Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vun trồng tinh thần của “người nhỏ hơn”

Vun trồng tinh thần của “người nhỏ hơn”

“Tôi đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như tôi đã làm cho anh em”.—GIĂNG 13:15.

1, 2. Vào đêm cuối cùng trên đất, Chúa Giê-su dạy các sứ đồ bài học nào?

Vào đêm cuối trên đất, Chúa Giê-su cùng các sứ đồ nhóm lại tại phòng trên lầu của một căn nhà ở Giê-ru-sa-lem. Trong bữa ăn tối, Chúa Giê-su đứng dậy, cởi áo khoác và để sang một bên. Ngài quấn chiếc khăn quanh mình, đi lấy chậu, đổ nước vào và rửa chân cho các môn đồ, rồi dùng khăn lau khô chân của họ. Sau đó ngài mặc áo khoác vào. Tại sao Chúa Giê-su làm một việc tầm thường như thế?—Giăng 13:3-5.

2 Chúa Giê-su giải thích: “Anh em có hiểu điều tôi vừa làm cho anh em không?... Nếu tôi là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng nên rửa chân cho nhau. Vì tôi đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như tôi đã làm cho anh em” (Giăng 13:12-15). Qua việc sẵn lòng làm một việc hèn mọn ấy, Chúa Giê-su dạy các sứ đồ bài học thực tế về tầm quan trọng của tính khiêm nhường.

3. (a) Chúa Giê-su đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khiêm nhường vào hai dịp nào? (b) Bài này sẽ thảo luận điều gì?

3 Trước đó, Chúa Giê-su từng nhấn mạnh về giá trị của sự khiêm nhường. Vào một dịp khi các sứ đồ biểu lộ tinh thần ganh đua, Chúa Giê-su dẫn một em bé đến và nói với họ: “Ai vì danh tôi mà tiếp đón đứa trẻ này là tiếp đón tôi, và ai tiếp đón tôi là tiếp đón đấng sai tôi đến. Ai cư xử như người nhỏ hơn trong vòng anh em thì người đó là lớn” (Lu 9:46-48). Vào dịp khác, vì biết người Pha-ri-si luôn muốn tìm kiếm sự nổi bật, nên Chúa Giê-su nói: “Ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lu 14:11). Rõ ràng, Chúa Giê-su muốn các môn đồ khiêm nhường, không kiêu căng hay tự cao. Để bắt chước Chúa Giê-su, chúng ta hãy xem xét kỹ gương khiêm nhường của ngài. Chúng ta cũng hãy xem làm thế nào tính khiêm nhường mang lại lợi ích cho người thể hiện đức tính ấy cũng như cho người khác.

“TA KHÔNG TRÁI-NGHỊCH, CŨNG KHÔNG GIỰT-LÙI”

4. Con một của Đức Chúa Trời đã tỏ ra khiêm nhường như thế nào trước khi xuống đất làm người?

4 Con một của Đức Chúa Trời thể hiện sự khiêm nhường ngay cả trước khi xuống trái đất. Trước khi làm người, Chúa Giê-su sống với Cha ở trên trời vô số năm. Sách Ê-sai miêu tả về mối quan hệ mật thiết giữa ngài và Cha: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy-dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học-trò vậy. Thật, Chúa Giê-hô-va đã mở tai ta, ta không trái-nghịch, cũng không giựt-lùi” (Ê-sai 50:4, 5). Con Đức Chúa Trời đã tỏ ra khiêm nhường và lắng nghe kỹ những điều Cha dạy. Ngài háo hức và sẵn lòng học từ Cha. Hẳn Chúa Giê-su đã chăm chú quan sát việc Cha khiêm nhường đối xử nhân từ với nhân loại tội lỗi!

5. Chúa Giê-su nêu gương nào về sự khiêm nhường và khiêm tốn khi đối đầu với Kẻ Quỷ Quyệt?

5 Không phải mọi tạo vật ở trên trời đều có tinh thần giống như Con một của Đức Chúa Trời. Thiên sứ sau này trở thành Sa-tan không muốn học từ Đức Chúa Trời. Hắn để cho các tính xấu trái ngược với tính khiêm nhường ảnh hưởng. Hắn quá coi trọng bản thân và có tinh thần kiêu ngạo nên đã chống lại Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su thì hoàn toàn khác. Ngài không bất mãn với vị trí của mình ở trên trời và cũng không có ý định lạm dụng quyền. Với cương vị thiên sứ trưởng Mi-chen, Chúa Giê-su không vượt quá quyền hạn khi “tranh cãi với Kẻ Quỷ Quyệt về thi thể của Môi-se”. Con một của Đức Chúa Trời tỏ ra khiêm nhường và khiêm tốn. Ngài vui lòng để cho Cha ngài, Quan Án Tối Cao, giải quyết vấn đề theo đúng cách và vào đúng thời điểm.—Đọc Giu-đe 9.

6. Chúa Giê-su tỏ ra khiêm nhường như thế nào khi nhận sứ mạng xuống trái đất để làm Đấng Mê-si?

6 Chắc chắn, những điều Chúa Giê-su học trước khi xuống đất làm người bao gồm các lời tiên tri về đời sống trên đất của ngài với tư cách là Đấng Mê-si. Thế nên, hẳn ngài biết trước những thử thách đang chờ mình phía trước. Dù vậy, ngài vẫn nhận sứ mệnh xuống trái đất, trở thành Đấng Mê-si và hy sinh mạng sống. Tại sao? Sứ đồ Phao-lô cho thấy một yếu tố quan trọng giúp ngài làm thế, đó là sự khiêm nhường. Ông viết: “Dù ngài có hình dạng giống Đức Chúa Trời nhưng không hề nghĩ đến việc chiếm lấy địa vị ngang hàng với Đức Chúa Trời. Trái lại, ngài từ bỏ tất cả, mặc lấy hình dạng tôi tớ và trở thành con người”.—Phi-líp 2:6, 7.

KHI LÀM NGƯỜI, “NGÀI HẠ MÌNH XUỐNG”

Đức Giê-hô-va xem trọng chúng ta khi ban cho chúng ta đặc ân rao truyền tin mừng

7, 8. Ngay từ thuở nhỏ và trong thời gian thi hành thánh chức, Chúa Giê-su đã tỏ ra khiêm nhường như thế nào?

7 Sứ đồ Phao-lô viết: “Khi [Chúa Giê-su] trở thành con người, ngài hạ mình xuống và vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên cây khổ hình” (Phi-líp 2:8). Chúa Giê-su khiêm nhường ngay từ thuở nhỏ. Ngài vâng phục cha mẹ bất toàn của mình là Giô-sép và Ma-ri (Lu 2:51). Thật là một gương tốt cho người trẻ! Những người trẻ sẵn lòng vâng phục cha mẹ sẽ được Đức Chúa Trời ban phước.

8 Khi trưởng thành, Chúa Giê-su cũng tỏ ra khiêm nhường bằng cách đặt ý muốn của Đức Giê-hô-va lên trên ý muốn cá nhân (Giăng 4:34). Trong thánh chức, Chúa Giê-su dùng danh riêng của Đức Chúa Trời và giúp những người thành thật có sự hiểu biết chính xác về các đức tính của Đức Giê-hô-va cũng như ý định của ngài đối với nhân loại. Chúa Giê-su cũng sống phù hợp với những điều ngài dạy. Chẳng hạn, trong lời cầu nguyện mẫu, điều đầu tiên ngài đề cập là: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh” (Mat 6:9). Như vậy, Chúa Giê-su dạy các môn đồ đặt việc làm sáng danh Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, và chính ngài cũng làm thế. Do đó, khi thời gian làm thánh chức trên đất của Chúa Giê-su sắp kết thúc, ngài có thể nói với Đức Giê-hô-va: “Con đã cho họ [các sứ đồ] biết danh Cha và sẽ tiếp tục làm thế” (Giăng 17:26). Ngoài ra, trong khi thi hành thánh chức, Chúa Giê-su luôn quy mọi thành quả cho Đức Chúa Trời.—Giăng 5:19.

9. Xa-cha-ri đã tiên tri điều gì về Đấng Mê-si? Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri này như thế nào?

9 Xa-cha-ri đã tiên tri về Đấng Mê-si: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng-rỡ cả-thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo-vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công-bình và ban sự cứu-rỗi, nhu-mì [“khiêm nhường”, Trịnh Văn Căn] và cỡi lừa, tức là con của lừa cái” (Xa 9:9). Điều này được ứng nghiệm khi Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem trước Lễ Vượt Qua năm 33 CN. Dân chúng trải áo khoác và các nhánh cây trên đường, cả thành phố đều náo nhiệt. Tuy nhiên, ngay cả khi được công nhận là Vua và được dân chúng ca ngợi, Chúa Giê-su vẫn tỏ ra khiêm nhường.—Mat 21:4-11.

10. Khi vâng phục cho đến chết, Chúa Giê-su đã chứng tỏ được điều gì?

10 Khi ở trên đất, Chúa Giê-su thể hiện sự khiêm nhường và vâng phục cho đến lúc chết trên cây khổ hình. Qua cách này, ngài cung cấp bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy con người có thể giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va, ngay cả khi chịu thử thách cùng cực. Chúa Giê-su cũng cho thấy Sa-tan đã sai khi hắn nói rằng con người phụng sự Đức Giê-hô-va chỉ vì lòng ích kỷ (Gióp 1:9-11; 2:4). Khi giữ lòng trung kiên trọn vẹn, Chúa Giê-su biện minh cho quyền cai trị của Đức Giê-hô-va và cho thấy ngài tin chắc cách cai trị của Cha là tốt nhất. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va hài lòng khi thấy sự trung thành không lay chuyển của người Con khiêm nhường này.—Đọc Châm-ngôn 27:11.

11. Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su mở ra triển vọng nào cho những người đặt đức tin nơi ngài?

11 Bằng cách chết trên cây khổ hình, Chúa Giê-su cũng trả giá chuộc cho nhân loại (Mat 20:28). Điều này mở ra cho con người tội lỗi cơ hội sống đời đời, đồng thời đáp ứng được tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “Bởi một việc làm công chính mà mọi loại người được tuyên bố là công chính để nhận sự sống” (Rô 5:18). Giá chuộc mở ra triển vọng sống bất tử ở trên trời cho những tín đồ được xức dầu, và triển vọng sống đời đời trên đất cho “các chiên khác”.—Giăng 10:16; Rô 8:16, 17.

‘TÔI CÓ LÒNG KHIÊM NHƯỜNG’

12. Chúa Giê-su thể hiện sự khiêm nhường và ôn hòa như thế nào đối với con người bất toàn?

12 Chúa Giê-su mời tất cả những ai “nhọc nhằn và nặng gánh” đến với ngài. Ngài nói: “Hãy mang ách của tôi và học theo tôi, vì tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường. Anh em sẽ cảm thấy khoan khoái” (Mat 11:28, 29). Tính khiêm nhường và ôn hòa đã thôi thúc Chúa Giê-su đối xử công bằng và nhân từ với con người bất toàn. Ngài phải lẽ, không đòi hỏi quá đáng nơi các môn đồ. Thay vì khiến họ cảm thấy mình kém cỏi hoặc vô dụng, Chúa Giê-su khen ngợi và khích lệ họ. Ngài không hề khắt khe hoặc áp đặt. Trái lại, ngài đảm bảo với các môn đồ rằng nếu đến gần ngài và làm theo những gì ngài dạy, họ sẽ được khoan khoái, vì ách của ngài dễ chịu và gánh của ngài nhẹ nhàng. Bất cứ ai, dù là nam hay nữ và ở độ tuổi nào, đều cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh Chúa Giê-su.—Mat 11:30.

Bạn có những cơ hội nào để cư xử như “người nhỏ hơn”?

13. Chúa Giê-su đã tỏ lòng trắc ẩn như thế nào đối với những người chịu thiệt thòi?

13 Chúa Giê-su tỏ lòng trắc ẩn đối với những người Y-sơ-ra-ên chịu thiệt thòi. Ngài yêu thương để ý đến nhu cầu của họ. Chẳng hạn, gần thành Giê-ri-cô, ngài gặp hai người mù đi ăn xin, trong đó một người tên là Ba-ti-mê. Họ nài xin Chúa Giê-su giúp đỡ, nhưng đoàn dân đông rầy la và bảo họ im lặng. Thật dễ để lờ đi hai người mù này! Nhưng Chúa Giê-su đã gọi họ đến, ngài động lòng thương xót và làm mắt họ được sáng. Quả thật, Chúa Giê-su đã noi gương Cha là Đức Giê-hô-va qua việc thể hiện lòng khiêm nhường, thương xót đối với loài người tội lỗi.—Mat 20:29-34; Mác 10:46-52.

“AI TỰ HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN”

14. Sự khiêm nhường của Chúa Giê-su mang lại những lợi ích nào?

14 Sự khiêm nhường của Chúa Giê-su mang lại nhiều niềm vui và lợi ích. Đức Giê-hô-va vui mừng khi thấy người Con yêu dấu khiêm nhường làm theo ý muốn của ngài. Tính ôn hòa và khiêm nhường của Chúa Giê-su mang lại sự khoan khoái cho các môn đồ. Nhờ gương mẫu, sự dạy dỗ và những lời khen của ngài, các môn đồ được thúc đẩy để tiến bộ về thiêng liêng. Dân thường cũng được lợi ích, vì lòng khiêm nhường của Chúa Giê-su đã thôi thúc ngài giúp đỡ, dạy dỗ và khích lệ họ. Thực tế thì nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su, tất cả những người có đức tin nơi ngài sẽ nhận được ân phước vĩnh cửu.

15. Nhờ khiêm nhường, Chúa Giê-su nhận được lợi ích nào?

15 Sự khiêm nhường có mang lại lợi ích cho Chúa Giê-su không? Có, vì ngài từng nói với các môn đồ: “Ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mat 23:12). Những lời này đã được chứng thực trong chính trường hợp của ngài. Sứ đồ Phao-lô cho biết: “Đức Chúa Trời đã nâng [Chúa Giê-su] lên địa vị cao hơn và nhân từ ban cho ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho mọi đầu gối trên trời, dưới đất lẫn trong lòng đất đều quỳ xuống trước danh Chúa Giê-su, và mọi lưỡi công khai nhìn nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, như thế mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời là Cha”. Vì khiêm nhường và trung thành, Chúa Giê-su được Đức Giê-hô-va nâng lên và ban cho quyền trên các tạo vật trên trời và dưới đất.—Phi-líp 2:9-11.

CHÚA GIÊ-SU SẼ ‘CƯỠI XE LƯỚT TỚI VÌ CỚ SỰ CHÂN-THẬT VÀ ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG’

16. Điều gì cho thấy tính khiêm nhường sẽ tiếp tục là nét đặc trưng của Con Đức Chúa Trời?

16 Tính khiêm nhường sẽ tiếp tục là nét đặc trưng của Con Đức Chúa Trời. Một người viết Thi-thiên đã báo trước việc Chúa Giê-su tranh chiến với kẻ thù từ vị trí vinh hiển ở trên trời. Ông hát: “Vì cớ sự chân-thật, sự hiền-từ [“đức khiêm nhường”, Bản Diễn Ý], và sự công-bình, hãy lấy sự oai-nghi Ngài cỡi xe lướt tới cách thắng trận” (Thi 45:4). Tại Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su sẽ chiến đấu để bảo vệ những người khiêm nhường, công chính và yêu chân lý. Vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, khi Vua Mê-si “đã dẹp tan mọi chính phủ, quyền hành và thế lực”, thì sao? Ngài sẽ khiêm nhường không? Có, vì ngài sẽ “giao Nước cho Đức Chúa Trời là Cha ngài”.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:24-28.

17, 18. (a) Tại sao tôi tớ của Đức Giê-hô-va cần noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su? (b) Bài kế tiếp sẽ trả lời những câu hỏi nào?

17 Còn về phần chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ noi gương Chúa Giê-su và biểu lộ tính khiêm nhường không? Tại Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su chỉ cứu những người khiêm nhường và công chính. Vì thế, việc vun trồng tính khiêm nhường là điều thiết yếu để được sống sót. Hơn nữa, như trong trường hợp của Chúa Giê-su, nếu chúng ta thể hiện sự khiêm nhường thì cũng mang lại lợi ích cho chính mình và người khác.

18 Điều gì có thể giúp chúng ta noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su? Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ sự khiêm nhường, dù có lúc không dễ làm thế? Những câu hỏi này sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.