Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ðược an ủi và an ủi người khác

Ðược an ủi và an ủi người khác

Là người bất toàn, tất cả chúng ta đều nếm trải bệnh tật, thậm chí là những căn bệnh nghiêm trọng. Khi gặp khó khăn như thế, điều gì có thể giúp chúng ta chịu đựng?

Một điều quý giá có thể giúp chúng ta chính là sự an ủi từ gia đình, bạn bè và anh em đồng đạo.

Những lời tử tế và yêu thương của một người bạn có thể ví như dầu xoa dịu, khiến chúng ta được chữa lành và tươi tỉnh (Châm 16:24; 18:24; 25:11). Nhưng các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su không chỉ quan tâm đến việc nhận sự an ủi. “Nhờ sự an ủi nhận được từ [Ðức Chúa Trời]”, họ chủ động “an ủi người khác trong bất cứ hoạn nạn nào” (2 Cô 1:4; Lu 6:31). Anh Antonio, một giám thị địa hạt tại Mexico, đã trải nghiệm điều này.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh u lymphô, một loại ung thư máu, anh vô cùng đau khổ. Nhưng anh đã đấu tranh để kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Như thế nào? Anh cố nhớ các bài hát Nước Trời rồi hát lên để nghe và suy ngẫm những ca từ. Cầu nguyện lớn tiếng và đọc Kinh Thánh cũng là nguồn an ủi rất lớn đối với anh.

Tuy nhiên, anh Antonio nhận ra rằng anh em đồng đạo là một trong những sự giúp đỡ lớn nhất. Anh nói: “Khi vợ và tôi cảm thấy lòng nặng trĩu, chúng tôi đã mời một người thân, cũng là trưởng lão hội thánh, đến để cầu nguyện với chúng tôi. Ðiều đó đã an ủi và giúp chúng tôi bình tĩnh”. Anh nói thêm: “Quả thật, nhờ sự hỗ trợ của gia đình và anh em thiêng liêng, chúng tôi đã có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực trong một thời gian tương đối ngắn”. Anh thật biết ơn vì có những người bạn yêu thương và quan tâm như thế!

Thần khí mà Ðức Chúa Trời hứa ban là một sự giúp đỡ khác trong lúc khó khăn. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng thần khí của Ðức Chúa Trời là một “món quà” (Công 2:38). Ðiều này được chứng minh rõ ràng khi nhiều môn đồ đã được xức dầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Nhưng thần khí cũng là một món quà dành cho tất cả chúng ta. Thần khí là món quà có nguồn cung cấp vô tận, thế thì tại sao chúng ta lại không xin món quà ấy một cách dư dật?—Ê-sai 40:28-31.

QUAN TÂM CHÂN THÀNH ÐẾN NGƯỜI ÐAU KHỔ

Sứ đồ Phao-lô đã chịu đựng nhiều nỗi khổ, thậm chí có lần ông phải đối diện với cái chết (2 Cô 1:8-10). Nhưng Phao-lô không lo sợ thái quá về sự chết. Ông cảm thấy an ủi khi biết Ðức Chúa Trời hỗ trợ mình. Ông viết: “Chúc tạ Ðức Chúa Trời, Cha của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta, là Cha đầy lòng thương xót và là Ðức Chúa Trời ban mọi sự an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn” (2 Cô 1:3, 4). Phao-lô không than thân trách phận. Thay vì thế, những thử thách giúp ông vun trồng tính đồng cảm. Nhờ đó, ông được trang bị tốt hơn để an ủi người khác khi họ gặp khó khăn.

Sau khi khỏi bệnh, anh Antonio đã có thể trở lại với công tác lưu động. Trước đây, anh thường xuyên bày tỏ lòng quan tâm đến anh em đồng đạo, nhưng sau này anh cùng vợ đặc biệt cố gắng đến thăm và khuyến khích những người đau ốm. Chẳng hạn, sau khi đến thăm một tín đồ đang đấu tranh với căn bệnh nghiêm trọng, anh Antonio biết được rằng anh ấy không muốn đến nhóm họp. Anh Antonio giải thích: “Không phải anh ấy không yêu mến Ðức Giê-hô-va và các anh em, nhưng căn bệnh đã ảnh hưởng cảm xúc nhiều đến nỗi anh ấy nghĩ rằng mình vô dụng”.

Anh Antonio đã làm một điều để khích lệ người anh em đang mắc bệnh là đề nghị anh ấy dâng lời cầu nguyện trong một buổi họp mặt gần đây. Dù cảm thấy thiếu khả năng nhưng anh ấy đã chấp nhận. Anh Antonio kể lại: “Anh ấy đã cầu nguyện rất hay và sau đó, anh dường như trở thành một người khác. Anh lại cảm thấy mình hữu ích”.

Thật vậy, dù ít hay nhiều, tất cả chúng ta đều phải chịu đựng các nỗi khổ. Nhưng như Phao-lô nói, điều đó có thể trang bị để chúng ta an ủi người khác lúc họ gặp khó khăn. Vì thế, hãy nhạy bén nhận ra nỗi khổ của anh em đồng đạo và noi gương Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của chúng ta bằng cách trở thành nguồn an ủi cho người khác.