Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ghen tị—Chất độc làm hại tâm trí

Ghen tị—Chất độc làm hại tâm trí

Ghen tị—Chất độc làm hại tâm trí

Napoleon Bonaparte, Julius Caesar và A-léc-xan-đơ Đại đế đều nhiễm chất độc ấy. Dù có đầy quyền lực và danh vọng, những người đó chứa trong lòng chất độc có thể làm hại tâm trí bất cứ ai. Cả ba người họ đều ghen tị người khác.

Triết gia người Anh là Bertrand Russell nói: “Napoleon ghen tị Caesar, Caesar ghen tị A-léc-xan-đơ [Đại đế] và tôi dám chắc là A-léc-xan-đơ ghen tị Hercules, nhân vật chưa bao giờ tồn tại”. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm thói ghen tị, dù người đó giàu đến đâu, có những tính tốt nào hay thành công ra sao trong cuộc sống.

Ghen tị là cảm giác tức tối với người khác vì những gì họ có như tài sản, sự thịnh vượng, lợi thế v.v. Theo một tài liệu tham khảo Kinh Thánh, từ thường được dịch là “ghen tị” không chỉ nói đến cảm giác muốn được bằng người khác mà còn muốn chiếm đoạt những gì họ có.

Điều khôn ngoan là xem xét sự ghen tị có thể nảy sinh trong lòng chúng ta như thế nào và hậu quả là gì. Đặc biệt, chúng ta cần biết mình có thể làm gì để không bị tính xấu này kiểm soát.

MỘT TINH THẦN CÓ THỂ THỔI BÙNG NGỌN LỬA GHEN TỊ

Người bất toàn vốn đã có khuynh hướng ghen tị nhưng còn có những yếu tố có thể khơi dậy và làm cho khuynh hướng này mạnh hơn (Gia 4:5). Sứ đồ Phao-lô chỉ ra một trong những yếu tố đó khi viết: “Chúng ta chớ nên tự phụ, kích động tinh thần ganh đua, và chớ ghen tị nhau” (Ga 5:26). Tinh thần ganh đua có thể khiến khuynh hướng ghen tị càng mạnh hơn. Hai tín đồ đạo Đấng Ki-tô là chị Cristina và anh José * đã thấy điều này là đúng.

Chị Cristina, một tiên phong đều đều, nói: “Tôi thấy mình hay nhìn người khác với vẻ ghen tị. Tôi so bì với họ”. Một lần nọ, chị Cristina dùng bữa chung với một cặp vợ chồng có đặc ân làm công tác lưu động. Thấy vợ chồng ấy cũng trạc tuổi vợ chồng chị, vả lại trước đây họ có nhiều trách nhiệm giống vợ chồng chị, chị nói: “Chồng tôi cũng là trưởng lão mà! Sao anh chị được làm công việc lưu động còn chúng tôi chẳng là gì cả?”. Tinh thần ganh đua thổi bùng ngọn lửa ghen tị, do đó chị không thấy được giá trị của công việc mà vợ chồng chị đang làm và khiến chị bất mãn với cuộc sống của vợ chồng mình.

Anh José muốn làm phụ tá hội thánh. Khi những anh khác được bổ nhiệm mà mình không được, anh thấy ghen tị với họ và có ác cảm với giám thị điều phối. Anh thừa nhận: “Sự ghen tị làm tôi ghét anh này và hiểu lầm anh. Khi lòng ghen tị kiểm soát bạn, bạn sẽ nghĩ quá nhiều về mình và không còn sáng suốt nữa”.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP TRONG KINH THÁNH DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?

Kinh Thánh chứa đựng nhiều gương cảnh báo (1 Cô 10:11). Một số trường hợp không chỉ cho thấy sự ghen tị nảy nở và lớn lên như thế nào nhưng cũng cho thấy chất độc này làm tổn hại những người để cho nó chế ngự ra sao.

Chẳng hạn, con đầu của A-đam và Ê-va là Ca-in tức giận khi Đức Giê-hô-va chấp nhận lễ vật của A-bên nhưng lại không chấp nhận lễ vật của ông. Ca-in có thể khắc phục hoàn cảnh này nhưng sự ghen tị trong lòng ông lớn đến nỗi ông đã giết em mình (Sáng 4:4-8). Không lạ gì khi Kinh Thánh gọi Ca-in “là người thuộc về Kẻ Ác”, tức là Sa-tan!—1 Giăng 3:12.

Mười người anh của Giô-sép ghen tị khi thấy chàng được cha thương yêu hơn. Họ càng ghét Giô-sép hơn khi nghe chàng kể về những giấc mơ mang ý nghĩa tiên tri của mình. Thậm chí họ còn muốn giết chàng. Cuối cùng, họ bán chàng làm nô lệ và tàn nhẫn khiến cha tin rằng Giô-sép đã chết (Sáng 37:4-11, 23-28, 31-33). Nhiều năm sau đó, họ thú nhận tội lỗi và nói với nhau: “Quả thật chúng ta cam tội cùng em ta rồi; vì lúc trước ta thấy tâm-hồn nó buồn-thảm khi nó xin nhờ ơn, nhưng ta không khứng cho”.—Sáng 42:21; 50:15-19.

Trong trường hợp của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram, lòng ghen tị nảy sinh khi họ so sánh đặc ân của mình với đặc ân của Môi-se và A-rôn. Họ buộc tội Môi-se “lấn-lướt” và tôn mình lên cao hơn người khác (Dân 16:13). Lời cáo buộc này là sai (Dân 11:14, 15). Chính Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm Môi-se, nhưng những kẻ phản nghịch này ghen tị với vị trí của ông. Kết cục, lòng ghen tị dẫn đến hậu quả là họ bị hủy diệt dưới tay của Đức Giê-hô-va.—Thi 106:16, 17.

Vua Sa-lô-môn đã thấy lòng ghen tị gây tai hại đến mức nào. Một phụ nữ có đứa con mới sinh bị chết. Bà cố lừa người phụ nữ ở chung nhà rằng con của người ấy là đứa bé đã chết. Khi vua Sa-lô-môn xét xử vụ kiện này, kẻ nói dối thậm chí tán thành việc giết đứa bé còn sống. Tuy nhiên, vua đã ra lệnh giao lại đứa bé cho người mẹ thật.—1 Vua 3:16-27.

Lòng ghen tị có thể gây ra những hậu quả vô cùng tai hại. Những trường hợp trên cho thấy nó dẫn đến sự thù ghét, bất công và hành vi giết người. Hơn nữa, trong mỗi trường hợp, nạn nhân không làm gì sai để bị đối xử như thế. Có cách nào để đảm bảo rằng chúng ta không bị sự ghen tị kiểm soát không? Phương thuốc nào giúp giải chất độc này?

NHỮNG PHƯƠNG THUỐC HIỆU NGHIỆM

Vun trồng tình yêu thương và tình huynh đệ. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Nay anh em đã tẩy sạch mình bằng cách vâng theo sự thật, nhờ thế có được tình huynh đệ không giả dối, vậy hãy tha thiết yêu thương nhau từ đáy lòng” (1 Phi 1:22). Thế nào là người có tình yêu thương? Sứ đồ Phao-lô viết: “Người có tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế. Người có tình yêu thương thì không ghen tị, không khoe khoang, không tự cao, không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng” (1 Cô 13:4, 5). Chẳng phải việc vun trồng tình yêu thương như thế giúp chúng ta dập tắt ngọn lửa ghen tị hay sao? (1 Phi 2:1). Thay vì ghen tị với Đa-vít, Giô-na-than ‘yêu-mến ông như mạng-sống mình’.—1 Sa 18:1.

Kết hợp với những người tin kính. Người viết bài Thi-thiên 73 cảm thấy ghen tị với những kẻ ác được hưởng cuộc sống xa hoa và bình yên vô sự. Tuy nhiên, ông đã dập tắt được sự ghen tị nhờ vào “nơi thánh của Đức Chúa Trời” (Thi 73:3-5, 17). Khi kết hợp với những người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va, ông nhận ra những ân phước mình có nhờ “đến gần Đức Chúa Trời” (Thi 73:28). Đều đặn kết hợp với anh em đồng đạo tại các buổi nhóm họp cũng có thể giúp chúng ta như thế.

Làm các việc tốt. Khi thấy sự ghen tị và ganh ghét nảy nở trong lòng Ca-in, Đức Chúa Trời khuyên ông hãy “làm điều tốt” (Sáng 4:7, Bản Diễn Ý). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô “làm điều tốt” như thế nào? Chúa Giê-su nói rằng chúng ta ‘phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời hết lòng, hết mình và hết tâm trí, và phải yêu người lân cận như chính mình’ (Mat 22:37-39). Khi tập trung đời sống để phụng sự Đức Giê-hô-va và giúp đỡ người khác, chúng ta được thỏa nguyện. Đó là một thuốc giải hiệu nghiệm cho sự ghen tị. Hết mình rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ là cách tốt để phụng sự Đức Chúa Trời và giúp người lân cận, đồng thời công việc này giúp chúng ta nhận được “phước-lành của Đức Giê-hô-va”.—Châm 10:22.

“Vui với người đang vui” (Rô 12:15). Chúa Giê-su vui khi thấy các môn đồ thành công và ngài cho biết họ sẽ còn làm được nhiều việc hơn ngài trong công việc rao giảng (Lu 10:17, 21; Giăng 14:12). Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta hợp nhất với nhau. Do đó, sự thành công của bất cứ anh chị nào cũng là ân phước chung (1 Cô 12:25, 26). Vậy, chẳng phải chúng ta nên vui mừng thay vì ghen tị khi người khác được giao trách nhiệm lớn hơn sao?

MỘT CUỘC CHIẾN KHÓ KHĂN!

Cuộc chiến chống lại sự ghen tị có thể rất dài. Chị Cristina công nhận: “Khuynh hướng ghen tị trong tôi vẫn mạnh. Mặc dù tôi ghét nó, cảm giác đó vẫn còn, và tôi phải luôn kiềm chế nó”. Anh José cũng phải tranh đấu như vậy. Nhưng anh thấy mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời đã thật sự giúp anh. Anh nói: “Đức Giê-hô-va đã giúp tôi trân trọng những đức tính tốt của anh giám thị điều phối”.

Ghen tị là một trong những “việc làm của xác thịt” mà mỗi tín đồ cần kháng cự (Ga 5:19-21). Khi không để cho sự ghen tị kiểm soát, chúng ta có thể sống hạnh phúc hơn và làm vui lòng Cha trên trời, Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 7 Các tên đã được thay đổi.

[Hình nơi trang 17]

“Vui với người đang vui”