Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Óc mê tín có chi phối đời sống bạn không?

Óc mê tín có chi phối đời sống bạn không?

Óc mê tín có chi phối đời sống bạn không?

MÊ TÍN DỊ ĐOAN có ở khắp nơi trên thế giới. Đôi khi còn rất được quý trọng, xem như một phần trong di sản văn hóa, hoặc được xem là điều tò mò tầm thường—làm cho đời sống thú vị hơn. Ở Tây Phương người ta thường nhìn mê tín dị đoan với cặp mắt hoài nghi. Ở nơi khác—như Phi Châu chẳng hạn—mê tín dị đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Nền văn hóa Phi Châu phần lớn dựa trên sự mê tín. Phim ảnh, chương trình truyền thanh và văn phẩm phát hành ở Phi Châu thường nói về dị đoan hoặc các đề tài huyền bí, như ma thuật, thờ cúng tổ tiên và bùa phép. Tại sao người ta lại bị ảnh hưởng của sự mê tín nhiều đến thế và mê tín dị đoan xuất phát từ đâu?

Đâu là nguồn gốc của sự mê tín?

Phần lớn sự mê tín bắt nguồn từ việc sợ vong linh người chết hoặc nhiều loại thần linh. Người ta cho rằng những vấn đề xảy ra là do các thần linh cố tiếp cận với người sống qua những lời đe dọa, cảnh báo hoặc ban phước.

Sự mê tín cũng gắn liền với việc chữa bệnh và y học. Đối với đa số những người sống trong những nước đang phát triển, y học hiện đại quá đắt tiền và thường là không sẵn có. Bởi vậy, nhiều người tìm cách chữa bệnh hoặc cố ngừa bệnh bằng cách quay về với truyền thống của tổ tiên, thuật thông linh và mê tín dị đoan. Thay vì đi khám bác sĩ, họ cảm thấy thoải mái hơn khi đến cầu vấn thầy phù thủy có cùng phong tục và tiếng nói với họ. Qua cách đó, sự mê tín tiếp tục tồn tại.

Theo truyền thống mê tín, bệnh hoạn và tai nạn không chỉ đơn thuần là chuyện ngẫu nhiên xảy ra, mà là những sự cố do các lực trong thế giới thần linh gây ra. Một thầy phù thủy có thể cho là một ông tổ quá cố đã phiền lòng về một việc gì đó. Hoặc người đồng bóng có thể gợi ý là có ai đó cậy tay một thầy phù thủy khác ếm nạn nhân, gây ra bệnh tật hoặc tai nạn.

Sự mê tín thay đổi tùy theo mỗi nơi trên thế giới, và lan truyền tùy theo truyền thuyết địa phương, cũng như huyền thoại và tình huống. Nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là niềm tin cho rằng cần phải cầu hòa với người hoặc vật nào đó thuộc thế giới thần linh vô hình.

Vô hại hay nguy hiểm?

Đối với đa số các gia đình, sinh đôi là một điều hiếm hoi và hào hứng. Tuy nhiên, đối với những người mê tín, sinh đôi có thể được xem như một điềm. Tại một số vùng ở Tây Phi, trẻ song sinh được xem như thần thánh giáng thế và được thờ phượng. Nếu một hay cả hai trẻ song sinh chết đi, người ta làm tượng nhỏ của trẻ song sinh, và gia đình của chúng phải cúng tế thức ăn cho các tượng này. Nơi khác, việc sinh đôi bị xem như một sự rủa sả, thậm chí một số cha mẹ có thể giết chết ít nhất một trong hai trẻ. Tại sao? Họ tin rằng nếu cả hai trẻ sinh đôi đều sống, một ngày kia sẽ giết chết cha mẹ.

Những trường hợp nói trên cho thấy dù một số điều mê tín dị đoan có vẻ là lạ và vô hại, nhưng một số khác có thể nguy hiểm—thậm chí gây chết chóc. Chỉ cần một lời biện giải đem tin dữ, một sự cố vô hại có thể biến thành nguy hiểm.

Đúng vậy, trên thực tế, sự mê tín là một tín ngưỡng, một hình thức tôn giáo. Nhưng xét về khía cạnh nguy hiểm của sự mê tín, câu hỏi quan trọng là: Những niềm tin và thực hành mê tín phục vụ quyền lợi của ai?

Nguồn của mê tín

Bất chấp mọi bằng chứng, một số người ngày nay có khuynh hướng phủ nhận sự hiện hữu của Sa-tan hoặc các quỉ. Tuy nhiên, trong thời chiến, phủ nhận sự hiện hữu của kẻ thù lợi hại có thể chỉ đưa đến tai họa. Điều này cũng áp dụng cho trận chiến với những tạo vật thần linh siêu phàm, vì sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng ta đánh trận... cùng các thần dữ”.—Ê-phê-sô 6:12, chúng tôi viết nghiêng.

Dù chúng ta không thể thấy chúng, các tạo vật thần linh ác thật sự hiện hữu. Kinh Thánh kể lại rằng một tạo vật thần linh vô hình đã sử dụng một con rắn, giống như một người có tài nói trong bụng dùng con rối, để bắt chuyện với người đàn bà đầu tiên, Ê-va, và xúi giục bà phản nghịch lại Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Kinh Thánh nhận diện thần linh này là “con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Khải-huyền 12:9) Kẻ đó, tức là Sa-tan, đã thành công trong việc dụ dỗ những thiên sứ khác nhập bọn với hắn trong cuộc phản nghịch. (Giu-đe 6) Các thiên sứ ác này trở thành quỉ sứ, kẻ thù của Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-su đuổi quỉ ra khỏi những người bị quỉ ám, các môn đồ ngài cũng làm như thế. (Mác 1:34; Công-vụ 16:18) Những thần linh này không phải là vong linh tổ tiên quá cố, vì người chết “chẳng biết chi hết”. (Truyền-đạo 9:5) Đúng hơn, chúng là các thiên sứ phản nghịch bị Sa-tan lừa dối. Không nên coi thường việc liên lạc hoặc chịu ảnh hưởng của chúng, vì chúng cũng giống như kẻ cầm đầu là Sa-tan Ma-quỉ muốn ăn tươi nuốt sống chúng ta. (Phi-e-rơ 5:8) Mục tiêu của chúng là khiến chúng ta xây bỏ hy vọng duy nhất cho nhân loại—Nước Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh cho biết một trong những phương pháp Sa-tan và các quỉ sứ của hắn sử dụng: “Chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng”. (2 Cô-rinh-tô 11:14) Sa-tan muốn lừa gạt để chúng ta tin rằng hắn có thể cung ứng cho chúng ta một lối sống tốt hơn. Bởi vậy, một số lợi ích tạm bợ dường như đến từ sự can thiệp của các ác thần. Nhưng chúng không thể cung ứng những giải pháp lâu dài. (2 Phi-e-rơ 2:4) Chúng không thể ban sự sống đời đời cho ai cả, và chẳng bao lâu nữa chúng sẽ bị hủy diệt. (Rô-ma 16:20) Đấng Tạo Hóa của chúng ta là nguồn duy nhất ban sự sống đời đời, hạnh phúc thật sự và sự che chở tốt nhất chống lại các lực lượng ác thần.—Gia-cơ 4:7.

Đức Chúa Trời lên án việc tìm kiếm sự giúp đỡ qua thuật thông linh. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; 2 Các Vua 21:6) Thực hành thuật thông linh tức là nhập bọn với kẻ thù, liên minh với những kẻ đã phản bội Đức Chúa Trời! Xem tử vi, cầu vấn một thầy phù thủy của bộ lạc, hoặc dính líu đến bất kỳ thực hành mê tín nào đều có nghĩa là để cho ác thần chi phối những quyết định của bạn trong đời sống, chẳng khác nào nhập bọn với ác thần chống lại Đức Chúa Trời.

Được che chở khỏi điều dữ—Có thể được không?

Ade, * một người đàn ông sống ở Niger, học Kinh Thánh với một người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ade giải thích lý do ông đã có lá bùa trong tiệm của mình: “Có nhiều kẻ thù”. Người dạy Kinh Thánh cho Ade giúp ông thấy rằng chỉ có sự che chở của Đức Giê-hô-va mới đáng tin cậy thật sự. Anh đọc cho Ade nghe câu Thi-thiên 34:7: “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”. Ade kết luận: “Nếu Đức Giê-hô-va thật sự che chở tôi, thì tôi sẽ vứt bùa đi”. Giờ đây, sau nhiều năm, anh phục vụ với tư cách trưởng lão và người truyền giáo trọn thời gian. Không một kẻ thù nào đã làm hại anh.

Kinh Thánh cho thấy rằng thời thế và sự bất trắc xảy ra cho tất cả chúng ta, dù chúng ta có mê tín hay không. (Truyền-đạo 9:11, NW) Nhưng Đức Giê-hô-va không bao giờ dùng điều ác thử chúng ta. (Gia-cơ 1:13) Sở dĩ người ta chết và bất toàn là vì tội lỗi do A-đam truyền lại. (Rô-ma 5:12) Vì thế, thỉnh thoảng ai cũng mắc bệnh và phạm những sai lầm có thể đưa đến hậu quả tai hại. Thế nên, qui tất cả bệnh tật hoặc tất cả những sự thất bại trong đời sống cho hành động của ác thần là không đúng. Niềm tin này chỉ khiến chúng ta tìm cách cầu hòa với ác thần. * Khi bị bệnh, chúng ta nên chữa trị đúng cách, chứ không nên tìm lời khuyên của ‘kẻ nói dối và cha sự nói dối’ là Sa-tan Ma-quỉ. (Giăng 8:44) Các thống kê cho thấy những người sống tại những nước nặng đầu óc mê tín theo truyền thống tổ tiên không sống lâu hơn, đời sống cũng không tốt đẹp hơn những người sống ở những nước khác. Vậy rõ ràng là sự mê tín không có lợi cho sức khỏe.

Đức Chúa Trời mạnh hơn bất cứ ác thần nào, và Ngài quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta. “Mắt của Chúa đoái-trông người công-bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu-nguyện người”. (1 Phi-e-rơ 3:12) Hãy cầu xin Ngài che chở và ban sự khôn ngoan. (Châm-ngôn 15:29; 18:10) Hãy cố gắng hiểu Lời Thánh của Ngài là Kinh Thánh. Hiểu biết Kinh Thánh chính xác là sự che chở tốt nhất mà chúng ta có thể có. Sự hiểu biết ấy giúp chúng ta nhận thức được nguyên nhân của những việc chẳng lành và làm thế nào nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời Toàn Năng.

Những lợi ích của việc hiểu biết về Đức Chúa Trời

Sự hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va và về các ý định của Ngài—ngược lại với sự dốt nát và sự mê tín—là bí quyết giúp tìm được sự che chở thật sự. Điều này được chứng minh trong trường hợp của anh Jean, một người đàn ông sống ở Benin. Sự mê tín ăn sâu trong gia đình của anh Jean. Theo phong tục mê tín của bộ lạc, một phụ nữ mới sinh con trai phải sống chín ngày biệt lập trong một cái chòi được đặc biệt dựng lên. Nếu sinh con gái, bà phải cách ly trong chòi bảy ngày.

Vào năm 1975, vợ của anh Jean sinh một bé trai kháu khỉnh, họ đặt tên con là Marc. Dựa trên sự hiểu biết Kinh Thánh, anh Jean và vợ anh không muốn dính líu gì đến ác thần. Nhưng liệu họ có đầu hàng nỗi sợ hãi và áp lực mà chiều theo phong tục mê tín và để người mẹ phải ở riêng trong chòi không? Không, họ bác bỏ sự mê tín này của bộ lạc.—Rô-ma 6:16; 2 Cô-rinh-tô 6:14, 15.

Gia đình anh Jean có bị hại không? Nhiều năm trôi qua, anh Marc nay phục vụ với tư cách tôi tớ thánh chức trong hội thánh địa phương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Cả gia đình đều sung sướng đã không để cho óc mê tín chi phối đời sống họ và đánh mất hạnh phúc về thiêng liêng.—1 Cô-rinh-tô 10:21, 22.

Tín đồ thật của Đấng Christ phải loại bỏ những thực hành của sự tối tăm ra khỏi đời sống và chấp nhận ánh sáng thiêng liêng mà Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, và Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, cung cấp. Có vậy tâm trí họ mới hưởng được sự bình an thật sự, nhờ hiểu biết rằng họ làm điều thiện trước mắt Đức Chúa Trời.—Giăng 8:32.

[Chú thích]

^ đ. 20 Tên đã được thay đổi.

^ đ. 21 Xem bài “Ma-quỉ có làm chúng ta bị bệnh không?” trong Tháp Canh ngày 1-9-1999.

[Khung/​Hình nơi trang 5]

Một số điều mê tín phổ biến trên khắp thế giới

• Đũa cắm đứng trong chén cơm là dấu hiệu chết chóc

• Thấy con cú dưới ánh sáng mặt trời đem lại rủi ro

• Trong một buổi lễ, ngọn nến tắt báo hiệu có ác thần gần đó

• Đánh rơi cái ô (dù) xuống sàn báo hiệu sắp có án mạng trong nhà

• Đặt nón trên giường đem lại rủi ro

• Tiếng chuông xua đuổi các ác thần

• Nếu thổi tắt hết các ngọn nến của bánh sinh nhật ngay trong lần đầu tiên, người thổi nến sẽ được toại nguyện

• Tựa một cây chổi vào giường cho phép ác thần trong chổi ếm giường

• Mèo đen chạy ngang qua lối đi là điềm gở

• Đánh rơi một cái nĩa là điềm sắp có khách đàn ông đến nhà

• Hướng bức hình các con voi về phía cửa đem lại vận may

• Treo móng ngựa trên cửa ra vào đem lại vận may

• Cây thường xuân leo tường nhà che chở khỏi điều dữ

• Đi phía dưới một cái thang đem lại rủi ro

• Đánh vỡ gương sẽ bị rủi ro bảy năm

• Làm đổ tiêu báo hiệu bạn sẽ cãi nhau với người bạn thân nhất

• Làm đổ muối đem lại rủi ro trừ khi ném một ít muối ngang qua vai trái

• Để cái ghế xích đu trống đu đưa tức là mời ma-quỉ đến ngồi

• Để đôi giày úp xuống đất đem lại rủi ro

• Khi nhà có người chết, phải mở cửa sổ cho linh hồn thoát ra ngoài

[Khung nơi trang 6]

Thoát khỏi vòng kiềm tỏa của sự mê tín

Các Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng trong một khu phố ở Nam Phi. Họ gõ cửa một căn nhà, cửa mở ra, và họ đối diện một phụ nữ mặc y phục phù thủy Sangoma. Họ muốn cáo lui nhưng phụ nữ này nài nỉ họ giảng cho bà nghe. Một Nhân Chứng đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12 cho bà thấy quan điểm của Đức Chúa Trời về thuật thông linh. Bà phù thủy chấp nhận thông điệp và ưng thuận học Kinh Thánh. Bà nói nếu như học Kinh Thánh khiến bà tin chắc rằng thực hành Sangoma là trái với ý muốn của Đức Giê-hô-va, bà sẽ ngưng làm phù thủy.

Sau khi học chương 10 trong sách Bạn có thể sống đời đời trong Địa-đàng trên đất cùng với Kinh Thánh, bà đốt tất cả vật dụng liên quan đến thực hành phù thủy của bà và bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp ở Phòng Nước Trời. Ngoài ra, bà còn hợp pháp hóa cuộc hôn nhân, dù đã ly thân với chồng 17 năm rồi. Cả hai vợ chồng hiện đều đã dâng mình và làm báp têm trở thành Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va.

[Hình nơi trang 6]

Một phù thủy “Sangoma” ném xương để bói xem nguyên nhân gây bệnh

[Các hình nơi trang 7]

Sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời đem lại sự che chở và hạnh phúc thật