Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sống bạn quý giá như thế nào?

Sự sống bạn quý giá như thế nào?

Sự sống bạn quý giá như thế nào?

TRONG khi vô số mạng sống bị hy sinh ở Châu Âu trong Thế Chiến I, thì tại Nam Cực diễn ra một nỗ lực đáng kinh ngạc để cứu người. Nhà thám hiểm Ernest Shackleton, người Anh gốc Ireland, và các bạn đồng hành đã gặp thảm họa khi con tàu Endurance của họ va vào một đám băng nổi, và bị chìm. Ông Shackleton nỗ lực đưa người của mình đến nơi ẩn náu tạm xem là an toàn—Đảo Elephant ở Nam Đại Tây Dương. Nhưng họ vẫn phải đối đầu với tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Ông Shackleton ý thức rằng hy vọng sống sót duy nhất của họ là gửi người đến cầu cứu nơi trạm sơ chế cá voi, trên đảo South Georgia. Trạm cách đấy khoảng 1.100 kilômét, và ông chỉ có một xuồng cứu đắm dài 7 mét được vớt lại từ con tàu Endurance. Viễn cảnh của họ thật tối tăm.

Tuy nhiên, sau 17 ngày gian truân, vào ngày 10-5-1916, ông Shackleton và một nhóm nhỏ đã tới đảo South Georgia, nhưng vì tình hình biển lúc đó thật khủng khiếp, nên thay vì đến đúng nơi, họ lại phải cập bến phía bên kia đảo. Để đến đúng địa điểm, họ phải vất vả lội bộ trên con đường núi phủ tuyết dài 30 kilômét không có trên bản đồ. Vượt qua tất cả những trở ngại—cái lạnh khắc nghiệt dưới không độ và thiếu dụng cụ leo núi thích hợp—ông Shackleton và các bạn đồng hành đã đến đích. Cuối cùng, ông đã cứu được tất cả người của ông bị kẹt trên Đảo Elephant. Tại sao ông Shackleton nỗ lực tích cực đến thế ? Người viết tiểu sử, Roland Huntford nói: “Mục tiêu duy nhất của ông là cứu sống mọi người trong đoàn”.

“Chẳng một vật nào thiếu”

Điều gì đã giúp những người trong đoàn của ông Shackleton không lâm vào tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng khi họ nằm rúc vào nhau và chờ đợi trên “một hoang đảo toàn là đá và băng, dài 30 kilômét từ đầu này đến đầu kia”? Họ tin chắc người chỉ huy sẽ giữ lời hứa giải cứu họ.

Nhân loại ngày nay giống như những người bị kẹt trên Đảo Elephant. Nhiều người sống trong hoàn cảnh khổ sở không thể tin được, và tranh đấu chỉ để sống còn. Tuy vậy, họ có thể hoàn toàn tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ “cứu kẻ bị hoạn-nạn” khỏi áp bức và khốn khổ. (Gióp 36:15) Hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời xem mạng sống mỗi người là quý giá. Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa, phán: “Trong ngày gian-truân hãy kêu-cầu cùng ta: Ta sẽ giải-cứu ngươi”.—Thi-thiên 50:15.

Bạn có cảm thấy khó tin không khi nghĩ rằng Đấng Tạo Hóa xem bạn—một trong hàng tỉ người trên đất—là quý giá? Vậy hãy lưu ý đến những gì nhà tiên tri Ê-sai viết về hàng tỉ ngôi sao trong hàng tỉ thiên hà thuộc vũ trụ bao la chung quanh chúng ta. Chúng ta đọc: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”.—Ê-sai 40:26, chúng tôi viết nghiêng.

Bạn hiểu điều đó có nghĩa gì không? Dải Ngân Hà—trong đó có thái dương hệ của chúng ta—chứa ít nhất 100 tỉ ngôi sao. Và còn có bao nhiêu thiên hà khác trong vũ trụ? Không ai biết chính xác, nhưng một số chuyên gia ước lượng khoảng 125 tỉ. Thật là một số lượng ngôi sao đáng kinh ngạc! Tuy thế, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Đấng Tạo Hóa của vũ trụ biết tên các ngôi sao.

“Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi”

Một số người có thể phản kháng: ‘Nhưng, chỉ biết tên hàng tỉ ngôi sao—hoặc hàng tỉ con người—không nhất thiết là quan tâm đến từng cá nhân’. Một máy vi tính với bộ nhớ tốt có thể lưu trữ tên của hàng tỉ người. Nhưng không ai nghĩ rằng máy tính đó quan tâm đến từng cá nhân. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời không chỉ biết tên của hàng tỉ người mà Ngài còn quan tâm đến từng cá nhân. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:7.

Chúa Giê-su Christ nói: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. (Ma-thi-ơ 10:29-31) Hãy lưu ý, Chúa Giê-su không nói rằng Đức Chúa Trời chỉ ý thức về điều xảy ra cho những con chim sẻ và con người. Ngài nói: “Các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. Tại sao bạn được xem là quý trọng hơn? Vì bạn được tạo ra “như hình Đức Chúa Trời”—với tiềm năng vun trồng và thể hiện các đức tính về đạo đức, trí tuệ và thiêng liêng, phản ánh những đức tính cao cả của Ngài.—Sáng-thế Ký 1:26, 27.

“Kết quả của một hoạt động thông minh”

Đừng để quyết đoán của những người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa làm cho bạn bị lầm lạc. Theo họ, những lực vô thức, vô cảm trong thiên nhiên đã làm ra bạn. Họ cho rằng thay vì được tạo ra “như hình Đức Chúa Trời”, bạn chẳng hơn gì những sinh vật khác sống trên hành tinh này—kể cả những con chim sẻ.

Bạn thấy có hợp lý không khi cho rằng sự sống có mặt nơi này chỉ do ngẫu nhiên, hoặc do một lực vô thức? Theo nhà phân tử sinh vật học Michael J. Behe, “tiến trình hóa sinh hết sức phức tạp” chi phối sự sống làm cho ý tưởng trên hoàn toàn vô lý. Theo ông, bằng chứng trong lĩnh vực hóa sinh dẫn đến kết luận không thể phủ nhận rằng, “sự sống trên đất ở giai đoạn căn bản nhất... là kết quả của một hoạt động thông minh”.—Cuốn Darwin’s Black Box—The Biochemical Challenge to Evolution.

Kinh Thánh cho chúng ta biết sự sống trên đất ở mọi giai đoạn đều là kết quả của một hoạt động thông minh. Và sách này nói với chúng ta rằng Nguồn của tất cả những hoạt động thông minh là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ.—Thi-thiên 36:9; Khải-huyền 4:11.

Đừng để việc chúng ta phải chịu đựng trong một thế gian đầy đau đớn và khổ sở ngăn cản bạn tin vào sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng Thiết Kế trái đất và mọi sự sống trên đó. Hãy ghi nhớ hai lẽ thật cơ bản. Thứ nhất, Đức Chúa Trời không “thiết kế” sự bất toàn xảy ra chung quanh chúng ta. Thứ nhì, Đấng Tạo Hóa của chúng ta có lý do chính đáng để tạm thời cho sự bất toàn tiếp diễn. Như tạp chí này thường cho biết, Giê-hô-va Đức Chúa Trời để cho điều ác kéo dài trong một thời gian giới hạn nhằm giải quyết vĩnh viễn tất cả vấn đề về luân lý đã được nêu lên khi cặp vợ chồng đầu tiên chống lại quyền tối thượng của Ngài. *Sáng-thế Ký 3:1-7; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5; Truyền-đạo 7:29; 2 Phi-e-rơ 3:8, 9.

“Người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu”

Dĩ nhiên, ngay cả trong những tình cảnh khốn khổ mà nhiều người ngày nay phải chịu đựng, sự sống vẫn là món quà tuyệt vời. Và chúng ta làm hết sức mình để bảo toàn mạng sống. Sự sống tương lai mà Đức Chúa Trời hứa sẽ tốt hơn cuộc tranh đấu chỉ để sống còn trong tình trạng khắc nghiệt và đau khổ—như những người của ông Shackleton trên Đảo Elephant. Ý định của Đức Chúa Trời là cứu chúng ta khỏi cuộc sống đau khổ và hư không để chúng ta có thể “cầm lấy sự sống thật” tức ý định nguyên thủy của Ngài đối với loài người.—1 Ti-mô-thê 6:19.

Đức Chúa Trời sẽ làm tất cả những điều này bởi vì trước mắt Ngài, mỗi người chúng ta đều quý giá. Ngài đã sắp đặt cho Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, hy sinh làm giá chuộc cần thiết để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, sự bất toàn, và sự chết di truyền từ thủy tổ của chúng ta, A-đam và Ê-va. (Ma-thi-ơ 20:28) Chúa Giê-su Christ nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy... được sự sống đời đời”.—Giăng 3:16.

Đức Chúa Trời sẽ làm gì cho những người đang chịu đau khổ và áp bức trong cuộc sống? Nói về Con Ngài, Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời cho biết rằng: “Người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo”. Tại sao ngài sẽ làm thế? Bởi vì ngài “xem huyết họ [hoặc mạng sống họ] là quí-báu”.Thi-thiên 72:12-14, chúng tôi viết nghiêng.

Qua nhiều thế kỷ, nhân loại đã phải khốn khổ dưới gánh nặng của tội lỗi và sự bất toàn, như thể “than-thở [“rên siết”, Tòa Tổng Giám Mục]” trong nhiều điều đau đớn và khổ sở. Đức Chúa Trời cho phép việc này vì biết rằng Ngài có thể sửa chữa bất cứ tai hại nào xảy ra sau đó. (Rô-ma 8:18-22) Chẳng bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ đem đến “kỳ muôn vật đổi mới” qua trung gian chính phủ Nước Trời trong tay Con Ngài là Chúa Giê-su Christ.—Công-vụ 3:21; Ma-thi-ơ 6:9, 10.

Việc đổi mới này bao hàm sự sống lại của những người đã từng chịu đau khổ và chết trong quá khứ. Họ được giữ an toàn trong trí nhớ của Đức Chúa Trời. (Giăng 5:28, 29; Công-vụ 24:15) Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ nhận sự sống “dư-dật”—sự sống đời đời và hoàn toàn trong địa đàng không còn đau đớn và khổ sở. (Giăng 10:10; Khải-huyền 21:3-5) Mọi người sẽ có khả năng tận hưởng đời sống mình và vun trồng những đức tính, khả năng tuyệt vời, chứng tỏ họ được tạo ra “như hình Đức Chúa Trời”.

Bạn sẽ có mặt để hưởng sự sống mà Đức Giê-hô-va hứa không? Điều đó tùy thuộc nơi bạn. Chúng tôi khuyến khích bạn tận dụng những sắp đặt đến từ Đức Chúa Trời để mang lại cho nhân loại tất cả những ân phước này. Nhà xuất bản tạp chí này sẽ vui lòng giúp bạn làm điều đó.

[Chú thích]

^ đ. 17 Để biết thêm chi tiết về điểm này, hãy xem chương 8, “Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?” trong sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 4, 5]

Những người bị kẹt trên đảo tin chắc rằng ông Shackleton sẽ giữ lời hứa giải cứu họ

[Nguồn tư liệu]

© CORBIS

[Hình nơi trang 6]

“Các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”