Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có quan điểm tích cực khi hôn nhân bị rạn nứt

Có quan điểm tích cực khi hôn nhân bị rạn nứt

Có quan điểm tích cực khi hôn nhân bị rạn nứt

“Về phần người đã lập gia đình thì tôi khuyên. Thật ra không phải tôi khuyên mà Chúa dạy”.—1 CÔ 7:10, BẢN PHỔ THÔNG.

BẠN GIẢI THÍCH THẾ NÀO?

Tại sao có thể nói các cặp vợ chồng được Đức Chúa Trời tác hợp?

Làm sao các trưởng lão có thể giúp các tín đồ đang gặp vấn đề trong hôn nhân?

Chúng ta nên xem hôn nhân như thế nào?

1. Các tín đồ xem hôn nhân như thế nào, và tại sao?

Khi tín đồ đạo Đấng Ki-tô kết hôn, họ thề nguyện trước mặt Đức Chúa Trời, đây là một trách nhiệm không nên xem nhẹ (Truyền 5:4-6). Vì Đức Giê-hô-va là đấng sáng lập hôn nhân, nên có thể nói các cặp vợ chồng được ngài “tác hợp” (Mác 10:9). Trước mắt Đức Chúa Trời, hai người có sự ràng buộc cho dù luật pháp quy định thế nào. Do đó, tôi tớ của Đức Giê-hô-va nên xem hôn nhân là sự kết ước lâu dài, cho dù lúc kết hôn họ có thờ phượng Đức Giê-hô-va hay không.

2. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

2 Hôn nhân có thể mang lại niềm hạnh phúc mỹ mãn. Tuy nhiên, nếu hôn nhân bị rạn nứt thì phải làm sao? Có thể nào củng cố một cuộc hôn nhân như thế không? Có sự giúp đỡ nào cho những người có nguy cơ bị đổ vỡ gia đình?

CUỘC HÔN NHÂN SẼ HẠNH PHÚC HAY KHÔNG?

3, 4. Hậu quả có thể là gì nếu một tín đồ quyết định thiếu khôn ngoan khi chọn người hôn phối?

3 Cuộc hôn nhân thành công của tín đồ đạo Đấng Ki-tô mang lại niềm vui cho họ và sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Cuộc hôn nhân đổ vỡ khiến người trong cuộc bị tổn thương, chưa kể đến những thiệt hại nghiêm trọng khác. Nếu làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, một tín đồ có nền tảng tốt để bước vào hôn nhân. Ngược lại, một tín đồ quyết định thiếu khôn ngoan khi chọn người hôn phối có thể gặp phải sự bất mãn và đau khổ. Chẳng hạn, một số tín đồ trẻ bắt đầu hẹn hò khi chưa sẵn sàng gánh vác trách nhiệm gia đình. Một số tìm người hôn phối trên Internet và gấp gáp bước vào hôn nhân mà sau này phải hối tiếc. Còn người khác thì phạm tội trọng trong thời gian tìm hiểu, sau đó kết hôn nhưng thiếu lòng tôn trọng nhau.

4 Một số tín đồ không kết hôn với “môn đồ của Chúa” và phải chịu hậu quả đau buồn trong gia đình không cùng tôn giáo (1 Cô 7:39). Nếu bạn ở trong hoàn cảnh này, hãy cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ và giúp đỡ. Dù không loại bỏ những hậu quả của quyết định sai lầm đó, nhưng ngài sẽ giúp đỡ những người ăn năn đương đầu với thử thách (Thi 130:1-4). Hãy hết sức cố gắng làm vui lòng ngài bây giờ và mãi mãi, nhờ thế ‘sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va sẽ là sức-lực của bạn’.—Nê 8:10.

KHI HÔN NHÂN CÓ NGUY CƠ ĐỔ VỠ

5. Một người có hôn nhân không hạnh phúc nên tránh lối suy nghĩ nào?

5 Những người trải qua sự đau buồn trong hôn nhân có lẽ tự hỏi: “Cuộc hôn nhân bất hạnh của mình có đáng để cứu vãn không? Giá như mình có thể quay lại thời xưa và gặp người khác!”. Có lẽ họ mơ ước được thoát khỏi cuộc hôn nhân hiện tại của mình: “Ôi, ước gì được tự do như xưa kia! Sao mình không ly dị? Nếu không được ly dị theo nguyên tắc Kinh Thánh, sao mình không ly thân và sống vui vẻ như trước?”. Thay vì nghĩ đến những điều này hoặc luyến tiếc những cơ hội đã bỏ lỡ trong quá khứ, các tín đồ nên chấp nhận thực tại và cố gắng cải thiện hôn nhân của mình. Họ có thể làm thế qua việc tìm kiếm và làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.

6. Hãy giải thích những lời Chúa Giê-su nói nơi Ma-thi-ơ 19:9.

6 Dựa theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, có trường hợp một tín đồ đã ly dị hội đủ điều kiện để tái hôn, cũng có trường hợp một tín đồ không hội đủ điều kiện. Vì Chúa Giê-su nói: “Tôi cho các ông biết rằng ngoại trừ trường hợp vợ gian dâm, hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình” (Mat 19:9). Ở đây, “gian dâm” bao gồm ngoại tình và những tội nghiêm trọng khác liên quan đến tình dục. Nếu một tín đồ đang nghĩ tới việc ly dị dù người hôn phối không phạm tội vô luân, người đó phải cân nhắc kỹ và cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn.

7. Người khác có thể nghĩ sao nếu hôn nhân của một tín đồ bị đổ vỡ?

7 Khi hôn nhân của một tín đồ đổ vỡ, người khác có thể thắc mắc về tình trạng thiêng liêng của tín đồ ấy. Sứ đồ Phao-lô từng nêu lên câu hỏi đáng suy nghĩ: “Nếu một người không biết cai quản nhà mình thì làm sao chăm lo hội thánh của Đức Chúa Trời?” (1 Ti 3:5). Thật vậy, nếu một cặp vợ chồng nói mình là tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhưng lại đổ vỡ hôn nhân, người khác có thể nghĩ cặp vợ chồng ấy giảng một đằng, làm một nẻo.—Rô 2:21-24.

8. Nếu vợ chồng quyết định chia tay thì hẳn họ có vấn đề về mặt nào?

8 Khi một cặp vợ chồng đã báp-têm định ly thân hoặc ly dị dù không có lý do chính đáng theo Kinh Thánh, chắc chắn họ đang có vấn đề gì đó về mặt thiêng liêng. Dường như một hoặc cả hai người không áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Nếu “hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va” thì hẳn họ sẽ cứu vãn được hôn nhân của mình.—Đọc Châm-ngôn 3:5, 6.

9. Nhờ không vội buông xuôi trong hôn nhân, một số tín đồ đã được tưởng thưởng thế nào?

9 Hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng có vẻ như sắp đổ vỡ nhưng về sau lại hạnh phúc. Các tín đồ không vội buông xuôi khi hôn nhân gặp rắc rối thường được tưởng thưởng. Hãy xem điều gì có thể xảy ra trong gia đình không cùng tôn giáo. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hỡi những người vợ, hãy vâng phục chồng, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo lời Đức Chúa Trời thì cũng được cảm hóa bởi hạnh kiểm của chị, mà không cần phải nói lời nào, vì anh ấy chứng kiến cách ăn ở thanh sạch và lòng kính trọng sâu xa của chị” (1 Phi 3:1, 2). Thật vậy, nhờ hạnh kiểm tốt của người hôn phối mà người không tin đạo có thể theo sự thờ phượng thật. Cuộc hôn nhân như thế tôn vinh Đức Giê-hô-va và là ân phước lớn cho vợ chồng cùng con cái.

10, 11. Những trường hợp bất đắc dĩ nào có thể xảy ra trong hôn nhân? Dù vậy, một tín đồ có thể tin chắc điều gì?

10 Với ước muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va, đa số tín đồ độc thân chọn kết hôn với người đồng đạo đã báp-têm. Tuy nhiên, những trường hợp bất đắc dĩ có thể xảy ra. Chẳng hạn, người hôn phối có thể mắc phải vấn đề nghiêm trọng về thần kinh. Hoặc sau khi cưới, người hôn phối ngưng hoạt động. Thí dụ trường hợp của chị Linda *, một người công bố sốt sắng và người mẹ tận tụy. Chị bất lực nhìn thấy cảnh chồng mình đi theo đường lối trái nguyên tắc Kinh Thánh, anh không ăn năn và đã bị khai trừ. Trong hoàn cảnh như thế, một tín đồ có thể cảm thấy hôn nhân của mình vô phương cứu chữa. Người ấy nên làm gì?

11 Có lẽ bạn tự hỏi: “Mình có cần cố gắng mãi để cứu vãn hôn nhân của mình, cho dù chuyện gì xảy ra?”. Không ai có thể hoặc nên quyết định thay bạn. Tuy nhiên, có những lý do chính đáng để không buông xuôi khi hôn nhân đang gặp sóng gió. Đức Chúa Trời rất quý những người nam và nữ tin kính kiên trì chịu đựng thử thách trong hôn nhân vì cớ lương tâm. (Đọc 1 Phi-e-rơ 2:19, 20). Qua Kinh Thánh và thần khí, Đức Giê-hô-va giúp tín đồ nào nỗ lực để củng cố hôn nhân đang rạn nứt của mình.

HỌ SẴN SÀNG GIÚP ĐỠ

12. Các trưởng lão xem chúng ta thế nào nếu chúng ta nhờ họ giúp?

12 Nếu hôn nhân của bạn đang gặp vấn đề, đừng ngần ngại nhờ những tín đồ thành thục giúp đỡ. Các trưởng lão có nhiệm vụ chăn bầy và họ sẵn lòng cho lời khuyên dựa vào Kinh Thánh (Công 20:28; Gia 5:14, 15). Đừng nghĩ rằng nếu bạn nhờ trưởng lão giúp và cùng thảo luận về một vấn đề trầm trọng trong hôn nhân của bạn thì các anh sẽ không còn tôn trọng vợ chồng bạn nữa. Khi thấy bạn thật sự mong muốn làm Đức Chúa Trời vui lòng, họ càng yêu thương và tôn trọng bạn hơn.

13. Lời khuyên nào được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 7:10-16?

13 Khi tín đồ sống trong gia đình không cùng tôn giáo nhờ trưởng lão giúp đỡ, các anh có thể dùng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Đối với người đã kết hôn, tôi, nhưng không phải tôi mà là Chúa, truyền rằng vợ không nên ly thân với chồng; nhưng nếu đã ly thân thì chị hãy ở vậy hoặc hòa lại với chồng. Còn chồng không nên bỏ vợ... Hỡi người làm vợ, biết đâu chị sẽ cứu được chồng mình? Hỡi người làm chồng, biết đâu anh sẽ cứu được vợ mình?” (1 Cô 7:10-16). Thật là một ân phước khi người hôn phối không tin đạo được cảm hóa và trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va!

14, 15. Một tín đồ có thể xem xét việc ly thân trong hoàn cảnh nào? Tại sao việc cầu nguyện và thành thật xem xét vấn đề là điều quan trọng?

14 Người vợ tín đồ có thể ly thân trong trường hợp nào? Một số chị chọn ly thân vì những lý do sau: chồng cố ý không cấp dưỡng cho gia đình, vợ bị chồng đánh đập đến nỗi cảm thấy tính mạng của mình bị đe dọa, hoặc hành vi của chồng khiến cho tình trạng thiêng liêng của vợ chắc chắn bị nguy hại.

15 Ly thân hay không là quyết định cá nhân. Tuy nhiên, một người đã báp-têm nên cầu nguyện và thành thật xem xét vấn đề này. Chẳng hạn, tình trạng thiêng liêng của một tín đồ bị nguy hại có phải chỉ do người hôn phối không tin đạo gây ra? Hay có phải một phần là do chính tín đồ ấy lơ là trong việc học hỏi cá nhân, tham dự nhóm họp không đều đặn hoặc rao giảng cách thất thường?

16. Điều gì giúp chúng ta tránh có những quyết định hấp tấp liên quan đến việc ly dị?

16 Vì quý trọng mối quan hệ với Đức Chúa Trời và biết ơn về món quà hôn nhân nên chúng ta tránh có những quyết định hấp tấp liên quan đến việc ly dị. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta quan tâm đến việc làm thánh danh ngài. Vì thế, chắc chắn chúng ta không bao giờ mưu tính thoát khỏi cuộc hôn nhân hiện tại để bước vào cuộc hôn nhân khác.—Giê 17:9; Mal 2:13-16.

17. Trường hợp nào có thể nói rằng Đức Chúa Trời ban bình an cho các tín đồ đã kết hôn?

17 Một tín đồ có người hôn phối không tin đạo nên hết sức cố gắng giữ cho mối quan hệ vợ chồng không bị sứt mẻ. Tuy nhiên, một tín đồ không nên cảm thấy mình có lỗi nếu người hôn phối nhất quyết đòi chia tay, dù mình đã cố gắng gìn giữ hôn nhân. Phao-lô viết: “Nếu người chồng hay vợ không tin đạo quyết định bỏ đi, hãy để người đi; trong trường hợp đó, anh hay chị không còn trách nhiệm với người ấy nữa. Đức Chúa Trời đã ban cho anh chị sự bình an”.—1 Cô 7:15. *

HÃY TRÔNG ĐỢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

18. Cho dù không cứu vãn được hôn nhân, sự cố gắng của chúng ta có thể mang lại kết quả nào?

18 Khi đối phó với bất cứ vấn đề nào trong hôn nhân, hãy luôn trông đợi Đức Giê-hô-va và cầu xin ngài ban sự can đảm. (Đọc Thi-thiên 27:14). Hãy xem trường hợp của chị Linda, người được đề cập ở trên. Hôn nhân của chị rốt cuộc đã kết thúc bằng cuộc ly dị, cho dù chị đã nỗ lực cứu vãn trong nhiều năm. Chị có cảm thấy mình đã lãng phí thời gian không? Chị nói: “Hoàn toàn không. Sự cố gắng của tôi đã làm chứng tốt cho người khác. Tôi có lương tâm trong sạch. Trên hết, những năm tháng ấy giúp con gái của chúng tôi đứng vững trong đức tin. Con tôi trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va sốt sắng”.

19. Kết quả có thể ra sao nếu chúng ta cố hết sức để cứu vãn hôn nhân?

19 Một nữ tín đồ tên là Marilyn rất vui vì mình đã tin cậy Đức Chúa Trời và cố hết sức để cứu vãn hôn nhân. Chị cho biết: “Tôi đã nghĩ tới việc ly thân vì chồng tôi không cấp dưỡng cho gia đình và gây nguy hại về thiêng liêng cho tôi. Anh ấy từng làm trưởng lão, nhưng từ khi dính líu vào các vụ làm ăn thiếu khôn ngoan, anh bắt đầu vắng mặt tại các buổi nhóm họp và chúng tôi không còn trò chuyện với nhau nữa. Một cuộc khủng bố trong thành phố khiến tôi khiếp sợ đến nỗi chỉ biết chui vào vỏ sò. Rồi tôi nhận ra rằng mình cũng có lỗi. Vợ chồng tôi bắt đầu trò chuyện trở lại, tiếp tục học Kinh Thánh gia đình và đều đặn đi nhóm họp. Các trưởng lão rất tử tế và quan tâm giúp đỡ. Hôn nhân của chúng tôi mở sang trang mới. Với thời gian, chồng tôi lại hội đủ điều kiện để nhận các đặc ân trong hội thánh. Quả là một trải nghiệm đau thương với một kết cuộc có hậu”.

20, 21. Về vấn đề hôn nhân, chúng ta nên quyết tâm làm gì?

20 Dù độc thân hay đã kết hôn, chúng ta hãy can đảm hành động và trông đợi Đức Giê-hô-va. Nếu đang gặp khó khăn trong hôn nhân, hãy cố gắng tìm cách giải quyết và luôn nhớ rằng vợ chồng “không còn là hai nữa, nhưng là một mà thôi” (Mat 19:6). Chúng ta cũng hãy nhớ rằng nếu kiên trì trong gia đình không cùng tôn giáo, có thể người hôn phối của mình sẽ trở thành người phụng sự Đức Giê-hô-va, và khi đó chúng ta sẽ vui mừng khôn xiết.

21 Dù hoàn cảnh của mình thế nào đi nữa, mong rằng chúng ta luôn hành động sao cho làm chứng tốt trước những người ngoài hội thánh. Nếu hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ, hãy tha thiết cầu nguyện, thành thật xem xét động cơ của mình, suy ngẫm về những lời khuyên trong Kinh Thánh và nhờ các trưởng lão giúp. Trên hết, hãy quyết tâm làm vui lòng Đức Giê-hô-va trong mọi sự cũng như thể hiện lòng biết ơn chân thành về món quà hôn nhân tuyệt vời.

[Chú thích]

^ đ. 10 Các tên đã được thay đổi.

^ đ. 17 Xin xem sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trang 219-221; Tháp Canh ngày 1-11-1988, trang 26, 27 (Anh ngữ) và ngày 15-9-1975, trang 575 (Anh ngữ).

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 10]

Những tín đồ không vội buông xuôi khi hôn nhân bị rạn nứt thường được tưởng thưởng

[Câu nổi bật nơi trang 12]

Luôn trông đợi Đức Giê-hô-va và xin ngài ban sự can đảm

[Hình nơi trang 9]

Đức Giê-hô-va ban phước cho tín đồ nào nỗ lực củng cố hôn nhân đang rạn nứt

[Hình nơi trang 11]

Hội thánh là nơi mang lại nguồn an ủi và trợ giúp về thiêng liêng