Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Với người yêu mến Ðức Giê-hô-va, “chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã”

Với người yêu mến Ðức Giê-hô-va, “chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã”

“Phàm kẻ nào yêu-mến luật-pháp Chúa được bình-yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã”.—THI 119:165.

1. Làm thế nào một vận động viên điền kinh cho thấy cô không bỏ cuộc?

Từ thời niên thiếu, Mary Decker đã là vận động viên điền kinh tầm cỡ quốc tế. Cô được xem là ứng cử viên nặng ký cho tấm huy chương vàng ở trận chung kết cự ly 3.000m tại Thế vận hội mùa hè năm 1984. Tuy nhiên, cô đã không về đích vì bị vướng vào chân của vận động viên khác và bổ nhào ra khỏi đường đua. Trong đau đớn và nước mắt, cô được đưa ra ngoài. Dù thế, Mary không bỏ cuộc. Chưa đầy một năm sau, cô lấy lại phong độ và phá kỷ lục thế giới ở cự ly 1.600m dành cho nữ vào năm 1985.

2. Tín đồ đạo Ðấng Ki-tô tham gia một cuộc đua theo nghĩa nào, và chúng ta cần tập trung làm gì?

2 Là tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, chúng ta tham gia một cuộc đua theo nghĩa bóng. Chúng ta cần tập trung chạy sao cho giành chiến thắng. Ðây không phải là cuộc chạy nước rút mà bí quyết giành chiến thắng là tốc độ; cũng không phải là cuộc chạy bộ, thỉnh thoảng có thể nghỉ. Thay vì thế, cuộc đua này được ví như cuộc đua đường trường mà sự chịu đựng là yếu tố cần thiết để chiến thắng. Trong lá thư gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô, một thành phố nổi tiếng với những cuộc thi đấu, sứ đồ Phao-lô đã dùng phép ẩn dụ về vận động viên chạy đua. Ông viết: “Anh em không biết rằng tất cả những người tham dự cuộc đua đều chạy, nhưng chỉ một người đạt giải thưởng sao? Anh em hãy chạy sao cho đạt giải thưởng”.—1 Cô 9:24.

3. Ai có thể chiến thắng trong cuộc đua giành sự sống vĩnh cửu?

3 Kinh Thánh khuyên chúng ta tham gia cuộc đua này. (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 9:25-27). Ðối với những tín đồ được xức dầu, giải thưởng là sự sống vĩnh cửu ở trên  trời, còn đối với những vận động viên còn lại, giải thưởng là sự sống vĩnh cửu trên đất. Không giống như phần lớn cuộc thi đấu, trong cuộc đua này, mọi người tham gia và bền chí chịu đựng đến cùng đều sẽ giành phần thưởng (Mat 24:13). Vận động viên chỉ thua cuộc nếu phạm luật hoặc không về đích. Hơn nữa, đây là cuộc đua duy nhất có phần thưởng là sự sống vĩnh cửu.

4. Tại sao cuộc đua giành sự sống vĩnh cửu không dễ dàng?

4 Về đến đích không phải là dễ dàng. Nó đòi hỏi một người phải có kỷ luật, mục tiêu rõ ràng và lòng quyết tâm. Chúa Giê-su Ki-tô là đấng duy nhất về đích mà không bị vấp ngã, dù chỉ một lần. Tuy nhiên, môn đồ của ngài là Gia-cơ viết rằng các môn đồ Chúa Giê-su “đều vấp ngã nhiều lần” (Gia 3:2). Thật vậy, tất cả chúng ta đều phải đối phó với sự bất toàn của chính mình và của người khác. Vì thế, đôi khi chúng ta có thể bị vướng, rồi chao đảo và mất đà. Thậm chí chúng ta có thể bị ngã, nhưng chúng ta đứng dậy và chạy tiếp. Một số người ngã mạnh đến mức cần sự trợ giúp để đứng dậy và tiếp tục cuộc đua. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu có lúc mình bị vấp ngã.—1 Vua 8:46.

Nếu bị ngã, hãy nhận sự giúp đỡ và đứng dậy!

NẾU VẤP NGÃ, HÃY TIẾP TỤC Ở TRONG ÐƯỜNG ÐUA

5, 6. (a) Tại sao có thể nói ‘chẳng có sự gì gây cho người yêu mến luật-pháp Chúa bị sa-ngã’, và khi vấp ngã, điều gì giúp một tín đồ “chỗi-dậy”? (b) Tại sao một số người không hồi phục sau khi vấp ngã?

5 Sau khi bị vấp ngã, phản ứng của chúng ta cho thấy mình là người như thế nào. Một số người ăn năn và tiếp tục phụng sự Ðức Giê-hô-va, còn số khác không ăn năn. Châm-ngôn 24:16 nói: “Người công-bình dầu sa-ngã bảy lần, cũng chỗi-dậy; còn kẻ hung-ác bị tai-vạ đánh đổ”.

6 Ngay cả khi “sa-ngã” hoặc vấp ngã, chúng ta vẫn có thể hồi phục. Nếu tin cậy Ðức Giê-hô-va, ngài sẵn lòng giúp đỡ khi chúng ta gặp vấn đề hoặc phạm lỗi lầm. Ngài sẽ giúp chúng ta “chỗi-dậy” để  tiếp tục phụng sự ngài. Thật khích lệ cho những ai yêu mến Ðức Giê-hô-va hết lòng! Những “kẻ hung-ác” thì không có ước muốn “chỗi-dậy”. Họ không tìm kiếm cũng không chấp nhận sự giúp đỡ đến từ thần khí Ðức Chúa Trời và dân ngài. Ngược lại, với những người “yêu-mến luật-pháp Chúa”, thì “chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã” đến nỗi bị loại khỏi đường đua giành sự sống.—Ðọc Thi-thiên 119:165.

7, 8. Một người bị vấp ngã cần phải làm gì để giữ được ân huệ của Ðức Chúa Trời?

7 Một số người phạm tội, thậm chí nhiều lần, vì nhược điểm nào đó. Nhưng họ vẫn công chính trước mắt Ðức Giê-hô-va nếu họ “chỗi-dậy”, tức thành thật ăn năn và cố gắng trở lại phụng sự ngài cách trung thành. Ðiều này được thấy qua cách Ðức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên xưa (Ê-sai 41:9, 10). Câu Châm-ngôn 24:16 được trích ở trên không tập trung vào sự “sa-ngã”, mà tập trung vào việc “chỗi-dậy” với sự trợ giúp của Ðức Chúa Trời đầy thương xót. (Ðọc Ê-sai 55:7). Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su tin tưởng và khuyến khích chúng ta “chỗi-dậy”.—Thi 86:5; Giăng 5:19.

8 Trong cuộc đua đường trường, một vận động viên vấp ngã vẫn có thể có thời gian để đứng dậy và hoàn tất cuộc đua nếu khẩn trương hành động. Trong cuộc đua giành sự sống vĩnh cửu, chúng ta không biết “ngày và giờ” cuộc đua này kết thúc (Mat 24:36). Nhưng nếu càng ít vấp ngã, chúng ta sẽ càng giữ được tốc độ, tiếp tục ở trong đường đua và về đích. Vậy, làm sao chúng ta có thể tránh bị vấp ngã?

NHỮNG ÐIỀU CÓ THỂ GÂY VẤP NGÃ

9. Chúng ta sẽ xem xét năm yếu tố nào có thể gây vấp ngã?

9 Chúng ta hãy xem năm yếu tố có thể gây vấp ngã: nhược điểm của bản thân, ham muốn của xác thịt, bị đối xử bất công trong hội thánh, khó khăn hoặc ngược đãi và sự bất toàn của anh em đồng đạo. Hãy nhớ rằng nếu chúng ta bị vấp ngã, Ðức Giê-hô-va rất kiên nhẫn và ngài không vội buộc tội chúng ta bất trung.

10, 11. Ða-vít phải tranh đấu với những nhược điểm nào của bản thân?

10 Nhược điểm của bản thân được ví như những viên đá nhỏ trên đường đua. Khi xem xét những biến cố trong cuộc đời của vua Ða-vít và sứ đồ Phi-e-rơ, chúng ta có thể thấy hai nhược điểm, đó là sự thiếu tự chủ và sợ loài người.

11 Vua Ða-vít đã tỏ ra thiếu tự chủ trong trường hợp liên quan đến Bát-Sê-ba. Ngoài ra, khi nghe những lời sỉ nhục của Na-banh, Ða-vít suýt phản ứng hấp tấp. Dù đôi khi mất tự chủ, nhưng Ða-vít không bỏ cuộc. Ông vẫn tiếp tục cố gắng làm hài lòng Ðức Giê-hô-va. Với sự giúp đỡ của người khác, ông đã lấy lại thăng bằng về thiêng liêng.—1 Sa 25:5-13, 32, 33; 2 Sa 12:1-13.

12. Ðiều gì cho thấy Phi-e-rơ tiếp tục ở trong đường đua dù bị vấp ngã?

12 Phi-e-rơ đã tỏ ra sợ loài người. Dù trung thành với Chúa Giê-su và Ðức Giê-hô-va, nhưng có lúc ông cũng bị vấp ngã. Chẳng hạn, Phi-e-rơ đã công khai chối bỏ Thầy mình không chỉ một lần mà ba lần (Lu 22:54-62). Sau này, Phi-e-rơ hành động không phù hợp với nhân cách của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Ông cư xử với tín đồ thuộc dân ngoại như thể họ thấp kém hơn tín đồ Do Thái được cắt bì. Thái độ của Phi-e-rơ là không đúng và có thể ảnh hưởng đến anh em khác. Vì thế, Phao-lô đã thẳng thắn khuyên ông (Ga 2:11-14). Lòng tự trọng của Phi-e-rơ có bị tổn thương đến mức ông từ bỏ cuộc đua giành sự sống? Không. Ông xem xét nghiêm túc lời khuyên của Phao-lô, thay đổi thái độ và tiếp tục ở trong đường đua.

13. Làm thế nào vấn đề sức khỏe có thể gây vấp ngã?

 13 Ðôi khi, vấn đề sức khỏe cũng có thể gây vấp ngã. Nó có thể khiến chúng ta chậm lại trong các hoạt động thiêng liêng, thậm chí bị chao đảo và mệt mỏi. Chẳng hạn, một chị người Nhật Bản bị bệnh nặng sau khi làm báp-têm 17 năm. Chị lo lắng về sức khỏe đến mức dần dần suy yếu về thiêng liêng. Chị ngưng hoạt động trong một thời gian. Hai trưởng lão đã đến thăm chị. Nhờ được khích lệ từ những lời ân cần của các trưởng lão, chị bắt đầu tham dự nhóm họp trở lại. Chị chia sẻ: “Tôi cảm động đến rơi lệ vì các anh chị chào đón tôi rất nồng ấm”. Hiện nay, chị đã trở lại đường đua.

14, 15. Khi ham muốn sai trái nảy nở, chúng ta phải hành động dứt khoát như thế nào? Hãy cho ví dụ.

14 Ham muốn của xác thịt khiến nhiều người vấp ngã. Khi ham muốn ấy trỗi dậy, chúng ta cần hành động dứt khoát để giữ mình trong sạch về tâm trí, đạo đức và thiêng liêng. Hãy nhớ lại lời khuyên của Chúa Giê-su về việc “ném đi” theo nghĩa bóng bất cứ thứ gì có thể khiến chúng ta vấp ngã, ngay cả mắt và tay của mình. Chẳng phải điều này cũng bao gồm những suy nghĩ và hành vi sai trái đã khiến một số người bỏ cuộc đua sao?—Ðọc Ma-thi-ơ 5:29, 30.

15 Một anh lớn lên trong gia đình đạo Ðấng Ki-tô cho biết từ trước đến giờ anh phải tranh đấu với cảm giác thích người đồng giới. Anh nói: “Tôi luôn cảm thấy lạc lõng và không thoải mái”. Năm 20 tuổi, anh đang làm tiên phong đều đều và phụ tá hội thánh. Sau đó anh phạm sai lầm nghiêm trọng, bị sửa trị và nhận sự giúp đỡ của trưởng lão. Qua việc cầu nguyện, học hỏi Lời Ðức Chúa Trời và chú tâm vào việc giúp người khác, anh đứng dậy và tiếp tục cuộc đua. Nhiều năm sau, anh thừa nhận: “Ðôi khi những cảm giác trước kia vẫn tái hiện, nhưng tôi không để chúng chế ngự mình. Tôi học được rằng Ðức Giê-hô-va không bao giờ để mình bị cám dỗ quá sức. Vì vậy, tôi nghĩ Ðức Chúa Trời tin tôi có thể làm được”. Anh kết luận: “Những nỗ lực tranh đấu của tôi bây giờ sẽ mang lại phần thưởng trong thế giới mới. Tôi mong mỏi điều ấy! Từ nay cho đến lúc đó, tôi sẽ tiếp tục tranh đấu”. Anh kiên quyết ở trong đường đua.

16, 17. (a) Ðiều gì đã giúp một anh từng cảm thấy mình bị đối xử bất công? (b) Ðể tránh bị vấp ngã, chúng ta cần chú tâm vào điều gì?

16 Việc bị đối xử bất công trong hội thánh có thể khiến một người vấp ngã. Tại Pháp, một anh từng làm trưởng lão nghĩ rằng mình là nạn nhân của sự bất công. Anh trở nên cay đắng, bỏ nhóm họp và ngưng rao giảng. Hai trưởng lão đã đến thăm anh và lắng nghe anh với lòng thấu cảm. Họ không cắt ngang khi anh kể về chuyện của mình. Họ khuyến khích anh trao gánh nặng cho Ðức Giê-hô-va và nhắc anh nhớ rằng điều quan trọng nhất là làm hài lòng ngài. Anh đã làm theo và không lâu sau anh trở lại đường đua, tiếp tục tham gia các hoạt động của hội thánh.

17 Tất cả tín đồ đạo Ðấng Ki-tô cần tiếp tục chú tâm vào đấng được bổ nhiệm làm Ðầu hội thánh là Chúa Giê-su, chứ không phải vào những người bất toàn. Chúa Giê-su có mắt “như ngọn lửa hừng”. Vì thế, ngài hiểu mọi vấn đề xảy ra trong hội thánh rõ hơn chúng ta (Khải 1:13-16). Chẳng hạn, có khi chúng ta nghĩ mình bị đối xử bất công, nhưng có thể do chúng ta hiểu lầm. Chúa Giê-su sẽ giải quyết các vấn đề trong hội thánh theo cách tốt nhất và vào đúng thời điểm. Vì vậy, chúng ta không nên để những hành động hoặc quyết định của anh em đồng đạo khiến chúng ta bật khỏi đường đua.

18. Làm thế nào chúng ta có thể đứng vững trước khó khăn và ngược đãi?

18 Hai điều gây vấp ngã khác là khó  khăn hoặc ngược đãi sự bất toàn của anh em đồng đạo. Trong dụ ngôn về người gieo giống, Chúa Giê-su nói rằng “khó khăn hay bị ngược đãi vì cớ lời Ðức Chúa Trời” sẽ khiến một số người vấp ngã. Sự ngược đãi từ gia đình, hàng xóm hay chính quyền rất dễ ảnh hưởng đến một người “không có rễ trong lòng”, tức yếu đức tin (Mat 13:21). Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm gắn bó với Ðức Giê-hô-va, thông điệp Nước Trời sẽ giúp chúng ta có đức tin mạnh. Khi gặp thử thách, hãy cầu nguyện và suy ngẫm những điều “đáng khen ngợi”. (Ðọc Phi-líp 4:6-9). Với sức mạnh đến từ Ðức Giê-hô-va, chúng ta sẽ đứng vững, không khó khăn nào có thể khiến mình bị vấp ngã.

Ðừng để điều gì cản trở bạn về đích!

19. Khi bị xúc phạm, làm thế nào chúng ta tránh vấp ngã?

19 Ðáng buồn thay, một số người đã để sự bất toàn của người khác khiến họ bật khỏi đường đua. Số khác lại để sự bất đồng quan điểm về những vấn đề dựa trên lương tâm khiến họ vấp ngã (1 Cô 8:12, 13). Nếu bị ai đó xúc phạm, chúng ta có bực tức đến nỗi từ bỏ Ðức Giê-hô-va không? Kinh Thánh khuyên tín đồ đạo Ðấng Ki-tô đừng xét đoán, nhưng hãy tha thứ dù chúng ta cho rằng sự bức xúc của mình là chính đáng (Lu 6:37). Khi đối mặt với “viên đá” có thể gây vấp ngã, hãy tự hỏi: “Mình có xét đoán người khác dựa vào quan điểm cá nhân? Dù đã biết anh em bất toàn, mình có để khuyết điểm của họ khiến mình ra khỏi đường đua?”. Tình yêu thương đối với Ðức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta quyết tâm không để những điều người khác làm cản trở mình về đích.

HÃY BỀN BỈ CHẠY VÀ TRÁNH VẤP NGÃ

20, 21. Bạn quyết tâm làm gì trong đường đua giành sự sống?

20 Bạn có quyết tâm “hoàn tất cuộc đua” không? (2 Ti 4:7, 8). Việc học hỏi cá nhân là cần thiết. Hãy dùng Kinh Thánh và các ấn phẩm của tổ chức để tra cứu, suy ngẫm và nhận ra những yếu tố có thể khiến mình vấp ngã. Hãy cầu xin Ðức Giê-hô-va ban thần khí giúp bạn có sức mạnh cần thiết. Hãy nhớ rằng khi bị vấp ngã trong đường đua giành sự sống, vận động viên chưa hẳn đã thua cuộc. Người ấy có thể đứng dậy và tiếp tục chạy. Thậm chí người ấy có thể dùng các viên đá gây vấp ngã làm những bước đệm cho mình, và rút ra bài học quý giá từ những thử thách về đức tin.

21 Những người tham gia cuộc đua giành sự sống vĩnh cửu không giống như những hành khách lên xe buýt, chỉ ngồi và được xe đưa đến bến. Kinh Thánh cho biết chúng ta phải chạy. Khi làm thế, sự “bình-yên lớn” từ Ðức Giê-hô-va sẽ như ngọn gió đẩy chúng ta (Thi 119:165). Chúng ta có thể tin rằng Ðức Giê-hô-va sẽ ban phước ngay bây giờ và mãi mãi cho những người hoàn tất cuộc đua.—Gia 1:12.