dân dùng [Kinh Thánh trong tiếng bản địa]... Hội nghị được tổ chức năm 1234 tại Tarragona, Tây Ban Nha, dưới triều vua James I, cũng ra một lệnh cấm tương tự... Lần đầu tiên Tòa Thánh tham gia vào việc này là năm 1559, khi bảng liệt kê do Phaolô IV công bố cấm việc in ấn và sở hữu [Kinh Thánh] trong tiếng bản địa trừ khi có sự cho phép của Bộ Thánh Vụ”.

10 Dù nhiều lần bị công kích, nhưng Kinh Thánh vẫn tồn tại. Vào khoảng năm 1382, John Wycliffe và các cộng sự đã phát hành bản Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Anh. Một người khác dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh là William Tyndale. Ông đã bị xử tử vào năm 1536. Khi bị trói trên cây cột, ông kêu cầu: “Lạy Chúa, xin hãy mở mắt vua của Anh Quốc”. Rồi ông bị siết cổ cho đến chết và bị thiêu.

11 Trải qua bao sóng gió, Kinh Thánh vẫn tiếp tục tồn tại. Chẳng hạn, năm 1535, bản Kinh Thánh tiếng Anh của Miles Coverdale được ra mắt. Trong bản dịch này, ông Coverdale dùng phần “Tân ước” và “Cựu ước”, từ Sáng-thế Ký đến Sử-ký, trong bản dịch của Tyndale. Những phần còn lại, ông dịch từ bản Kinh Thánh tiếng La-tinh và bản Kinh Thánh tiếng Ðức của Martin Luther. Ngày nay, Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới được yêu chuộng vì bản dịch này rõ ràng, chính xác và hữu dụng cho thánh chức. Chúng ta vui mừng khi biết không thế lực nào, kể cả ác thần hay con người, có thể cản trở sự tồn tại của Lời Ðức Giê-hô-va.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA BẢO TỒN DANH NGÀI

Những người như Tyndale đã hy sinh mạng sống vì Lời Ðức Chúa Trời

12. Bản dịch Thế Giới Mới đóng vai trò quan trọng nào trong việc bảo tồn danh Ðức Chúa Trời?

12 Ðức Giê-hô-va đảm bảo rằng danh ngài được bảo tồn trong Lời của ngài. Về phương diện này, Bản dịch Thế Giới Mới đóng vai trò quan trọng. Trong lời mở đầu của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền), ủy ban gồm những  dịch giả tận tụy viết: “Danh độc nhất vô nhị của Ðức Chúa Trời là Giê-hô-va xuất hiện 237 lần trong văn bản chính... Vì tầm quan trọng của việc làm thánh danh Ðức Chúa Trời, và vì mọi người cần phải kêu cầu danh ngài để được cứu, nên bản dịch này khôi phục danh Giê-hô-va vào đúng vị trí của danh ấy trong Kinh Thánh”. Hiện nay, Bản dịch Thế Giới Mới, trọn bộ hay một phần, có trong hơn 116 thứ tiếng và hơn 178.545.862 bản được in ấn.

13. Tại sao có thể nói con người biết danh Ðức Chúa Trời từ khi họ được ngài tạo ra?

13 Con người đã biết danh Ðức Chúa Trời từ khi họ được ngài tạo ra. A-đam và Ê-va đã biết danh Ðức Chúa Trời và họ biết rõ cách phát âm danh ấy. Sau trận Nước Lụt, khi Cham bất kính với cha mình, Nô-ê nói: “Ðáng ngợi-khen Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời của Sem thay; Ca-na-an [con của Cham] phải làm tôi cho họ!” (Sáng 4:1; 9:26). Chính Ðức Chúa Trời tuyên bố: “Ta là Ðức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác”. Ðức Chúa Trời cũng phán: “Ta là Ðức Giê-hô-va, không có Ðấng nào khác, ngoài ta không có Ðức Chúa Trời nào khác nữa” (Ê-sai 42:8; 45:5). Ðức Giê-hô-va đảm bảo rằng danh ngài được bảo tồn và được người khắp đất biết đến. Thật là một đặc ân khi chúng ta được dùng danh Giê-hô-va và được phụng sự ngài với tư cách là những Nhân Chứng của ngài! Vì thế, chúng ta có thể nói: “Nhân danh Ðức Chúa Trời chúng tôi, dựng các ngọn cờ của chúng tôi lên”.—Thi 20:5.

14. Ngoài Kinh Thánh, danh Ðức Chúa Trời còn xuất hiện ở đâu?

14 Danh Ðức Chúa Trời không chỉ xuất hiện trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, danh Giê-hô-va xuất hiện trên Bia đá Mô-áp, được tìm thấy ở Dhiban (Dibon), cách Biển Chết 21 km về phía đông. Bia đá ấy nói đến vua Ôm-ri của Y-sơ-ra-ên và ghi lại lời tường thuật của vua Mê-sa xứ Mô-áp về việc ông chống lại dân Y-sơ-ra-ên (1 Vua 16:28; 2 Vua 1:1; 3:4, 5). Ðiều đáng chú ý là danh Ðức Chúa Trời xuất hiện trên Bia đá Mô-áp dưới dạng bốn ký tự YHWH. Bốn ký tự này cũng xuất hiện nhiều lần trong Thư La-ki, là những mảnh vỡ bằng đất nung được tìm thấy ở Israel.

15. Septuagint là bản nào, và tại sao cần bản dịch này?

15 Vào thế kỷ thứ hai TCN, phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được dịch sang tiếng Hy Lạp và gọi là Septuagint. Tại sao cần bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp? Sau 70 năm lưu đày ở Ba-by-lôn, một số người Do Thái quyết định ở lại Ba-by-lôn. Với thời gian, nhiều người trong số họ chuyển đến A-léc-xan-tri, Ai Cập, nơi mà người ta nói tiếng Hy Lạp. Những người Do Thái này cần bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Một số bản Septuagint có danh Giê-hô-va trong tiếng Hê-bơ-rơ.

16. Hãy nêu ví dụ về việc dùng danh Ðức Chúa Trời trong một cuốn sách được lưu hành đầu tiên năm 1640.

16 Danh Ðức Chúa Trời cũng được tìm thấy trong một bản dịch của sách Thi-thiên (Bay Psalm Book), là ấn phẩm đầu tiên được lưu hành tại các vùng lãnh thổ của Anh ở châu Mỹ. Bản này được dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Anh thời đó và được in lần đầu vào năm 1640. Bản dịch này dùng danh Ðức Chúa Trời trong một số đoạn, chẳng hạn như Thi-thiên 1:1, 2 nói rằng người hạnh phúc là người không nghe theo lời khuyên của kẻ ác, nhưng mong đợi “luật pháp của Ðức Giê-hô-va”. Ðể biết thêm thông tin về danh Ðức Chúa Trời, xin xem sách mỏng Danh Ðức Chúa Trời sẽ còn đến muôn đời.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA BẢO TỒN SỰ THẬT

17, 18. (a) Bạn định nghĩa “sự thật” như thế nào? (b) Những sự thật về tin mừng bao gồm điều gì?

17 Chúng ta vui mừng phụng sự “Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời chân-thật [“của  sự thật”, NW]” (Thi 31:5). Một từ điển định nghĩa điều có thật là điều “đúng với thực tế, không dối trá, không thêm không bớt”. Trong Kinh Thánh, từ Hê-bơ-rơ thường được dịch là “sự thật” nói đến một điều có thật, đáng tin cậy, trung thực hay thực tế. Từ Hy Lạp được dịch là “sự thật” nói đến điều đúng hoặc phù hợp với thực tế.

18 Ðức Giê-hô-va bảo tồn sự thật và giúp chúng ta hiểu rõ sự thật ấy (2 Giăng 1, 2). Càng ngày chúng ta càng hiểu rõ sự thật, như Kinh Thánh nói: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”! (Châm 4:18). Chúa Giê-su nói thật đúng: “Lời Cha là sự thật” (Giăng 17:17). Lời Ðức Chúa Trời chứa đựng “sự thật của Tin Mừng”, tức toàn bộ sự dạy dỗ của đạo Ðấng Ki-tô, bao gồm danh Ðức Chúa Trời, quyền tối thượng của ngài, sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, sự sống lại và Nước Trời (Ga 2:14, Nguyễn Thế Thuấn). Chúng ta hãy xem làm thế nào Ðức Chúa Trời bảo tồn sự thật, dù Sa-tan cố che giấu nó.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA ÐÁNH BẠI MỘT CUỘC CÔNG KÍCH SỰ THẬT

19, 20. Nim-rốt là ai, và mưu đồ nào bị thất bại trong thời của hắn?

19 Sau trận Nước Lụt, người ta có câu: “Hệt như Nim-rốt, một tay thợ săn cường bạo chống lại Ðức Giê-hô-va” (Sáng 10:9, NW). Khi chống lại Ðức Giê-hô-va, Nim-rốt thờ phượng Sa-tan. Hắn giống như những kẻ sau này chống đối Chúa Giê-su, ngài nới với những kẻ ấy: “Các người ra từ cha mình là Kẻ Quỷ Quyệt, và các người muốn làm theo ước muốn của cha mình... Hắn không giữ được sự chân thật”.—Giăng 8:44.

20 Lãnh thổ của Nim-rốt bao gồm thành Ba-bên và những thành khác nằm giữa sông Tigris và Ơ-phơ-rát (Sáng 10:10). Có thể dưới sự chỉ đạo của Nim-rốt, thành Ba-bên và tháp của thành bắt đầu được xây dựng vào khoảng năm 2269 TCN. Ý muốn của Ðức Giê-hô-va là loài người tản ra khắp đất, nhưng những người thợ xây nói: “Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản-lạc khắp trên mặt đất”. Tuy nhiên, kế hoạch đó phải bãi bỏ khi Ðức Chúa Trời “làm lộn-xộn tiếng nói của cả thế-gian” và làm họ tản ra (Sáng 11:1-4, 8, 9). Nếu mưu đồ của Sa-tan là hình thành một tôn giáo để mọi người thờ phượng hắn, thì mưu đồ ấy đã hoàn toàn thất bại. Trong suốt lịch sử nhân loại, sự thờ phượng Ðức Giê-hô-va chiếm ưu thế và ngày càng được đẩy mạnh.

21, 22. (a) Tại sao tôn giáo sai lầm không bao giờ là mối đe dọa nghiêm trọng của sự thờ phượng thật? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

21 Tôn giáo sai lầm không bao giờ là mối đe dọa nghiêm trọng của sự thờ phượng thật. Tại sao? Vì “Ðấng Dạy Dỗ Vĩ Ðại” luôn hành động để bảo tồn Lời ngài, danh ngài và chứng tỏ là nguồn vô tận của sự thật (Ê-sai 30:20, 21, NW). Thờ phượng Ðức Chúa Trời theo đúng sự thật mang lại niềm vui. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chúng ta phải tỉnh thức về thiêng liêng, hoàn toàn nương cậy ngài và làm theo sự hướng dẫn của thần khí.

22 Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem những giáo lý sai lầm đã hình thành và phát triển như thế nào. Chúng ta cũng xem những giáo lý ấy bị vạch trần như thế nào khi đưa ra ánh sáng của Kinh Thánh. Ngoài ra, chúng ta cũng xem cách mà đấng bảo tồn sự thật có một không hai, Ðức Giê-hô-va, ban phước cho chúng ta bằng cách giúp chúng ta hiểu những sự thật về ngài. Sự hiểu biết này là một phần di sản thiêng liêng vô giá của chúng ta.