Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành”

“Hãy vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành”

“Hãy vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành”

BẠN nghĩ có người lính nào trong thời chiến lại không vui khi được lệnh: “Hãy về với vợ con và gia đình ít ngày”?

Trong thời Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên, một người lính đã nhận được lệnh như thế. U-ri người Hê-tít được chính vua triệu đến và khuyến khích trở về nhà, nhưng ông đã từ chối. Khi được hỏi về thái độ lạ thường này, U-ri cho biết vì hòm giao ước, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và đội binh Y-sơ-ra-ên vẫn đang ngoài chiến trận. Ông hỏi: “Còn tôi lại vào nhà mình đặng ăn, uống, và ngủ cùng vợ mình sao?” Đối với U-ri, đó là điều không thể nghĩ đến trong một thời điểm gay cấn như thế.—2 Sa-mu-ên 11:8-11.

Cách cư xử của U-ri nêu lên một câu hỏi quan trọng, vì chúng ta cũng đang sống trong thời chiến. Một cuộc chiến hiện đang diễn ra ác liệt hơn bất cứ cuộc chiến nào đã từng xảy ra trên thế giới. Về tầm quan trọng thì hai cuộc thế chiến đã qua không thể so sánh bằng, và bạn cũng có liên quan đến cuộc chiến ấy. Trong cuộc chiến này, rủi ro thì nhiều, kẻ thù thì tàn bạo, và dù không có đạn nổ bom rơi, nhưng cũng rất cần những chiến lược khôn ngoan.

Trước khi tham chiến, bạn cần phải biết cuộc chiến này có đúng về mặt luân lý không và bạn đang chiến đấu cho điều gì. Có đáng để tham chiến không? Mục đích của cuộc chiến có một không hai này được sứ đồ Phao-lô cho biết trong lá thư gửi cho Ti-mô-thê: “Hãy vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành”. Thật vậy, trong cuộc chiến này, không phải bạn bảo vệ thành trì mà bảo vệ “đức-tin”, tức toàn bộ lẽ thật được ghi trong Kinh Thánh. Rõ ràng, bạn phải tuyệt đối tin vào “đức-tin” này để vì nó mà chiến đấu và chiến thắng.—1 Ti-mô-thê 6:12.

Một chiến binh thận trọng cố gắng nhận biết kẻ thù. Kẻ thù này có nhiều năm kinh nghiệm chiến trường, có nhiều tiềm lực và đủ loại vũ khí sẵn sàng sử dụng. Hắn siêu phàm, độc ác, tàn bạo và nhẫn tâm; hắn chính là Sa-tan. (1 Phi-e-rơ 5:8) Súng đạn cũng như mưu mô và mánh khóe xảo quyệt của con người cũng vô hiệu đối với hắn. (2 Cô-rinh-tô 10:4) Vậy bạn có thể dùng loại vũ khí nào trong trận chiến này?

Vũ khí chính yếu là “gươm của Đức Thánh-Linh, là lời Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 6:17) Sứ đồ Phao-lô cho thấy gươm này hữu hiệu như thế nào: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”. (Hê-bơ-rơ 4:12) Một vũ khí vô cùng sắc bén và chính xác, đến nỗi có thể thấu vào tư tưởng và động lực của một người, phải được dùng một cách khéo léo và thận trọng.

Có lẽ bạn biết một đội quân dù được trang bị vũ khí tối tân cách mấy nhưng sẽ vô ích nếu người lính thiếu kỹ năng sử dụng. Cũng vậy, bạn cần được hướng dẫn cách sử dụng gươm hữu hiệu. Mừng thay, luôn có sẵn những chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm huấn luyện bạn. Chúa Giê-su gọi những chiến sĩ này là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Ngài giao phó cho họ trách nhiệm cung cấp đồ ăn thiêng liêng đúng giờ, tức sự hướng dẫn, cho các môn đồ của ngài. (Ma-thi-ơ 24:45) Bạn có thể nhận diện lớp người đầy tớ này bằng cách quan sát nỗ lực dạy dỗ cũng như những lời cảnh báo đúng lúc về các chiến thuật của kẻ thù. Bằng chứng này cho thấy họ là các thành viên được xức dầu bằng thánh linh của hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va.—Khải-huyền 14:1.

Lớp người đầy tớ này không chỉ hướng dẫn mà còn thể hiện tinh thần giống như sứ đồ Phao-lô đã viết cho hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca: “Chúng tôi đã ăn-ở nhu-mì giữa anh em, như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8) Việc tận dụng sự huấn luyện đầy yêu thương này tùy thuộc nơi mỗi người lính tín đồ Đấng Christ.

Bộ khí giới đầy đủ

Một bộ khí giới đầy đủ theo nghĩa bóng được cung cấp để bảo vệ bạn. Bộ khí giới này được liệt kê nơi Ê-phê-sô 6:13-18. Một người lính cẩn trọng sẽ không liều ra trận nếu bộ khí giới thiêng liêng không đủ hoặc có vũ khí nào cần sửa chữa.

Tín đồ Đấng Christ cần toàn thể bộ khí giới, nhưng cái thuẫn đức tin là đặc biệt quan trọng. Đó là lý do tại sao Phao-lô viết: “[“Trên hết”, NW] lại phải lấy thêm đức-tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ”.—Ê-phê-sô 6:16.

Cái thuẫn lớn có thể che chắn toàn bộ cơ thể tượng trưng cho phẩm chất của đức tin. Bạn phải có đức tin mạnh mẽ nơi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, tin chắc mọi lời hứa của Ngài sẽ thành hiện thực. Bạn nên cảm thấy như thể những lời hứa đó đã được thực hiện rồi. Chớ bao giờ nghi ngờ về việc toàn thể hệ thống thế gian của Sa-tan sẽ sớm bị hủy diệt, trái đất sẽ trở thành địa đàng, và những người trung thành với Đức Chúa Trời sẽ được trở lại tình trạng hoàn toàn.—Ê-sai 33:24; 35:1, 2; Khải-huyền 19:17-21.

Tuy vậy, trong cuộc chiến đặc biệt hiện nay, ngoài bộ khí giới bạn cần thêm điều khác nữa—đó là một người bạn. Trong lúc chiến trận, tình bạn giữa đồng đội trở nên thân thiết khi họ khuyến khích, bảo vệ lẫn nhau, đôi khi che chở mạng sống cho nhau. Dù đồng đội là quan trọng, nhưng để sống sót qua trận chiến này thì chúng ta cần tình bạn với chính Đức Giê-hô-va. Chính vì vậy mà Phao-lô kết luận phần liệt kê bộ khí giới bằng những lời sau: “Hãy nhờ Đức Thánh-Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin”.—Ê-phê-sô 6:18.

Chúng ta thích ở gần một người bạn thân. Chúng ta muốn dành thời gian cho người đó. Khi thường xuyên nói chuyện với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, Ngài trở nên có thật đối với chúng ta như một người bạn đáng tin cậy. Môn đồ Gia-cơ khuyến khích chúng ta: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8.

Chiến thuật của kẻ thù

Tranh chiến với thế gian này đôi khi có thể giống như đi trên vùng đất có rải mìn. Kẻ thù tấn công tứ phía, cố bắt bạn lúc bạn không ngờ. Tuy nhiên, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va cung cấp tất cả những sự che chở mà bạn cần.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

Kẻ thù có thể tấn công mạnh vào lẽ thật Kinh Thánh vốn là nền tảng đức tin của bạn. Những kẻ bội đạo có thể dùng những lời êm tai, nịnh hót, và lối lý luận méo mó để đánh gục bạn. Họ không hề quan tâm đến hạnh phúc của bạn. Châm-ngôn 11:9 nói: “Kẻ ác lấy lời nói mà làm tàn-hại người lân-cận mình; còn các người công-bình nhờ tri-thức mà được cứu khỏi”.

Nếu nghĩ mình cần nghe hoặc đọc những tài liệu của những kẻ bội đạo để bác bẻ lại lập luận của họ thì đó là điều sai lầm. Lối lý luận méo mó, độc hại của họ có thể gây tổn hại về thiêng liêng và phá hoại đức tin của bạn giống như chùm bao ăn lan. (2 Ti-mô-thê 2:16, 17) Thay vì thế, hãy bắt chước cách Đức Chúa Trời đối xử với kẻ bội đạo. Gióp nói về Đức Giê-hô-va: “Kẻ vô-đạo chẳng được đến trước mặt Chúa”.—Gióp 13:16.

Có thể kẻ thù thử một chiến thuật khác đã khá thành công. Một đội quân đang tiến bước có thể bị xáo trộn nếu chiến sĩ bị dụ bỏ hàng để theo đuổi lối sống vô luân và phóng túng.

Các loại giải trí của thế gian như phim ảnh, chương trình truyền hình đồi trụy và nhạc cuồng loạn là những miếng mồi hữu hiệu. Một số người cho rằng họ có thể xem những cảnh vô luân hoặc đọc những ấn phẩm đồi trụy mà không bị ảnh hưởng. Nhưng một người từng hay xem phim khiêu dâm thành thật thú nhận: “Mình không bao giờ quên được những cảnh đó, càng xem mình càng cảm thấy muốn làm theo những gì đã xem... Phim ảnh khiến bạn nghĩ bạn đang thật sự thiếu thốn điều gì đó”. Tránh khỏi nguy cơ bị thương tích bởi cuộc tấn công tinh vi này có đáng không?

Một vũ khí khác của kẻ thù là cái bẫy về vật chất. Mối nguy hiểm này có thể khó nhận ra vì tất cả chúng ta đều cần vật chất. Chúng ta cần nhà cửa, thức ăn và quần áo. Việc có đồ đẹp cũng không có gì sai. Mối nguy hiểm nằm ở quan điểm của một người. Tiền bạc có thể trở nên quan trọng hơn những điều thiêng liêng. Chúng ta có thể trở nên ham tiền. Chúng ta nên luôn tự nhắc nhở là của cải vật chất chỉ có giá trị giới hạn. Vật chất chóng qua nhưng sự giàu có về thiêng liêng tồn tại mãi mãi.—Ma-thi-ơ 6:19, 20.

Nếu tinh thần chiến sĩ thấp thì ít có cơ hội chiến thắng. “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn-nạn, thì sức-lực con nhỏ-mọn thay”. (Châm-ngôn 24:10) Sự nản lòng là một vũ khí mà Sa-tan đã dùng hữu hiệu. “Lấy sự trông-cậy về sự cứu-rỗi làm mão-trụ” sẽ giúp bạn chống lại sự nản lòng. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8) Hãy cố giữ niềm hy vọng mạnh mẽ như Áp-ra-ham. Khi Đức Chúa Trời ra lệnh dâng con một của ông là Y-sác làm của-lễ, Áp-ra-ham đã không do dự. Ông tin Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa của Ngài là ban phước cho các dân qua dòng dõi của mình và Ngài sẽ làm Y-sác sống lại nếu cần để thực hiện lời hứa đó.—Hê-bơ-rơ 11:17-19.

Đừng bỏ cuộc chiến

Một số người đã chiến đấu anh dũng trong thời gian dài nay có thể sờn lòng và vì thế không còn chiến đấu hăng hái như trước nữa. Gương của U-ri được đề cập ở đầu bài này có thể giúp tất cả những người tham gia cuộc chiến giữ được quan điểm đúng. Nhiều chiến binh tín đồ Đấng Christ khác phải chịu đựng khó khăn, nguy hiểm hoặc chịu đói rét. Giống như U-ri, chúng ta không nên nghĩ về tất cả những tiện nghi mà mình có thể hưởng thụ ngay bây giờ hoặc chiều theo ham muốn một đời sống dễ dàng. Chúng ta muốn tiếp tục ở trong đội quân toàn cầu của Đức Giê-hô-va gồm những chiến sĩ trung thành và chiến đấu cho đến khi được hưởng ân phước tuyệt diệu dành cho chúng ta.—Hê-bơ-rơ 10:32-34.

Thật là nguy hiểm nếu chúng ta không cảnh giác vì nghĩ rằng cuộc tấn công cuối cùng hãy còn xa. Gương của Vua Đa-vít cho thấy rõ mối nguy hiểm này. Vì lý do nào đó ông đã không ra trận cùng binh lính mình. Kết cuộc, Đa-vít đã phạm tội nặng khiến ông đau khổ suốt quãng đời còn lại.—2 Sa-mu-ên 12:10-14.

Có đáng giá không khi tham gia cuộc chiến này, chiến đấu gian khổ, chịu đựng chế giễu, và từ bỏ thú vui thế gian không lành mạnh? Những ai đang chiến đấu thành công đều đồng ý rằng những điều thuộc thế gian có thể trông hấp dẫn giống như kim tuyến lấp lánh, nhưng khi nhìn kỹ thì chỉ là vật tầm thường. (Phi-líp 3:8) Hơn nữa, thường những thú vui này cuối cùng chỉ đem lại đau khổ và thất vọng.

Tín đồ Đấng Christ trong trận chiến thiêng liêng được hưởng tình bạn thân thiết với những người bạn thật, một lương tâm trong sạch và một hy vọng tuyệt diệu. Tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh trông chờ đời sống bất tử trên trời với Chúa Giê-su Christ. (1 Cô-rinh-tô 15:54) Đại đa số chiến sĩ tín đồ Đấng Christ hy vọng sự sống hoàn toàn trong địa đàng trên đất. Chắc chắn phần thưởng đó đáng giá hơn hết. Không giống các cuộc chiến của thế gian, chúng ta tất sẽ thắng trong cuộc chiến này miễn là giữ lòng trung thành. (Hê-bơ-rơ 11:1) Còn hệ thống do Sa-tan kiểm soát cuối cùng sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.​—2 Phi-e-rơ 3:10.

Trong lúc chiến đấu, hãy nhớ lời của Chúa Giê-su: “Hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế-gian rồi”. (Giăng 16:33) Ngài đã chiến thắng nhờ cảnh giác và trung kiên trong mọi thử thách. Chúng ta cũng có thể làm được như vậy.

[Câu nổi bật nơi trang 27]

Không có đạn nổ bom rơi, nhưng cũng rất cần những chiến lược khôn ngoan

[Câu nổi bật nơi trang 30]

Chúng ta tất sẽ thắng trong cuộc chiến này miễn là giữ lòng trung thành

[Hình nơi trang 26]

Sự cứu rỗi làm mão trụ sẽ giúp chúng ta chống lại sự nản lòng

Dùng cái thuẫn đức tin để chống đỡ “tên lửa” của Sa-tan

[Hình nơi trang 28]

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”

[Hình nơi trang 29]

Chúng ta phải tin chắc lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ thành tựu