Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều gì có thể giúp chúng ta giảng dạy lẽ thật đúng đắn?

Điều gì có thể giúp chúng ta giảng dạy lẽ thật đúng đắn?

Điều gì có thể giúp chúng ta giảng dạy lẽ thật đúng đắn?

MỘT nhà phê bình kịch nghệ cho một nhật báo có lần đã đi xem một vở kịch. Theo ông vở kịch này chẳng hay ho gì, và ông đã nhận xét như sau: “Nếu bạn thích chuyện tầm phào, thì bằng mọi cách hãy đến xem vở kịch này”. Sau này những người tài trợ cho vở kịch đã trích dẫn một câu trong bài phê bình đó để quảng cáo. Đó là câu: “Bằng mọi cách hãy đến xem vở kịch này”! Lời quảng cáo tuy trích dẫn chính xác câu của nhà phê bình, nhưng lại tách rời câu này ra khỏi văn cảnh, và vì thế đã hoàn toàn trình bày lệch lạc quan điểm của tác giả.

Thí dụ này cho thấy rằng văn cảnh ảnh hưởng rất nhiều đến câu văn. Tách câu văn ra khỏi văn cảnh có thể làm sai lệch ý nghĩa của câu văn đó, như trường hợp Kinh Thánh đã bị Sa-tan bóp méo ý nghĩa khi hắn cố tình cám dỗ Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 4:1-11) Mặt khác, việc xem xét câu văn trong văn cảnh giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa chính xác hơn. Vì thế, khi xem xét một câu Kinh Thánh, tốt hơn nên luôn để ý đến văn cảnh để có thể hiểu rõ được những gì tác giả muốn diễn đạt.

Giảng dạy kỹ lưỡng

Một tự điển đã định nghĩa văn cảnh hay ngữ cảnh là “tổng thể nói chung những đơn vị đứng trước và đứng sau một đơn vị ngôn ngữ đang xét, quy định ý nghĩa và giá trị cụ thể của đơn vị đó trong chuỗi lời nói”. Văn cảnh cũng có thể là toàn bộ những hoàn cảnh hay sự việc liên quan đến một biến cố hay tình huống đặc biệt v.v.... Theo định nghĩa thứ hai, văn cảnh đồng nghĩa với “bối cảnh”. Việc xem xét văn cảnh của câu Kinh Thánh là đặc biệt cần yếu qua những gì sứ đồ Phao-lô đã viết cho Ti-mô-thê: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:15) Để lấy lòng ngay thẳng giảng dạy Lời Đức Chúa Trời, tức giảng dạy một cách đúng đắn, chúng ta cần hiểu đúng và kế đó giải thích một cách trung thực và chính xác cho những người khác. Lòng tôn kính Đức Giê-hô-va, Tác Giả của Kinh Thánh, sẽ thúc đẩy chúng ta gắng sức làm điều này, và việc xem xét bối cảnh sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều.

Bối cảnh của sách Hai Ti-mô-thê

Chẳng hạn, chúng ta hãy cùng xem xét sách Hai Ti-mô-thê trong Kinh Thánh. * Để bắt đầu, chúng ta có thể tìm hiểu về bối cảnh của sách này. Ai viết sách Hai Ti-mô-thê? Khi nào? Trong trường hợp nào? Kế tiếp chúng ta có thể tìm hiểu xem hoàn cảnh của nhân vật “Ti-mô-thê”, người có tên được dùng làm tựa đề của cuốn sách, lúc ấy thế nào? Tại sao ông phải cần đến thông tin trong sách này? Lời giải đáp cho những câu hỏi trên sẽ làm gia tăng thêm gấp bội lòng quý trọng của chúng ta đối với cuốn sách, và giúp chúng ta ngày nay biết cách hưởng được lợi ích từ sách đó.

Những câu mở đầu trong sách Hai Ti-mô-thê cho thấy rằng sách này là một bức thư sứ đồ Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê. Những câu khác cho biết Phao-lô viết thư này khi đang bị giam giữ vì cớ tin mừng. Bị nhiều anh em bỏ rơi, Phao-lô hiểu rằng ông sẽ chẳng còn sống bao lâu nữa. (2 Ti-mô-thê 1:15, 16; 2:8-10; 4:6-8) Vì thế, ông hẳn đã viết thư này trong thời gian bị giam giữ lần thứ hai tại Rô-ma, có lẽ vào khoảng năm 65 CN. Dường như ít lâu sau đó ông đã bị Nero kết án tử hình.

Đấy chính là bối cảnh của sách Hai Ti-mô-thê. Tuy nhiên cũng cần phải nhớ rằng Phao-lô không viết cho Ti-mô-thê để than phiền về những khó khăn của ông. Đúng hơn, ông cảnh báo Ti-mô-thê về thời kỳ khó khăn sắp xảy đến và khích lệ bạn đồng đức tin của ông tránh các điều làm sao lãng, tiếp tục “làm cho mình mạnh-mẽ”, và truyền lời dạy dỗ của Phao-lô đến những người khác để đến phiên họ, những người này cũng được trang bị thích đáng để dạy dỗ những người khác nữa. (2 Ti-mô-thê 2:1-7) Thật là một gương mẫu tuyệt hảo về lòng quan tâm bất vị kỷ đến người khác, ngay dù đang trong thời kỳ khó khăn! Thật là một lời khuyên tốt lành cho chúng ta ngày nay!

Phao-lô gọi Ti-mô-thê là “con rất yêu dấu”. (2 Ti-mô-thê 1:2) Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, người trẻ này thường được nhắc đến như một người bạn đồng sự trung thành của Phao-lô. (Công-vụ 16:1-5; Rô-ma 16:21; 1 Cô-rinh-tô 4:17) Khi Phao-lô viết thư này cho Ti-mô-thê, dường như lúc ấy Ti-mô-thê trên 30 tuổi—nên vẫn được xem là trẻ tuổi. (1 Ti-mô-thê 4:12) Tuy nhiên ông vẫn được ghi nhận là một gương mẫu trung thành xuất sắc, ‘đã cùng Phao-lô phục vụ’ trong khoảng 14 năm. (Phi-líp 2:19-22, Tòa Tổng Giám Mục) Mặc dù tương đối trẻ, Ti-mô-thê đã được Phao-lô giao trách nhiệm khuyên bảo các trưởng lão khác “tránh sự cãi-lẫy về lời nói” mà tập trung vào những vấn đề quan trọng khác, chẳng hạn như đức tin và lòng bền bỉ chịu đựng. (2 Ti-mô-thê 2:14) Ti-mô-thê cũng có quyền bổ nhiệm các giám thị và các tôi tớ thánh chức. (1 Ti-mô-thê 5:22) Tuy nhiên ông đã tỏ ra hơi thiếu tự tin trong việc hành quyền.—2 Ti-mô-thê 1:6, 7.

Trưởng lão trẻ tuổi này đã phải đương đầu với một vài thử thách nghiêm trọng. Một trong số đó là việc hai người tên là Hy-mê-nê và Phi-lết đã “phá-đổ đức-tin của một vài người”, dạy rằng “sự sống lại đã đến rồi”. (2 Ti-mô-thê 2:17, 18) Dường như họ tin rằng sự sống lại này là về mặt thiêng liêng và tín đồ Đấng Christ đã sống lại rồi. Có lẽ họ đã không xem xét văn cảnh khi trích dẫn lời của Phao-lô nói rằng tín đồ Đấng Christ đã chết vì tội lỗi mình, nhưng đã được thánh linh Đức Chúa Trời làm cho sống. (Ê-phê-sô 2:1-6) Phao-lô cảnh báo về sự lây lan của ảnh hưởng bội đạo này. Sứ đồ viết: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành;... bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn”. (2 Ti-mô-thê 4:3, 4) Lời cảnh báo của Phao-lô cho thấy rằng Ti-mô-thê phải khẩn thiết lưu ý đến lời khuyên của ông.

Giá trị của sách Hai Ti-mô-thê ngày nay

Như đã nói ở trên, chúng ta hiểu rằng Phao-lô viết sách Hai Ti-mô-thê ít nhất cũng vì những lý do sau đây: (1) Ông biết ông sắp chết, và tìm cách chuẩn bị trước cho Ti-mô-thê khi ông không còn sống để hỗ trợ cho Ti-mô-thê nữa. (2) Ông mong muốn Ti-mô-thê được trang bị đầy đủ để hội thánh, dưới sự chăm sóc của ông, được che chở khỏi sự bội đạo và các ảnh hưởng tai hại khác. (3) Ông muốn khuyến khích Ti-mô-thê tiếp tục bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va và nương cậy nơi sự hiểu biết chính xác về Lời được soi dẫn, cương quyết chống lại những sự dạy dỗ sai lầm.

Hiểu rõ bối cảnh này, khiến sách Hai Ti-mô-thê có ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Ngày nay cũng vậy, có những người bội đạo như Hy-mê-nê và Phi-lết, đã truyền bá những tư tưởng của riêng họ nhằm phá hoại đức tin của chúng ta. Hơn nữa, “những thời-kỳ khó-khăn” mà Phao-lô tiên tri đã đến rồi. Nhiều người đã nghiệm đúng lời cảnh báo của Phao-lô: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:1, 12) Làm thế nào chúng ta có thể đứng vững? Như Ti-mô-thê, chúng ta cần lưu ý đến lời khuyên của những người đã phụng sự Đức Giê-hô-va từ nhiều năm qua. Và bằng cách học hỏi cá nhân, cầu nguyện và kết hợp với các tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể “làm cho mình mạnh-mẽ” nhờ vào ân điển của Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, với lòng tin cậy nơi quyền lực mạnh mẽ của sự hiểu biết chính xác, chúng ta có thể nghe và làm theo lời khuyến giục của Phao-lô: “Giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích”.—2 Ti-mô-thê 1:13.

“Mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích”

“Các sự dạy-dỗ có ích” mà Phao-lô nói đến là gì? Ông dùng cụm từ này để đề cập đến các giáo lý đúng đắn của đạo Đấng Christ. Trong thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô giải thích rằng “các sự dạy-dỗ có ích” đó chính là “lời của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. (1 Ti-mô-thê 6:3) Noi theo mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích giúp một người có được trí óc lành mạnh, tính tình dễ mến, biết quan tâm đến người khác. Vì thánh chức và những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su hòa hợp với mọi sự dạy dỗ khác trong toàn thể cuốn Kinh Thánh, cụm từ “các sự dạy-dỗ có ích” có thể hiểu rộng ra là mọi sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Đối với Ti-mô-thê cũng như đối với các trưởng lão tín đồ Đấng Christ khác, mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích là “điều phó-thác tốt-lành” phải được gìn giữ. (2 Ti-mô-thê 1:13, 14) Ti-mô-thê phải “giảng đạo, cố khuyên, bất-luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn-nhục mà bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị, cứ dạy-dỗ chẳng thôi”. (2 Ti-mô-thê 4:2) Khi nhận thức được ảnh hưởng tràn lan của những sự dạy dỗ bội đạo vào thời Ti-mô-thê, chúng ta sẽ hiểu tại sao Phao-lô lại nhấn mạnh đến sự cấp thiết dạy dỗ những lời lành mạnh. Chúng ta cũng hiểu rằng Ti-mô-thê cần phải che chở bầy bằng cách lấy lòng rất nhịn nhục “bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị”, rèn luyện tốt khả năng dạy dỗ.

Ti-mô-thê cần phải giảng dạy lẽ thật cho những ai? Văn cảnh cho thấy rằng Ti-mô-thê với tư cách một trưởng lão, phải rao truyền lời lẽ thật bên trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Trước áp lực của những người chống đối, Ti-mô-thê cần phải giữ thăng bằng về thiêng liêng và công bố lời Đức Chúa Trời cách dạn dĩ, chứ không phải triết lý loài người, tư tưởng cá nhân, hay những sự phỏng đoán vô bổ. Dù rằng điều này có thể khiến một số người theo khuynh hướng sai lầm chống đối. (2 Ti-mô-thê 1:6-8; 2:1-3, 23-26; 3:14, 15) Tuy nhiên, khi làm theo lời khuyên của Phao-lô, Ti-mô-thê sẽ tiếp tục ngăn chặn sự bội đạo, như Phao-lô đã từng làm.—Công-vụ 20:25-32.

Những lời của Phao-lô về việc giảng đạo có áp dụng cho công việc rao giảng ngoài hội thánh không? Có, như văn cảnh cho thấy. Phao-lô tiếp tục dặn dò: “Nhưng con, phải có tiết-độ trong mọi sự, hãy chịu cực-khổ, làm việc của người giảng Tin-lành, mọi phận-sự về chức-vụ con phải làm cho đầy-đủ”. (2 Ti-mô-thê 4:5) Rao giảng—rao truyền tin mừng về sự cứu chuộc cho những người chưa tin—là trọng tâm của thánh chức người tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Và như Lời Đức Chúa Trời được giảng dạy trong hội thánh ngay cả trong lúc “không gặp thời”, thì chúng ta cũng kiên trì rao giảng cho những người ngoài hội thánh ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6.

Toàn bộ công việc rao giảng và dạy dỗ của chúng ta đặt căn bản trên Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. Chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Kinh Thánh. Phao-lô nói cùng Ti-mô-thê: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Những lời này thường được trích dẫn một cách đúng đắn để chứng minh Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Nhưng Phao-lô viết câu này với mục đích gì?

Phao-lô đang nói với một trưởng lão, một người có trách nhiệm “bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình” bên trong hội thánh. Vì thế, sứ đồ nhắc nhở Ti-mô-thê phải tin cậy nơi sự khôn ngoan của Lời được soi dẫn mà Ti-mô-thê đã được dạy dỗ từ tấm bé. Cũng như Ti-mô-thê, đôi lúc các trưởng lão cũng phải khiển trách những người sai quấy. Khi làm thế, họ phải luôn tin cậy nơi Kinh Thánh. Hơn nữa, vì Kinh Thánh là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, mọi sự quở trách căn cứ trên Kinh Thánh thật sự đến từ Đức Chúa Trời. Bất cứ ai bác bỏ những lời khiển trách căn cứ trên Kinh Thánh là bác bỏ lời khuyên được soi dẫn đến từ chính Đức Giê-hô-va, chứ không phải đến từ ý tưởng của loài người.

Quả thật sách Hai Ti-mô-thê đầy dẫy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời! Và khi chúng ta xem xét những lời khuyên lồng trong văn cảnh của chúng sẽ có ý nghĩa biết bao! Trong bài này, chúng ta chỉ tóm lược thông tin được soi dẫn tuyệt diệu chứa đựng trong sách này, nhưng điều này cũng đủ cho thấy việc xem xét văn cảnh của những gì chúng ta đọc trong Kinh Thánh thật ích lợi biết bao. Điều này bảo đảm rằng chúng ta thật đang giảng dạy lẽ thật một cách đúng đắn.

[Chú thích]

^ đ. 7 Muốn biết rõ hơn, xin xem sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh), Tập 2, trang 1105-1108, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 27]

Phao-lô mong muốn trang bị cho Ti-mô-thê để che chở các hội thánh

[Hình nơi trang 30]

Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê tin cậy nơi sự khôn ngoan của Lời được soi dẫn