Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cách để thành công trong công việc giáo sĩ

Cách để thành công trong công việc giáo sĩ

Lễ mãn khóa thứ 126 của Trường Ga-la-át

Cách để thành công trong công việc giáo sĩ

Vào một dịp đặc biệt, một nhóm đông người vui mừng tụ họp tại Trung tâm giáo dục của Hội Tháp Canh ở Patterson, New York. Thứ bảy ngày 14-3-2009 là ngày mãn khóa thứ 126 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Các học viên sẽ được cử đến 22 nước để rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 24:14.

Các học viên vừa hoàn tất khóa học nghiên cứu sâu về Kinh Thánh trong 5 tháng. Chương trình này được soạn thảo để giúp họ thành công trong công việc giáo sĩ. Ngày mãn khóa là cơ hội cuối để họ lắng nghe lời khuyên khôn ngoan nhằm đạt được mục tiêu đó.

Anh Anthony Morris, thành viên Hội đồng lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va, là diễn giả chủ tọa của chương trình này. Anh nhắc lại khóa huấn luyện đầu tiên của Trường Ga-la-át là vào năm 1943. Kể từ năm ấy, các học viên tốt nghiệp Trường Ga-la-át đã tác động mạnh mẽ đến công việc rao giảng toàn cầu.

Diễn giả cho biết dù các thầy thông giáo và người Pha-ri-si thời xưa xem các sứ đồ của Chúa Giê-su là “người dốt-nát không học”, nhưng họ phải công nhận rằng nhờ đi theo Chúa Giê-su mà các sứ đồ nói năng dạn dĩ (Công-vụ 4:13). Nhờ được huấn luyện, các học viên sẽ dạn dĩ trong việc chia sẻ tin mừng.

“Đừng đánh giá qua vẻ bề ngoài” là bài giảng thú vị được trình bày bởi anh Robert Ciranko, người phụ giúp Ủy ban biên tập của Hội đồng lãnh đạo. Anh cho biết rằng các học viên sẽ gặp nhiều người có nền văn hóa và phong tục khác nhau. Tuy nhiên, nếu họ có quan điểm như Đức Giê-hô-va, thì rao giảng cho dân cư ở đó sẽ không phải là vấn đề. Công vụ 10:34 nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai”. Theo nguyên ngữ, câu này có nghĩa là Đức Chúa Trời không bị ấn tượng bởi vẻ bề ngoài của một người, tức là Ngài không thiên vị (Công-vụ 10:35) Anh Ciranko nói: “Nhờ có quan điểm như Đức Chúa Trời và xem mọi người ở khu vực mình đều có khả năng được Ngài chấp nhận, anh chị sẽ thành công trong công việc giáo sĩ”.

“Được trang bị để thành công”

Anh Samuel Herd, thành viên của Hội đồng lãnh đạo, bắt đầu bài giảng như sau: “Con lạc đà được ban cho khả năng thích nghi với đời sống ở sa mạc”. Tương tự thế, các giáo sĩ cũng được trang bị để thích nghi với môi trường mới. Có 5 điều giúp họ đạt được mục tiêu đó.

1. Tình yêu thương với Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 22:37, 38). Các học viên đã thể hiện lòng quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va.

2. Vốn hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời. Con lạc đà trữ thức ăn trong bướu. Tuy nhiên, dù có nguồn dự trữ đó, nó vẫn tiếp tục ăn. Tương tự, các giáo sĩ không chỉ dựa vào những kiến thức học được trong Trường Ga-la-át, nhưng họ cần tiếp tục nuôi dưỡng mình về mặt tâm linh.

3. Tình yêu thương người khác (Ma-thi-ơ 22:39). Các học viên có lòng cảm thông với người khác.

4. Tinh thần sẵn sàng (Thi-thiên 110:3). Khi sức lực của các giáo sĩ bị hao mòn, Đức Giê-hô-va sẽ thêm sức dồi dào cho họ.—Ê-sai 40:29.

5. Năng lực của tuổi trẻ. Giống như con lạc đà chở người ta qua sa mạc, giáo sĩ có lẽ cũng cần “chở” một anh em đồng đạo đang suy yếu về thiêng liêng. Điều này đòi hỏi phải cố gắng nhiều, nhưng các giáo sĩ có thể thực hiện được vì họ có năng lực của tuổi trẻ.

Đặc điểm khác của chương trình

Anh Michael Burnett, một giảng viên của trường, cho biết hạnh nhân là một trong những món quà mà Gia-cốp gửi cho vua Ai Cập (Sáng-thế Ký 43:11). Một gói nhỏ hạnh nhân cũng có nhiều dinh dưỡng. Các học viên đã được thưởng thức nhiều “hạnh nhân” trong suốt khóa học. Một trong những điều mà các giáo sĩ nên mang theo là bài học về tầm quan trọng của việc thỏa lòng với những gì Đức Giê-hô-va cung cấp, và việc học cách yêu mến môi trường sống mới của mình.

Anh Mark Noumair, cũng là giảng viên của trường, cho biết Lời Đức Chúa Trời chứa đầy sự khôn ngoan (Gióp 28:18). Chúng ta cần mở ra và tận dụng sự khôn ngoan trong đó. Nếu công việc giáo sĩ không như mong muốn, các học viên nên nghĩ về gương của sứ đồ Phao-lô. Các môn đồ của Chúa Giê-su đã cử ông về rao giảng ở quê hương mình trong chín năm. Phao-lô không lý luận rằng vì là “một đồ-dùng” của Chúa Giê-su nên ông phải phụng sự ở nơi khác. Thay vì vậy, ông hết lòng làm công việc của mình ở nơi ông được sai đến (Công-vụ 9:15, 28-30). Làm theo sự bổ nhiệm của Đức Giê-hô-va có thể là một thử thách. Một gương mẫu khác là của ông Giô-na-than. Vì nhận ra Đa-vít là vị vua được Đức Giê-hô-va chọn, ông sẵn lòng ủng hộ Đa-vít.

Trong phần “Tôi tớ Đức Chúa Trời nói năng với lòng dạn dĩ”, các học viên diễn lại kinh nghiệm khi rao giảng trong thời gian khóa học diễn ra, và nhiều người đã bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Bài giảng tiếp theo là “Được tổ chức Đức Giê-hô-va trang bị”. Bài giảng này phỏng vấn ba giáo sĩ phụng sự lâu năm. Mỗi người cho biết mình được huấn luyện thế nào để hợp tác với tổ chức Đức Chúa Trời.

“Hãy vui mừng trong công việc giáo sĩ”

Anh Gerrit Lösch, thành viên của Hội đồng lãnh đạo, trình bày phần chính của chương trình có tựa đề “Hãy vui mừng trong công việc giáo sĩ”. Anh lưu ý rằng nhiều hoạt động mà người ta xem là “vui vẻ” không mang lại hạnh phúc thật (Châm-ngôn 14:13; Truyền-đạo 2:10, 11). Nhưng hạnh phúc lâu dài đến từ việc làm theo ý Đức Chúa Trời, dù điều này không phải lúc nào cũng dễ. Dù khóa học của Trường Ga-la-át đòi hỏi phải cố gắng nhiều nhưng mang lại sự thỏa nguyện sâu xa.

Có nhiều điều góp phần mang lại hạnh phúc cho những môn đồ chân chính của Chúa Giê-su. Họ thờ phượng Đức Chúa Trời hạnh phước (Thi-thiên 33:12; 1 Ti-mô-thê 1:11). Hiện nay họ có mối quan hệ tốt với Ngài và vui hưởng tình anh em quốc tế. Hơn nữa, họ còn chờ đợi địa đàng sắp tới mà Kinh Thánh hứa. Họ tìm được mục đích cho đời sống: phụng sự và ca ngợi Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, họ được Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu mến.

Anh Lösch nói thêm: “Các anh chị sẽ vui mừng trong công việc giáo sĩ nếu học cách biết thỏa lòng”. Yêu thương người khác và được người khác yêu thương là một bí quyết khác để được hạnh phúc. Vì thế, thay vì chú trọng đến lỗi lầm của người khác thì hãy nên bỏ qua. Hãy làm điều tốt, giúp người yếu đuối và chia sẻ những kinh nghiệm hay với người khác (Thi-thiên 41:1, 2; Công-vụ 20:35). Hạnh phúc đến với những người cố gắng hết lòng tham gia công việc rao giảng.—Lu-ca 11:28.

Anh Lösch kết luận: “Hãy vui mừng trong công việc giáo sĩ. Anh chị có thể dành thời gian giải trí cách hợp lý, nhưng hãy tập trung ca ngợi Đức Chúa Trời hạnh phước của chúng ta là Đức Giê-hô-va và giúp người khác được hạnh phúc”.

Sau khi đọc lời chào thăm từ một số nước, anh Anthony Morris trao bằng tốt nghiệp cho các học viên. Sau đó, một học viên đại diện khóa thứ 126 đọc lá thư gửi cho Hội đồng lãnh đạo. Trong thư, các học viên bày tỏ lòng biết ơn vì được tham dự Trường Ga-la-át.

Trong lời bế mạc chương trình, anh chủ tọa cho biết rằng các phương tiện và sắp đặt mà “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp được ví như ‘khớp xương và dây chằng’ liên kết thân thể. Nhờ đó, dân Đức Chúa Trời được nuôi dưỡng và hướng dẫn (Cô-lô-se 2:18, 19, Bản Dịch Mới; Ma-thi-ơ 24:45). Nếu các học viên tốt nghiệp Trường Ga-la-át hoàn toàn hợp tác với những người Đức Chúa Trời bổ nhiệm, họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.—2 Ti-mô-thê 4:5.

[Khung nơi trang 30]

SỐ LIỆU THỐNG KÊ

Các học viên đến từ: 6 quốc gia

Họ được phái đến: 22 quốc gia

Sĩ số: 56

Cặp vợ chồng: 28

Tuổi trung bình: 32,8

Trung bình ở trong lẽ thật: 17,9 năm

Trung bình làm thánh chức trọn thời gian: 13,5 năm

NHỮNG NƠI ĐƯỢC BỔ NHIỆM ĐẾN

Các học viên được bổ nhiệm đến Benin, Bolivia, Bulgaria, Burkina Faso, Cameroon, Costa Rica, Ghana, Guatemala, Honduras, Kenya, Liberia, Madagascar, Mozambique, Nam Phi, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Romania, Sierra Leone, Togo và Uganda.

[Hình nơi trang 31]

Khóa tốt nghiệp thứ 126 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh

Trong danh sách dưới đây, hàng được đánh số từ trước ra sau, và tên được liệt kê từ trái sang phải.

(1) Kirchhoff, K.; Nichols, C.; Guzmán, Y.; Coil, H.; Becker, O.; De Simone, A. (2) Manzanares, A.; Bouvier, E.; Peddle, J.; Mason, H.; Braz, J. (3) Lee, J.; Forte, A.; Boucher, T.; Marsh, A.; Leighton, S.; Glover, M. (4) Kambach, H.; Jones, T.; Ferreira, A.; Morales, J.; Chicas, S.; Davis, B.; Dormanen, E. (5) Dormanen, B.; Nichols, J.; Pacho, T.; Titmas, L.; Bouvier, E.; Kirchhoff, A. (6) Leighton, G.; Pacho, A.; Van Campen, B.; Manzanares, A.; Rivard, A.; Lee, Y.; Titmas, L. (7) Boucher, M.; Coil, K.; Marsh, C.; Guzmán, J.; Jones, W.; Kambach, J. (8) Glover, A.; Ferreira, G.; Mason, E.; Forte, D.; Davis, N.; Chicas, O.; Rivard, Y. (9) Braz, D.; Van Campen, D.; Morales, A.; De Simone, M.; Becker, M.; Peddle, D.