Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Chăm sóc cây nho này”!

“Chăm sóc cây nho này”!

“Chăm sóc cây nho này”!

MƯỜI HAI người do thám đi thăm dò nhiều nơi trong Đất Hứa. Môi-se dặn họ phải quan sát dân tình và lấy mẫu các thứ trái cây ở đó đem về. Trái cây nào làm họ đặc biệt chú ý? Cách Hếp-rôn không xa, họ thấy một vườn nho có quả to đến độ chỉ một chùm mà cần đến hai người khiêng. Vì nho thu hoạch rất tốt, nên những người do thám gọi vùng đất màu mỡ đó là “khe Ếch-côn” hoặc “khe chùm nho”.—Dân-số Ký 13:21-24; cước chú.

Trong thế kỷ 19, một du khách đến thăm Palestine tường thuật: “Ếch-côn, hoặc thung lũng Nho... vẫn còn rất nhiều cây nho, và trái thì ngon nhất và lớn nhất trong xứ Palestine”. Mặc dù những cây nho ở Ếch-côn tươi tốt, nhưng vào thời Kinh Thánh được viết ra, hầu hết cả xứ Palestine đều trồng được loại nho ngon. Văn khố của Ê-díp-tô ghi lại rằng vua Pha-ra-ôn nhập khẩu nho từ xứ Ca-na-an.

Sách The Natural History of the Bible giải thích: “Những sườn đồi [ở Palestine] có đất đá sỏi, ánh nắng chan hòa cũng như nhiệt độ ấm áp vào mùa hè, và nước mưa thoát nhanh vào mùa đông. Tất cả những yếu tố này hợp lại khiến xứ ấy đặc biệt thích hợp để trồng nho”. Ê-sai cho biết là một vài vùng màu mỡ có đến cả hàng ngàn cây.—Ê-sai 7:23.

“Một xứ trồng nho”

Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng họ sẽ sống trong xứ có “dây nho, cây vả, cây lựu”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:8) Theo bách khoa tự điển Baker Encyclopedia of Bible Plants, “cây nho ở xứ Palestine xưa nhiều đến độ người ta thấy hạt nho tại hầu hết, nếu không nói là tại tất cả những nơi khai quật”. Những cây nho ở Đất Hứa sai trái đến độ ngay cả khi quân lính của Vua Nê-bu-cát-nết-sa tàn phá Giu-đa vào năm 607 TCN, những người còn ở lại trong xứ “thâu rượu và trái mùa hạ nhiều lắm”.—Giê-rê-mi 40:12; 52:16.

Để sản xuất nhiều rượu, những người Y-sơ-ra-ên trồng nho phải chăm sóc cây nho thật tốt. Sách Ê-sai miêu tả người đó phải đào những hòn đá lớn trước khi trồng “những gốc nho xinh-tốt” trong mảnh đất của mình bên sườn đồi, rồi dùng những hòn đá đó để dựng bức tường làm hàng rào. Bức tường này che chở vườn, không để súc vật giẫm nát cây cũng như ngăn chặn một số chồn, heo rừng cắn phá cây hoặc người ta trèo vào hái trộm. Người trồng nho có lẽ cũng đào một chỗ trũng ép rượu và xây một chòi nhỏ để có chỗ ở mát trong thời gian hái nho, là lúc nho cần được trông nom nhiều hơn. Sau khi làm tất cả những việc này, người trồng nho mới mong được mùa.—Ê-sai 5:1, 2. *

Để bảo đảm được trúng mùa, người trồng nho phải thường xuyên cắt tỉa để cây ra nhiều trái và vun xới đất để cỏ dại cũng như gai góc không mọc đầy vườn. Người đó có lẽ cần tưới nho vào những tháng hè nếu mùa xuân mưa không đủ nước.—Ê-sai 5:6; 18:5; 27:2-4.

Thu hoạch nho vào cuối mùa hè là lúc vui mừng hớn hở. (Ê-sai 16:10) Trong các lời ghi chú đầu bài của ba bài Thi-thiên, có cụm từ “dùng về nhạc-khí [“đàn”] ‘Ghi-tít’ ”. (Thi-thiên 8, 81, và 84) Từ về âm nhạc này không nói rõ là gì, nhưng được dịch là “nơi ép rượu” trong bản Septuagint và có thể ngụ ý là dân Y-sơ-ra-ên hát những bài Thi-thiên này vào lúc thu hoạch nho. Tuy nho chủ yếu dùng để làm rượu, nhưng dân Y-sơ-ra-ên cũng ăn nho tươi hoặc phơi khô để có thể dùng làm bánh.—2 Sa-mu-ên 6:19; 1 Sử-ký 16:3.

Cây nho của dân Y-sơ-ra-ên

Kinh Thánh nhiều lần miêu tả dân Đức Chúa Trời như là cây nho. Đây là một hình ảnh ẩn dụ thích hợp vì cây nho rất quan trọng đối với dân Y-sơ-ra-ên. Trong Thi-thiên 80, A-sáp so sánh dân Y-sơ-ra-ên với cây nho Đức Giê-hô-va trồng trong xứ Ca-na-an. Đất đai xứ này được phát quang để cây nho của dân Y-sơ-ra-ên có thể đâm chồi nẩy lộc và mọc lên cây tốt. Nhưng với thời gian, bức tường che chở bị sụp đổ. Dân chúng không còn tin cậy Đức Giê-hô-va, và Ngài không che chở họ nữa. Giống như heo rừng phá hại vườn nho, các nước thù nghịch liên tục cướp phá tài sản của dân Y-sơ-ra-ên. A-sáp cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để xứ sở được vinh quang trở lại như xưa. Ông cầu khẩn xin Ngài “chăm sóc cây nho này”.—Thi-thiên [Thánh Thi] 80:8-15; Bản Dịch Mới.

Ê-sai ví “nhà Y-sơ-ra-ên” như một vườn nho dần dần sinh ra “nho hoang” hoặc những trái thối rữa. (Ê-sai 5:2, 7) Nho hoang thì nhỏ hơn nho vườn và có rất ít thịt vì hạt to gần bằng trái. Nho hoang vô dụng, không làm rượu được và cũng không ăn được—một hình ảnh tượng trưng rất thích hợp cho dân tộc bội đạo và vi phạm luật pháp thay vì làm điều công bình. Trái vô dụng không phải là lỗi của Đấng trồng nho. Đức Giê-hô-va đã làm tất cả những gì Ngài có thể làm cho dân tộc Y-sơ-ra-ên được trù phú. Ngài hỏi: “Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng?”—Ê-sai 5:4.

Vì cây nho của nhà Y-sơ-ra-ên không sinh trái tốt, Đức Giê-hô-va cảnh cáo rằng Ngài sẽ hạ bức tường bao bọc mà Ngài đã dựng chung quanh dân Ngài. Ngài sẽ không còn tỉa cây nho và vun xới đất theo nghĩa bóng. Mưa mùa xuân cần thiết cho nho mọng nước sẽ không đến, và gai góc cùng với cỏ hoang sẽ mọc đầy vườn.—Ê-sai 5:5, 6.

Môi-se tiên tri rằng sự bội đạo của Y-sơ-ra-ên sẽ khiến cho ngay cả những vườn nho thật của họ cũng bị héo. “Ngươi trồng nho, song không được uống rượu và không gặt-hái chi hết, vì sâu-bọ sẽ ăn phá đi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:39) Cây nho có thể bị héo trong vòng hai ngày nếu sâu bọ ăn thân cây.—Ê-sai 24:7.

“Cây nho thật”

Giống như Đức Giê-hô-va ví Y-sơ-ra-ên với cây nho, Chúa Giê-su cũng dùng một hình ảnh ẩn dụ tương tự. Trong bữa tối mà nhiều người gọi là Bữa Tiệc Thánh, Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Ta là cây nho thật, còn Cha Ta là người trồng nho”. (Giăng 15:1, BDM) Chúa Giê-su so sánh môn đồ ngài như các nhánh nho. Các nhánh nho được chắc nhờ có thân cây. Cũng vậy, các môn đồ của Chúa Giê-su cũng phải tiếp tục ở trong ngài, kết hợp với ngài. Chúa Giê-su nói: “Ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được”. (Giăng 15:5) Người chủ vườn trồng nho để lấy trái, và Đức Giê-hô-va cũng vậy, Ngài muốn dân Ngài sinh ra bông trái thiêng liêng. Điều này mang lại sự mãn nguyện và vinh hiển cho Đức Chúa Trời, Đấng trồng nho.—Giăng 15:8.

Trong trường hợp của cây nho, cây có sai trái hay không đều tùy thuộc vào việc tỉa cành xén lá và Chúa Giê-su có nói về việc này. Người trồng nho có thể tỉa xén hai lần mỗi năm để cây sinh nhiều quả nhất. Trong những tháng mùa đông, người trồng nho có thể phải tỉa rất nhiều. Người đó cắt bỏ hầu hết các nhánh mọc năm trước và rất có thể chừa lại trên thân cây ba hoặc bốn nhánh, mỗi nhánh có một hoặc hai chồi. Những chồi mới nhô ra này, giống như những chồi năm trước, sẽ thành những nhánh nho đâm bông, nẩy trái vào các tháng hè. Cuối cùng, khi tỉa xong, người trồng nho đem đốt hết những nhánh mà ông đã tỉa.

Chúa Giê-su nói về việc tỉa xén kỹ càng này: “Nếu ai chẳng cứ ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy”. (Giăng 15:6) Tuy cây nho lúc này trông có vẻ trơ trụi, nhưng vào mùa xuân người trồng nho lại phải tỉa bớt đi nữa.

Chúa Giê-su phán: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết”. (Giăng 15:2) Điều này nói đến việc tỉa cây trong tương lai, sau khi cây bắt đầu xum xuê và những chùm nho non, nhỏ bé bắt đầu xuất hiện. Người trồng nho cẩn thận xem xét mỗi nhánh mới để coi nhánh nào có nho và nhánh nào không. Nếu cứ để những nhánh không ra quả, chúng sẽ hút chất dinh dưỡng và nước của thân cây. Vì thế, người trồng nho tỉa những nhánh này đi để chất dinh dưỡng nuôi những nhánh có trái mà thôi.

Sau hết Chúa Giê-su nói đến quy trình tỉa sửa thêm. Ngài giải thích: “Ngài tỉa-sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn”. (Giăng 15:2) Một khi tỉa các nhánh không có quả, người trồng nho cẩn thận xem xét từng nhánh có quả. Gần cuối các nhánh này, ông luôn luôn tìm thấy mầm mới nhú ra và cần phải ngắt đi. Nếu để cho mọc lên thì những mầm này sẽ hút hết nhựa rất cần thiết để nuôi nho. Một số lá to cũng cần phải ngắt đi để các quả nho non không bị che khuất ánh nắng. Đây là tất cả những bước hữu ích giúp các nhánh được sai trái.

“Kết nhiều quả”

Những nhánh tượng trưng của “cây nho thật” biểu trưng cho các tín đồ xức dầu. Tuy nhiên “chiên khác” cũng phải chứng tỏ mình là những môn đồ hữu dụng của Đấng Christ. (Giăng 10:16) Họ cũng sinh ra “lắm trái” và làm sáng danh Cha ở trên trời. (Giăng 15:5, 8) Lời minh họa của Chúa Giê-su về cây nho nhắc nhở chúng ta rằng sự cứu rỗi tùy thuộc vào việc chúng ta tiếp tục kết hợp với Đấng Christ và sinh nhiều bông trái thiêng liêng. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta, cũng như chính ta đã vâng-giữ các điều-răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu-thương Ngài”.—Giăng 15:10.

Vào thời Xa-cha-ri, Đức Chúa Trời hứa với một nhóm người Y-sơ-ra-ên trung thành còn sót lại là xứ họ một lần nữa lại được “hột giống bình-an; cây nho sẽ sanh trái, và đất sẽ sanh hoa-lợi”. (Xa-cha-ri 8:12) Cây nho cũng được dùng để miêu tả sự bình an mà dân Đức Chúa Trời sẽ được hưởng trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Mi-chê tiên tri: “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ; vì miệng Đức Giê-hô-va vạn-quân đã phán”.—Mi-chê 4:4.

[Chú thích]

^ đ. 7 Theo sách bách khoa Encyclopaedia Judaica, những người Y-sơ-ra-ên trồng nho ưa cây sinh quả nho đỏ thẫm gọi là sorek, loại cây mà dường như Ê-sai 5:2 nói đến. Khi làm rượu, loại nho này cho rượu vang đỏ ngọt.

[Hình nơi trang 18]

Một cây nho mới héo

[Hình nơi trang 18]

Tỉa cây nho vào mùa đông

[Hình nơi trang 18]

Đốt các nhánh nho đã tỉa