Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách A-ghê và Xa-cha-ri

Những điểm nổi bật trong sách A-ghê và Xa-cha-ri

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách A-ghê và Xa-cha-ri

ĐÓ LÀ năm 520 TCN. Đã 16 năm trôi qua kể từ khi những người Do Thái từ Ba-by-lôn hồi hương xây lại nền của đền thờ Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, đền thờ vẫn chưa hoàn tất, và công việc xây cất bị cấm. Đức Giê-hô-va bổ nhiệm tiên tri A-ghê và hai tháng sau chọn tiên tri Xa-cha-ri để thông báo lời Ngài.

A-ghê và Xa-cha-ri có cùng một mục đích, đó là giục lòng dân sự bắt đầu lại công việc tái thiết đền thờ. Nỗ lực của hai nhà tiên tri này đã thành công, và sau năm năm đền thờ được xây xong. Những gì A-ghê và Xa-cha-ri loan báo đã được ghi lại trong hai cuốn sách mang tên của họ. Sách A-ghê hoàn tất năm 520 TCN và sách Xa-cha-ri năm 518 TCN. Giống như hai nhà tiên tri đó, chúng ta cũng được Đức Chúa Trời giao phó một nhiệm vụ phải được hoàn thành trước khi thế gian này kết liễu. Đó là công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Hãy xem chúng ta có thể nhận được sự khích lệ nào từ sách A-ghê và Xa-cha-ri.

“CÁC NGƯƠI KHÁ XEM-XÉT ĐƯỜNG-LỐI MÌNH”

(A-ghê 1:1–2:23)

Trong vòng 112 ngày, A-ghê rao báo bốn thông điệp làm phấn chấn lòng người. Thông điệp đầu tiên là: “Các ngươi khá xem-xét đường-lối mình. Hãy lên núi, đem gỗ về, và xây nhà nầy, thì ta sẽ lấy nó làm vui lòng, và ta sẽ được sáng danh, Đức Giê-hô-va phán vậy” (A-ghê 1:7, 8). Dân chúng hưởng ứng lời kêu gọi đó. Thông điệp thứ hai kèm theo lời hứa: “Ta [Đức Giê-hô-va] sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy”.—A-ghê 2:7.

Theo thông điệp thứ ba, vì bỏ bê việc tái thiết đền thờ nên ‘dân và cả công-việc tay họ làm ra’ đều bị ô uế trước mắt Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, khi họ bắt đầu lại công việc tái thiết thì Ngài “sẽ ban phước” cho họ. Như thông điệp thứ tư cho biết, Đức Giê-hô-va sẽ “diệt quyền-thế các nước của các dân” và đặt Quan trấn thủ Xô-rô-ba-bên làm “ấn-tín”.—A-ghê 2:14, 19, 22, 23.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:6, 7, 21, 22—Ai hay điều gì làm rúng động, và có kết quả nào? Đức Giê-hô-va đang “làm rúng-động hết thảy các nước” qua công việc rao giảng thông điệp Nước Trời trên toàn thế giới. Công việc này cũng mang “sự ao-ước của các nước” vào nhà Đức Giê-hô-va, làm cho vinh quang đầy dẫy nhà Ngài. Cuối cùng, “Đức Giê-hô-va vạn-quân” sẽ làm rúng động “các từng trời và đất, biển và đất khô”, khiến toàn thể hệ thống gian ác hiện tại sụp đổ.—Hê-bơ-rơ 12:26, 27.

2:9—Theo nghĩa nào “vinh-quang sau-rốt của nhà nầy sẽ lớn hơn vinh-quang trước”? Theo ít nhất ba nghĩa: số năm đền thờ tồn tại, ai giảng dạy ở đó và những ai đến đó thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tuy đền thờ nguy nga của Sa-lô-môn tồn tại 420 năm, từ năm 1027 TCN đến năm 607 TCN, nhưng đền thờ sau này được sử dụng hơn 580 năm, từ lúc hoàn tất vào năm 515 TCN đến khi bị hủy phá vào năm 70 CN. Hơn nữa, Đấng Mê-si tức Chúa Giê-su Christ đã giảng dạy trong đền thờ sau này, và có nhiều người đến đó để thờ phượng hơn là đền thờ trước kia.—Công-vụ 2:1-11.

Bài học cho chúng ta:

1:2-4. Dù công việc rao giảng bị chống đối, chúng ta không nên đặt việc tìm kiếm lợi riêng lên trên việc “tìm-kiếm Nước Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 6:33.

1:5, 7Chúng ta nên khôn ngoan “xem-xét đường-lối mình” và suy ngẫm những gì mình làm trong đời sống ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

1:6, 9-11; 2:14-17. Người Do Thái vào thời A-ghê bận rộn trong những việc riêng nhưng không hưởng được kết quả của công lao mình. Họ bỏ bê đền thờ nên không được Đức Chúa Trời ban phước. Chúng ta nên đặt ưu tiên những mục tiêu thiêng liêng và hết lòng phụng sự Đức Chúa Trời, luôn nhớ rằng “phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có”, dù chúng ta có nhiều hay ít của cải.—Châm-ngôn 10:22.

2:15, 18. Đức Giê-hô-va thúc giục người Do Thái hãy suy nghĩ “từ ngày này về trước”, hoặc “kể từ nay trở đi” (theo bản Tòa Tổng Giám Mục), về công việc xây lại đền thờ trước mắt chứ không phải nhìn lại thời gian họ đã bỏ bê việc này. Cũng vậy, khi thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta nên cố gắng hướng tới tương lai.

“CHẲNG PHẢI LÀ BỞI NĂNG-LỰC, BÈN LÀ BỞI THẦN TA”

(Xa-cha-ri 1:1–14:21)

Xa-cha-ri bắt đầu nói tiên tri với lời kêu gọi dân Do Thái ‘trở lại cùng Đức Giê-hô-va’ (Xa-cha-ri 1:3). Tám sự hiện thấy sau đó bảo đảm rằng công việc xây lại đền thờ có sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời (Xem khung “Tám sự hiện thấy mang nghĩa bóng của Xa-cha-ri”). Công trình xây dựng sẽ hoàn tất “chẳng phải là bởi quyền-thế, cũng chẳng phải là bởi năng-lực, bèn là bởi Thần [Đức Giê-hô-va]” (Xa-cha-ri 4:6). Một người được gọi là Chồi mống “sẽ xây đền-thờ Đức Giê-hô-va” và “làm thầy tế-lễ ở trên ngôi mình”.—Xa-cha-ri 6:12, 13.

Những người ở Bê-tên cử đại diện đến hỏi các thầy tế lễ về việc kiêng ăn để tưởng niệm sự kiện thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá. Đức Giê-hô-va phán cùng Xa-cha-ri rằng sự đau buồn trong bốn kỳ kiêng ăn để tưởng nhớ tai họa đã giáng xuống Giê-ru-sa-lem sẽ đổi thành “sự vui-mừng, hớn-hở, và ngày lễ vui chơi” (Xa-cha-ri 7:2; 8:19). Hai lời tuyên bố sau đó gồm lời phán xét nghịch lại các nước và tiên tri giả, lời tiên tri về Đấng Mê-si và thông điệp về sự hồi hương của dân Đức Chúa Trời.—Xa-cha-ri 9:1; 12:1.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:1—Tại sao một người cầm dây đo thành Giê-ru-sa-lem? Có lẽ hành động này ám chỉ việc xây bức tường bảo vệ xung quanh thành. Thiên sứ nói với người đó là Giê-ru-sa-lem sẽ mở rộng và được Đức Giê-hô-va bảo vệ.—Xa-cha-ri 2:3-5.

6:11-13—Có phải việc đội mũ triều thiên trên đầu Thầy tế lễ cả Giê-hô-sua nghĩa là ông sẽ trở thành vua kiêm thầy tế lễ không? Không, Giê-hô-sua không thuộc hoàng tộc Đa-vít. Tuy nhiên, việc ông được đội mũ triều thiên là một hình bóng về Đấng Mê-si (Hê-bơ-rơ 6:20). Lời tiên tri liên quan đến “Chồi-mống” được ứng nghiệm nơi vị Vua kiêm Thầy Tế Lễ trên trời là Chúa Giê-su Christ (Giê-rê-mi 23:5). Như Giê-hô-sua phục vụ những người Do Thái hồi hương với tư cách Thầy tế lễ cả tại đền thờ được tái thiết, cũng thế Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cho sự thờ phượng thật trong đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va.

8:1-23—Khi nào mười lời tuyên bố trong những câu này được ứng nghiệm? Mỗi lời tuyên bố theo sau cụm từ “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán” và là lời Đức Chúa Trời hứa ban bình an cho dân Ngài. Một số lời tuyên bố này đã ứng nghiệm vào thế kỷ thứ sáu TCN, nhưng tất cả những lời này hoặc đã được ứng nghiệm kể từ năm 1919 CN hoặc đang được ứng nghiệm. *

8:3—Tại sao Giê-ru-sa-lem được gọi là “thành chân-thật”? Trước khi bị hủy diệt vào năm 607 TCN, Giê-ru-sa-lem là ‘thành làm sự bạo-ngược’, có nhiều nhà tiên tri, thầy tế lễ tha hóa, và dân chúng thì bất trung (Sô-phô-ni 3:1; Giê-rê-mi 6:13; 7:29-34). Tuy nhiên, sau khi đền thờ được xây lại và dân sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, ở đó người ta sẽ nói lẽ thật của sự thờ phượng thanh sạch, và Giê-ru-sa-lem được gọi là “thành chân-thật”.

11:7-14—Việc Xa-cha-ri chặt ra từng khúc cây gậy gọi là “Tốt-đẹp” và cây khác gọi là “Dây-buộc” tượng trưng cho điều gì? Xa-cha-ri được miêu tả là người được phái đến để “cho những chiên sắp giết ăn cỏ”—người nhu mì như chiên bị những nhà lãnh đạo của họ bóc lột. Trong vai trò là người chăn chiên, Xa-cha-ri là hình bóng cho Chúa Giê-su Christ, đấng được phái đến dân thuộc giao ước của Đức Chúa Trời nhưng bị họ chối bỏ. Việc chặt từng khúc cây gậy “Tốt-đẹp” tượng trưng cho việc Đức Chúa Trời chấm dứt giao ước Luật Pháp với dân Do Thái và không còn đối xử tốt đẹp với họ. Việc chặt cây “Dây-buộc” có nghĩa là chấm dứt tình anh em giữa Giu-đa và Y-sơ-ra-ên.

12:11—“Sự thương-khóc của Ha-đát-Rim-môn ở trong đồng bằng Mê-ghi-đô” có nghĩa gì? Vua nước Giu-đa là Giô-si-a đã bị tử trận khi giao chiến với vua Ê-díp-tô là Nê-cô “trong đồng bằng Mê-ghi-đô”, và cái chết của ông được người ta thương khóc “trong bài ai-ca” qua nhiều năm (2 Sử-ký 35:25). Vì thế, “sự thương-khóc của Ha-đát-Rim-môn” có lẽ nói đến việc than khóc về cái chết của Giô-si-a.

Bài học cho chúng ta:

1:2-6; 7:11-14. Đức Giê-hô-va vui lòng và trở lại với những ai ăn năn, chấp nhận sự sửa trị và quay lại với Ngài bằng cách hết lòng phụng sự Ngài. Ngược lại, Ngài không đáp lời kêu cầu của những kẻ “không chịu nghe, xây vai lại đằng sau, và bịt lỗ tai lại đặng không nghe” thông điệp của Ngài.

4:6, 7Không trở ngại nào là quá to lớn mà thánh linh Đức Giê-hô-va không thể khắc phục để hoàn tất công trình tái thiết đền thờ. Dù gặp phải bất cứ khó khăn nào trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta cũng có thể vượt qua nếu tin nơi Ngài.—Ma-thi-ơ 17:20.

4:10. Dưới sự thanh tra của Đức Giê-hô-va, Xô-rô-ba-bên và dân sự hoàn tất việc xây đền thờ theo tiêu chuẩn cao của Đức Chúa Trời. Sống theo ý muốn của Đức Giê-hô-va không quá khó đối với người bất toàn.

7:8-10; 8:16, 17. Để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải làm điều công bình, đối xử với nhau cách nhân từ, thương xót và chân thật.

8:9-13. Đức Giê-hô-va ban phước khi chúng ta “làm tay mình nên mạnh” trong công việc Ngài giao phó. Những ân phước này bao gồm sự bình an và tiến bộ về thiêng liêng.

12:6. Những người giữ vai trò giám thị trong dân sự Đức Giê-hô-va nên giống “như một đuốc lửa”, nghĩa là có lòng sốt sắng.

13:3. Chúng ta phải trung thành với Đức Chúa Trời và tổ chức Ngài hơn là trung thành với bất cứ người nào, dù thân thiết đến đâu.

13:8, 9Số những kẻ bội đạo bị Đức Giê-hô-va từ bỏ rất đông, chiếm hai phần ba xứ. Chỉ có một phần còn lại được tinh luyện như thể được đưa qua lửa. Vào thời nay, khối đạo xưng theo Đấng Christ bao gồm đa số những người tự nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su, họ đã bị Đức Giê-hô-va từ bỏ. Chỉ có một số nhỏ, những tín đồ Đấng Christ được xức dầu, ‘kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va’ và để cho Ngài luyện lọc. Họ và những anh em đồng đạo chứng tỏ là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va không chỉ trên danh nghĩa.

Được thúc đẩy để hành động sốt sắng

Ngày nay, những gì A-ghê và Xa-cha-ri rao truyền tác động thế nào đến chúng ta? Khi suy ngẫm về việc thông điệp của họ đã giục lòng người Do Thái chú ý đến công việc xây dựng lại đền thờ, chẳng phải chúng ta cũng muốn sốt sắng tham gia vào việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ sao?

Xa-cha-ri tiên tri về Đấng Mê-si: ngài sẽ “cỡi lừa” đến, bị phản bội với “ba chục miếng bạc”, bị đánh và “chiên tản-lạc” (Xa-cha-ri 9:9; 11:12; 13:7). Suy ngẫm về sự ứng nghiệm những lời tiên tri của Xa-cha-ri về Đấng Mê-si tác động mạnh đến đức tin chúng ta biết bao! (Ma-thi-ơ 21:1-9; 26:31, 56; 27:3-10). Lòng tin của chúng ta nơi Lời Đức Giê-hô-va và sự sắp đặt của Ngài để cứu rỗi càng được vững mạnh.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Chú thích]

^ đ. 2 Xem Tháp Canh ngày 1-1-1996, trang 9-22.

[Khung nơi trang 11]

TÁM SỰ HIỆN THẤY MANG NGHĨA BÓNG CỦA XA-CHA-RI

1:8-17: Bảo đảm đền thờ sẽ được hoàn tất và cho thấy Giê-ru-sa-lem cũng như các thành khác ở Giu-đa sẽ được ban phước.

1:18-21: Lời hứa về sự hủy diệt ‘bốn cái sừng đã làm tan-tác Giu-đa’, tức tất cả những chính phủ chống lại sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.

2:1-13: Cho thấy thành Giê-ru-sa-lem sẽ được mở rộng và Đức Giê-hô-va sẽ là “tường bằng lửa chung-quanh nó”, tức là sự bảo vệ.

3:1-10: Cho biết Sa-tan có dính líu đến sự chống đối công việc xây lại đền thờ và Thầy tế lễ cả Giê-hô-sua được giải thoát và tẩy sạch khỏi tội lỗi.

4:1-14: Đưa ra lời đảm bảo là những trở ngại lớn như núi sẽ được san bằng và Quan trấn thủ Xô-rô-ba-bên sẽ hoàn thành công việc xây dựng đền thờ.

5:1-4: Lời rủa sả đối với những kẻ làm ác.

5:5-11: Báo trước sự hung ác sẽ chấm dứt.

6:1-8: Lời hứa về sự giám sát và bảo vệ của thiên sứ.

[Hình nơi trang 8]

Thông điệp của A-ghê và Xa-cha-ri nhằm mục đích gì?

[Hình nơi trang 10]

Những người giữ vai trò giám thị giống “như một đuốc lửa” theo nghĩa nào?