Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời để đối phó với những biến đổi trong đời sống

Nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời để đối phó với những biến đổi trong đời sống

Nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời để đối phó với những biến đổi trong đời sống

“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời”.—2 TI-MÔ-THÊ 2:15.

1. Những thay đổi nào mang lại thử thách cho sức khỏe thiêng liêng của chúng ta?

THẾ GIAN chung quanh chúng ta biến đổi không ngừng. Chúng ta thấy những tiến bộ đáng kể về khoa học và kỹ thuật đồng thời cũng thấy giá trị đạo đức ngày càng suy đồi đến mức đáng ngại. Như đã xem xét trong bài trước, tín đồ Đấng Christ phải kháng cự tinh thần của thế gian chống lại Đức Chúa Trời. Khi thế gian biến đổi, chúng ta cũng thay đổi trong nhiều phương diện. Chúng ta qua tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Chúng ta có thể có hoặc mất sự giàu sang, sức khỏe, và những người thân yêu. Nhiều thay đổi như thế nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, và chúng có thể mang lại những thử thách mới, gay go cho sức khỏe thiêng liêng của chúng ta.

2. Đời sống của Đa-vít đã trải qua những biến đổi như thế nào?

2 Ít người trải qua những biến đổi to tát trong đời sống như Đa-vít, con trai Y-sai. Từ chàng chăn chiên trẻ tuổi ít người biết đến, Đa-vít nhanh chóng trở thành một anh hùng nổi tiếng của dân tộc. Sau này ông phải trốn chui trốn nhủi, bị một vua ghen tị săn đuổi như con thú. Kế đó, Đa-vít trở thành vua và người chiến thắng. Ông chịu hậu quả đau đớn của tội lỗi nghiêm trọng. Ông gánh chịu bi kịch và sự chia rẽ trong gia đình. Ông được giàu sang, già nua, và trải qua bệnh hoạn của tuổi già. Tuy nhiên bất chấp nhiều biến đổi trong đời sống, suốt đời Đa-vít biểu lộ lòng tin cậy và tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va và thánh linh Ngài. Ông cố gắng hết sức để “được đẹp lòng Đức Chúa Trời”, và Ngài đã ban phước cho ông. (2 Ti-mô-thê 2:15) Dù hoàn cảnh chúng ta khác với Đa-vít, chúng ta có thể học cách ông giải quyết những vấn đề trong đời sống. Gương của ông giúp chúng ta hiểu làm thế nào có thể tiếp tục nhận được sự trợ giúp của thánh linh Đức Chúa Trời khi đối diện với những biến đổi trong đời sống.

Sự khiêm nhường của Đa-vít—Một gương mẫu tốt

3, 4. Từ chàng chăn chiên trẻ tuổi ít người biết đến, Đa-vít đã nổi danh trên toàn quốc như thế nào?

3 Khi còn là một thiếu niên, Đa-vít đã không nổi bật ngay cả trong gia đình. Khi tiên tri Sa-mu-ên đến Bết-lê-hem, cha của Đa-vít giới thiệu bảy trong tám người con trai. Đa-vít, con trai út, đã phải trông nom bầy chiên. Nhưng Đức Giê-hô-va đã chọn Đa-vít làm vua tương lai của Y-sơ-ra-ên. Từ cánh đồng, Đa-vít được gọi về. Tiếp đến, lời tường thuật Kinh Thánh nói: “Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người ở giữa các anh người. Từ ngày đó về sau, thần của Đức Giê-hô-va cảm-động Đa-vít”. (1 Sa-mu-ên 16:12, 13) Suốt cuộc đời, Đa-vít trông cậy nơi thần, tức thánh linh, của Đức Giê-hô-va.

4 Chẳng bao lâu, chàng chăn chiên trẻ tuổi này nổi danh trên toàn quốc. Ông được triệu đến hầu và chơi đàn cho vua nghe. Ông đã giết chiến binh Gô-li-át, một tên khổng lồ dữ tợn đến nỗi ngay cả những chiến sĩ dày dạn của Y-sơ-ra-ên cũng sợ đối đầu với hắn. Được đặt làm chỉ huy các chiến sĩ, Đa-vít chiến thắng dân Phi-li-tin. Dân chúng yêu mến ông. Họ sáng tác những bài hát ca ngợi ông. Trước đó, một cận thần của Vua Sau-lơ đã miêu tả chàng trai trẻ Đa-vít chẳng những “gảy đàn hay” mà còn là “một người chiến-sĩ mạnh-bạo, ăn nói khôn-ngoan, và mặt mày tốt-đẹp”.—1 Sa-mu-ên 16:18; 17:23, 24, 45-51; 18:5-7.

5. Điều gì có thể khiến Đa-vít kiêu căng, và làm sao chúng ta biết ông không như thế?

5 Danh tiếng, đẹp trai, trẻ tuổi, có tài hùng biện, đàn hay, tinh thông chiến trận, được ân huệ của Đức Chúa Trời—dường như Đa-vít có tất cả. Bất cứ điểm nào trong những ưu điểm này cũng có thể khiến ông kiêu căng, nhưng không. Hãy lưu ý đến lời đáp của Đa-vít với Vua Sau-lơ khi vua ngỏ ý gả con gái cho Đa-vít. Với lòng khiêm nhường thật sự, Đa-vít thưa: “Tôi là ai? Thân-phận tôi là gì? Họ-hàng cha tôi nơi Y-sơ-ra-ên ra chi mà tôi trở nên phò-mã của vua?” (1 Sa-mu-ên 18:18) Bình luận về câu này, một học giả viết: ‘Ý Đa-vít muốn nói, ông không có khả năng, cũng không có địa vị, hoặc thuộc dòng dõi quý tộc, làm sao ông có thể tự cho mình xứng đáng nhận vinh dự làm phò mã của vua’.

6. Tại sao chúng ta nên vun trồng tính khiêm nhường?

6 Sự khiêm nhường của Đa-vít dựa trên việc ông công nhận Đức Giê-hô-va cao siêu hơn con người bất toàn về mọi phương diện. Đa-vít thán phục là Đức Chúa Trời thậm chí để ý đến loài người. (Thi-thiên 144:3) Đa-vít cũng biết bất cứ sự cao trọng nào ông có thể có chỉ là vì Đức Giê-hô-va đã tỏ ra khiêm nhường, tự hạ mình xuống nâng đỡ, che chở, và chăm sóc ông. Đa-vít hát: “Sự hiền-từ Chúa [“Lòng khiêm nhường của Chúa”, NW] đã làm tôi nên sang-trọng”. (Thi-thiên 18:35) Thật là một bài học tuyệt vời cho chúng ta! Đừng bao giờ để tài năng, thành quả và đặc ân làm cho chúng ta kiêu căng. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận-lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận-lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận-lãnh?” (1 Cô-rinh-tô 4:7) Để nhận thánh linh Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận, chúng ta phải vun trồng và duy trì tính khiêm nhường.—Gia-cơ 4:6.

“Chính mình chớ trả thù ai”

7. Đa-vít đã có cơ hội nào để giết Vua Sau-lơ?

7 Trong khi danh tiếng không làm cho Đa-vít kiêu căng, ngược lại Vua Sau-lơ, người đã mất thánh linh Đức Chúa Trời, nảy sinh lòng ganh tị đầy sát khí. Mặc dù không làm điều gì sai, Đa-vít phải chạy trốn để cứu lấy mạng và ẩn náu trong đồng vắng. Vào một dịp nọ, trong khi ráo riết săn đuổi Đa-vít, Vua Sau-lơ vào một hang đá, không biết rằng Đa-vít và những người bạn đang ẩn núp ở đấy. Người của Đa-vít xúi giục ông nắm lấy cơ hội dường như do Đức Chúa Trời đưa đẩy để giết Sau-lơ. Chúng ta có thể hình dung họ ở trong bóng tối, thì thầm với Đa-vít: “Nầy là ngày mà Đức Giê-hô-va có phán cùng ông: Ta sẽ phó kẻ thù-nghịch ngươi vào tay ngươi. Hãy xử người tùy ý ông”.—1 Sa-mu-ên 24:3-7.

8. Tại sao Đa-vít đã kiềm mình không tự tay trả thù?

8 Đa-vít từ chối hãm hại Sau-lơ. Biểu lộ đức tin và lòng kiên nhẫn, ông bằng lòng phó sự việc cho Đức Giê-hô-va. Sau khi vua rời khỏi hang, Đa-vít gọi người và nói: “Đức Giê-hô-va sẽ đoán-xét cha và tôi, Đức Giê-hô-va sẽ báo thù cha cho tôi, nhưng tôi không tra tay vào mình cha”. (1 Sa-mu-ên 24:12, 13) Dù biết Sau-lơ sai trái, Đa-vít đã không tự trả thù; ông cũng không thóa mạ Sau-lơ trước mặt hoặc sau lưng. Trong những trường hợp khác, Đa-vít đã kiềm mình không tự ý hành động. Thay vì thế, ông nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để Ngài chỉnh đốn sự việc.—1 Sa-mu-ên 25:32-34; 26:10, 11.

9. Tại sao chúng ta không nên trả đũa nếu bị chống đối hoặc ngược đãi?

9 Như Đa-vít, bạn có thể thấy mình lâm vào những tình huống gay go. Có thể bạn bị chống đối hoặc ngược đãi bởi bạn học, người cùng sở, thành viên trong gia đình, hoặc những người khác không cùng đức tin. Đừng trả đũa. Hãy chờ đợi Đức Giê-hô-va, cầu xin thánh linh Ngài giúp bạn. Có thể những người không tin sẽ cảm kích bởi hạnh kiểm tốt của bạn và trở thành người tin đạo. (1 Phi-e-rơ 3:1) Dù sao chăng nữa, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hiểu hoàn cảnh của bạn và sẽ làm một điều gì đó đúng vào thời điểm của Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”.—Rô-ma 12:19.

“Khá nghe lời khuyên-dạy”

10. Đa-vít đã sa vào tội lỗi như thế nào, và ông đã cố che giấu ra sao?

10 Thời gian trôi qua. Đa-vít trở thành vị vua xuất chúng và được thần dân yêu mến. Lối sống hết sức trung thành, cùng với những bài Thi-thiên tuyệt vời ca ngợi Đức Giê-hô-va do ông sáng tác, có thể dễ gợi cho người ta ý tưởng rằng người đàn ông này sẽ không bao giờ sa vào tội lỗi nghiêm trọng. Thế nhưng, ông đã phạm tội. Một ngày nọ, từ nóc cung điện, vua ngắm một người đàn bà xinh đẹp đang tắm. Ông dò hỏi. Biết người đàn bà ấy là Bát-Sê-ba và U-ri chồng nàng đi chiến trận, Đa-vít cho vời nàng đến và đã có quan hệ với nàng. Sau đó, ông biết nàng đã có thai. Nếu việc này bị phơi bày, quả là một vụ tai tiếng! Dưới Luật Pháp Môi-se, tội ngoại tình bị kết án tử hình. Xem chừng vua nghĩ rằng tội lỗi có thể được che giấu. Vì vậy ông gửi chiếu chỉ ra chiến trường, truyền lệnh cho U-ri trở về Giê-ru-sa-lem. Đa-vít hy vọng rằng U-ri sẽ ngủ lại nhà với Bát-Sê-ba, nhưng sự việc không xảy ra như thế. Giờ đây trong nỗi tuyệt vọng, Đa-vít cử U-ri trở lại chiến trường cùng với lá thư gửi cho Giô-áp, vị chỉ huy của đội quân. Thư chỉ thị rằng trong chiến trận phải đặt U-ri vào tình thế sẽ đưa đến tử vong. Giô-áp vâng lời, và U-ri bị giết. Sau khi Bát-Sê-ba đã để tang chồng theo phong tục, Đa-vít lấy nàng làm vợ.—2 Sa-mu-ên 11:1-27.

11. Na-than đã trình bày cho Đa-vít về tình huống nào, và ông đã phản ứng ra sao?

11 Âm mưu dường như đạt hiệu quả, nhưng lẽ ra Đa-vít phải biết rằng Đức Giê-hô-va thấy hết mọi việc. (Hê-bơ-rơ 4:13) Ngày tháng trôi qua, và đứa bé ra đời. Sau đó, Đức Chúa Trời sai tiên tri Na-than đến với Đa-vít. Nhà tiên tri trình bày cho vua về tình huống liên quan đến một người giàu tuy có nhiều chiên nhưng đã bắt và giết con chiên duy nhất, yêu quý của một người nghèo. Câu chuyện khơi dậy ý thức về công lý của Đa-vít nhưng ông không ngờ rằng còn có một ý nghĩa tiềm ẩn. Đa-vít mau lẹ kết án người giàu. Vô cùng tức giận, ông nói với Na-than: “Người đã phạm điều ấy thật đáng chết!”—2 Sa-mu-ên 12:1-6.

12. Đức Giê-hô-va đã đưa ra sự phán xét nào cho Đa-vít?

12 “Vua là người đó!” nhà tiên tri đáp. Đa-vít đã tự kết án mình. Chắc chắn, sự phẫn nộ của Đa-vít nhanh chóng biến thành nỗi hổ thẹn và buồn rầu sâu xa. Sững sờ, ông lắng nghe Na-than truyền sự phán xét không thể tránh được của Đức Giê-hô-va. Không có lời nào để xoa dịu hoặc an ủi. Qua việc làm ác, Đa-vít đã khinh thường lời của Đức Giê-hô-va. Chẳng phải ông đã giết U-ri bằng gươm của kẻ thù sao? Gươm sẽ không thôi hủy hoại nhà Đa-vít. Chẳng phải ông lén lút cướp vợ của U-ri sao? Điều ác tương tự sẽ giáng xuống nhà ông, không bí mật, nhưng công khai.—2 Sa-mu-ên 12:7-12.

13. Đa-vít đã phản ứng thế nào trước sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va?

13 Điều đáng khen nơi Đa-vít là ông đã không chối tội. Ông đã không nổi cơn thịnh nộ với tiên tri Na-than. Ông không đổ lỗi cho người khác hoặc biện minh cho việc mình đã làm. Khi đối chất về tội lỗi, Đa-vít nhận trách nhiệm, nói rằng: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va”. (2 Sa-mu-ên 12:13) Bài Thi-thiên 51 cho thấy nỗi khổ não về tội lỗi và sự ăn năn thống thiết của ông. Ông nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin chớ từ-bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh-Linh Chúa”. Ông tin rằng Đức Giê-hô-va, với lòng thương xót của Ngài, sẽ không khinh dể “lòng đau-thương thống-hối” vì tội lỗi. (Thi-thiên 51:11, 17) Đa-vít tiếp tục nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời. Dù không che chở Đa-vít khỏi hậu quả cay đắng của tội lỗi ông đã phạm, Đức Giê-hô-va tha thứ cho ông.

14. Chúng ta nên phản ứng thế nào đối với sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va?

14 Tất cả chúng ta đều bất toàn và phạm tội. (Rô-ma 3:23) Giống như Đa-vít, đôi khi chúng ta có thể sa vào tội nghiêm trọng. Như một người cha yêu thương sửa phạt con cái, Đức Giê-hô-va sửa dạy những ai cố gắng phụng sự Ngài. Tuy nhiên, dù sự sửa phạt có ích, điều đó cũng khó chấp nhận. Trên thực tế, đôi khi là cớ “buồn-bã”. (Hê-bơ-rơ 12:6, 11) Nhưng nếu “nghe lời khuyên-dạy”, chúng ta có thể được hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 8:33) Để tiếp tục được Đức Giê-hô-va ban thánh linh, chúng ta phải chấp nhận sự sửa dạy và nỗ lực để được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Chớ trông cậy nơi sự giàu có không chắc chắn

15. (a) Một số người dùng của cải theo những cách nào? (b) Đa-vít ao ước dùng sự giàu sang của mình như thế nào?

15 Không điều gì cho thấy Đa-vít xuất thân từ giai cấp quyền quý hoặc thuộc gia đình giàu có. Tuy nhiên, trong thời gian nắm vương quyền, Đa-vít đã giàu sang tột bực. Như chúng ta biết, nhiều người tích trữ của cải, tham lam tìm kiếm thêm, hoặc sử dụng của cải ấy một cách ích kỷ. Những người khác thì dùng tiền bạc để tự tôn vinh. (Ma-thi-ơ 6:2) Đa-vít đã dùng của cải mình theo cách khác. Ông ao ước tôn vinh Đức Giê-hô-va. Nói với Na-than, Đa-vít bày tỏ ước muốn xây một đền thờ cho Đức Giê-hô-va để đặt hòm giao ước, lúc bấy giờ “ở dưới màn-trướng” tại Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-hô-va đẹp lòng về ý định của Đa-vít, nhưng qua Na-than, Ngài phán rằng việc xây dựng đền thờ sẽ giao cho Sa-lô-môn, con trai Đa-vít.—2 Sa-mu-ên 7:1, 2, 12, 13.

16. Đa-vít đã chuẩn bị những gì cho công việc xây cất đền thờ?

16 Đa-vít đã chuẩn bị nguyên vật liệu để dùng vào dự án xây cất đồ sộ này. Đa-vít nói với Sa-lô-môn: “Ta đã sắm-sửa cho đền của Đức Giê-hô-va mười vạn ta-lâng vàng, một trăm vạn ta-lâng bạc; còn đồng và sắt thì không thể cân được, vì nó nhiều quá; ta lại dự-bị gỗ và đá; và con cũng sẽ thêm vào đó”. Từ tài sản riêng, ông đóng góp 3.000 ta-lâng vàng và 7.000 ta-lâng bạc. * (1 Sử-ký 22:14; 29:3, 4) Đa-vít đóng góp rộng rãi không phải để khoe khoang nhưng là sự thể hiện đức tin và lòng tin kính đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ý thức Nguồn của sự giàu có mình, ông nói với Đức Giê-hô-va: “Mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa”. (1 Sử-ký 29:14) Lòng rộng rãi của Đa-vít đã thôi thúc ông làm hết sức để phát huy sự thờ phượng thanh sạch.

17. Lời khuyên nơi 1 Ti-mô-thê 6:17-19 áp dụng thế nào cho cả người giàu lẫn người nghèo?

17 Tương tự thế, chúng ta có thể dùng tài sản mình để làm việc lành. Thay vì theo đuổi lối sống thiên về vật chất, tốt hơn là cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời—đó là đường lối của sự khôn ngoan và hạnh phúc thật. Phao-lô viết: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn-bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước-đức, kíp ban-phát và phân-chia của mình có, vậy thì dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền-vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật”. (1 Ti-mô-thê 6:17-19) Dù tình trạng tài chính của chúng ta thế nào, hãy nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời và theo đuổi đường lối sẽ làm cho chúng ta “giàu-có nơi Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 12:21) Không gì giá trị hơn vị thế được Cha yêu thương của chúng ta trên trời chấp nhận.

Đẹp lòng Đức Chúa Trời

18. Bằng cách nào Đa-vít đã nêu gương tốt cho tín đồ Đấng Christ?

18 Suốt cuộc đời, Đa-vít cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Trong bài hát, ông thốt lên: “Đức Chúa Trời ôi! xin thương-xót tôi, xin thương-xót tôi, vì linh-hồn tôi nương-náu nơi Chúa”. (Thi-thiên 57:1) Sự tin cậy của ông nơi Đức Giê-hô-va đã không vô ích. Đa-vít già nua, “thỏa nguyện về đời mình”. (1 Sử-ký 29:28) Mặc dù đã phạm những tội trọng, Đa-vít vẫn được ghi nhớ là một trong nhiều nhân chứng trung thành của Đức Chúa Trời đã thể hiện đức tin nổi bật.—Hê-bơ-rơ 11:32.

19. Làm thế nào chúng ta có thể đẹp lòng Đức Chúa Trời?

19 Khi đương đầu với những hoàn cảnh biến đổi trong đời sống, hãy nhớ rằng như Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ, củng cố và sửa dạy Đa-vít, Ngài cũng có thể làm điều tương tự cho bạn. Giống như Đa-vít, sứ đồ Phao-lô đã đương đầu với nhiều biến đổi trong đời sống. Nhưng ông vẫn giữ lòng trung thành bằng cách nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời. Ông viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. (Phi-líp 4:12, 13) Nếu chúng ta nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ giúp chúng ta thành công. Ngài muốn chúng ta thành công. Nếu chúng ta lắng nghe và đến gần Ngài, Ngài sẽ ban sức mạnh để chúng ta làm theo ý Ngài. Và nếu tiếp tục nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ “được đẹp lòng Đức Chúa Trời” bây giờ và mãi mãi.—2 Ti-mô-thê 2:15.

[Chú thích]

^ đ. 16 Theo tiêu chuẩn ngày nay, sự đóng góp của Đa-vít trị giá hơn 1.200.000.000 Mỹ kim.

Bạn trả lời ra sao?

• Làm thế nào chúng ta có thể đề phòng để tránh sự kiêu ngạo?

• Tại sao chúng ta không nên tự trả thù?

• Chúng ta nên có quan điểm thế nào về việc sửa phạt?

• Tại sao chúng ta nên tin cậy nơi Đức Chúa Trời chứ không phải nơi của cải?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16, 17]

Đa-vít nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời và cố gắng đẹp lòng Ngài. Bạn có làm như thế không?

[Hình nơi trang 18]

“Mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa”