Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học cách thức canh từ gương các sứ đồ

Học cách thức canh từ gương các sứ đồ

‘Hãy thức canh với tôi’.—MAT 26:38.

1-3. Vào đêm cuối trong cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su, các sứ đồ đã phạm lỗi gì? Điều gì cho thấy họ đã rút ra bài học từ lỗi lầm của mình?

Hãy hình dung điều xảy ra vào đêm cuối trong cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đến một trong những nơi ngài ưa thích nhất, vườn Ghết-sê-ma-nê, ngay phía đông thành Giê-ru-sa-lem. Ngài đến đây cùng các sứ đồ trung thành. Vì tâm trí đang nặng trĩu âu lo, Chúa Giê-su cần tìm một nơi thanh tịnh để cầu nguyện.—Mat 26:36; Giăng 18:1, 2.

2 Ba trong các sứ đồ là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng cùng Chúa Giê-su đi sâu vào vườn. Ngài nói với họ: “Hãy ở lại đây và thức canh với tôi”; rồi ngài đi chỗ khác cầu nguyện. Khi trở lại và thấy họ đang ngủ, ngài lại tha thiết kêu gọi họ: “Hãy luôn thức canh”. Thế nhưng, họ ngủ thiếp đi thêm hai lần nữa! Cũng trong buổi tối ấy, tất cả sứ đồ đều không tỉnh táo về thiêng liêng. Thậm chí họ còn bỏ Chúa Giê-su và chạy trốn!—Mat 26:38, 41, 56.

3 Chắc chắn các sứ đồ đã hối hận vì không tiếp tục thức canh vào đêm đó. Những người trung thành này nhanh chóng rút ra bài học từ lỗi lầm của mình. Sách Công vụ cho thấy sau này họ đã nêu gương xuất sắc trong việc tiếp tục thức canh. Lối sống mẫu mực của các sứ đồ hẳn đã tác động đến anh em đồng đạo để họ cũng làm như thế. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần tiếp tục thức canh (Mat 24:42). Vậy, hãy cùng thảo luận ba bài học về việc tiếp tục thức canh mà chúng ta rút ra từ sách Công vụ.

CHÚ Ý VÀ LÀM THEO SỰ HƯỚNG DẪN VỀ NƠI RAO GIẢNG

4, 5. Phao-lô và các bạn đồng hành được thần khí hướng dẫn như thế nào?

4 Bài học thứ nhất, các sứ đồ đã thức canh qua việc chú ý và làm theo sự hướng dẫn về nơi rao giảng. Một lời tường thuật cho thấy cách Chúa Giê-su dùng thần khí Đức Giê-hô-va ban để hướng dẫn sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng hành của ông trong một chuyến hành trình thật lạ thường (Công 2:33). Chúng ta hãy đồng hành cùng họ.—Đọc Công vụ 16:6-10.

5 Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê đã rời thành Lít-trơ ở phía nam vùng Ga-la-ti. Vài ngày sau, họ gặp một con đường lớn của La Mã dẫn về hướng tây, đến nơi đông dân nhất vùng A-si-a. Họ muốn theo con đường ấy để đến thăm các thành mà có hàng ngàn người cần nghe về Đấng Ki-tô. Nhưng có điều gì đó cản họ. Câu 6 nói: “Họ đi qua Phy-gi-a và xứ Ga-la-ti, vì thần khí cấm họ giảng lời Đức Chúa Trời ở vùng A-si-a”. Bằng cách nào đó không rõ, thần khí đã cản họ rao giảng trong vùng A-si-a. Hẳn là chính Chúa Giê-su, qua thần khí Đức Chúa Trời, muốn hướng dẫn Phao-lô và các bạn đồng hành đi hướng khác.

6, 7. (a) Chuyện gì xảy ra với nhóm của Phao-lô khi họ đến gần Bi-thi-ni-a? (b) Các môn đồ ấy quyết định làm gì? Kết quả ra sao?

6 Những người truyền giáo sốt sắng đã đi đâu? Câu 7 giải thích: “Khi xuống tới My-si, họ cố gắng vào Bi-thi-ni-a, nhưng thần khí của Chúa Giê-su không cho phép”. Bị cản rao giảng ở A-si-a, Phao-lô cùng các bạn đồng hành đi về phía bắc để rao giảng tại các thành thuộc xứ Bi-thi-ni-a. Tuy nhiên, khi họ đến gần Bi-thi-ni-a, một lần nữa Chúa Giê-su dùng thần khí để cản họ. Lúc ấy, hẳn họ rất bối rối. Họ biết giảng về điều gì và giảng như thế nào, nhưng không biết phải giảng ở đâu. Như thể họ đã gõ cánh cửa vào A-si-a nhưng không được vào. Họ cũng gõ cánh cửa vào Bi-thi-ni-a, nhưng một lần nữa lại không được. Họ có bỏ cuộc không? Không!

7 Giờ đây, họ đưa ra một quyết định có vẻ hơi kỳ lạ. Câu 8 cho biết: “Họ đi qua My-si và xuống thành Trô-ách”. Như vậy, họ quay sang hướng tây và đi bộ khoảng 550km, băng qua hết thành này đến thành khác cho tới khi gặp cảng Trô-ách, là cửa ngõ thiên nhiên dẫn đến Ma-xê-đô-ni-a. Tại đó, họ gõ cửa lần thứ ba và cánh cửa ấy mở toang ra! Câu 9 thuật lại chuyện xảy ra sau đó: “Ban đêm, Phao-lô thấy khải tượng: Có một người Ma-xê-đô-ni-a đứng khẩn nài ông: ‘Xin qua Ma-xê-đô-ni-a giúp chúng tôi’”. Cuối cùng, Phao-lô biết phải rao giảng ở đâu. Ngay lập tức, nhóm của ông lên thuyền đến Ma-xê-đô-ni-a.

8, 9. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về chuyến hành trình của Phao-lô?

8 Chúng ta học được gì từ lời tường thuật ấy? Hãy lưu ý điều này: Chỉ sau khi Phao-lô khởi hành đi A-si-a thì thần khí Đức Chúa Trời mới ngăn cản, chỉ sau khi Phao-lô đến gần Bi-thi-ni-a thì Chúa Giê-su mới can thiệp, và chỉ sau khi Phao-lô đến Trô-ách thì Chúa Giê-su mới hướng dẫn ông đến Ma-xê-đô-ni-a. Là Đầu hội thánh, có thể Chúa Giê-su cũng hướng dẫn chúng ta theo cách tương tự (Cô 1:18). Chẳng hạn, có lẽ lâu nay bạn nghĩ đến việc làm tiên phong hay chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn. Thế nhưng, có thể chỉ sau khi bạn thực hiện những bước cụ thể để đạt mục tiêu thì Chúa Giê-su mới hướng dẫn bạn qua thần khí. Để minh họa: Người lái xe có thể điều khiển xe rẽ trái hay rẽ phải chỉ khi nó đang chuyển động. Tương tự, Chúa Giê-su có thể hướng dẫn chúng ta trong việc nới rộng thánh chức chỉ khi chúng ta đang chuyển động, tức đang nỗ lực thực hiện điều đó.

9 Nhưng nếu nỗ lực của bạn không có kết quả ngay lập tức thì sao? Bạn có nên bỏ cuộc, cho rằng thần khí Đức Chúa Trời không hướng dẫn mình? Hãy nhớ là Phao-lô cũng có khi gặp trắc trở. Tuy nhiên, ông tiếp tục tìm và gõ đến khi gặp một cánh cửa mở. Tương tự, nếu kiên trì tìm ‘một cánh cửa lớn cho công việc’, rất có thể bạn cũng được ban thưởng.—1 Cô 16:9.

TỈNH THỨC TRONG VIỆC CẦU NGUYỆN

10. Điều gì cho thấy tỉnh thức trong việc cầu nguyện là điều thiết yếu để tiếp tục thức canh?

10 Giờ đây, hãy xem xét bài học thứ hai về việc thức canh mà chúng ta học được từ gương các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất: Họ đã tỉnh thức trong việc cầu nguyện (1 Phi 4:7). Kiên trì cầu nguyện là điều thiết yếu để tiếp tục thức canh. Hãy nhớ lại trong vườn Ghết-sê-ma-nê, ngay trước khi bị bắt, Chúa Giê-su nói với ba sứ đồ: “Hãy luôn thức canh và cầu nguyện”.—Mat 26:41.

11, 12. Tại sao và bằng cách nào vua Hê-rốt ngược đãi các tín đồ, kể cả Phi-e-rơ?

11 Chính Phi-e-rơ, người có mặt vào lúc ấy, sau này cảm nghiệm sức mạnh của lời cầu nguyện tha thiết. (Đọc Công vụ 12:1-6). Qua những câu đầu của chương 12 sách Công vụ, chúng ta biết được vua Hê-rốt đã ngược đãi tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhằm lấy lòng dân Do Thái. Chắc Hê-rốt biết Gia-cơ là một trong những sứ đồ thân cận nhất của Chúa Giê-su. Vì thế, Hê-rốt “đã sai người dùng gươm giết Gia-cơ” (câu 2). Hội thánh đã mất đi một sứ đồ yêu dấu. Thật là một thử thách đối với các tín đồ!

12 Hê-rốt làm gì sau đó? Câu 3 cho biết: “Thấy điều đó vừa lòng người Do Thái, vua cũng sai bắt Phi-e-rơ”. Nhưng không phải lúc nào nhà tù cũng giam cầm được các sứ đồ, kể cả Phi-e-rơ (Công 5:17-20). Có lẽ Hê-rốt biết điều đó nên nhà chính trị xảo quyệt này không để sơ hở. Hê-rốt giao Phi-e-rơ cho “bốn toán lính thay phiên canh giữ, mỗi toán có bốn người; vua định sẽ đưa ông ra trước dân chúng sau Lễ Vượt Qua” (câu 4). Hãy tưởng tượng, Hê-rốt cho xiềng Phi-e-rơ giữa 2 lính canh, với 16 lính thay phiên canh giữ ngày đêm để sứ đồ này không thể trốn được. Mục đích của Hê-rốt là bắt Phi-e-rơ đứng trước đám đông và kết án tử hình ông sau Lễ Vượt Qua để làm vui lòng dân chúng. Trong tình thế đáng sợ đó, anh em đồng đạo của Phi-e-rơ có thể làm gì?

13, 14. (a) Hội thánh phản ứng ra sao khi Phi-e-rơ bị tù? (b) Chúng ta học được gì từ gương các anh em đồng đạo của Phi-e-rơ trong việc cầu nguyện?

13 Hội thánh biết rõ điều phải làm. Câu 5 nói: “Trong lúc Phi-e-rơ bị cầm tù, hội thánh khẩn thiết cầu nguyện cho ông”. Đúng vậy, lời cầu nguyện của họ cho người anh em yêu dấu rất khẩn thiết và chân thành. Cái chết của Gia-cơ không làm họ tuyệt vọng, cũng không khiến họ xem lời cầu nguyện là vô hiệu. Ngược lại, họ biết lời cầu nguyện của tôi tớ trung thành rất có ý nghĩa đối với Đức Giê-hô-va. Nếu lời cầu nguyện ấy phù hợp với ý ngài thì ngài sẽ đáp lời.—Hê 13:18, 19; Gia 5:16.

14 Chúng ta học được gì từ phản ứng của anh em đồng đạo của Phi-e-rơ? Tiếp tục thức canh không chỉ là việc cầu nguyện cho chính mình nhưng cũng bao gồm việc cầu nguyện cho các anh chị khác (Ê-phê 6:18). Bạn có biết anh em đồng đạo nào đang gặp thử thách không? Có lẽ một số anh chị đang bị ngược đãi, bị chính quyền cấm đoán hoặc chịu mất mát do thiên tai. Tại sao không nhớ đến họ trong lời cầu nguyện chân thành của bạn? Có thể bạn biết một số anh chị đang trải qua khó khăn mà ít người nhận thấy, như vấn đề gia đình, sự nản lòng hoặc sức khỏe kém. Sao không nghĩ đến và nhắc tên họ khi bạn nói chuyện với Đức Giê-hô-va, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”?—Thi 65:2.

15, 16. (a) Hãy miêu tả cách thiên sứ của Đức Giê-hô-va giải cứu Phi-e-rơ khỏi tù. (Xin xem hình bên dưới). (b) Tại sao suy ngẫm về việc Đức Giê-hô-va giải cứu Phi-e-rơ làm đức tin của chúng ta vững mạnh hơn?

15 Thế nhưng chuyện gì đã xảy ra với Phi-e-rơ? Đêm cuối Phi-e-rơ ở trong tù, có một loạt chuyện kỳ lạ xảy ra. (Đọc Công vụ 12:7-11). Hãy hình dung cảnh tượng đó: Phi-e-rơ đang nằm ngủ say giữa hai người lính. Thình lình, ánh sáng chói lòa chiếu khắp phòng giam. Một thiên sứ đã hiện ra, hẳn lính canh không thấy người. Thiên sứ nhanh chóng đánh thức Phi-e-rơ. Những sợi xích trên tay ông tự nhiên rớt xuống! Rồi thiên sứ dẫn Phi-e-rơ ra khỏi phòng giam, qua trước mặt các toán lính canh bên ngoài và đi qua cổng sắt đồ sộ, “cổng tự động mở”. Khi họ ra khỏi ngục, thiên sứ biến mất. Phi-e-rơ được tự do!

16 Khi suy ngẫm về quyền năng Đức Giê-hô-va dùng để giải cứu tôi tớ ngài, chẳng phải đức tin của chúng ta vững mạnh hơn sao? Dĩ nhiên, thời nay chúng ta không mong được Đức Giê-hô-va giải cứu bằng phép lạ. Tuy vậy, chúng ta tin chắc ngài vẫn dùng quyền năng để giúp dân ngài (2 Sử 16:9). Nhờ thần khí mạnh mẽ của ngài, chúng ta có đủ sức đương đầu với bất cứ thử thách nào (2 Cô 4:7; 2 Phi 2:9). Không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ dùng Con ngài để giải thoát hàng triệu người khỏi nhà tù kiên cố nhất là sự chết (Giăng 5:28, 29). Tin cậy lời hứa của Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta can đảm khi đối mặt với thử thách ngày nay.

LÀM CHỨNG CẶN KẼ DÙ GẶP TRỞ NGẠI

17. Phao-lô nêu gương nổi bật nào về việc rao giảng với lòng sốt sắng và tinh thần cấp bách?

17 Bây giờ, hãy xem bài học thứ ba về việc thức canh mà chúng ta học được từ gương các sứ đồ: Họ tiếp tục làm chứng cặn kẽ dù gặp trở ngại. Rao giảng với lòng sốt sắng và tinh thần cấp bách là điều trọng yếu để tiếp tục thức canh. Sứ đồ Phao-lô nêu gương nổi bật về phương diện này. Ông cố gắng hết sức, đi nhiều chuyến hành trình và thành lập nhiều hội thánh. Tuy chịu nhiều thử thách cam go nhưng ông không bao giờ đánh mất lòng sốt sắng hay tinh thần cấp bách.—2 Cô 11:23-29.

18. Khi bị giam lỏng ở Rô-ma, Phao-lô đã tiếp tục làm chứng như thế nào?

18 Hãy xem xét lời tường thuật cuối về Phao-lô trong sách Công vụ, nơi chương 28. Phao-lô đã đến Rô-ma để trình diện trước hoàng đế Nero. Ông bị giam lỏng, có lẽ là tay bị cùm và dây xích được buộc vào lính canh. Tuy nhiên, không xiềng xích nào có thể làm sứ đồ sốt sắng này im lặng! Phao-lô tiếp tục tìm cách làm chứng. (Đọc Công vụ 28:17, 23, 24). Ba ngày sau, ông gọi những người có chức quyền trong cộng đồng Do Thái ở Rô-ma đến để làm chứng cho họ. Sau đó, vào một ngày đã hẹn, ông làm chứng cho nhiều người hơn. Câu 23 nói: “Họ [người Do Thái địa phương] hẹn ngày gặp lại ông, và hôm đó có rất đông người đến nhà trọ của ông. Từ sáng đến tối, Phao-lô giảng cho họ bằng cách làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời, đồng thời dựa vào Luật pháp Môi-se và sách của các tiên tri để cố thuyết phục họ tin Chúa Giê-su”.

19, 20. (a) Nhờ đâu Phao-lô làm chứng hữu hiệu? (b) Phao-lô phản ứng thế nào khi nhiều người không hưởng ứng tin mừng?

19 Nhờ đâu Phao-lô làm chứng hữu hiệu? Câu 23 cho biết có một số yếu tố. (1) Ông tập trung vào Nước Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Ki-tô. (2) Ông cố gắng động đến lòng người nghe bằng những lời “thuyết phục”. (3) Ông lý luận dựa trên Kinh Thánh. (4) Ông thể hiện tinh thần hy sinh, làm chứng “từ sáng đến tối”. Phao-lô đã làm chứng mạnh mẽ nhưng không phải ai cũng hưởng ứng. Câu 24 ghi: “Một số người tin lời ông nói, nhưng số khác thì không”. Có sự bất đồng nảy sinh nên họ bỏ về.

20 Phao-lô có chán nản vì nhiều người không hưởng ứng tin mừng không? Không. Công vụ 28:30, 31 cho biết: “Phao-lô ở đó suốt hai năm, trong căn nhà thuê. Ông tiếp đón tất cả những người đến thăm mình, dạn dĩ rao báo cho họ về Nước Đức Chúa Trời, và giảng về Chúa Giê-su Ki-tô mà không bị ai ngăn cấm”. Sách Công vụ kết thúc bằng những lời đầy khích lệ đó.

21. Chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô khi ông bị quản thúc?

21 Chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô? Trong khi bị quản thúc, Phao-lô không thể làm chứng từ nhà này sang nhà kia. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm tích cực và làm chứng cho tất cả những ai đến với ông. Tương tự, nhiều người thuộc dân Đức Chúa Trời ngày nay vẫn giữ niềm vui và tiếp tục rao giảng dù bị tù oan vì đức tin. Một số anh chị yêu dấu của chúng ta không ra khỏi nhà được, ngay cả phải sống trong viện dưỡng lão, vì tuổi già hay bệnh tật. Trong khả năng có thể, họ rao giảng cho bác sĩ, nhân viên, khách đến thăm và những người khác. Ước muốn của họ là làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời. Chúng ta thật cảm phục gương của họ!

22. (a) Công cụ nào giúp chúng ta được lợi ích từ sách Công vụ? (Xin xem khung ở trên). (b) Trong khi chờ thế gian này kết thúc, bạn quyết tâm làm gì?

22 Thật vậy, qua sách Công vụ, chúng ta học được nhiều điều về việc thức canh từ gương các sứ đồ và các tín đồ khác vào thế kỷ thứ nhất. Trong khi chờ thế gian này kết thúc, mỗi người trong chúng ta quyết tâm can đảm và sốt sắng làm chứng theo gương các tín đồ thuở trước. Giờ đây, không có đặc ân nào lớn hơn việc “làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời”!—Công 28:23.

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 13]

“SÁCH CÔNG VỤ TRỞ NÊN HOÀN TOÀN MỚI VỚI TÔI”

Sau khi đọc sách “Làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời”, một giám thị lưu động bày tỏ cảm nghĩ như sau: “Sách Công vụ trở nên hoàn toàn mới với tôi. Trước đây, tôi đã đọc sách Công vụ nhiều lần nhưng giống như là đọc dưới sự mờ ảo của ngọn nến, với cặp kính bị mờ. Bây giờ, tôi thấy mình được ban phước để thấy rõ cái hay của sách như thể đọc dưới ánh sáng mặt trời”.

[Hình nơi trang 12]

Thiên sứ dẫn Phi-e-rơ đi qua cổng sắt đồ sộ