Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”

“Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”

“Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”

“Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước”.—THI-THIÊN 37:4.

1, 2. Ai là Nguồn của hạnh phúc thật sự, và Vua Đa-vít hướng sự chú ý đến sự kiện này như thế nào?

“PHƯỚC cho những kẻ có lòng khó-khăn [“ý thức về nhu cầu thiêng liêng”, NW],... phước cho những kẻ hay thương-xót,... phước cho những kẻ làm cho người hòa-thuận”. Cùng với sáu câu khác miêu tả người có phước, tất cả những câu này là phần nhập đề nổi bật cho Bài Giảng trên Núi nổi tiếng của Chúa Giê-su, như người viết Phúc Âm là Ma-thi-ơ đã ghi lại. (Ma-thi-ơ 5:3-11) Lời của Chúa Giê-su bảo đảm rằng hạnh phúc ở trong tầm tay chúng ta.

2 Một thánh ca do Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên thời xưa sáng tác, hướng sự chú ý đến Nguồn của hạnh phúc thật là Đức Giê-hô-va. “Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”, Đa-vít nói, “thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước”. (Thi-thiên 37:4) Nhưng điều gì có thể khiến cho việc biết về Đức Giê-hô-va cũng như nhiều khía cạnh của cá tính Ngài là một sự “khoái-lạc”? Làm thế nào việc xem xét những gì Ngài đã làm và sẽ còn làm để hoàn thành ý định Ngài sẽ cho bạn triển vọng nhận được “điều lòng mình ao-ước”? Xem xét kỹ Thi-thiên 37, câu 1 đến 11, cho chúng ta câu trả lời.

“Đừng ghen-tị”

3, 4. Như ghi nơi Thi-thiên 37:1, Đa-vít cho lời khuyên nào, và ngày nay tại sao nên chú ý đến lời khuyên này?

3 Chúng ta đang sống trong “thời-kỳ khó-khăn”, đầy rẫy sự gian ác. Chúng ta đã thấy sự ứng nghiệm những lời này của sứ đồ Phao-lô: “Những người hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong điều dữ, làm lầm-lạc kẻ khác mà cũng lầm-lạc chính mình nữa”. (2 Ti-mô-thê 3:1, 13) Thật dễ bị ảnh hưởng khi thấy người ác có vẻ thành công và hưng thịnh! Tất cả sự đó có thể làm chúng ta bị sao lãng, khiến nhãn quan thiêng liêng bị mờ đi. Hãy lưu ý những lời mở đầu của Thi-thiên 37 cảnh báo chúng ta như thế nào về mối nguy hiểm tiềm tàng này: “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ, cũng đừng ghen-tị kẻ tập-tành sự gian-ác”.

4 Hàng ngày phương tiện truyền thông đại chúng của thế giới dồn dập đưa ra tin tức về sự bất công. Những doanh nhân bất lương dù gian lận cũng chẳng bị hậu quả gì. Kẻ phạm pháp bóc lột người yếu thế. Kẻ giết người không bị phát hiện hoặc trừng phạt. Tất cả những trường hợp vi phạm công lý như thế có thể gây phẫn nộ và làm chúng ta mất bình an. Vẻ thành công bề ngoài của kẻ làm ác có thể còn gây cảm giác ghen tị. Nhưng sự bực bội có cải thiện được hoàn cảnh không? Ghen tị với lợi thế mà người ác hình như được hưởng có thay đổi hậu quả mà họ phải gánh không? Chắc chắn không! Và chúng ta thật sự không cần phải “phiền lòng”. Tại sao không?

5. Tại sao người làm ác được ví như cỏ?

5 Người viết Thi-thiên trả lời: “Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ, và phải héo như cỏ tươi-xanh”. (Thi-thiên 37:2) Cỏ tươi xanh nhìn có thể đẹp, nhưng lá cỏ chẳng mấy chốc héo tàn. Kẻ làm ác cũng sẽ y như vậy. Tình trạng có vẻ hưng thịnh của họ không tồn tại mãi. Khi chết, của phi nghĩa không còn giúp ích gì cho họ được nữa. Cuối cùng mọi người đều phải đối diện với công lý. Phao-lô viết: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết”. (Rô-ma 6:23) Kẻ làm ác và tất cả những người không công bình cuối cùng sẽ nhận “tiền công” của họ và không còn gì nữa. Quả là một đời sống vô bổ!—Thi-thiên 37:35, 36; 49:16, 17.

6. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ Thi-thiên 37:1, 2?

6 Vậy, chúng ta có nên để cho sự hưng thịnh nhất thời của kẻ ác làm chúng ta bực bội không? Hai câu đầu của Thi-thiên 37 dạy chúng ta bài học này: Đừng để sự thành công của họ làm cho bạn đi chệch con đường bạn đã chọn để phụng sự Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, hãy tập trung vào các ân phước và mục tiêu thiêng liêng.—Châm-ngôn 23:17.

“Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành”

7. Tại sao chúng ta nên tin cậy Đức Giê-hô-va?

7 “Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành”, người viết Thi-thiên khuyên giục chúng ta. (Thi-thiên 37:3a) Khi lòng nặng trĩu lo âu hoặc thậm chí nghi ngờ, chúng ta cần đặt sự tin tưởng chắc chắn nơi Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng cung cấp sự an toàn trọn vẹn về thiêng liêng. Môi-se viết: “Người nào ở nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn-năng”. (Thi-thiên 91:1) Khi tâm tư bối rối vì sự phi pháp gia tăng trong hệ thống này, chúng ta càng cần phải nương cậy Đức Giê-hô-va. Nếu mắt cá chân bị bong gân, chúng ta mừng là có một người bạn đỡ chúng ta. Cũng vậy, khi cố gắng bước đi cách trung thành, chúng ta cần sự nâng đỡ của Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 50:10.

8. Làm thế nào việc tham gia thánh chức đạo Đấng Christ giúp chúng ta tránh bực tức quá đáng trước sự hưng thịnh của kẻ ác?

8 Một cách để giải tỏa nỗi bực tức vì sự hưng thịnh của kẻ ác là bận rộn tìm kiếm và giúp những người như chiên có được sự hiểu biết chính xác về ý định của Đức Giê-hô-va. Trước tình trạng sự gian ác gia tăng, chúng ta cần phải luôn bận rộn giúp đỡ người khác. “Chớ quên việc lành và lòng bố-thí”, sứ đồ Phao-lô nói, “vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời”. “Việc lành” tốt nhất chúng ta có thể làm là chia sẻ với người khác tin mừng tuyệt diệu về Nước của Đức Chúa Trời. Công việc rao giảng cho công chúng quả thật là một “tế-lễ bằng lời ngợi-khen”.—Hê-bơ-rơ 13:15, 16; Ga-la-ti 6:10.

9. Hãy giải thích lời Đa-vít khuyên “khá ở trong xứ”.

9 Đa-vít nói tiếp: “Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành-tín”. (Thi-thiên 37:3b) “Xứ” vào thời Đa-vít là vùng đất Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên, tức Đất Hứa. Dưới triều đại Vua Sa-lô-môn, ranh giới đất này trải từ Đan ở phía bắc đến Bê-e-Sê-ba ở phía nam. Đây là nơi cư ngụ của dân Y-sơ-ra-ên. (1 Các Vua 4:25) Ngày nay, dù sống ở đâu trên đất, chúng ta cũng trông mong thời kỳ khi cả trái đất trở thành một địa đàng trong thế giới mới công bình. Trong khi chờ đợi, chúng ta sống trong sự an toàn về thiêng liêng.—Ê-sai 65:13, 14.

10. Khi chúng ta “nuôi mình bằng sự thành-tín”, kết quả sẽ ra sao?

10 Kết quả sẽ ra sao khi chúng ta “nuôi mình bằng sự thành-tín”? Lời châm ngôn được soi dẫn nhắc nhở chúng ta: “Người thành-thực sẽ được phước-lành nhiều”. (Châm-ngôn 28:20) Khi trung thành kiên trì rao giảng tin mừng ở bất cứ nơi nào mình sống, cho bất cứ ai mình có thể làm chứng, chúng ta chắc chắn sẽ được Đức Giê-hô-va ban thưởng. Thí dụ, anh Frank và vợ là Rose đảm nhận công việc tiên phong cách đây 40 năm tại một thị trấn ở miền bắc Scotland. Một ít người từng chú ý lẽ thật ở đó đã trôi giạt. Không thoái chí, cặp vợ chồng tiên phong này bắt đầu công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Hiện nay có một hội thánh đang phát triển ở thị trấn đó. Sự trung thành của cặp vợ chồng này quả đã được ân phước của Đức Giê-hô-va. “Ân phước lớn nhất”, anh Frank khiêm nhường giải thích, “chính là việc chúng tôi vẫn còn trong lẽ thật và hữu dụng đối với Đức Giê-hô-va”. Đúng vậy, khi “nuôi mình bằng sự thành-tín”, chúng ta nhận được và quý trọng nhiều ân phước.

“Hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”

11, 12. (a) Làm thế nào chúng ta có thể “khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”? (b) Bạn có thể đặt mục tiêu nào về việc học hỏi cá nhân, và có thể đạt được kết quả nào?

11 Để củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và giữ lòng tin cậy nơi Ngài, chúng ta phải “khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 37:4a) Chúng ta làm vậy bằng cách nào? Thay vì bận tâm với hoàn cảnh riêng, dù khó khăn thế nào, chúng ta vẫn tập trung vào Đức Giê-hô-va. Một cách để làm điều này là dành thì giờ đặng đọc Lời Ngài. (Thi-thiên 1:1, 2) Việc đọc Kinh Thánh có mang lại sự khoái lạc cho bạn không? Bạn sẽ khoái lạc nếu đọc với mục tiêu học hỏi thêm về Đức Giê-hô-va. Sao không ngừng mỗi khi đọc xong một đoạn và tự hỏi: ‘Đoạn này dạy tôi điều gì về Đức Giê-hô-va?’ Có thể bạn nên có sẵn một cuốn sổ ghi chép hoặc vài tờ giấy khi đọc Kinh Thánh. Mỗi lần ngừng để suy ngẫm về ý nghĩa điều vừa đọc, hãy viết ra vài chữ nhắc bạn về một đức tính đáng quý chuộng của Đức Chúa Trời. Trong một câu Thi-thiên khác, Đa-vít hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng cứu-chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy-gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi-thiên 19:14) Việc chúng ta tập trung tư tưởng vào Lời Đức Chúa Trời là điều “đẹp ý” Đức Giê-hô-va và vui thích đối với chúng ta.

12 Làm thế nào chúng ta có thể thỏa lòng qua việc học hỏi và suy ngẫm? Chúng ta có thể đặt mục tiêu cố gắng học biết tất cả những gì có thể học được về Đức Giê-hô-va và đường lối Ngài. Những ấn phẩm như Người vĩ đại nhất đã từng sống Hãy đến gần Đức Giê-hô-va * cung cấp nhiều thông tin mà chúng ta có thể suy ngẫm với lòng biết ơn. Rồi, Đa-vít bảo đảm với người công bình, Đức Giê-hô-va “sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước”. (Thi-thiên 37:4b) Niềm tin chắc này hẳn là điều đã thúc đẩy sứ đồ Giăng viết những lời sau: “Nầy là điều chúng ta dạn-dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận-lãnh điều mình xin Ngài”.—1 Giăng 5:14, 15.

13. Trong những năm gần đây, công việc rao giảng về Nước Trời ở nhiều xứ có sự bành trướng nào?

13 Là những người giữ sự trung kiên, điều chúng ta vui thích nhất là thấy quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va được biện minh. (Châm-ngôn 27:11) Chẳng phải lòng chúng ta tràn ngập niềm vui khi biết về công việc rao giảng rộng lớn mà anh em chúng ta đã thực hiện tại những xứ từng ở dưới sự thống trị chuyên chế hoặc độc tài hay sao? Chúng ta háo hức mong chờ xem có thêm sự tự do nào trước khi hệ thống này kết liễu. Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va sống ở những nước phương tây, năng nổ rao giảng cho sinh viên, người tị nạn, và những người khác đang tạm trú ở Tây Phương và hưởng quyền tự do thờ phượng. Chúng ta tha thiết mong muốn khi những người này trở về quê hương, họ tiếp tục để sự sáng lẽ thật chiếu sáng ngay cả trong bóng tối có vẻ dày đặc.—Ma-thi-ơ 5:14-16.

“Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va”

14. Có bằng chứng nào cho thấy chúng ta có thể tin cậy Đức Giê-hô-va?

14 Thật khoan khoái làm sao khi biết rằng chúng ta có thể trút những lo lắng và những gì đối với chúng ta là gánh nặng! Bằng cách nào? “Hãy phó-thác đường-lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ-cậy nơi Ngài”, Đa-vít nói, “thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”. (Thi-thiên 37:5) Trong hội thánh, chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va là Đấng nâng đỡ đáng tin cậy. (Thi-thiên 55:22) Những người trong thánh chức trọn thời gian, dù là tiên phong, giám thị lưu động, giáo sĩ, hoặc người tình nguyện phục vụ tại nhà Bê-tên, đều có thể chứng nhận sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va là đáng tin cậy. Sao không nói chuyện với những người mà bạn biết và hỏi xem Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ họ như thế nào? Chắc chắn bạn sẽ nghe nhiều kinh nghiệm cho thấy ngay cả trong những lúc khó khăn, tay Đức Giê-hô-va không bao giờ ngắn. Ngài luôn cung cấp những thứ cần thiết cho đời sống.—Thi-thiên 37:25; Ma-thi-ơ 6:25-34.

15. Sự công bình của dân Đức Chúa Trời chiếu sáng như thế nào?

15 Khi chúng ta tin tưởng Đức Giê-hô-va và hoàn toàn tin cậy Ngài, chúng ta có thể cảm nghiệm những lời tiếp theo của người viết Thi-thiên: “Ngài sẽ khiến công-bình ngươi lộ ra như ánh-sáng, và tỏ ra lý-đoán ngươi như chánh ngọ”. (Thi-thiên 37:6) Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta thường bị xuyên tạc. Nhưng Đức Giê-hô-va mở mắt người có lòng thành để giúp họ nhận thức rằng thánh chức rao giảng của chúng ta được thúc đẩy bởi tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và người đồng loại. Đồng thời, mặc dù bị nhiều người xuyên tạc, hạnh kiểm ngay thẳng của chúng ta không thể bị che khuất. Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta qua mọi sự chống đối và bắt bớ. Do đó, sự công bình của dân Đức Chúa Trời chiếu sáng như mặt trời vào giữa trưa.—1 Phi-e-rơ 2:12.

“Hãy yên-tịnh... chờ-đợi”

16, 17. Phù hợp với Thi-thiên 37:7, bây giờ là lúc phải làm gì, và tại sao?

16 Những lời kế tiếp của người viết Thi-thiên là: “Hãy yên-tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ-đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may-mắn trong con đường mình, hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác”. (Thi-thiên 37:7) Ở đây Đa-vít nhấn mạnh việc chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va hành động. Mặc dù hệ thống này chưa chấm dứt, đây không phải là lý do để phàn nàn. Chẳng phải chúng ta thấy rằng lòng thương xót và kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va lớn hơn cảm nghĩ ban đầu của chúng ta rất nhiều hay sao? Bây giờ chúng ta có thể cho thấy mình cũng kiên nhẫn chờ đợi khi tiếp tục bận rộn rao giảng tin mừng trước khi hệ thống này chấm dứt không? (Mác 13:10) Bây giờ là lúc để tránh những hành động hấp tấp có thể làm chúng ta mất niềm vui và sự an toàn về thiêng liêng. Bây giờ là lúc để ngày càng kiên quyết chống lại ảnh hưởng bại hoại của thế gian Sa-tan. Và bây giờ là lúc để giữ trong sạch về đạo đức và chớ bao giờ làm phương hại cho vị thế công bình của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Chúng ta hãy tiếp tục xua đuổi những ý nghĩ vô luân và tránh hành vi không đứng đắn đối với người khác phái hoặc cả với người cùng phái.—Cô-lô-se 3:5.

17 “Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng”, Đa-vít khuyên chúng ta. “Chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác. Vì những kẻ làm ác sẽ bị diệt; còn kẻ nào trông-đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ-nghiệp”. (Thi-thiên 37:8, 9) Đúng vậy, chúng ta có thể chắc chắn mong chờ thời kỳ—hiện rất gần kề—khi Đức Giê-hô-va sẽ tiệt trừ khỏi trái đất mọi sự bại hoại và những người chịu trách nhiệm về điều đó.

“Một chút nữa”

18, 19. Bạn rút ra được sự khích lệ nào từ Thi-thiên 37:10?

18 “Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa”. (Thi-thiên 37:10) Những lời đó khích lệ biết bao khi chúng ta tiến đến ngày kết thúc của hệ thống này và kết cuộc của sự độc lập tai hại không phụ thuộc vào Đức Giê-hô-va! Bất kể chính phủ hay uy quyền nào do loài người nghĩ ra cũng đều thất bại thê thảm. Và bây giờ chúng ta ở gần thời kỳ để trở lại sự cai trị của Đức Chúa Trời, thần quyền chân chính, Nước của Đức Giê-hô-va trong tay Chúa Giê-su Christ. Nước này sẽ hoàn toàn kiểm soát mọi sự việc trên thế giới và loại trừ mọi kẻ chống lại Nước của Đức Chúa Trời.—Đa-ni-ên 2:44.

19 Trong thế giới mới dưới sự cai trị của Nước Trời, dù có tìm bạn cũng sẽ không thấy một “kẻ ác” nào. Thật vậy, bất cứ ai chống đối Đức Giê-hô-va lúc đó sẽ nhanh chóng bị loại trừ. Sẽ không có sự hiện diện của bất cứ ai công kích quyền tối thượng của Ngài hoặc không chịu vâng phục uy quyền của Ngài. Tất cả người đồng loại của bạn đều sẽ có ý muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Điều đó sẽ mang lại sự an ổn lớn thay—không khóa, không then chắn, không một điều gì gây tổn hại lòng tin cậy và hạnh phúc hoàn toàn!—Ê-sai 65:20; Mi-chê 4:4; 2 Phi-e-rơ 3:13.

20, 21. (a) “Người hiền-từ” nơi Thi-thiên 37:11 là ai, và họ tìm thấy “bình-yên dư-dật” ở đâu? (b) Chúng ta sẽ có được ân phước nào nếu noi gương Đa-vít Lớn?

20 Rồi thì, “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp”. (Thi-thiên 37:11a) Nhưng những “người hiền-từ” này là ai? Chữ được dịch là “hiền-từ” đến từ chữ gốc có nghĩa “làm đau buồn, hạ thấp, làm nhục”. Đúng vậy, “người hiền-từ” là những người khiêm nhường chờ đợi Đức Giê-hô-va sửa lại mọi sự bất công mà họ đã phải chịu. Họ sẽ “được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. (Thi-thiên 37:11b) Ngay bây giờ chúng ta cũng tìm thấy sự bình yên dư dật trong địa đàng thiêng liêng gắn liền với hội thánh chân chính của tín đồ Đấng Christ.

21 Mặc dù chưa được giải thoát khỏi sự đau buồn, chúng ta nâng đỡ nhau và an ủi những người ngã lòng. Do đó, sự thỏa lòng thật sự được phát huy trong vòng dân sự của Đức Giê-hô-va. Các anh được bổ nhiệm làm người chăn, yêu thương chăm sóc nhu cầu thiêng liêng—và đôi khi cả vật chất—của chúng ta, giúp chúng ta chịu đựng đau buồn vì sự công bình. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 11; 1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Có được sự bình an này là điều quý giá biết bao! Chúng ta cũng có hy vọng sống đời đời trong Địa Đàng thanh bình sắp đến. Vậy mong sao chúng ta noi gương Đa-vít Lớn là Chúa Giê-su Christ, đấng mà lòng sốt sắng đối với Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy ngài trung thành phụng sự cho đến chết. (1 Phi-e-rơ 2:21) Khi làm thế, chúng ta sẽ tiếp tục vui vẻ, ca ngợi Đấng mà nơi Ngài chúng ta tìm được sự khoái lạc, đó là Đức Chúa Trời Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 12 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có thể trả lời không?

• Bạn đã học được gì từ Thi-thiên 37:1, 2?

• Làm cách nào bạn có thể “khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va”?

• Có bằng chứng nào cho thấy chúng ta có thể tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Tín đồ Đấng Christ ‘không ghen-tị kẻ tập-tành sự gian-ác’

[Hình nơi trang 10]

“Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành”

[Hình nơi trang 11]

Hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va bằng cách cố gắng học biết tất cả những gì có thể học được về Ngài

[Hình nơi trang 12]

“Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp”