Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi bạn trẻ—Hãy kháng cự áp lực của bạn bè

Hỡi bạn trẻ—Hãy kháng cự áp lực của bạn bè

Hỡi bạn trẻ—Hãy kháng cự áp lực của bạn bè

“Lời nói anh em phải... nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”.—CÔ 4:6.

1, 2. Nhiều người trẻ cảm thấy thế nào về việc khác biệt, và tại sao?

“Áp lực bạn bè”. Chắc chắn bạn không chỉ nghe qua cụm từ này mà còn trải nghiệm điều đó. Không lúc này thì lúc khác, có thể một người thúc bạn làm điều mà bạn biết là sai. Bạn cảm thấy thế nào? Em Christopher, 14 tuổi, cho biết: “Đôi khi em chỉ muốn, một là độn thổ, hai là làm theo mấy đứa cùng trường để không thành người khác biệt”.

2 Áp lực bạn bè có tác động mạnh đến bạn không? Nếu có thì tại sao vậy? Có phải vì bạn muốn họ chấp nhận bạn không? Mong muốn đó không có gì là sai. Thật ra, người lớn cũng muốn được bạn bè chấp nhận. Không có ai—dù trẻ tuổi hay lớn tuổi—thích bị cô lập. Tuy nhiên, trên thực tế, bênh vực điều đúng không lúc nào cũng được người khác tán thành. Ngay cả Chúa Giê-su cũng phải trải qua điều này. Tuy vậy, Chúa Giê-su luôn làm điều đúng. Trong khi một số người theo ngài và trở thành môn đồ, số khác khinh thường Con của Đức Chúa Trời và “chẳng coi người ra gì”.—Ê-sai 53:3.

Áp lực phải làm theo—Mạnh đến mức nào?

3. Tại sao làm theo các tiêu chuẩn của bạn bè là một sai lầm?

3 Đôi khi có lẽ bạn bị áp lực phải làm theo các tiêu chuẩn của bạn bè chỉ để được họ chấp nhận. Suy nghĩ đó thật sai lầm. Tín đồ Đấng Christ không nên “như trẻ con nữa, bị người ta lừa-đảo” (Ê-phê 4:14). Trẻ em có thể dễ bị người khác tác động. Tuy nhiên, là người trẻ, bạn đang bước vào giai đoạn trưởng thành. Vì thế, nếu tin rằng các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích thì bạn nên sống theo những gì mình tin chắc (Phục 10:12, 13). Nếu không, bạn sẽ không kiểm soát được đời sống của mình. Thực tế là khi nhượng bộ trước áp lực của người khác, bạn không khác gì một con rối.—Đọc 2 Phi-e-rơ 2:19.

4, 5. (a) A-rôn đã chiều theo áp lực như thế nào, và qua đó bạn có thể rút ra bài học gì? (b) Bạn bè cố gắng gây áp lực cho bạn qua những cách nào?

4 Một dịp nọ, anh của Môi-se là A-rôn đã chiều theo áp lực của người khác. Khi dân Y-sơ-ra-ên nài nỉ ông làm một vị thần cho họ, ông đã làm theo. A-rôn không phải là người nhu nhược. Trước đó, ông đã cùng Môi-se đối mặt với Pha-ra-ôn, người quyền lực nhất ở Ê-díp-tô. Lúc ấy, A-rôn dạn dĩ tuyên bố thông điệp của Đức Chúa Trời với Pha-ra-ôn. Nhưng khi những người Y-sơ-ra-ên đồng hương gây áp lực, ông đã nhượng bộ. Áp lực của người khác quả mạnh mẽ làm sao! A-rôn nhận thấy việc đứng trước vua Ê-díp-tô dễ hơn việc đối phó với áp lực của người xung quanh.—Xuất 7:1, 2; 32:1-4.

5 Như gương của A-rôn cho thấy, áp lực bạn bè không chỉ dành cho người trẻ, cũng không chỉ là vấn đề của những người có khuynh hướng làm điều xấu. Áp lực bạn bè có thể ảnh hưởng ngay cả những ai thật lòng muốn làm điều đúng, trong đó có bạn. Bạn bè của bạn có thể cố gắng ép buộc bạn làm điều sai trái bằng cách thách thức, vu khống hoặc chế giễu bạn. Dù là hình thức gì đi nữa, áp lực bạn bè rất khó đối phó. Để thành công trong việc kháng cự áp lực này, bạn cần bắt đầu với việc vun trồng lòng tin chắc nơi những gì bạn tin.

“Hãy tự thử mình”

6, 7. (a) Tại sao có lòng tin chắc về niềm tin của mình là quan trọng, và làm sao có thể vun trồng lòng tin chắc đó? (b) Bạn có thể tự hỏi những câu hỏi nào để củng cố lòng tin chắc?

6 Để kháng cự áp lực bạn bè, trước hết bạn phải chắc chắn rằng niềm tin và tiêu chuẩn của bạn là đúng. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 13:5). Niềm tin chắc sẽ giúp bạn được dạn dĩ, dù bạn có bản tính nhút nhát (2 Ti 1:7, 8). Nhưng ngay cả một người dạn dĩ có thể cảm thấy khó ủng hộ điều mà mình không thật sự tin chắc. Vì thế, sao không “tự thử mình” bằng cách chứng minh những điều học từ Kinh Thánh là lẽ thật? Hãy bắt đầu với những điều cơ bản. Chẳng hạn, bạn tin có Đức Chúa Trời và đã nghe người khác nói lên đức tin nơi sự hiện hữu của Ngài. Hãy tự hỏi: “Điều gì thuyết phục tôi tin là Đức Chúa Trời hiện hữu?”. Mục tiêu của câu hỏi ấy không phải khiến bạn hoài nghi nhưng để củng cố đức tin của bạn. Tương tự, hãy tự hỏi: “Làm sao tôi biết Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn? (2 Ti 3:16). Tại sao tôi tin chắc đây là “ngày sau-rốt”? (2 Ti 3:1-5). Điều gì khiến tôi tin rằng tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích cho tôi?”.—Ê-sai 48:17, 18.

7 Bạn có lẽ do dự tự hỏi những câu hỏi trên vì lo là sẽ không có câu trả lời. Tuy nhiên, điều đó cũng giống như việc chần chừ nhìn đồng hồ xăng vì sợ kim chỉ vào vạch hết xăng! Nếu bình hết xăng, bạn cần biết để giải quyết. Tương tự, chúng ta cần nhận biết mình không chắc chắn về điều gì để cố gắng củng cố về khía cạnh đó.—Công 17:11.

8. Hãy giải thích làm thế nào bạn có thể củng cố lòng tin chắc nơi mệnh lệnh khôn ngoan của Đức Chúa Trời là tránh sự dâm dục.

8 Hãy xem một thí dụ. Kinh Thánh khuyến khích bạn “tránh sự dâm-dục”. Hãy tự hỏi: “Tại sao đây là mệnh lệnh khôn ngoan?”. Hãy nghĩ đến tất cả những lý do mà bạn đồng trang lứa thực hành “sự dâm-dục”. Cũng suy ngẫm lý do mà người thực hành sự dâm dục “phạm đến chính thân-thể mình” (1 Cô 6:18). Bây giờ hãy phân tích những lý do đó và tự hỏi: “Đi theo đường lối nào là tốt nhất? Có đáng để làm điều vô luân?”. Hãy nghĩ xa hơn về vấn đề này, và tự hỏi: “Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu chiều theo sự vô luân?”. Có lẽ ngay lúc ấy bạn sẽ được bạn bè chấp nhận, nhưng sau đó bạn sẽ cảm thấy thế nào khi ở với cha mẹ hoặc các anh chị khác tại Phòng Nước Trời? Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi cố gắng cầu nguyện với Đức Chúa Trời? Có thật là bạn sẵn sàng hy sinh vị thế trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời chỉ để làm hài lòng bạn bè của mình không?

9, 10. Chắc chắn về niềm tin của mình có thể giúp bạn thế nào để tự tin hơn khi ở với bạn bè?

9 Nếu là một thanh thiếu niên, bạn đang ở giai đoạn mà “tâm-tư” tức khả năng nhận thức phát triển hơn bao giờ hết. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:14). Hãy dùng khoảng thời gian này để suy nghĩ nghiêm túc về việc là một Nhân Chứng Giê-hô-va mang ý nghĩa gì đối với bạn. Việc suy ngẫm như thế sẽ giúp bạn củng cố lòng tin chắc nơi niềm tin của mình. Rồi khi đương đầu với áp lực bạn bè, bạn sẽ có thể đối đáp ngay và với sự tự tin. Bạn sẽ cảm thấy như một chị trẻ đã nói: “Khi kháng cự áp lực bạn bè, tất cả những điều tôi làm là cho người khác biết lập trường của mình. Đó không phải là vấn đề theo “một đạo”, nhưng là điều quan trọng và đặc biệt đối với tôi vì liên quan đến lối suy nghĩ, mục tiêu, tiêu chuẩn đạo đức và cả đời sống của tôi”.

10 Thật vậy, cần nỗ lực để tiếp tục giữ vững điều mà bạn biết là đúng (Lu 13:24). Và có lẽ bạn thắc mắc điều đó có đáng hay không. Hãy nhớ: Nếu bạn tỏ vẻ nuối tiếc hoặc xấu hổ vì phải giữ lập trường, người khác sẽ biết và có thể gây áp lực thêm. Tuy nhiên, nếu nói với lòng tin chắc, bạn có thể ngạc nhiên khi bạn bè sẽ ngừng gây áp lực cho bạn nhanh đến mức nào.—So sánh Lu-ca 4:12, 13.

“Suy-nghĩ lời phải đáp”

11. Chuẩn bị để đối phó với áp lực bạn bè mang lại lợi ích nào?

11 Một bước quan trọng khác để kháng cự áp lực bạn bè là chuẩn bị. (Đọc Châm-ngôn 15:28). Chuẩn bị có nghĩa là suy nghĩ trước những tình huống có khả năng xảy ra. Đôi khi suy nghĩ trước như thế có thể giúp bạn tránh những cuộc chạm trán. Chẳng hạn, giả sử bạn thấy một nhóm bạn ở phía trước đang hút thuốc. Liệu họ sẽ mời bạn hút thuốc không? Khi dự đoán trước vấn đề, bạn có thể làm gì? Châm-ngôn 22:3 nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình”. Khi đi hướng khác, bạn sẽ tránh đối đầu với họ. Đó không phải là sợ hãi, nhưng là điều khôn ngoan.

12. Khi bạn bè gây áp lực, một cách để đối phó là gì?

12 Nói sao nếu bạn không tránh được những tình huống như thế? Giả sử về vấn đề quan hệ tình dục, một người bạn hỏi bạn một cách hoài nghi: “Cậu chưa thử qua “chuyện ấy” hả?”. Khi ấy, bí quyết là làm theo lời khuyên nơi Cô-lô-se 4:6: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”. Như câu Kinh Thánh này cho thấy, cách bạn đối phó tùy thuộc vào tình huống. Có lẽ bạn không cần phải dùng Kinh Thánh để giảng giải, chỉ cần một câu trả lời đơn giản nhưng kiên định là đủ. Chẳng hạn, để trả lời câu hỏi về vấn đề trên, bạn có thể chỉ cần nói: “Đúng, tớ chưa bao giờ làm thế” hoặc “Đây là chuyện riêng”.

13. Tại sao cần sự sáng suốt trong việc trả lời câu hỏi có ý chế giễu từ bạn bè?

13 Chúa Giê-su thường trả lời ngắn gọn khi thấy không có lợi gì nếu nói thêm. Có lần khi bị vua Hê-rốt chất vấn, Chúa Giê-su không nói gì cả (Lu 23:8, 9). Sự im lặng thường là cách tốt để đối phó với những câu hỏi không thích đáng (Châm 26:4; Truyền 3:1, 7). Mặt khác, bạn có thể nhận thấy người hỏi có phần nào thành thật thắc mắc về niềm tin của bạn—chẳng hạn quan điểm về đạo đức tính dục—dù người đó ban đầu chế giễu bạn (1 Phi 4:4). Trong trường hợp đó, bạn có thể giải thích kỹ hơn về lập trường của mình dựa trên Kinh Thánh. Đừng ngần ngại vì sợ, nhưng hãy luôn “sẵn-sàng để trả lời” câu hỏi.—1 Phi 3:15.

14. Làm thế nào bạn có thể khéo léo phản ứng lại trước áp lực trong một số trường hợp?

14 Trong một số trường hợp, bạn có thể phản ứng lại trước áp lực. Tuy nhiên, bạn phải cố gắng làm thế cách khéo léo. Chẳng hạn, nếu một bạn cùng trường thách thức bạn bằng cách đưa bạn điếu thuốc, bạn có thể nói: “Không, tớ không hút”, rồi nói thêm: “Còn cậu, sao lại hút thuốc? Hút thuốc có ích gì chứ?”. Bạn có thấy cách phản ứng lại trước áp lực không? Thay vì giải thích tại sao bạn không hút thuốc, bạn khiến người đó phải nghĩ tại sao người đó làm thế.

15. Khi nào là thích hợp để tránh những người cố gắng gây áp lực cho bạn, và tại sao?

15 Dù bạn đã nỗ lực nhưng bạn bè vẫn tiếp tục gây áp lực thì sao? Trong trường hợp ấy, tốt nhất là tránh đi nơi khác. Càng ở lâu, bạn càng dễ thỏa hiệp theo một cách nào đó. Vì thế, hãy đi chỗ khác. Bạn có thể làm thế mà không cảm thấy mình thất bại. Suy cho cùng, bạn đã kiểm soát được tình huống. Bạn không trở thành con rối trong tay bạn bè, và sẽ làm vui lòng Đức Giê-hô-va.—Châm 27:11.

Có kế hoạch sẽ mang lại lợi ích

16. Một số người xưng mình là tín đồ Đấng Christ có thể gây áp lực thế nào?

16 Đôi khi áp lực tham gia vào hoạt động không lành mạnh có thể đến từ những người trẻ xưng mình là tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, nói sao nếu bạn đến một buổi họp mặt do người đó tổ chức, rồi nhận ra rằng không có sự giám sát của người lớn? Hoặc nói sao nếu một người trẻ xưng mình là tín đồ Đấng Christ nhưng lại mang rượu đến buổi họp mặt, và bạn cùng những người có mặt tại đó chưa đủ tuổi để uống? Một số tình huống có thể nảy sinh và bạn cần làm theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. Một tín đồ ở tuổi thanh thiếu niên kể lại: “Chị em và em bước ra khỏi rạp chiếu phim vì trong phim có rất nhiều câu chửi thề. Những người khác trong nhóm thì ở lại. Cha mẹ đã khen chúng em vì đã làm thế. Tuy nhiên, những bạn khác trong nhóm tỏ ra giận vì nghĩ chúng em làm họ mất mặt”.

17. Khi tham gia một buổi họp mặt, hành động thực tế nào có thể giúp bạn giữ theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời?

17 Như kinh nghiệm trên cho thấy, làm theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện có thể khiến bạn rơi vào tình huống khó xử. Nhưng hãy làm điều bạn biết là đúng. Hãy chuẩn bị. Nếu sắp đến một buổi họp mặt, hãy dự trù sẽ làm gì trong trường hợp có chuyện bất ngờ xảy ra. Một vài người trẻ thỏa thuận với cha mẹ rằng các em chỉ cần gọi điện thoại là cha mẹ đến đón về sớm (Thi 26:4, 5). Thật vậy, có kế hoạch sẽ mang lại lợi ích.

“Hãy vui-mừng trong buổi thiếu-niên”

18, 19. (a) Tại sao bạn có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va muốn bạn hạnh phúc? (b) Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về những người kháng cự áp lực bạn bè?

18 Đức Giê-hô-va tạo ra bạn để vui hưởng sự sống và muốn bạn hạnh phúc. (Đọc Truyền-đạo 11:9). Hãy nhớ rằng những điều mà nhiều người đồng trang lứa trải qua chỉ là “tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi” (Hê 11:25). Đức Chúa Trời muốn bạn hưởng được nhiều niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Vì thế, khi đương đầu với cám dỗ làm điều mà bạn biết là xấu trước mắt Đức Chúa Trời, hãy nhớ rằng về lâu dài, đòi hỏi của Đức Giê-hô-va luôn là vì lợi ích tốt nhất của bạn.

19 Là người trẻ, bạn cần nhận ra rằng cho dù được sự tán thành của bạn bè, nhưng qua năm tháng, rất có thể ngay cả tên của bạn họ cũng sẽ không nhớ. Ngược lại, khi bạn kháng cự áp lực bạn bè, Đức Giê-hô-va nhớ đến điều đó và không bao giờ quên bạn hay lòng trung thành của bạn. Ngài sẽ “mở các cửa-sổ trên trời... đổ phước xuống cho [bạn] đến nỗi không chỗ chứa” (Mal 3:10). Hơn nữa, bất cứ khi nào bạn cần, Ngài rộng rãi ban thánh linh để giúp bạn thêm quyết tâm. Thật vậy, Đức Giê-hô-va có thể giúp bạn kháng cự áp lực bạn bè!

Bạn có nhớ không?

• Áp lực bạn bè có thể mạnh đến mức nào?

• Lòng tin chắc đóng vai trò gì trong việc kháng cự áp lực bạn bè?

• Bạn có thể chuẩn bị đương đầu với áp lực bạn bè như thế nào?

• Làm sao bạn biết Đức Giê-hô-va quý lòng trung thành của bạn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 8]

Tại sao A-rôn đã đồng ý làm tượng bò vàng?

[Hình nơi trang 10]

Hãy chuẩn bị bằng cách quyết định trước sẽ nói gì