Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phép cắt bì dấu hiệu của người đàn ông?

Phép cắt bì dấu hiệu của người đàn ông?

Phép cắt bì dấu hiệu của người đàn ông?

TRÊN thế giới, có những nơi người ta cắt bì các bé trai sơ sinh vì lý do sức khỏe. Những nơi khác, vì phong tục tập quán, người nam cả đời không cắt bì. Đối với một số người, chẳng hạn như người Do Thái và người theo Hồi Giáo, phép cắt bì không chỉ là vì lý do sức khỏe, nhưng nó mang ý nghĩa tôn giáo.

Tuy nhiên, tại một vài quốc gia, người ta có những nghi lễ làm phép cắt bì khi người con trai đến tuổi trưởng thành. Điều này thường liên quan đến việc cho con đi học xa, ở những trường dạy các phong tục tập quán của bộ lạc. Nơi đây, người ta làm phép cắt bì cho người con trai đó và tách riêng người đó khỏi cộng đồng trong một vài tuần cho đến khi bình phục. Trong thời gian này, người đó phải theo một số nghi thức đặc biệt và được dạy dỗ để trở thành người đàn ông trưởng thành. Phải chăng phép cắt bì này là điều cần thiết để chứng tỏ một người con trai giờ đây đã trưởng thành? Chúng ta hãy xem xét Kinh Thánh nói gì về quan điểm của Đức Chúa Trời đối với vấn đề này.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Quan điểm của Đức Chúa Trời về phép cắt bì

Một số người thời xưa, chẳng hạn người Ê-díp-tô, thực hành phép cắt bì. Cắt bì là cắt bỏ đi bao quy đầu hoặc da che đầu bộ phận sinh dục của người nam. Tuy nhiên, Áp-ra-ham đã không sinh ra trong văn hóa đó. Thật thế, gần như cả cuộc đời mình, ông đã không cắt bì. Ngoài ra, trong những năm không cắt bì, ông đã chứng tỏ mình là người dũng cảm. Áp-ra-ham dẫn một đoàn người đuổi theo và đánh bại quân của bốn vị vua đã bắt Lót, cháu của ông. (Sáng-thế Ký 14:8-16) Khoảng 14 năm sau, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham là ông và tất cả những người nam trong nhà ông phải chịu phép cắt bì. Tại sao Đức Chúa Trời lại phán vậy?

Việc Áp-ra-ham cắt bì không phải là dấu hiệu cho thấy ông đã từ một người trẻ trở thành một người đàn ông thực thụ. Rõ ràng lúc đó ông đã 99 tuổi! (Sáng-thế Ký 17:1, 26, 27) Khi phán với Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời cho biết lý do: “Các ngươi phải chịu cắt-bì; phép đó sẽ là dấu-hiệu của sự giao-ước giữa ta cùng các ngươi”. (Sáng-thế Ký 17:11) Giao ước ấy bao gồm lời Đức Chúa Trời hứa rằng qua Áp-ra-ham, “các chi-tộc nơi thế-gian” cuối cùng sẽ nhận được ân phước dồi dào. (Sáng-thế Ký 12:2, 3) Vì thế, dưới mắt Đức Chúa Trời, phép cắt bì không có liên quan gì đến việc trở thành người đàn ông trưởng thành. Khi cắt bì, một người chứng tỏ mình thuộc về dân Y-sơ-ra-ên, con cháu của Áp-ra-ham, và có đặc ân được ‘phó cho lời phán của Đức Chúa Trời’.—Rô-ma 3:1, 2.

Về sau dân Y-sơ-ra-ên đã tỏ ra không xứng đáng với đặc ân đó vì họ bác bỏ Chúa Giê-su, Dòng Dõi của Áp-ra-ham. Do đó, họ bị Đức Chúa Trời từ bỏ, và việc họ cắt bì không còn có ý nghĩa gì dưới mắt Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một số tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất CN luôn luôn cho rằng phép cắt bì vẫn còn là điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. (Công-vụ 11:2, 3; 15:5) Vì lý do này, Phao-lô gửi Tít đến các hội thánh để “tu chỉnh lại những việc còn thiếu sót”. Trong lá thư viết cho Tít, Phao-lô nói về một việc còn thiếu sót: “Có nhiều người, nhứt là trong những người chịu cắt-bì, chẳng chịu vâng-phục, hay nói hư-không và phỉnh-dỗ, đáng phải bịt miệng họ đi. Họ vì mối lợi đáng bỉ mà dạy điều không nên dạy, và phá-đổ cả nhà người ta”.—Tít 1:5, 10, 11; Trần Đức Huân.

Lời khuyên của Phao-lô vẫn còn thích hợp. Nếu một tín đồ khuyến khích người khác cho con cắt bì thì chắc chắn đó là điều trái với Kinh Thánh. Thay vì “thày-lay việc người khác”, tín đồ Đấng Christ nên để việc này cho các bậc cha mẹ quyết định. (1 Phi-e-rơ 4:15) Ngoài ra, riêng về việc cắt bì trong Luật Pháp Môi-se, Phao-lô được soi dẫn để viết: “Có người nào đã chịu phép cắt-bì rồi được gọi chăng? Nên cứ giữ cắt-bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt-bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt-bì. Chịu cắt-bì chẳng hề gì, không chịu cắt-bì cũng chẳng hề gì; sự quan-hệ là giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời. Ai nấy khi được gọi ở đấng-bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng-bậc ấy”.—1 Cô-rinh-tô 7:18-20.

Còn “trường cắt bì” thì sao?

Nếu cha mẹ tín đồ Đấng Christ quyết định cho con mình cắt bì thì sao? Phải chăng cho con đi nơi gọi là trường cắt bì nói trên là điều phù hợp với Kinh Thánh? Đi học ở những trường như thế không chỉ giản dị là giải phẫu cắt bỏ da bao quy đầu. Trong nhiều tuần lễ, người chịu phép cắt bì phải sống chung với các thầy và các em trai khác, những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nhiều điều dạy tại các trường này trái ngược với những tiêu chuẩn đạo đức cao trong Kinh Thánh. Lời Đức Chúa Trời cảnh báo: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

Ngoài ra, càng ngày càng có nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe thể chất khi đi học ở các trường này. Năm 2003, tạp chí y khoa Nam Phi South African Medical Journal cảnh báo: “Năm nay người ta lại thấy hậu quả khủng khiếp của việc cắt bì. Tất cả các hãng truyền thông lớn đã truyền đi trên khắp thế giới thông tin về những cái chết và vết thương trầm trọng do thực hành này gây ra. . . Tóm lại, nhiều trường gọi là ‘trường cắt bì’ ngày nay đều giả dối và làm chết người”.

Ngoài việc có thể gặp nguy hại về sức khỏe thể chất, người trẻ học tại các trường này còn có thể gặp rất nhiều nguy hiểm về phương diện thiêng liêng. Những sự dạy dỗ cũng như thực hành tại các trường cắt bì có liên quan chặt chẽ với ma thuật và việc thờ cúng tổ tiên. Thí dụ, thay vì nhìn nhận hậu quả bi thảm xảy ra là do sự sơ ý hoặc cẩu thả của người giải phẫu và tình trạng thiếu vệ sinh, nhiều người tin rằng nguyên nhân của điều đó là do người cắt bì bị ếm hoặc bị tổ tiên tức giận trừng phạt. Về vấn đề liên quan đến tôn giáo sai lầm, Kinh Thánh căn dặn: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công-bình với gian-ác có hội-hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông-đồng nhau được chăng?. . . Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá-động đến đồ ô-uế, thì ta sẽ tiếp-nhận các ngươi”. (2 Cô-rinh-tô 6:14-17) Theo lời khuyên này, việc cha mẹ tín đồ Đấng Christ cho con trai mình đi trường cắt bì là một điều thật thiếu khôn ngoan.

Điều gì khiến một tín đồ trở thành người đàn ông thực thụ?

Việc cắt bì hay không cắt bì không phải là dấu hiệu cho thấy một nam tín đồ đã là người đàn ông trưởng thành. Mối quan tâm hàng đầu của tín đồ thật là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, chứ không làm “cho mình đẹp lòng người theo phần xác”.—Ga-la-ti 6:12.

Tuy nhiên, để làm vui lòng Đức Chúa Trời, tín đồ Đấng Christ phải trải qua việc ‘cắt bì tâm hồn mình’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:16; 30:6, Tòa Tổng Giám Mục; Ma-thi-ơ 5:8) Các tín đồ có thể thực hiện điều này không phải qua việc cắt bằng dao, nhưng qua việc từ bỏ những ham muốn xấu xa và lối suy nghĩ kiêu ngạo, chẳng hạn như cho rằng vì đã cắt bì nên mình quan trọng hơn người khác. Khi chịu đựng thử thách và “vững-vàng trong đức-tin”, người nam tín đồ Đấng Christ cho thấy mình là người đàn ông trưởng thành dù đã cắt bì hay không.—1 Cô-rinh-tô 16:13; Gia-cơ 1:12.