Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thời kỳ này là những ngày sau rốt!

Thời kỳ này là những ngày sau rốt!

Chương 11

Thời kỳ này là những ngày sau rốt!

1. Tại sao nhiều người cảm thấy hơi hoang mang khi nghĩ đến tình hình thế giới, nhưng chúng ta tìm đâu ra sự giải thích đáng tin cậy về các biến cố trên thế giới?

LÀM SAO thế giới hỗn loạn của chúng ta lại đi đến độ này? Chúng ta sẽ đi về đâu? Bạn có bao giờ đặt những câu hỏi như thế không? Nhiều người cảm thấy hơi hoang mang khi họ xem qua tình hình thế giới. Những thực trạng như chiến tranh, bệnh tật và tội ác khiến người ta tự hỏi tương lai sẽ mang lại gì? Các người lãnh đạo chính phủ chỉ cho hy vọng mong manh. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cho chúng ta sự giải thích đáng tin cậy về thời kỳ khốn khổ này qua Lời của Ngài. Kinh-thánh chắc chắn giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta đang ở đâu theo dòng thời gian. Kinh-thánh cho chúng ta biết mình đang sống trong “những ngày sau-rốt” của hệ thống mọi sự hiện tại (II Ti-mô-thê 3:1).

2. Môn đồ hỏi Giê-su câu hỏi nào, và ngài trả lời ra sao?

2 Thí dụ, hãy xem xét câu trả lời của Giê-su về vài câu hỏi mà môn đồ ngài nêu lên. Ba ngày trước khi Giê-su chết, họ hỏi ngài: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra và có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?” * (Ma-thi-ơ 24:3, NW). Để trả lời, Giê-su nói về các biến cố và tình hình rõ rệt trên thế giới cho chúng ta thấy rõ hệ thống không tin kính này bước vào ngày sau rốt rồi.

3. Tại sao tình trạng trên đất trở nên tệ hơn khi Giê-su bắt đầu cai trị?

3 Như chương trước cho thấy, niên đại học của Kinh-thánh giúp chúng ta đi đến kết luận là Nước Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị rồi. Nhưng làm sao có được chuyện đó? Tình hình trở nên tệ hơn chứ không khả quan hơn. Thật ra, đây là dấu hiệu rõ rệt cho thấy Nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cai trị. Tại sao thế? Thi-thiên 110:2 cho chúng ta biết Giê-su sẽ cai trị ‘giữa các thù-nghịch ngài’ trong một thời gian. Thật vậy, với tư cách là Vua trên trời, việc đầu tiên ngài làm là đuổi Sa-tan cùng các quỉ của hắn xuống miền gần trái đất (Khải-huyền 12:9). Hậu quả là gì? Y như điều mà Khải-huyền 12:12 đã báo trước: “Khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”. Giờ đây chúng ta đang sống trong giai đoạn “thì-giờ còn chẳng bao nhiêu” đó.

4. Những ngày sau rốt có một số đặc điểm nào, và chúng cho thấy điều gì? (Xem khung).

4 Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi môn đồ hỏi Giê-su về điềm gì chỉ sự hiện diện của ngài và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự, câu trả lời của ngài là rõ ràng. Khung nơi trang 102 nêu ra nhiều phần khác nhau của điềm. Như bạn có thể thấy, những sứ đồ của đấng Christ là Phao-lô, Phi-e-rơ và Giăng cho chúng ta thêm nhiều chi tiết về những ngày sau rốt. Đành rằng phần lớn đặc điểm của điềm và của những ngày sau rốt bao hàm các tình trạng khốn khổ, nhưng sự ứng nghiệm của các lời tiên tri này làm cho chúng ta tin là hệ thống ác này gần chấm dứt rồi. Chúng ta hãy xem kỹ một số đặc điểm chính của những ngày sau rốt.

ĐẶC ĐIỂM CỦA NHỮNG NGÀY SAU RỐT

5, 6. Những lời tiên tri về chiến tranh và đói kém đã được ứng nghiệm thế nào?

5 Dân này sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia” (Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:4). Nhà văn Ernest Hemingway gọi Thế chiến I là “cuộc tàn sát lớn nhất, đầy sát khí nhất, sai quấy nhất đã từng xảy ra trên đất”. Theo sách The World in the Crucible—1914-1919, cuộc chiến này là “một phạm vi mới của chiến tranh, cuộc chiến toàn diện đầu tiên trong kinh nghiệm của loài người. Sự kéo dài, cường độ và quy mô của cuộc chiến này vượt hẳn những gì mà người ta đã biết hay thường nghĩ trước đó”. Rồi đến Thế chiến II tàn phá nhiều hơn Thế chiến I. Giáo sư lịch sử Hugh Thomas nói: “Súng liên thanh, xe tăng, phi cơ oanh tạc B-52, bom nguyên tử và cuối cùng, hỏa tiễn đã ngự trị thế kỷ hai mươi. Thế kỷ này được đánh dấu bằng các cuộc chiến đẫm máu và tàn phá nhiều hơn bất cứ thời đại nào khác”. Đành rằng người ta nói nhiều về việc giải trừ quân bị sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, nhưng một bản báo cáo ước lượng rằng sau khi cắt giảm như dự tính, vẫn còn lại 10.000 đến 20.000 đầu đạn hạch tâm—hơn 900 lần hỏa lực dùng trong Thế chiến II.

6 Sẽ có đói kém” (Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:5, 6, 8). Từ năm 1914 đến nay đã có ít nhất 20 nạn đói lớn. Những vùng bị nạn đói hoành hành gồm có Ấn Độ, Bangladesh, Burundi, Cam-bốt, Ethiopia, Hy Lạp, Nga, Nigeria, Rwanda, Somalia, Sudan và Trung Hoa. Nhưng nguyên nhân của nạn đói không phải lúc nào cũng tại sự thiếu thực phẩm. Một nhóm khoa học gia nông nghiệp và kinh tế gia kết luận: “Trong các thập niên gần đây, lượng thực phẩm của thế giới tăng nhanh hơn dân số. Nhưng vì có ít nhất 800 triệu người quá nghèo túng,... họ không thể nào mua đủ thực phẩm hầu tránh được nạn thiếu dinh dưỡng kinh niên”. Các trường hợp khác là vì có chính trị xen vào. Tiến sĩ Abdelgalil Elmekki của Trường đại học Toronto kể ra hai thí dụ cho thấy hàng ngàn người bị đói trong khi xứ họ xuất khẩu số lượng thực phẩm to lớn. Dường như các chính phủ quan tâm đến việc thu ngoại tệ để đài thọ chiến tranh của họ nhiều hơn là nuôi sống dân chúng. Tiến sĩ Elmekki kết luận ra sao? Nạn đói thường là “hậu quả của việc phân phối và chính sách nhà nước”.

7. Ngày nay chúng ta thấy những sự thật nào về dịch lệ?

7 “Dịch lệ” (Lu-ca 21:11; Khải-huyền 6:8). Bệnh cúm Y-pha-nho vào năm 1918-1919 đã giết hại ít nhất 21 triệu người. Ông A. A. Hoehling viết trong sách The Great Epidemic: “Trong lịch sử, loài người trên thế giới chưa bao giờ bị một căn bệnh giết hại nhiều người nhanh chóng đến thế”. Ngày nay, dịch lệ vẫn hoành hành. Mỗi năm, bệnh ung thư giết năm triệu người, các chứng bệnh tiêu chảy cướp mạng sống của hơn ba triệu trẻ sơ sinh và trẻ con, và bệnh lao phổi gây chết chóc cho ba triệu người. Bệnh nhiễm độc trong cơ quan hô hấp, nhất là bệnh viêm phổi, mỗi năm giết 3,5 triệu trẻ con dưới năm tuổi. Và một con số kinh khiếp 2,5 tỉ—phân nửa dân số thế giới—mắc phải những bệnh gây ra bởi sự thiếu nước hoặc nước bị ô nhiễm, và sự thiếu vệ sinh. Bệnh AIDS (Sida) lan tràn nhắc cho ta thấy rằng loài người không có khả năng bài trừ dịch lệ, dù họ đạt được các thành quả quan trọng về y khoa.

8. Người ta tỏ ra “tham tiền” như thế nào?

8 “Người ta... tham tiền” (II Ti-mô-thê 3:2). Tại nhiều xứ trên thế giới, người ta dường như có sự thèm muốn vô độ để được giàu có thêm. Người ta thường đo lường “sự thành công” bằng số lương lãnh được, và “thành quả” bằng cách xem một người có bao nhiêu tài sản. Phó giám đốc một cơ quan quảng cáo tuyên bố: “Chủ nghĩa vật chất sẽ tiếp tục là một trong những động lực thúc đẩy trong xã hội Hoa Kỳ..., và cũng là một mãnh lực càng ngày càng quan trọng trong các thị trường lớn khác”. Bạn có thấy điều này xảy ra nơi bạn ở không?

9. Chúng ta có thể nói gì về vấn đề nghịch cha mẹ mà Kinh-thánh báo trước?

9 “Nghịch cha mẹ” (II Ti-mô-thê 3:2). Ngày nay các bậc cha mẹ, thầy cô và những người khác thấy trước mắt có nhiều trẻ con vô lễ và ương ngạnh. Một số trẻ làm thế vì chống lại hoặc bắt chước cách cư xử xấu của cha mẹ chúng. Càng ngày càng có thêm trẻ con không tin tưởng nhà trường, luật lệ, tôn giáo và cha mẹ chúng, và còn chống đối lại nữa. Một giáo sư kỳ cựu nói: “Như một xu hướng, dường như chúng không tôn trọng bất cứ ai cả”. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nhiều trẻ con tin kính Đức Chúa Trời có hạnh kiểm gương mẫu.

10, 11. Có bằng chứng nào cho thấy người ta dữ tợn và thiếu tình cảm tự nhiên?

10 “Dữ-tợn” (II Ti-mô-thê 3:3). Chữ Hy-lạp dịch ra “dữ tợn” có nghĩa là ‘không thuần hóa, hoang dã, thiếu tính thông cảm và thấu cảm của loài người’. Lời này miêu tả đúng biết bao về nhiều thủ phạm gây ra sự hung bạo ngày nay! Một biên tập viên nói: “Đời sống thật đau buồn, đầy sự khủng khiếp đẫm máu đến độ cần lòng sắt dạ đá mới đọc được tin tức hàng ngày”. Một cảnh sát viên giữ an ninh khu chung cư nhận thấy nhiều thanh thiếu niên nhắm mắt hành động mà không cần biết đến hậu quả. Ông nói: “Chúng có cảm giác là ‘tôi bất cần ngày mai, tôi phải được cái tôi muốn ngay bây giờ’ ”.

11 “Vô-tình” (II Ti-mô-thê 3:3). Chữ này dịch ra từ chữ Hy-lạp có nghĩa là “không thương xót, vô nhân đạo” và có nghĩa là “thiếu tình thương tự nhiên, ruột thịt” (The New International Dictionary of New Testament Theology). Thật vậy, tình thương thường thấy thiếu chính trong môi trường mà đáng lý nó phải nẩy nở: đó là gia đình. Các báo cáo nói về sự đối đãi tồi tệ với người hôn phối, với con cái và ngay cả với cha mẹ già đã trở nên thông thường đến độ đáng ngại. Một đội nghiên cứu bình luận: “Sự hung bạo của người ta—dù là một tát tay hoặc xô đẩy, chém hoặc bắn—thường xảy ra trong phạm vi gia đình nhiều hơn là bất cứ nơi nào khác trong xã hội”.

12. Tại sao có thể nói người ta chỉ giữ sự nhơn đức bề ngoài mà thôi?

12 “Bề ngoài giữ điều nhơn-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhơn-đức đó” (II Ti-mô-thê 3:5). Kinh-thánh có quyền lực thay đổi đời sống cho tốt hơn (Ê-phê-sô 4:22-24). Thế nhưng nhiều người xem tôn giáo như một tấm bình phong để họ núp đằng sau tiếp tục làm những việc không công bình, làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Các người lãnh đạo tôn giáo thường dung túng cho việc nói dối, trộm cắp và hành vi vô luân. Nhiều tôn giáo giảng dạy về tình yêu thương nhưng ủng hộ chiến tranh. Một biên tập viên tạp chí India Today nhận xét: “Nhân danh Đấng Tạo hóa tối cao, người ta đã gây ra các hành động tàn ác ghê tởm nhất đối với người đồng loại”. Thật vậy, gần đây hai cuộc chiến đẫm máu nhất—Thế chiến I và II—đã bùng nổ ngay trong các nước tự xưng theo đấng Christ.

13. Có bằng chứng nào cho thấy trái đất bị hủy hoại?

13 “Hủy-phá thế gian” (Khải-huyền 11:18). Hơn 1.600 khoa học gia, gồm cả 104 người đoạt giải Nobel, trên khắp thế giới ký tên vào bản tuyên cáo do Nghiệp đoàn khoa học gia (Union of Concerned Scientists) đưa ra. Bản ấy nói: “Loài người và thiên nhiên đang kình chống nhau... Chỉ còn vài chục năm nữa là người ta sẽ mất cơ hội ngăn chặn tai họa sắp đến”. Bản báo cáo nói rằng người ta làm những điều đe dọa đến sự sống, các thực hành của họ “có lẽ thay đổi thế giới đến độ nó không thể duy trì sự sống theo cách mà chúng ta biết”. Họ kể ra những vấn đề khẩn cấp cần phải chú tâm như: lớp ozone kiệt quệ, nạn ô nhiễm nước, phá rừng, đất giảm năng suất và sự tuyệt chủng của nhiều loài vật cùng cây cối. Nghiệp đoàn nói: “Việc chúng ta sửa đổi mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau của sự sống có thể gây ra hiệu quả rộng lớn, gồm cả sự sụp đổ của hệ thống sinh học có cách thức tăng trưởng mà chúng ta không hiểu rõ”.

14. Làm sao bạn có thể chứng tỏ Ma-thi-ơ 24:14 đang được ứng nghiệm trong thời kỳ của chúng ta?

14 “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14). Giê-su báo trước là tin mừng về Nước Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Với sự giúp đỡ và ban phước của Đức Chúa Trời, hàng triệu Nhân-chứng Giê-hô-va đang dành hàng tỉ giờ để làm công việc rao giảng và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Đúng vậy, các Nhân-chứng nhận biết rằng họ sẽ bị mang nợ máu nếu không công bố tin mừng (Ê-xê-chi-ên 3:18, 19). Nhưng họ vui mừng là mỗi năm có hàng ngàn người hưởng ứng thông điệp Nước Trời với lòng biết ơn, và đứng về phía tín đồ thật của đấng Christ, tức là làm Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va. Được phụng sự Đức Giê-hô-va và rao truyền sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là một đặc ân vô giá. Và sau khi tin mừng được giảng ra khắp đất, sự cuối cùng của hệ thống ác này sẽ đến.

HƯỞNG ỨNG KHI THẤY BẰNG CHỨNG

15. Hệ thống ác hiện tại sẽ chấm dứt như thế nào?

15 Hệ thống này sẽ chấm dứt như thế nào? Kinh-thánh báo trước là “hoạn nạn lớn” sẽ bắt đầu khi phần tử chính trị của thế gian này tấn công “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả (Ma-thi-ơ 24:21; Khải-huyền 17:5, 16). Giê-su nói rằng vào lúc đó “mặt trời liền tối-tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế-lực của các từng trời rúng-động” (Ma-thi-ơ 24:29). Đây có thể là hiện tượng ở trên trời theo nghĩa đen. Dù sao chăng nữa, những người có danh vọng trong các tôn giáo sẽ bị vạch trần và loại trừ. Rồi Sa-tan, được gọi là “Gót ở đất Ma-gốc”, sẽ dùng những người bại hoại để mở cuộc tổng tấn công vào dân tộc của Đức Chúa Trời. Nhưng Sa-tan sẽ không thành công, vì Đức Chúa Trời sẽ cứu họ (Ê-xê-chi-ên 38:1, 2, 14-23). “Cơn đại-nạn” sẽ tiến đến cao điểm trong Ha-ma-ghê-đôn, “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”. Hoạn nạn này sẽ loại trừ hết mọi vết tích của tổ chức Sa-tan trên đất, mở đường cho nhân loại còn sống sót để nhận được những ân phước vô tận (Khải-huyền 7:9, 14; 11:15; 16:14, 16; 21:3, 4).

16. Làm sao chúng ta biết rằng các đặc điểm của ngày sau rốt mà Kinh-thánh tiên tri có áp dụng cho thời kỳ của chúng ta?

16 Nếu chỉ xem một số đặc điểm của lời tiên tri miêu tả những ngày sau rốt, thì dường như chúng có áp dụng cho những thời kỳ khác trong lịch sử. Nhưng khi tổng hợp lại, các bằng chứng được tiên tri đó chỉ về thời kỳ của chúng ta. Để thí dụ: Những đường chỉ tay tạo thành dấu tay của một người hợp thành một mẫu, không giống với mẫu của người nào khác. Tương tự như thế, những ngày sau rốt có những đặc điểm riêng biệt, hoặc những biến cố tạo thành một “dấu tay” không trùng với bất cứ một thời kỳ nào khác cả. Khi xem xét cùng với những dấu hiệu Kinh-thánh cho biết Nước trên trời của Đức Chúa Trời hiện đang cai trị, ta có bằng chứng vững vàng để kết luận thời kỳ này quả thật là những ngày sau rốt. Hơn nữa, Kinh-thánh cho thấy bằng chứng rõ ràng là hệ thống ác hiện tại sắp sửa bị hủy diệt.

17. Biết được thời kỳ này là những ngày sau rốt, chúng ta nên làm gì?

17 Bạn sẽ phản ứng ra sao khi thấy bằng chứng thời kỳ này là những ngày sau rốt? Hãy xem xét điều này: Nếu một cơn bão có sức tàn phá dữ dội sắp đến, chúng ta không chậm trễ dùng ngay biện pháp chống bão. Thế thì những gì Kinh-thánh báo trước về hệ thống hiện tại này phải thúc đẩy chúng ta hành động (Ma-thi-ơ 16:1-3). Chúng ta có thể thấy rõ là mình đang sống trong những ngày sau rốt của hệ thống thế gian này. Điều này nên thúc đẩy chúng ta sửa đổi những gì cần sửa đổi hầu nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 3:3, 10-12). Nói về chính mình là đấng cứu rỗi, Giê-su khẩn cấp kêu gọi: “Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người” (Lu-ca 21:34-36).

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số Kinh-thánh dùng chữ “thế gian” thay vì “hệ thống mọi sự”. Một tự điển (Expository Dictionary of New Testament Words của ông W. E. Vine) nói chữ Hy-lạp ai·onʹ “chỉ về một thời kỳ kéo dài không hạn định, hoặc thời gian được xem là có liên hệ đến những gì xảy ra trong giai đoạn đó”. Tự điển của Parkhurst (Greek and English Lexicon to the New Testament ở trang 17) có từ ngữ “hệ thống mọi sự này” khi bàn về việc dùng chữ ai·oʹnes (số nhiều) nơi Hê-bơ-rơ 1:2. Vậy, dịch “hệ thống mọi sự” là phù hợp với bản gốc trong tiếng Hy-lạp.

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Kinh-thánh báo trước điều gì về những diễn biến thế giới khi đấng Christ bắt đầu cai trị?

Những ngày sau rốt có một số đặc điểm nào?

Điều gì làm cho bạn tin thời kỳ này là những ngày sau rốt?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 102]

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHỮNG NGÀY SAU RỐT

• Chiến tranh chưa từng thấy (Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:4).

• Đói kém (Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:5, 6, 8).

• Dịch lệ (Lu-ca 21:11; Khải-huyền 6:8).

• Tội ác gia tăng (Ma-thi-ơ 24:12).

• Hủy phá trái đất (Khải-huyền 11:18).

• Động đất (Ma-thi-ơ 24:7).

• Thời kỳ khó khăn (II Ti-mô-thê 3:1).

• Tham tiền quá đáng (II Ti-mô-thê 3:2).

• Nghịch cha mẹ (II Ti-mô-thê 3:2).

• Thiếu tình cảm tự nhiên (II Ti-mô-thê 3:3).

• Ưa thích sự vui chơi hơn là Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:4).

• Thiếu tự chủ (II Ti-mô-thê 3:3).

• Không yêu mến điều lành (II Ti-mô-thê 3:3).

• Không để ý đến sự nguy hiểm sắp xảy ra (Ma-thi-ơ 24:39).

• Những kẻ chế giễu bác bỏ bằng chứng của ngày sau rốt (II Phi-e-rơ 3:3, 4).

• Rao giảng Nước Trời trên khắp đất (Ma-thi-ơ 24:14).

[Trang hình ảnh nơi trang 101]